Tôi nhặt được cái hình này với nội dung rất thú vị và tha thiết muốn gửi tới các bạn.
Anh tài xế là đồng minh của tôi, ai biết anh này chỉ cho tôi để tôi mời anh ấy một ly cà phê thay lời cảm ơn.
Nếu trí nhớ của tôi không sai thì hồi lớp 4 cô giáo đã dạy cho về vấn đề chủ ngữ và vị ngữ, bổ ngữ, trạng từ, tính từ, danh từ...
Mấy cái lộn xộn kia khỏi cần nhớ cũng được nhưng buộc PHẢI nhớ là một câu cần có chủ ngữ và vị ngữ.
Đặc biệt khi bạn nói với người lớn hơn mình thì điều đó còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.
Tại sao khi các bạn nói với sếp của mình, bạn không dám nói giọng đó nhưng khi nói với một ông tài xế thì chủ ngữ bỗng mất đi đâu?
"Ghé trạm". Đó là mệnh lệnh, bạn không có quyền ra lệnh đối với tài xế. Trên xe bus hầu hết (tôi nói hầu hết nhé) là sinh viên và nhân viên văn phòng. Các bạn là người có học, vậy tại sao mình lại không mang cái văn hóa của mình để sử dụng ở nơi công cộng? Một lời nói tử tế không mất gì nhưng sẽ nâng tầm văn hóa của mình lên.
Văn hóa là gì? Là cái cách mình ứng xử với mọi người.
Việc cho tiền một người kém may mắn, mình vuốt tờ tiền ra rồi đưa, đó là văn hóa.
Nếu dùng cái thẻ giữ xe bằng giấy thì trước khi đưa, mình vuốt nó thẳng ra rồi mới đưa cho anh bảo vệ, đó là văn hóa.
Vào nhà xe, dựng cái xe cho ngay hàng thẳng lối, gạt 2 cái để chân lên để khỏi làm phiền người khác. Đó là văn hóa.
Thực ra, khái niệm văn hóa rất đơn giản nhưng nhiều người không hiểu và không những thế, đôi khi họ còn hiểu lầm với việc có trình độ là có văn hóa.
Điều đó sai.
Một anh tiến sĩ, một bà giáo sư trẻ, khi đi trên xe bus cũng nói "ghé trạm" kiểu như một mệnh lệnh thì đó là thiếu văn hóa.
Tài xế cho dù có người chỉ học hết lớp 9 nhưng họ cũng là một con người và họ có lòng tự trọng và nếu một ông tiến sĩ muốn một ông tài xế học ít hơn tôn trọng lại thì trước hết chính ông tiến sĩ phải tôn trọng người ta trước đã.
Ở cái xã hội này có nhiều người khoe bằng cấp loạn cả lên, lúc nào cũng muốn cho người ta biết mình là ông nọ, bà kia, nhưng.
Kể cả anh không có bằng cấp gì nhưng cách nói chuyện có văn hóa, có sự tử tế thì anh vẫn được tôn trọng. Bằng cấp chỉ là cái giấy xác nhận việc bạn học xong một chương trình, không nói lên cái văn hóa của bạn.
Chính vì vậy đôi khi người ta nói "Trình độ lớp 2 văn hóa lớp 1" là vì vậy.
Mỗi khi tôi điền vào tờ sơ yếu lý lịch, tôi rất dị ứng với cái dòng chữ: Trình độ văn hóa. Cái đó sai vì chưa chắc có trình độ đã có văn hóa và ngược lại. Câu đó nên đổi thành TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN thì hợp lý hơn mà mãi không thấy ai đổi.
P/S: Mỗi khi tôi trả lời tin nhắn của các bạn, đôi khi không đủ chủ ngữ là do tôi quá nhiều tin nhắn mà thời gian thì ít cho nên phải ngắn gọn, điều đó không có nghĩa là tôi không tôn trọng các bạn. Mong các bạn hiểu và thông cảm.
nói gì cũng phải có văn hóa
Trả lờiXóa