Tôi biết trên thế giới Tây
phương có nhiều đứa con không dám đi du lịch xa, vì sợ con mèo, con chó
hay bầy cá ở nhà không ai cho chúng ăn hay săn sóc, nhưng cha mẹ già thì
đã có những nhà dưỡng lão. Thậm chí trong
tình vợ chồng, người vợ còn mạnh khỏe, siêng đi lễ hay lên chùa, nhưng
chồng thì cô đơn, trên chiếc xe lăn trong một nhà già quạnh hiu nào đó.
Chúng ta có bao nhiêu lý do
để bào chữa, biện minh cho việc bỏ bê cha mẹ già trong một cơ quan y tế,
được cho ăn mỗi bữa, áo quần có người giặt, vài ba ngày được đẩy xe vào
phòng tắm, trần truồng và được cô y tá
hay một nam nhân viên dội nước, xát xà phòng, vo đầu. Những việc săn
sóc này dù có mang chút tình người đi nữa thì cũng là những công việc
hằng ngày bắt buộc, thương ghét hay xúc động chỉ là những cảm tính vô
ích.
Có những đứa con nại cớ bù
đầu với công việc ở sở, và việc con cái bếp núc ở nhà nên không có thời
gian dành cho cha mẹ già, đành phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Gần
đây người ta lên tiếng hoan nghênh những người
phụ nữ hy sinh lợi tức để ở nhà toàn thời gian chăm nom, săn sóc con
cái, nhưng nào có ai nghe chuyện có những đứa con bỏ việc làm vì còn cha
mẹ cần sự giúp đỡ lúc về già! Người ta thường kêu than không có thời
giờ, “đầu tắt, mặt tối” nhưng còn có thời gian
mua sắm trong các cửa hàng thời trang, mất một hai tiếng đồng hồ trong
gym mỗi ngày, năm giờ cho một chương trình ca nhạc ở sòng bài, không
tính thời giờ đi về. Đó là chưa kể thời gian “bắt buộc” phải ngồi trước
máy điện toán, vào Facebook, hay trao đổi tin
nhắn với bạn bè.
Người ta có thể mỗi năm tổ
chức những chuyến du lịch bắt buộc, ra ngoài để mở tầm mắt trước thế
giới, nhưng “nhắm mắt” làm ngơ về một lần sắp xếp thời gian đi thăm cha
mẹ già.
Ngày xưa một người mẹ nuôi
được năm mười đứa con, ngày nay cả năm mười đứa con không nuôi nổi được
một mẹ, phải chăng vì vậy mà phải đẩy mẹ vào nhà dưỡng lão, để cho những
người xa lạ trông coi. Ở đây có khi mẹ
thiếu ăn, cơ thể mất nước, dơ bẩn trong mớ phân và nước tiểu, bị đối xử
tàn tệ, cũng chẳng hề ai biết đến. Ngày xưa “bên ướt mẹ nằm, bên ráo
con lăn,” không có bậc cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt trước cảnh con đói
khát hay bị lăng nhục bởi một người khác.
Con biết giờ đây, “một ông già bằng ba đứa trẻ” cha “lẩm cẩm” bước đi, và mẹ phải nương lưng nhờ gậy chống.
Xưa kia khi các con còn thơ
ấu, thân xác chưa trưởng thành và tâm hồn con yếu đuối, điều một điều
hai vẫn là mẹ. Một đứa trẻ có thể biết lạnh, biết nóng, biết đói, biết
khát, biết đau, nên khóc la, nhưng chóng quên,
khóc đó rồi cười đó. Trái lại, một ông già còn biết buồn, biết tủi
thân, biết xót xa mà chỉ biết gậm nhấm mang lấy nỗi buồn của riêng của
mình, nên tuổi già cũng cần chăm sóc, gần gũi, ân cần như là một đứa
trẻ, có khi còn hơn thế nữa!
Thói quen của người đời,
người ta thường hỏi nhau có được mấy con, mấy ai quan tâm xem song thân
còn hay mất! Đối với cha mẹ, con là tất cả, nhưng đối với con, cha mẹ là
một thứ quá khứ cần xếp lại.
Ngày xưa, niềm vui của cha
mẹ là nghe tiếng đứa con chập chững bi bô, hay toét miệng cười, ngày nay
cha mẹ về già, các con ở xa, chỉ mong nghe tiếng điện thoại reo vui vào
những ngày lễ, Tết, và đầu điện thoại bên
kia có tiếng nói: “Mẹ ơi!” hay “Mẹ đó hả?” Trong cái tổ ấm cúng ngày
xưa, và là cái tổ trống hoác ngày nay, khi các con đã đi xa, những cái
phòng của các con vẫn để trống, biết đâu có ngày con về thăm bố mẹ. Con
búp bê bằng nhựa, con gấu nhồi bông vẫn còn
trên chiếc dương cầm phủ bụi của con gái, tủ sách, nhiều giải thưởng và
những lá cờ kỷ niệm của trường đại học vẫn còn gắn trên bức tường trong
phòng đứa con trai. Và ngôi vườn kia, đã đầy lớp lá vàng vào Thu hay
phủ tuyết mùa Đông, cái ghế xích đu ngoài vườn
ngày trước con thích ngồi, vẫn rung khẽ cùng cơn gió nhẹ.
Nhiều lúc cha mẹ muốn bán
ngôi nhà cũ đầy ắp kỷ niệm, nhiều phòng, để đi tìm một cái condo, nhưng
cứ nghĩ khi con về, và còn những đứa cháu nữa, sẽ ở đâu?
Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru
mình bằng bốn tiếng “nước mắt chảy xuôi” là mọi chuyện đều cho qua,
nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ
như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến,
bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi.
Nhưng có lẽ mọi điều không phải như vậy, dù bên trời Tây hay bên phương Đông.
Chúng tôi vừa được xem một đoạn phim rất ngắn kể chuyện một người già cô đơn ở phương Tây.
Những ngày lễ lớn năm nay,
cô con gái tin cho biết là cô không về thăm cha được vì bận việc. Ông cụ
lủi thủi một mình, cô đơn trong căn nhà nhỏ với những bữa cơm lặng lẽ
hàng ngày. Nhưng rồi, cô con gái nhận được
tin cha mình qua đời đột ngột, cô thu xếp cùng chồng trở về nhà.
Trên bậc cửa, cô thấy người
cha thân yêu của cô hiện ra với tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. Cô bật
khóc. Phải chăng vì nghe tin cha chết, cô mới trở về, trong khi còn
sống, người cha cần có con, thì không có cô
bên cạnh.
Nhưng cũng còn may. Cách đây
mười mấy năm ở Paris, vào mùa Hè, có một trận nóng kinh khủng giết hàng
trăm cụ già trong nhà dưỡng lão. Nhà nước thông báo cho những đứa con
trở về lo chôn cất. Nhưng chúng, nhiều đứa
đành xin lỗi, vì đang kẹt trong chuyến du lịch dài ngày ở xa!
Huy Phương
Hãy quan tâ đến người già
Trả lờiXóa