Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

Chọn lựa điện hạt nhân (Diển Đàn Khai Phóng )

Vì sao điện hạt nhân có thể là lựa chọn duy nhất của chúng ta

Tác giả: BRIAN BETHUNE, July 13, 2020, CPA Canada
Người dịch: Lê Nguyễn

                                    ****

Ghi chú: Châu Âu đang nhanh chóng thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Châu Âu đã lệ thuộc rất lâu vào nhiên liệu hóa thạch mua từ Nga. Việc Nga quyết tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraine và có triển vọng đe dọa an ninh các nước Đông Âu và ngay cả toàn Châu Âu, có thể là có lý do tiềm ẩn từ việc lệ thuộc đó. Vấn đề an ninh cho Châu Âu đã trở nên vô cùng thúc bách, nó cũng thôi thúc Châu Âu nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo, và trong ngắn hạn tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch. Khá tình cờ, đầu năm 2022 Ủy Ban Châu Âu của Liên Âu cũng có đề nghị mới về năng lượng hạt nhân khiến những người quan tâm đến nội dung này cảm nhận ra được áp lực rất lớn về an ninh ở Châu Âu cũng như về biến đổi khí hậu.

Năng lượng hạt nhân mà tác giả Robert Bryce đề cập đến trong quyển sách của mình phát hành năm 2020 chắc chắn sẽ bị mọi người quên lãng theo thời gian. Nhưng Ủy Ban  Châu Âu đã làm cho đề tài này trở nên sôi động trở lại khi đề nghị Khí đốt và Năng lượng hạt nhân nên được đưa vào ”Phân loại học” (Taxonomy) cho nghị trình tài chính bền vững của Liên Âu (https://www.spglobal.com/esg/insights/what-the-inclusion-of-gas-and-nuclear-in-the-eu-taxonomy-could-mean-for-investors-and-asset-managers). “Phân loại học Xanh” là nền tảng cho pháp luật của Liên Âu về chiến lược tài chính bền vững. Việc bao gồm năng lượng hạt nhân vào “Phân loại học” sẽ gây thêm phức tạp cho một trong những bộ phận cấu thành chính của  “Phân loại học”. Khuôn khổ của  “Phân loại học” có sáu mục tiêu  về môi trường, sự tiến triển của mục tiêu này không được gây tổn hại cho những mục tiêu khác. Điều đó được biết đến trong  “Phân loại học” là nguyên tắc “không gây ra thiệt hại đáng kể”(do no significant harm). Vì vậy năng lượng hạt nhân có thể được xem là có hai yếu tố tích cực trong  “Phân loại học” – thích nghi được với vấn đề biến đổi khí hậu và tạo thuận lợi cho nó vì khả năng phát thải khí nhà kính thấp – nhưng nhiều người vẫn không thấy có thể chấp nhận được vì sự nan giải trong giải quyết chất thải phóng xạ [1], nó không thỏa mãn được một điều kiện trong  “Phân loại học” là không gây ra ô nhiễm môi trường. Ủy Ban Châu Âu đã cố thử trả lời câu hỏi này bằng cách chỉ cho phép xây nhà máy điện hạt nhân nếu chất thải phóng xạ được xử lý và cất giữ an toàn. Một cuộc bỏ phiếu với kết quả đa số đơn giản ở Nghị Viện Châu Âu có thể tán thành hay bác bỏ đề nghị  việc bao gồm Khí đốt và Năng lượng hạt nhân vào “Phân loại học”. Nếu đã được thông qua ở Quốc Hội Châu Âu, nó phải cần đến 20 thành viên trong tổng số 27 nước thành viên bỏ phiếu chống để có thể phủ quyết việc bao gồm vào  “Phân loại học”.

Dưới đây là biểu đồ điện sinh ra từ tất cả  các nguồn năng lượng của một số thành viên thuộc Liên Minh Châu Âu:

( tỷ lệ dùng năng lượng hạt nhân cao nhất ở Pháp chiếm khoảng 70% và thấp nhất ở Đức với khoảng 13%)

 Nguồn: S&P Global Platts Analytics Global Integrated Energy Model; S&P Global Sustainable1

Theo tác giả Robert Bryce, đó là cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu điện của các quốc gia nghèo mà không tàn phá khí hậu.

Theo ông, thế giới muốn được có nhiều năng lượng điện hơn nữa, bất luận chi phí, tài chính hay môi trường có ra sao.

Đó là ẩn dụ mạnh mẽ về điện năng  nhằm thật sự lột tả được hết quan điểm mấu chốt của Robert Bryce. Để chỉ rằng điện mang đầy tính thời đại, tác giả kỳ cựu về năng lượng  này có thể đã trích các  nội dung cực kỳ giật gân như ” thành tích vượt bậc điện khí hóa”,những người “sống ngoài lưới điện” hay  đầy phẫn nộ như “nổ tung cầu chì”, nhưng Bryce chịu dừng lại  với  tựa đề cho cuốn sách mới rất hấp dẫn của mình là: “Câu hỏi về quyền lực: Điện và sự thịnh vượng  của các quốc gia” [2]. Các hình thức khác của “quyền lực” —như chính trị, kinh tế, quân sự — thường được thêm vào bằng một tính từ để làm rõ nghĩa . Nhưng mọi người đều rõ sự thật “Quyền Lực” là gì theo nghĩa điện, đặc biệt  khi nó  bất  động — chỉ cần hỏi người dân Puerto Rico về hậu quả của cơn siêu bão Maria bạn sẽ rõ.

Quyền lực là từ ngữ thích hợp khi nói về điện. Điện là đỉnh cao trên  tất cả mọi đỉnh cao của vương quốc năng lượng, thứ tiêu thụ mọi thứ khác. Đối với tầm quan trọng của tất cả nhiên liệu hóa thạch trong việc sưởi ấm và vận chuyển, con người chủ yếu biến dầu, khí đốt và than đá thành điện năng. Điều đó đã đưa Bryce vào chủ đề đầu tiên trong hai chủ đề ông đặt ra: Điện là tác nhân thực sự của biến đổi khí hậu, chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon nhiều hơn so với tất cả các lò sưởi chạy bằng khí đốt hoặc ô tô thải ra. Thứ hai, điện gắn liền với sự thịnh vượng – không có cái gọi là một “quốc gia năng lượng thấp, thu nhập cao“. Mỗi năm người Mỹ tiêu thụ một lượng điện tương đương bằng cả nước Albania dùng hàng  năm chỉ để thắp đèn Giáng sinh. Bryce viết, thế giới muốn có nhiều năng lượng điện hơn nữa bất kể chi phí, tài chính hay môi trường, và công suất được tạo ra sẽ tăng gấp đôi trên toàn hành tinh trong vài thập kỷ tới.

Đừng xem nhẹ một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại việc tăng nhiệt độ nóng lên do hiệu ứng nhà kính toàn cầu — đó là quá trình chuyển đổi ô tô từ chạy bằng  xăng sang chạy bằng điện — nó sẽ cần  điện hơn rất nhiều. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính đến năm 2050, nhu cầu điều hòa không khí trên toàn cầu sẽ gần như bằng tất cả lượng điện mà Trung Quốc đang sử dụng hiện nay. Thật vậy, về tổng thể, nhu cầu sẽ được thúc đẩy bởi thực tế là xã hội đương đại phải sống với các mạng lưới của nó: Truyền thông, tính toán, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tài chính đều phụ thuộc vào điện. Hãy xem xét điều mà Bryce gọi là Năm người khổng lồ, những tập đoàn lớn của nền kinh tế mới: Apple, Amazon, Alphabet / Google, Facebook và Microsoft. Họ đang sử dụng chung một lượng điện đáng kinh ngạc và yêu cầu  lưới điện phải siêu an toàn, dẫn đến việc họ phải đầu tư hàng chục tỷ đô la vào hệ thống điện tư nhân hiện có công suất gấp ba lần Austin Energy, công ty đang cung cấp điện cho một triệu người ở Texas.

Bryce thấy không có gì là bí ẩn cả khi  năm tên khổng lồ này đã chuyển sang hệ thống thanh toán  riêng của họ, bởi vì  điện và chi phí  có ràng buộc chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Một công ty như VISA, điều khiển đến 3,3 tỷ thẻ tín dụng trôi nổi trên khắp hành tinh, không bao giờ muốn cho ai biết về vị trí tọa lạc của Trung tâm điều hành miền Đông Hoa kỳ, nhưng lại không ngần ngại và vui vẻ  chia sẻ rằng trung tâm được bao quanh bởi một con hào nước.

Điện ảnh hưởng nghiêm  trọng đến sức khỏe khi việc mất điện kéo dài. Trong những năm sau 1991, sau khi lực lượng không quân Hoa kỳ tàn phá lưới điện của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, hệ thống thoát nước và nước sạch bị mất đã dẫn đến bùng phát dịch tả và các bệnh khác khiến khoảng 70.000 người Iraq thiệt mạng. Khi đại dịch COVID-19 tấn công Canada vào đầu tháng 3 và các chính phủ tỉnh  bang yêu cầu công dân của họ phải đóng cửa cách ly, nhiều tiện ích sử dụng  điện giảm mạnh, nhu cầu dân cư tăng lên cũng không bù vào được cho mức giảm do các nơi làm việc đóng cửa và việc hủy bỏ các sự kiện thể thao , giải trí. Hầu hết tất cả các tiện ích đều cho thấy tải trọng thay đổi, các khu dân cư tư nhân thường sử dụng điện cho nhu cầu của họ vào những thời điểm không trùng  giờ làm việc cao điểm . Tỉnh bang Ontario theo đó đã cho  chuyển tất cả giá điện theo thời giá sử dụng lúc điện dùng  ở mức thấp.

Một điều ngạc nhiên nhỏ là trong số các quốc gia mà Bryce gọi là “the Unplugged”, nơi sử dụng điện bình quân đầu người dưới 1.000 kilowatt giờ mỗi năm (ít hơn một phần tư mức sử dụng của Canada), các chính phủ đuổi theo công suất tạo ra cho phù hợp với cái mà ông ấy gọi là “ luật điện sắt ” nghĩa là khi buộc phải lựa chọn giữa điện bẩn và không có điện, các chính phủ luôn ” chọn điện bẩn ” không hề do  dự. Bryce khẳng định rằng năng lượng tái tạo không có khả năng ” gồng mình” chịu tải lúc khẩn cấp. Chúng rất không đáng tin cậy, quá tốn kém và sử dụng quá nhiều đất. Than đá, rẻ và đáng tin cậy đang chiếm 40% sản xuất điện toàn cầu. Ấn Độ, nơi có 300 triệu người sống không hề biết đến điện là gì, đã sử dụng 75% điện năng từ than đá và hiện có 36,000 MW công suất nhiệt điện than mới đang đi vào hoạt động. Các quốc gia đói năng lượng khác cũng làm như vậy.

Những điều đó đã đưa Bryce đến giải pháp của mình cho câu hỏi hóc búa về điện, một câu hỏi mà khi tác giả nhận ra đã mang lại cho ông ta nỗi khổ tâm. Bryce,  ngắn gọn, là người của điện hạt nhân. Đối với ông, đơn giản là không có cách nào khác làm vuông vòng tròn để đáp ứng nhu cầu điện của các quốc gia nghèo  mà không tàn phá khí hậu. Ông dùng Trung tâm Năng lượng Indian Point, một nhà máy điện hạt nhân nằm ở ngoại ô thành phố New York, để chứng minh quan điểm của mình. Hai lò phản ứng của nó có diện tích một kí lô mét vuông và sản xuất 16.4 terawatt điện không có khí thải carbon hàng năm, một lượng năng lượng sạch phải cần hàng trăm tuabin gió trải rộng trên 1335 cây số vuông mới đem lại được cùng kết quả. Bất chấp hai đặc tính được đánh giá cao đó – không phát ra khí thải và hạn chế dấu chân khí thải carbon- Indian Point lại là một trong 15 nhà máy điện hạt nhân của Mỹ bị đóng cửa sớm đã được công bố, theo suy nghĩ của Bryce, không có lý do gì được giải thích khác hơn là sự hoang tưởng phi lý. Thế giới cần nhiều Indian Point Energy Centre hơn, chứ không phải ít hơn, ông thúc giục. Điều suy nghĩ của ông  là một việc khó thực hiện trong thời đại chống hạt nhân, nhưng trong cuốn sách của ông “Câu hỏi về Quyền lực”, Bryce đã mạnh mẽ làm được.

Giới thiệu về tác giả

Brian Bethune, nhà phê bình và biên tập sách lâu năm của Maclean, là một nhà văn tự do sống ở Toronto, Canada.

Robert Bryce (sinh năm 1960) là một tác giả và nhà báo người Mỹ ở Austin, Texas. Các bài báo của ông về năng lượng, chính trị và các chủ đề khác đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm, bao gồm New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, Forbes, Real Clear Energy, Counterpunch và National Review.

Nguồn:

https://www.cpacanada.ca/en/news/pivot-magazine/2020-07-13-robert-bryce-book-review

[1] https://www.france24.com/en/live-news/20220409-in-project-of-the-century-swiss-seek-to-bury-radioactive-waste

[2] https://www.amazon.com/Question-Power-Electricity-Wealth-Nations/dp/1610397495


1 nhận xét:

Tâm Sự Từ Nguyên Và Bài "MẮT NHÒA QUÊ MẸ "

 Cùng quý thân hữu, Tình mẹ con vốn bất diệt và không có thơ nhạc nào đủ sức ca tụng. Trong khi người ta lao đầu vào các cuộc chiến bất tận,...