Trước khi tự tử, 3 chị em trong cùng một gia đình ở thành phố Jaipur, Ấn Độ, để lại lời nhắn buộc tội gia đình nhà chồng đã đẩy họ đến bước đường cùng.
Kalu, Kamlesh và Mamta Meena là nạn nhân của một vụ tranh chấp liên quan đến của hồi môn, một món tiền lớn ở Ấn Độ thường được bố mẹ nhà cô dâu trả cho nhà chồng sau khi con gái kết hôn.
Người thân của gia đình Meena cho biết, 3 chị em được gả cho các anh em trong cùng một gia đình và sống chung một nhà. Tuy nhiên, chị em nhà Meena luôn bị chồng cùng gia đình chồng bạo hành và ngược đãi.
Trong thư tuyệt mệnh của mình, ba chị em cho biết họ luôn bị bạo hành khi cha mẹ của họ không thể đáp ứng đòi hỏi về tiền bạc của nhà chồng.
Thảm kịch
Thi thể của 3 chị em xấu số được tìm thấy trong một cái giếng gần nhà chồng trong ngôi làng ở ngoại ô thành phố Jaipur, Ấn Độ.
Cùng với đó là thi thể của người con trai 4 tuổi và đứa con sơ sinh của Kalu. Cả Kamlesh và Mamta cũng đang mang thai khi họ qua đời.
Ba chị em Mamta, Kalu và Kamlesh đã liên tục bị bạo hành kể từ khi vè nhà chồng. Ảnh: AFP
Chúng tôi không muốn chết. Nhưng chúng tôi thà chết còn hơn là tiếp tục bị bạo hành. Gia đình nhà chồng là lý do chúng tôi chọn cái chết. Chúng tôi thà chết cùng nhau còn hơn là chết dần mỗi ngày", lời tuyệt mệnh của một trong số các chị em để lại trên mạng xã hội.
Trả lời AFP, sĩ quan cảnh sát tại thành phố Jaipur cho biết nhà chức trách đang điều tra cái chết của 3 chị em dựa trên cơ sở đây là một vụ tự tử.
Ông Sardar Meena, cha của 3 nạn nhân, cho biết các con của ông đã phải trải qua một cuộc sống như địa ngục trần gian, bị nhà chồng cấm đi học và bị ngược đãi để đòi thêm tiền hồi môn.
"Chúng tôi đã cho họ quá nhiều thứ rồi. Có thể thấy trong nhà họ có biết bao nhiêu đồ đạc mà gia đình tôi đã chu cấp", ông Sardar cho biết, vừa đếm những chiếc giường, tủ lạnh, tivi mà ông đã mua cho nhà chồng của các con gái.
"Tôi có 6 người con gái, tôi không thể chu cấp cho chúng quá nhiều được. Chỉ riêng việc đáp ứng chi phí đi học cho các con tôi đã rất khó khăn rồi", ông Meena - người cha chỉ có thu nhập ít ỏi từ nghề làm nông - chia sẻ.
Cảnh sát Ấn Độ cho tới nay đã bắt giữ 3 người chồng, mẹ chồng và chị chồng của 3 chị em nhà Meena với các cáo buộc quấy rối đòi của hồi môn và bạo lực gia đình.
"Danh dự của gia đình"
Từ hơn 60 năm trước, Ấn Độ ra lệnh cấm tục lệ đưa của hồi môn và coi việc tống tiền hay đòi khoản tiền này là hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, tục lệ này vẫn tồn tại trong xã hội, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, nơi định kiến coi phụ nữ như một gánh nặng kinh tế vẫn còn tồn tại.
Theo các cơ quan truyền thông địa phương, từng có nhiều vụ giết người xuất phát từ tranh chấp tài sản hôn nhân được ghi nhận tại những khu vực.
Vào năm 2021, một người đàn ông ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ đã bị phạt tù chung thân sau khi người này dùng rắn độc để giết vợ và chiếm đoạt tài sản, bao gồm một chiếc ôtô mới và khoản tiền hồi môn trị giá 6.500 USD.
Hệ thống tòa án của Ấn Độ cũng đã có những hình phạt mạnh mẽ đối với các trường hợp quấy rối đòi tiền hồi môn. Vào tháng 5, một người đàn ông tại bang Kerala đã bị tuyên 10 năm tù giam do có hành vi quấy rồi đòi tiền hồi môn từ vợ mình, khiến cô phải tự sát.
Việc Ấn Độ được biết tới là một đất nước có tỷ lệ ly hôn thấp ở mức 1% cũng khiến cho nhiều người phụ nữ bị bạo hành không dám kết thúc cuộc hôn nhân của họ.
Đối với chị em nhà Meena, rời khỏi cuộc hôn nhân không phải là một lựa chọn mặc dù những người thân của 3 chị em đều biết họ bị bạo hành.
"Một khi chúng đã kết hôn, tôi nghĩ rằng các con mình cần phải sống ở nhà chồng, để bảo toàn danh dự của gia đình. Nếu tôi cho chúng được kết hôn với những người khác mà tình hình trở nên tồi tệ hơn thì gia đình tôi sẽ mất hết thể diện", ông Sardar cho biết.
"Bước đường cùng"
Theo Cục Thống kê Số liệu Tội phạm Ấn Độ, có gần 7.000 vụ án mạng có liên quan đến của hồi môn được ghi nhận trong năm 2020 - tương đương với 19 phụ nữ qua đời mỗi ngày vì vấn nạn này.
Cơ quan này cũng cho biết có hơn 1.700 người phụ nữ đã tự sát trong năm 2020 do những tranh chấp có liên quan đến của hồi môn.
Cả hai thống kê trên chỉ đại diện cho những vụ việc được trình báo với các cơ quan cảnh sát tại Ấn Độ. Các chuyên gia cho biết giống với các hành vi bạo lực gia đình khác, số các vụ việc bạo lực có liên quan đến của hồi môn trên thực tế còn cao hơn nhiều.
"Chỉ dựa trên những số liệu chính thức, mỗi giờ, có từ 30 đến 40 phụ nữ ở Ấn Độ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Con số thực tế còn cao hơn rất nhiều", Kavita Srivastava, một nhà hoạt động đến từ Liên đoàn Tự do Dân sự Ấn Độ cho biết.
Theo bà Srivastava, cái chết của 3 chị em nhà Meena và các vụ tranh chấp liên quan đến của hồi môn chỉ là một phần của tình trạng bạo lực gia đình và kìm hãm tự do của phụ nữ tại Ấn Độ.
Bà Srivastava cho rằng nguyên nhân căn bản của tình trạng này đến từ sự chấp nhận của xã hội Ấn Độ đối với những hành vi bạo lực gia đình, khiến phụ nữ phải chịu cảnh bị áp bức và mắc kẹt trong các mối quan hệ bạo hành.
Nhiều phụ nữ ở Ấn Độ bị rao đấu giá trên mạng
Cảnh sát Ấn Độ đang điều tra các cuộc đấu giá trực tuyến, rao bán hàng chục phụ nữ theo đạo Hồi. Nhà chức trách phủ nhận đây là hành động kỳ thị tôn giáo.
Cặp vợ chồng Australia ép người phụ nữ Ấn Độ làm nô lệ suốt 8 năm
Một cặp vợ chồng tại Australia bị tuyên án 8 năm tù, do giam giữ và bóc lột sức lao động của một người phụ nữ Ấn Độ trong khoảng thời gian tương tự.
hủ tục này nên dẹp bỏ
Trả lờiXóa