Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

TRUYỆN BANZAN TÌM THẦY ĐỂ HỌC - Nguyễn Sơn Hùng


 TRUYỆN BANZAN TÌM THẦY ĐỂ HỌC


Nguyễn Sơn Hùng

***

   Được giới thiệu của con rể của lãnh chúa Ikeda Terumasa, năm 16 tuổi (1634) Kumazawa Banzan đã phục vụ cho cháu nội ông là Ikeda Mitsumasa, sau là lãnh chúa của phiên Okayama. Năm 1637 (19 tuổi) Banzan xin đi tùng quân dẹp loạn nhưng không được chấp nhận nên trở về quê. Sau đó Banzan đi đây đó để tìm thầy học. Năm 1641 (23 tuổi) trên đường tìm thầy, khi nghe một võ sĩ (samurai) ở quán trọ kể lại chuyện người dẫn ngựa mướn ở quê của Nakae Tôju (1), Banzan quyết định đến nhà Tôju xin được học.

   Đến nhà riêng cũng là nơi Tôju đang dạy học cho các trẻ em trong thôn, Banzan trình bày nguyện vọng và cúi thấp đầu xin Tôju nhận làm học trò. Tôju (34 tuổi) rất ngạc nhiên vì trước nay tiên sinh chỉ nhận học trò ở thôn, không có samurai nào ở nơi xa đến yêu cầu như vậy. Tiên sinh đã lễ độ từ chối thỉnh nguyện của chàng samurai trẻ tuổi. Nhưng thanh niên Banzan vẫn kiên trì, anh không thể nào bỏ đi một người mà anh đã quyết định chọn làm thầy. Tuy nhiên ý chí cũng người thầy cũng kiên cố, bởi vì tiên sinh nghĩ chắc chắn người khách kia đã hiểu lầm, mình chỉ là thầy của trẻ trong thôn.

   Đây là giằng co giữa lòng kiên trì của người ham học và tinh thần khiêm tốn của bậc thầy dạy.

   Khi chàng thanh niên biết rằng dù có nói hoặc thỉnh nguyện thế nào cũng không ích lợi gì cho việc thầy chấp nhận cho học nên quyết ý lấy sự bền tâm của mình để khắc phục tinh thần khiêm tốn của thánh nhân. Do đó anh lấy áo khoác bên ngoài trải ra ở gần cửa sảnh trước nhà, ngồi giữ đúng tư thế, đặt 2 kiếm của samurai bên cạnh, và 2 tay để trên đầu gối. Mặc cho nắng, mưa hoặc tiếng xì xào ngạc nhiên không hiểu của người đi đường qua lại, chàng thanh niên vẫn ngồi yên tĩnh tọa. Lúc đó vào mùa hè và địa phương này rất nhiều muỗi nhưng thanh niên nhất quyết đạt được mục đích của mình nên tư thế không hề thay đổi. Ba ngày ba đêm trôi qua. Tấm lòng cầu khẩn không lời hình như đã truyền đến người thầy trong nhà nhưng vẫn không có được một lời chấp nhận của thầy!

   Khi đó người mẹ của Tôju, người mẹ mà tiên sinh đã từ bỏ tất cả địa vị cao quý do ông nội để lại để về quê phụng dưỡng, mới đứng ra làm trung gian. Bà đã nghĩ “Chắc chắn không nên để con bà phụ lòng của một thanh niên đã thỉnh nguyện con bà với tấm lòng thành như vậy. Phải chăng con bà nên nhận lời hơn là từ chối”. Nghe mẹ mình nói thế, người thầy cũng bắt đầu nghĩ lại: “Mẹ đã nói vậy, chắc chắn không sai”. Kết quả người thầy chịu thua và nhận chàng samurai làm học trò. Đó là truyện Banzan tìm thầy để học.

   Trong quyển sách “Những Người Nhật Tiêu Biểu” (2) của Uchimura Kanzô, tác giả đã đánh việc Tôju nhận Banzan làm học trò như sau: “Giả sử học trò của Tôju chỉ có Banzan thì người Nhật vẫn nhớ ông như một trong những người có ơn lớn nhất của đất nước. Bởi vì người học trò này hiểu rõ ràng thấu đáo ý nghĩa công việc lớn muốn làm của thầy mình nên về người học trò Banzan cần phải viết thêm một quyển sách khác”.

   Do hoàn cảnh gia đình, Banzan học trực tiếp với Tôju chỉ được khoảng 8 tháng. Trong lời mở đầu bài thơ tiển Banzan về quê, Tôju viết: “Thông qua đồng thanh đã có được đồng khí của nhau. Thảo luận trong lúc giảng tập, tâm và tâm đã thông với nhau” (đại ý). Khi Tôju đọc được học thuyết của Vương Dương Minh, Tôju rất vui mừng và cho người truyền đạt nội dung tiên sinh đã lĩnh hội được cho Banzan. Tôju mất sớm, Banzan nối tiếp chí của thầy như Kanzô đã đánh giá. Tuy nhiên việc đời không dễ: các bạn đồng môn khác đã phê phán chỉ trích Banzan kịch liệt. Việc này xin được phép để dịp khác sẽ giới thiệu đến quý độc giả.


Nguyễn Sơn Hùng

31/12/2021


Ghi chú

  1.  Nguyễn Sơn Hùng (2021): “Nhật Bản: Nhờ đâu tiếng thơm vẫn còn?”

http://erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/Nhat-Ban-Nho-Dau-12032021.htm

  1. Năm nhân vật được tác giả chọn làm tiêu biểu: Saigô Takamori, Uesugi Yôzan, Ninomiya Sontoku, Nakae Tôju, Nichiren.


Tài liệu tham khảo

  1. Uchimura Kanzô: Representative Men of Japan (tiếng Anh), The Keiseisha, 1910.

  2. Itô Tasaburô: Danh trước của Nhật Bản 11: Nakae Tôju & Kumazawa Banzan, Chuokôronsha, 1976.


1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...