Tạp Ghi và Phiếm Luận :
NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (10) PHỤ MẪU 父母
Nhân này LỄ CHA, xin được truy nguyên về sự hình thành của chữ PHỤ 父 là CHA. Theo "Chữ Nho...Dễ học" thì chữ PHỤ thuộc dạng chữ mượn Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn và Đại Triện là hình tượng của một người đang cúi mình dang hai tay ra phía trước, một trên một dưới, ở giữa là một cây nọc dùng để xăm lổ để bỏ hạt giống gieo trồng. Đó là người lao động chính để nuôi sống gia đình, là hình tượng của NGƯỜI CHA trong xã hội nông nghiệp sơ khai. Đến Tiểu Triện thì các nét được kéo thẳng ra để tạo thành chữ viết, đến chữ Lệ của đời Tần thì chữ PHỤ 父 đã giống như chữ viết hiện nay.
PHỤ 父 là CHA, là Chồng của Mẹ trong gia đình; còn ngoài xã hôi PHỤ
là những bậc đáng hàng Cha Chú, như Hương Thân Phụ Lão 鄉親父老 là nhóm từ
dùng để chỉ "Những bậc trưởng thượng trong làng xóm". Sư Phụ 師父 là Thầy dạy, Thần Phụ 神父 là Ông Cha (trong nhà thờ) ... Trong gia đình ta còn có :
TỔ PHỤ 祖父 là Ông Nội, NGOẠI TỔ PHỤ 外祖父 là Ông Ngoại, BÁ PHỤ 伯父 là Bác, THÚC PHỤ 叔父 là Chú, CỬU PHỤ 舅父 là Cậu...
PHỤ khi đọc là PHỦ (dấu hỏi) còn dùng để chỉ những người già, người
cao niên, được gọi một cách thân thiết và kính trọng, như :
ĐIỀN PHỦ 田父 : là Ông già làm ruộng, là Lão Nông ,là ông Nông dân già.
NGƯ PHỦ 漁父 : là Ông lão đánh bắt cá, là Ông Câu, là Ngư Ông.
Chúa Nhật thứ ba của Tháng Sáu hằng năm, là ngày LỄ CHA (Father's
Day) của nước MỸ. Ngày LỄ CHA năm nay nhằm ngày Chúa Nhật 19 tháng 6 năm
2022.
Ta thường gọi ngày LỄ MẸ là
NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày LỄ CHA thì rất nhiều người theo thói
quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ
?!. Thực ra...
Ngày Lễ Cha, Father's Day, không thể gọi
là ngày HIỀN PHỤ được, vì Hiền Phụ 賢婦 là VỢ HIỀN, chớ không phải CHA
HIỀN. Muốn nói Cha Hiền thì phải gọi là TỪ PHỤ 慈父, lấy trong thành ngữ
"Phụ Từ Tử Hiếu 父慈子孝", tương đương trong tiếng Nôm ta là "Cha Hiền Con
Thảo". Trong gia đình phong kiến ngày xưa, ngoài việc phải nuôi sống gia
đình, người Cha còn luôn luôn nghiêm khắc và nghiêm cẩn trong mọi hành
vi cũng như sinh hoạt của gia đình, nên còn được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG 嚴堂
hay NGHIÊM PHỤ 嚴父. Lời dạy của Cha thì gọi là NGHIÊM HUẤN 嚴訓, như trong
Truyện Kiều, khi Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du
đã viết :
Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.
Theo phép lịch sự xã giao thì gọi Cha của người khác bằng LỆNH
NGHIÊM 令嚴 hay LỆNH NGHIÊM ĐƯỜNG 令嚴堂, còn tự xưng cha của mình với người
khác là GIA NGHIÊM 家嚴 (Cái ông già nghiêm nghị của nhà tôi) Nhưng bây
giờ mà ta xưng hô và gọi như thế thì nghe nghiêm khắc và xa rời con cháu
quá !
Còn một từ dùng để gọi cha ngày xưa nữa là
XUÂN ĐƯỜNG (còn đọc là THUNG ĐƯỜNG) 椿堂. Theo sách Trang Tử 莊子, chương
Tiêu Dao Du 逍遙遊, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum suê, có
tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví
với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Khi Thúy
Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...
Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.
Sẵn trình bày luôn về từ dùng để chỉ Mẹ, đó là từ HUYÊN ĐƯỜNG
萱堂. HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường
sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được,
ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ nên
ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN 椿萱. Khi hay tin Kiều đã bán
mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao", khiến cho :
XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
Hóa ra khi đến thế nào mà hay !
Xin được trở lại với từ HIỀN PHỤ 賢婦 là VỢ HIỀN; Như ta đã biết ở
bài viết trước, chữ PHỤ 婦 là Đàn bà , là Vợ. Đây là kiểu chữ HỘI Ý, được
ghép bởi bộ NỮ 女 bên trái là Cô Gái, và chữ TRỮU 帚 bên phải là Cây
Chổi, với hàm ý là cô gái mà cầm cây chổi (để quét dọn nhà cửa) là đã
trở thành người chủ của gia đình rồi, đã kết hôn rồi, nên PHỤ là Đàn Bà,
là Người Vợ. Vì thế mà HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN. Vì HIỀN 賢: Ngoài nghĩa
trái với Dữ là Hiền Thục ra, Hiền còn có nghĩa là GIỎI GIANG. Ví dụ như
Hiền Thần là Bề tôi giỏi giang để phò Vua giúp nước. Hiền Tài là người
có Tài Giỏi và đây cũng là một chức sắc trong Cao Đài Giáo. Nên PHỤ NỮ
婦女 là từ chỉ chung tất cả CÁC BÀ CÁC CÔ có chồng hoặc "chổng chừa", và PHU PHỤ 夫婦 là Vợ Chồng. Hồi nhỏ thường hay nghe Má tôi hát ru em như thế nầy:
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên PHU PHỤ ngàn năm em cũng chờ.
Lòng dạ anh có nghi ngờ,
Mực đen giấy trắng làm tờ cam đoan.
Thùng thùng trống đổ vừa tan,
Vắng anh một bửa ruột gan rả rời !
Nên...
HIỀN PHỤ 賢婦 : Chẳng những chỉ người đàn bà hiền thục, mà còn chỉ
người đàn bà giỏi giang "Tướng phu giáo tử 相夫教子" (Giúp đỡ phò trợ cho
chồng và nuôi dạy con cái).
Ca dao của Việt Nam ta có câu :
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra !
Trong văn chương không thiếu những áng văn, những bài thơ ca tụng
mẹ hiền, mà lại rất hiếm, rất khó kiếm được một bài thơ, một áng văn hay
ca ngợi công cha, có thể sự dịu dàng hòa ái của bà mẹ gần gũi với con
cái hơn là bộ mặt lúc nào cũng "Lập nghiêm" của ông cha. Cha thì lo việc
lớn hơn, ngoài việc duy trì và nuôi sống gia đình, lắm ông còn phải
chăm lo việc nước, việc ngoài xã hội...
Sau PHỤ là MẪU :
Cũng theo "Chữ Nho... Dễ Học" MẪU 母 cũng là chữ từ Tượng Hình sang Chỉ Sự, theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn và Đại Triện là hình tượng của chữ NỮ 女 được khép kín phần trên lại, và chấm thêm HAI CHẤM hai bên tượng trưng cho hai cái VÚ để cho con bú. Cô gái khi vú có sữa cho con bú thì đã là Mẹ rồi; đến Tiểu Triện thì kéo thẳng các nét và Lệ Thư thì đã giống như chữ viết hiện nay rồi. Nên MẪU 母 là MẸ, là Má, là Vú, là U...
Ta có rất nhiều từ để chỉ tính cách của các bà MẸ như :
- Hiền Mẫu 賢母 là bà mẹ hiền lành, giỏi giang.
- Từ Mẫu 慈母 là bà mẹ hiền hòa từ ái, bà mẹ nhân từ.
- Lương Mẫu 良母 là bà mẹ Lương Thiện giỏi giắn. Ta có thành ngữ Hiền Thê Lương Mẫu 賢妻良母 để chỉ Các bà vợ hiền thục giỏi giang và các bà mẹ lương thiện giỏi giắn; đây vừa là câu nói khen tặng mà cũng là tiêu chuẩn phấn đấu của các bà các cô làm sao để đạt được là Hiền Thê Lương Mẫu, là Vợ Hiền Mẹ Đãm.
- Thân Mẫu 親母 là bà mẹ thân thiết nhất, là Mẹ Ruột; còn Mẫu Thân 母親 là từ kép để chỉ mẹ và để gọi mẹ...
Ngoài việc chỉ mẹ ruột ra MẪU còn dùng để gọi các bà mẹ nuôi dạy trẻ một cách thân thương và kính trọng như :
- Nhũ Mẫu 乳母 là bà vú, là bà mẹ được mướn để cho ta bú từ nhỏ.
- Bảo Mẫu 保母 là bà mẹ được mướn để nuôi dạy và chăm sóc trẻ em.
- Dưỡng Mẫu 養母 là bà mẹ nhận ta làm con nuôi, không phải là mẹ ruột, còn được gọi là 義母 Nghĩa Mẫu.
MẪU còn dùng để chỉ các bà và các mẹ trong dòng tộc thân thích, như :
- Tổ Mẫu 祖母 là Bà Nội; Ngoại Tổ Mẫu 外祖母 là Bà Ngoại.
- Bá Mẫu 伯母 là Bác gái; Thúc mẫu 叔母 hay Thẩm Mẫu 嬸母 là Thím; Cửu Mẫu 舅母 hay Cấm Mẫu 妗母 là Mợ.
- Cô Mẫu 姑母 là Cô : Chị em gái của cha; Di Mẫu