Ông đồ “Vũ Đình Liên”
tranh sơn dầu Bùi Xuân Phái
(1920 – 1988)
Của đáng tội vì tôi không biết gã là ai nên mới rách chuyện…
Chuyện là một ngày, thằng bạn đời điện thoại gửi gấm bạn của nó tới nhà tôi ăn chực ở đợ nhăm bữa. Gã từ Việt Nam qua đây rong chơi, tạt qua thành phố tôi đang trú ngụ có chút chuyện riêng tư. Theo như thằng bạn tôi thì trước 75, gã học Văn Khoa, ban Hán văn, và dậy học ở Sài Gòn. Nay gã có một quán trà đạo và vẽ thư pháp nên cũng thong dong một cõi. Ấy vậy mà trong khi tôi đang thất nghiệp, đang tiêu pha thì giờ với chuyện viết lách. Cũng chẳng dấu gì, nói chuyện viết lách cho hoách vậy thôi, chứ tôi không làm văn chương mà làm dáng chữ nghĩa thì đúng hơn. Vậy mà cái vốn Nho nhoe của tôi lại nông choèn, chữ nghĩa cứ xanh xao vẹo vọ mãi chỉ sợ bạn đọc chửi cho mục mả. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nay có túc duyên được làm quen gã là anh khóa, anh nhiêu tân thời, lại đồng canh, đồng tuế, thông tỏ, thông tuệ ba mớ chi hồ giả dã để tôi có cơ may biến cải càn khôn một phen thì còn gì bằng. Và tôi nghĩ vậy.
Nghe láo quáo thằng bạn đời cho hay thêm nữa là gã chỉ uống trà không uống rượu, tôi lại có bộ ấm gan gà Thế Đức nên cũng muốn khoe mẽ. Số là bộ ấm này của một cụ bạn già, cụ bê từ Bắc vào Nam, rồi khuân từ trong Nam qua đây. Một chiều trên bến nước, cụ cấn cho tồi trong một canh mạt chược thua lõ đít. Dài dòng như vậy là một nhẽ, đầu trở xuống cuống trở lên chẳng qua sau này tôi mới biết gã và tôi đều có chung cái thú tìm tòi mấy thứ mốc mẹo cũ rích, mặc dù chẳng ăn nhập gì với nhau.
Gặp gã tôi chịu đèn ngay vì trông gã rất nho gia với cặp kính tròn xoay. Trong buổi tiệc tẩy trần, qua thằng bạn tôi dặn dò, tôi uống rượu òng ọc như uống nước rau luộc, còn gã an nhiên tự tại với bộ ấm gan gà, với cái chén hạt mít mà tôi giữ như giữ mả tổ. Xong bữa, gã mặt nghiêm và buồn hỏi tại sao gã uống trà, tôi lại uống rượu. Tôi chớ phở ra, chưa kịp hiểu thì gã đã nói chữ là “vô tửu bất thành lể”. Tôi chưa kịp “hanh thông” mình có…thất lễ gì với gã chăng? Thì gã đã sổ nho “Biện tửu bất nan, thỉnh khách nan – Thỉnh khách bất ban, khoản khách nan”. Lần này may quá là may, gã diễn nôm rằng “Bày tiệc không khó, mời khách khó – Mời khách không khó, đãi khách khó”.
Rồi gã đủng đỉnh vào chuyện. Gã còn rào trước đón sau là chẳng có chữ nghĩa gì sất vì lập thân tối hạ thị văn chương. Tôi chắt bóp ngay đến “thị” là chợ, là như cụ Tản Đà mang văn lên bán chợ trời chẳng hạn. Và chuyện của gã như thế này đây…
***
”…Năm 2006 gã ra Hà Nội, ghé phố Nguyễn Khuyến tìm ít sách cổ, những
sách xửa xưa từ thập niên 30, 40 mà năm 54 người Hà Nội còn rơi rớt lại
trên hè phố. Xong việc, khi đứng bên bờ hồ Tây đợi cà phê xe, cà phê
gánh đi qua, những mặt hàng từ thời cụ Tản Đà, cụ Tú Mỡ còn sót lại. Mặt
hồ còn lạnh sương đêm. Gã đứng trong cái ánh sáng nhạt nhoà của buổi
sớm bình minh mùa hè mà lòng thanh thản. Cứ theo gã, gã thanh thản vì
kiếm được tiền, vừa đủ ăn, không đến nỗi lo ngày hai bữa.
Hồ Tây sáng sớm. Ven hồ còn vắng. Gã chợt thấy một lão ông ngoài lục
tuần đương ngồi gấp những con thuyền bằng giấy thả xuống mặt hồ. Lão gày
gò, nước da đen đủi, áo quần đã cũ nhưng vẫn có diện nho phong sĩ khi,
dáng dấp an nhiên. Bỗng khi không gã nhớ đến một truyện ngắn Những lá thuyền tre
của một nhà văn trẻ. Truyện viết một chàng trai, chiều chiều sếp lá tre
thành cái thuyền, từ đầu nguồn thả theo dòng xuống cuối nguồn cho người
tình ở cuối sông. Đại thể như trong bài Tương Tư của Lương Ý Nương với “Quân tại Tương Giang đầu – Thiếp tại Tương Giang vĩ “ thế thôi. Thế nhưng nghĩ lại nơi này chỉ là cái hồ, lão đây đã khọm, làm gì có chuyện “Tương tư bất tương kiến” và gã lắc đầu bỏ ngay ý bèo dạt nổi trôi ấy đi.
Nhưng nghĩ chuyện cũng lạ, gã vừa ngúc ngắc cái đầu đến gần để…tương kiến, tương thân. Lão nhìn gã thoáng qua rồi đăm đăm nhìn những con thuyền giấy nổi lềnh bềnh. Gã đến bên lão cầm một tờ giấy lão đương định gấp thuyền lên đọc. Chỉ thoáng qua vài hàng, gã nhận thấy đây là một áng văn hay, như ca dao có câu: “Văn hay chẳng luận đọc dài, vừa mở đầu bài đã thấy văn hay”. Gã nhỏ lời với lão điều ấy. Lão nín lặng. Gã dòm lão. Lão nhòm gã. Chỉ có tiếng âm u của gió vờn lá rụng.
Nói cho ngay, gã là người yêu văn chương, nhưng phải là văn chương chuyện tình của những người từng trải, già dặn. Gã cho rằng có lẽ lão đây là nhà văn lão thành, với bương trải cuối đời nào đó. Gã nhìn lão, định nói điều gì nhưng gã không nói nữa. Xưa nay gã vẫn trân trọng những nhà văn. Mặc dù họ trải đời nhưng tâm hồn họ mỏng như sợi tơ nhện, dễ đứt lắm. Gã liếc trộm lão. Lão có cái gì na ná như một…ông lão thất tình thật cũng nên.
Lão cứ nhàn nhã, chậm rãi gấp giấy. Gã cứ thảnh thơi, lờ lững đọc. Nhân bảo như thần bảo, va vào mắt gã là văn bài về Phạm Thái dẫn nhập bằng bài thơ:
Ta mượn nâu sòng che kiếm bạc
Mười năm gió núi lộng thư phòng
Rượu cạn bình khô chiều nắng tắt
Nhớ người tê buốt ngọn thu phong
Với thiển ý gã thì văn phong lão nào có khác chân cứ thung thăng bước mà không bị vướng vào câu, tay cứ tự nhiên vung vẩy mà không bị va vào chữ. Nhưng vì đây là chuyện kể, và gã chỉ nhớ mài mại theo dạng sử thi cương mục như dưới đây:
“…Phạm Thái là nghĩa sĩ thời Lê mạt, là một thuộc tướng của nghĩa binh chống nhà Tây Sơn. Mưu đồ thất bại, bị truy nã rất gắt nên phải ẩn thân chùa Tiêu Sơn, phủ Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông nấp bóng cửa thiền, lấy pháp danh là Phổ Chiếu Thiền sư.
Sau lại cùng bạn là Trương Đăng Thụ mưu việc khởi binh chống nhà Tây Sơn như trước. Việc lại thất bại nữa. Phạm Thái trút áo nhà sư để khoác áo thầy đồ. Chẳng ngờ chính lúc này là lúc định mệnh sắp bày cho ông và cô em gái của bạn, Trương Quỳnh Như. Làm thầy đồ ở nhà bạn, gặp em gái bạn vừa khuê các vừa thi thư làu thuộc, hai bên rất tương đắc. Tình cảm giưa hai người bắt đầu phát sinh. Trai tài gái sắc phải lòng nhau. Cả hai bắt đầu làm thơ tỏ tình trao gởi và hẹn ước nên duyên tơ tóc. Ông xin cưới, mẹ của Quỳnh Như không chịu gả. Quỳnh Như đau buồn rồi quyên sinh.
Ông đâm ra bất đắc chí vì đại sự không thành, duyên nợ lỡ dở nên lang thang đó đây, uống rượu tiêu sầu để quên đời. Phạm Thái sinh bệnh rồi mất năm 37 tuổi.
Năm 1804, Phạm Thái soạn truyện Sơ kính tân trang bằng chữ Nôm về chuyện tình của ông. Đồng thời ông cũng viết bài văn tế Khóc Trương Quỳnh Như. Đó cũng là bài phú dài nhất tự cổ chí kim nói lên chí khí cũng như cuộc tình Phạm Thái.
Khái Hưng dựa vào Sơ kính tân trang của Phạm Thái. Khái Hưng cũng vào chùa Tiêu Sơn viết truyện Tiêu Sơn Tráng Sĩ…”
Gối đầu lên thư kinh đã lâu, gã góp chuyện là Khái Hưng vào chùa ba tháng để viết truyện. Lão ừ hử rằng vậy ư! Lão bình thản âm ỉ tiếp: Khái Hưng vào chùa Long Giáng ở Đông Triều viết Hồn Bướm Mơ Tiên. Đây là tác phẩm đầu tay của ông viết năm 1933, và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Năm 1940 ông viết Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Vậy mà qua hai tác phẩm, khung cảnh chùa Long Giáng và chùa Tiêu Sơn có những nét giống nhau.
Miệng gã há ra…u ơ thấy rõ. Nhưng không có nét bình thản như lão.
***
Cả hai vừa đứng nói chuyện trống không vừa nhìn những con thuyền
giấy, nó không chịu trôi ra xa. Khéo nó là một phần máu thịt của lão, dù
lão có hắt hủi nó cũng không nỡ ra đi. Gã chẳng biết làm thế nào, chẳng
nhẽ gã lại đứng nhìn lão xua đuổi những đứa con tinh thần do lão đẻ ra.
Còn đi khuyên bảo một người lớn tuổi hơn mình thì thật chẳng giống ai.
Gã xắn quần lên lội ra ven hồ. Gã vớt những chiếc thuyền giấy của lão.
Lão nhìn gã bằng con mắt ngẩn ngơ, ngơ ngẩn rồi lại tiếp tục thả. May mà
buổi sáng bên hồ không có ai, nếu không gã lại trở thành một thằng ngớ
ngẩn nốt. Đất nước, con người bây giờ họ làm điều gì cũng vì miếng cơm,
manh áo, có ai lại làm những điều ngớ ngẩn như lão và gã!
Lão lặng lẽ thả. Gã xắn quần vớt. Tất cả khoảng chục con thuyền giấy.
Người thả thuyền thì hết giấy. Người vớt thuyền là gã đây cũng xong
việc. Gã ôm những con thuyền giấy lên ghế đá ngồi. Gã gỡ từng con thuyền
ra, xếp lại theo số trang. Đó là những tờ giấy chữ đánh máy, chúng bị
hắt hủi, bị nước hồ dày vò đến thảm thiết.
Lão thản nhiên châm thuốc. Người hết giấy gấp thuyền ngồi tư lự. Mùa hè
bắt đầu nắng đỏ. Nó báo hiệu một ngày nóng bỏng. Gã giở bản thảo lão ra
đọc. Lạ hơn nữa là truyện lão viết về những tác giả đã quá vãng mà gã
chỉ biết qua cái tên như Nguyễn Bá Trác…Khổ một nỗi những chiếc
thuyền giấy bị thấm nước, chữ nghĩaa loang lổ nên gã phải mò mẫm, đoán
chừng. Gã đọc mãi, quên tịt cả con người ngồi ven hồ. Gã bị rơi vào thế
giới khác, cái thế giới gã chưa một lần nhìn thấy và lẽ dĩ nhiên không
thuộc về gã. Bao nhiêu năm qua gã bị cằn đi vì tuổi tác, vì cơm áo gạo
tiền, hôm nay gã mới thấy mình…già đi. Bao năm qua, gã quên mất gã, như
người đời làm như vô tình, đã quên đi những tác giả vang bóng một thời.
Ngay chính gã đây, bây giờ mới thấy…
Gã thầm nhủ một ngày nào đó, gã sẽ viết về họ như lão.
***
Gã đi lại phía lão, giờ này đi uống cà phê thì quá trễ. Gã nhìn quanh
quất, những gánh cà phê hay xe cà phê dạo cũng biến đâu mất tiêu theo
những chiến thuyền giấy. Đi ăn trưa lại quá sớm, giống như người xưa,
bằng hữu phải thết bằng hảo tửu. Chợt nhớ đến câu thơ của Phạm Thái “Rượu cạn bình khô chiều nắng tắt – Nhớ người tê buốt ngọn thu phong” vì vậy gã mời lão đi ăn…thịt chó.
Gã với lão ngồi trong quán nhà sàn ở khu Nhật Tân …
Đất trời còn sớm sủa, vậy mà người Thăng Long ngàn năm văn vật cũng có dăm mống, như ngày nào năm cũ ở phố Hàng Hòm, ngõ Cống Chéo. Những anh nhiêu, anh khóa đẳng cấp tôn ti với chiếu hoa cặp điều, tới trước thì mời quan bác lên chõng trên, chậm chân thôi cũng đành để quan anh an vị dưới đất thô, mục hạ vô nhân nhưng cũng chiếu cói như ai. Gã ngó quanh ngó quất thăm chừng, thôi thì thượng điền tích thủy, hạ điền khan, nhắm cái dồi trước đã…Gã dòm lão ngỏ ý bắt cút rượu nếp than cho ra dáng tang bồng hồ thỉ. Im tăm tắp. Lão nhòm gã lắc đầu đòi uống trà…móc câu.
Dở sấp giấy ra, vừa nhâm nhi chữ nghĩa vừa thưởng trà. Nhưng nước hơi non, trà không chín được, cứ nổi phềnh lên, dạt cả vào miệng chén. Trà nhạt hoen hóet như nước lã ao bèo, vậy mà gã uống như voi uống thuốc gió. Lão lơ đãng đảo mắt ra ngoài bờ đê, gió sông Hồng hiu hiu thổi và…thổi nhẹ tách trà, nhấp từng ngụm nhỏ. Gã đọc tác giả Chu Thiên không ra vì chữ nghĩa bị nhòe nhoẹt nước. Rồi đến Đồ Tố. Gã hỏi Đồ Tố là ai? Lão ứ hự là cụ Ngô Tất Tố viết Lều Chõng. Gã thở phào nhẹ nhõm nay mới thực mục sở thị tác giả Lều Chõng của một thời bút nghiên. Với gã thì cụ Đồ Tố không ngoài “Bao năm tháng thân chìm vào bóng – Thân về trời bóng vẫn ngồi im”. Lão
như cái bóng ngồi im. Tĩnh lặng. Gã chiêu niệm chữ nghĩa tiếp. Rồi, lại
thêm một chuyện tình, lại vẫn chữ đẹp như thư pháp vậy. Văn chương
thiên cổ sự của lão vẫn thế, vẫn có khi chỉ phẩy vài cái mà lột được hết
hồn vía của nhân vật. Gã bày tỏ cảm nhận, cảm quan với lão. Lão im ắng.
Lão nhòm gã. Gã dòm lão. Chỉ có tiếng ầm ì của sóng nước cùng những con
chữ nhẩy múa trên mặt giấy…
“…Mỗi năm khi hoa đào nở, tôi lại đến thăm nhà thơ Tú Sót (tên thật là Chu Thành), một ông đồ trong nhóm Cảo thơm thư hiên. Trong cái thanh tịnh của một sớm đầu xuân Bính Tuất, nhà thơ Tú Sót kể lại cho tôi nghe buổi “hầu chuyện” thơ của ông với cụ Vũ Đình Liên cách đây vừa đúng 15 năm, như một dấu ấn với tác giả bài thơ “Ông đồ”. Đây cũng là buổi “hầu chuyện” cuối cùng của ông Tú Sót với tác giả Ông đồ vì sau đó vài năm, thi sĩ tài hoa này đã về nơi vĩnh hằng.
Ông đồ “Vũ Đình Liên”
tranh sơn dầu Bùi Xuân Phái
(1920 – 1988)
Thật ra ý định ghi lại xuất xứ bài thơ Ông đồ đăng trên báo Tinh Hoa
năm 1936 được ông Tú ấp ủ từ năm 1989, nhưng rồi cứ nấn ná vì lý do này
nọ mà chưa thực hiện được. Và ngày 24/10/1991, một buổi chiều thu nhạt
nắng, sau khi thắp hương viếng phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ
Tú Sót tức ông đồ xứ Nghệ đã mời nhà thơ Vũ Đình Liên lại nhà mình để
được hầu chuyện.
Kể lại kỷ niệm này, ông rưng rưng: “Rất ít người biết rằng, bài thơ
Ông đồ và nhiều bài thơ khác của cụ Vũ Đình Liên còn nặng kỷ niệm về
người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã
theo cụ trọn cuộc đời. Bà chẳng làm nghề gì cao sang, chỉ là cô hàng xén
ở phố Hàng Bồ.
Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn, nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó…
Vì bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Họ
ngồi cạnh nhau nhiều tháng trên hè phố cùng kiếm sống nhưng cũng không
bị “pu-lít” đuổi phạt bao giờ.
Thời đó, kẻ sĩ nước mình có mấy ai giàu. Ông đồ nghèo đến nỗi không có
nhà phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, mà còn không có cả tiền mua giấy nên
phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần
với tay về phía cô hàng xén: “Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái
bút”, vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu
sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một
anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh cô hàng xén và ông đồ
hàn nho mãi tự vào trong lòng.
***
Đầu óc gã rối như canh hẹ với ông đồ Nghệ Tú Sót nào nữa đây? Sách vở gã
mua cả đống, chưa đóng thùng còn để đó. Vậy mà vẫn chung chiêng, chống
chếnh cấm có hay, với gã ông Tú chỉ là “Bóng chiều đậu xuống bờ vai – Đời còn sót lại một vài bóng quen”. Gã đắm chìm trong một thời nho học với áo the, guốc mộc:
Tranh “Ông đồ” của cụ Tú Kính ở Huế
phỏng theo bức họa Ông Đồ “Vũ Đình Liên”
của Bùi Xuân Phái.
“…Cụ Tú Sót chậm rãi: “Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng, là những nỗi buồn khắc khoải mà không viết ra không thể tháo cởi nỗi lòng mình được”.
Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh Ông đồ chỉ bằng một câu vè:
Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ.
Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu
Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui xuân, nhà thơ đã cảm hoài nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa dân gian. Chỉ kịp nghĩ đến đó, nhà thơ bỗng bật lên nỗi niềm thương xót kẻ “hàn nho mãi tự“:
Năm nay đào lại nở.
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ.
Hồn ở đâu bây giờ?!.
Sau này, khi bài thơ Ông đồ đã trở thành một tác phẩm văn học về
niềm hoài cổ thì có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông “vua
cười”, cười bật máu ra đầu ngòi bút thì nhà thơ Vũ Đình Liên phải là ông
“vua khóc”, khóc tuôn ra đầu bút những dòng nước mắt, tiếng khóc lay
động cả những tâm hồn vô cảm nhất.
Tâm sự điều này với người bạn thơ Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên mắt ngấn nước:
“Nhưng ông ạ, có lúc tôi cảm hoài bài thơ Ông đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại”.
Câu chuyện nhớ bạn, nhớ cảnh, nhớ tình này, đủ thấy mối thâm tình của
hai tâm hồn hoài cổ đồng điệu. Tôi chợt nhớ mấy vần thơ cuối trong bài
thơ “Gửi tác giả bài thơ Ông đồ” của nhà thơ Tú Sót:
Ông đồ sống lại khóc nhà thơ.
Hay là xót mới với thương xưa.
Tiếng nấc nối liền bao thế kỷ.
Nhà thơ nay lại hóa thành thơ.
Ông Tú Sót gắn những năm cuối đời của mình với nhóm “Cảo thơm thư hiên” ở góc phố Bà Triệu qua bài thơ “Gửi tác giả bài thơ Ông đồ” trên.
Ông đã mãi mãi trở thành “người muôn năm cũ” từ mùa hạ 2006.
***
Gọi ấm trà mới, vừa nhấp từng ngụm, từng ngụm nhỏ thấy không đến nỗi nào. Gã vừa vu vơ về người tình của lão là những con thuyền giấy nhỏ, lão chia tay với người tình chữ nghĩa này, thì người tình văn chương khác lại đến với lão. Với văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn nhân tâm, hiểu theo nghĩa là văn chương là việc ngàn đời, hay dở do lòng lão biết thôi.
Từ chuyện tình của cụ Vũ Đình Liên với cô hàng xén, gã lai quay quắt với chuyện nhà. Số phận của gã đã được an bài. Mai đây gã phải về sông chung với mụ vợ vừa xấu, vừa đen và cực kỳ kinh tế. Bao giờ cũng vậy, khi gã về nhà, thị cũng dí cái mũi tẹt vào mồm gã ngửi mùi…rượu. Vừa đối ẩm, gã vừa giải bày những gì trong đầu cho lão nghe. Trầm ngâm một lát, lão ậm ừ chỉ có thế thôi ư! Lão chép miệng cũng bình thường thôi, vì còn những chuyện khác nữa.
Gã dòm lão. Lão nhòm gã và bảo hãy xem những chuyện khác nữa…
“…Vũ Trọng Phụng, bạn học của Vũ Đình Liên qua đời, ông điếu bạn mình bằng vào một bài thơ:
Thiên cổ văn hào anh Phụng ơi!
Ai hơn anh tha thiết tình người
Một thân mang cả muôn vàn nghiệp
Một phận đôi chung vạn ức đời
Trong một chuyến về quê, nhà thơ Vũ Đình Liên cùng người bạn đi qua cái cầu xi măng, cầu khá dài. Nhà thơ hỏi người bạn và được biết cầu tên là cầu Trò và lai lịch của cái tên. Nguyên ngày xưa có cô nhà trò đi hát đêm, sáng sớm về qua lạch nước con thì gặp mưa gió, bị cảm lạnh và chết. Dân làng đem chôn trên bờ ngòi và lập miếu thờ.
Người bạn kể chuyện thật tự nhiên nhưng đã để lại cho người nghe niềm xúc cảm, xót thương day dứt. Tác giả bài thơ Ông đồ
nghĩ đến số phận đáng thương của những người phụ nữ nghèo khổ, có nhan
sắc, có tài hoa đã phải mang tài sắc ấy mua vui cho người, cuối cùng
phải chết một cách đau thương như Đạm Tiên trong Truyện Kiều hay Phăng-tin trong Những người khốn khổ.
Trở về Hà Nội, Vũ Đình Liên bị ám ảnh khôn nguôi câu chuyện về người kỹ nữ tài sắc nhưng yểu mệnh, Vũ Đình Liên đã làm bài thơ Người kỹ nữ cầu Trò:
Đường về Hà Nội, cầu Trò qua
Nghe chuyện người xưa, dạ xót xa
Đêm tiệc ai say làm phách đổ
Mai sương người thấm lớp mưa sa
Hai manh xiêm áo, khôn ngăn giá
Nửa kiếp phong trần luống rụng hoa
Ví phỏng Nguyễn Du còn bút lệ
Đoạn trường thêm mấy khúc bi ca
Khi đã xong bài thơ, Vũ Đình Liên tâm sự với họa sĩ Bùi Xuân Phái: “Tôi vừa đặt bút thì bỗng nhiên thấy trong lòng có một rạo rực lạ lùng như có một sự cố gì bất thường sắp xảy ra. Một cơn gió lạnh nổi lên từ phía Bắc, thổi lùa vào cánh cửa phòng, đưa theo tiếng người vừa xa, vừa gần, ngâm nga lời bài thơ như từ phương trời âm u nào vọng tới. Tôi vội vàng ghi lại và ngạc nhiên, hoảng hốt thấy bài thơ mới như họa đúng vần bài trước của tôi”. Bài thơ như sau:
Một mái liêu xiêu năm tháng qua
Bên cầu nắng dãi với mưa sa
Trăm năm chồng chất oan hồn nặng
Nửa kiếp lạnh lùng ân ái xa
Ông kể, giữa đêm khuya thanh vắng khi ấy, chỉ thấy có tiếng gió nhẹ ngoài song, lại như nghe rõ tiếng nói người xưa, rồi chợt như thấy dưới ánh đèn khuya mờ ảo hình ảnh của một kỹ nữ yểu điệu ngồi trên chiếu hoa, nâng nhẹ hai chiếc dùi mở đầu một nhịp phách nửa buồn nửa vui tưởng như tiếng lệ rơi trên tà áo lụa, tiếng ngọc rơi trên mâm vàng… Một không gian mộng mị liêu trai làm lòng người xao động làm sao.
Sáng hôm sau, ông dậy thật sớm và đem bản thảo bài thơ “Người kỹ nữ cầu Trò” đi bộ đến “Gác treo tám thước nhà anh Phái – Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy“. Đó là căn gác xép của Bùi Xuân Phái, các tiên sinh thủa đó vẫn thường gọi đùa là “Gác treo”. Nhà thơ Vũ Đình Liên hễ làm được bài thơ nào hay là ông đến gặp Bùi Xuân Phái để đọc thơ và sau đó, ông nhờ bạn minh họa bài thơ đó. Ông cũng có làm một bài thơ về bạn là bài “Gửi Bùi Xuân Phái”:
Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương
Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp
Đốt trái tim trầm gửi gió hương
***
Đọc xong, gã vuốt thẳng những con thuyền giấy đưa cho lão. Gã lâm râm với lão là dậu đổ bìm leo, gã cũng muốn có một văn bài có văn có truyện về những người muôn năm cũ như hai tác giả Nguyễn Bá Trác, Chu Thiên. Lão ậm ừ ắt hẳn là Chu Thiên Hoàng Minh Giám, người của đèn sách, của văn học?. Chứ chẳng phải là Hoàng Minh Giám cây đa, cây đề của chốn Ba Đình!. Nước ao mà vỗ lên hồ, gã biện bạch nhưng ấy chỉ thuật nhi bất tác, hiểu theo nghĩa không sáng tác mà chỉ kể chuyện cho vui một vài trống canh đấy thôi. Lão ừ à. Lão vỗ vai gã. Cả hai chia tay. May là mùa hạ. Một ngày nóng bỏng. Ve sầu kêu đến chết lịm trên những ngọn cây. Những con thuyền giấy sẽ không phải chia lìa lão nữa.
Lúc này gã mới ớ ra chưa biết danh tính, thổ ngơi lão. Gã dòm lão, đứng lên gã thủ lễ vấn danh. Lão nhòm gã cười xa vắng. Rồi thì tắt lặng. Trong không gian mộng mị liêu trai xao động. Tắt đến mấy giây. Lão đứng lên, đập nhẹ vai gã mấy cái. Một cơn gió lạnh lùa vào phòng, đưa theo tiếng người vừa xa, vừa gần…lão là…là…ông Tú Sót.
Bóng lão khuất nẻo gần cuối con đường Nhật Tân. Bờ vai còm cõi, dáng đi gù gù như chúi người về phía trước. Lão và cái bóng của lão ngả nghiêng xa dần. Cả hai nhập làm một như cái chấm than rồi mất hút ở một góc đường không một bóng người. Gã bần thần, gãbâng khuâng với “Chữ nghĩa của người này – Là cái bóng của người kia”.
***
Để chấm dứt câu chuyện, gã rì rầm với tôi là “Hình như trong lòng ai cũng có bóng của một vài con thuyền giấy. Bạn đừng để nó trôi đi, nếu nó trôi đi mất thì cuộc đời buồn lắm”. Mấy ngày dăm bữa cũng qua mau, trước ngày trở về thổ ngơi bản quán, tôi bầy ra cơm cà dưa muối và uống trà Tầu với gã. Tôi nhờ gã viết cho một bức thư pháp để đánh dấu cái tình tri âm, tri ngộ. Gã lấy giấy bút đã thủ sẵn, trải giấy lên mặt bàn miệng lẩm nhẩm “Tương kiến diệc thời nan – biệt diệc nan”. Mặt tôi chảy dài ngay đơ cán cuốc vì chẳng hiểu ất giáp gì? Tôi chưa kịp hỏi thì gã đã nhoáng nhoàng phóng bút xong. Rầy rà hơn nữa là lõ mắt nhìn…tôi chẳng thấy….tương kiến, tương bần đâu cả! Mà bằng vào một câu khác mới đổ nợ!
Bức thư pháp to đùng được treo lên tường, những ngày sau đó tôi đứng cả một hồi lâu ngắm hàng chữ Quốc ngữ nhẩy múa như rồng bay phượng múa: “Viễn ly vô lượng kiếp – Bất xích nhất sát na”. Thêm một lần mặt tôi đực ra như ngỗng ỉa vì chẳng hiểu mấy chữ Nho nhoe này nghĩa khỉ khô gì. Bốc điện thoại viễn liên hỏi thằng bạn đời, và được giảng giải ấy là “tình bạn dù xa cách nhưng thật gần”.
Tôi kể cho bạn nghe chuyện gã và lão ông bên Hồ Tây. Dường như thằng bạn tôi cũng thuộc diện thông tỏ mọi chuyện như gã, cười cái hậc: “Nó bịa đấy, thời buổi này làm gì có cà phê gánh với cà phê xe” và dóng dứ: “Nó và lão thả thuyền giấy là…một, là… “Khi hai người gặp nhau – Họ chỉ còn một bóng”.
Tôi cho thằng bạn đời tôi biết thêm gã là con tầm nhả tơ, đang thái nghén một bài viết về người về tự trăm năm. Thằng này cùng giuộc với gã thật, giời chưa mưa ếch nhái đã nhẩy ra hồ rồi. Bạn tôi cười bép, giọng uôm uôm:
“Ngoài Nguyễn Bá Trác, Chu Thiên. Rồi ra còn ai? “.
Ừ nhỉ, còn ai nữa trên chiếc thuyền giấy sắp tới? Tôi nặn óc nghĩ không ra!
Thạch trúc gia trang
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nguồn:
Nguyễn Thị Ấm, Lê Chánh Thiêm, Nhật Chung.
bài viết rất hay
Trả lờiXóa