Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

NHẮC LẠI VĂN HOÁ KIỂU MỀN NAM XƯA….Nguyễn Gia Việt

Sáng Chúa Nhựt ngồi nhắc văn hóa kiểu Miền Nam cho mọi người không quên
Một bạn nhỏ hỏi "Cái mui",vậy cái mui là gì?
Người Miền Nam đọc "mui" cũng như "muôi",thành ra nhiều bạn Bắc nghe "mui" sẽ nghĩ tới cái vá múc canh vì dân Bắc kêu vá múc canh là cái muôi
Cái mui trong ngôn ngữ Nam Kỳ là cái mái ghe hay nóc xe ,thường có hình vòm nhìn lúp xúp,lum khum đặng che mưa che nắng
Mui ghe là cái mái che hình vòng cung,hình ống,hình vuông trên chiếc ghe
"Anh thương em
Thương quấn thương quít
Bồng ra gốc mít
Bồng xít gốc chanh
Bồng quanh đám sậy
Bồng bậy vô mui
Bồng lủi sang lái
Bồng ngoáy trước mũi
Đặt em nằm xuống đây
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng, miệng đắng cơm hôi
Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
Bây giờ em vinh hiển,em bắt anh đi bán nồi làm chi?"
Dân Miền Nam xưa thích đi xe thổ mộ.Xe thổ mộ là xe ngựa kéo cũng có mui xe thổ mộ
Bài thơ "Phải lòng con gái Bến Tre" của ông Luân Hoán tả:
"Bậu sang phà Rạch Miễu
Về thăm trường Nam Phương
Lắc lư xe thổ mộ"
Hồi năm nẳm ,lúc đó người Nam Kỳ lục tỉnh mình chưa có nhiều xe cộ như vầy,muốn đi quanh quẩn chỉ có xe thổ mộ ngựa kéo
Mấy ông xà ích xe thổ mộ chiều nào cũng đưa ngựa ra bến sông để tắm ,lâu dần địa danh Bến Tắm Ngựa ra đời
Sài Gòn có bến tắm ngựa trên đường Yên Đỗ,Mỹ Tho ở mé Phan Thanh Giản Cầu Quây
Ông bà mình thấy những chuyến xe ngựa quá buồn,yên ắng quá nên đã gắn thêm chuông hoặc lục lạc lên cổ ngựa để phát ra tiếng kêu leng keng cho vui tai
Cái lục lạc tạo ra âm thanh leng keng ,còn tiếng ngựa chạy là lốc cốc,vó ngựa nện dưới đường lộ vì dưới chân nó có cái móng ngựa bằng sắt đóng dính vô
Từ "thổ mộ" tới nay chưa truy ra nguồn, có người nói do người Tàu đọc là "Thụ mã" hoặc "Thảo mã" hay "Thủ mã" rồi người Việt thành thổ mộ.Có người nói mui xe ngựa được đóng khum khum y như cái mả đất, nhưng rõ là đó là chiếc xe ngựa thôi
Bánh xe ngựa thời trước khi chạy hay kêu lộc cộc,lụp cụp cũng vì nó được làm bằng cây.Đó là gỗ giáng hương hoặc cây căm xe rất cứng .Căm xe ngựa được làm bằng những thanh sắt tròn .Đặc biệt là trục quay ở giữa không xài bạc đạn mà bằng cây luôn
Xe ngựa sau này xài bánh xe hơi nhìn nó vô duyên dữ lắm
Người đánh xe ngựa kêu là xà ích ,là do tiếng Mã Lai sais mà ra.Sais trong tiếng Mã Lai là từ vay mượn từ tiếng Indonesia.Người đánh xe ngựa ở Sài Gòn lớp đầu tiên toàn là dân Mã Lai
Ngày xưa làm nghề xà ích đánh xe ngựa không dễ,cũng là nhà khá giả ,tiền mua con ngựa là 5 cây vàng,rồi cái xe nữa.Xem ra cũng cỡ ông chủ taxi như bây giờ à
Xế chợ Tân Định,sát hông chợ Tân Định có cái lộ tên là Mã Lộ .Lộ rất hẹp,rất nhỏ,ngắn nhưng là lộ rất xưa của Sài Gòn Gia Định
Thời xưa,xe ngựa đậu ở lộ này rất đông lập thành bến
Sáng sớm xe thổ mộ chở hàng hóa lọc cọc vó ngựa chở bạn hàng lên chợ Tân Định ,sau đó đậu xe ngựa tập trung lại bên cái lộ nhỏ dọc hông chợ ,lâu ngày dân kêu “Mã Lộ” cho cái khúc đó
Mã Lộ là lộ của xe ngựa,bến xe ngựa
Hình ảnh cái xe thổ mộ lộc cộc trên lộ làng,lộ đá,lộ nhựa là hình ảnh đẹp trong lòng những người già còn hoài vọng quá khứ
Xe đò Lục Tỉnh có cái mui xe thần thánh một thời.Vì mui xe hay chất hàng hóa và xe đạp lên đó
Xin nói tiếp về cái khác lạ của Miền Nam chúng ta
Chữ "chài" ở Miền Bắc sẽ có nghĩa là chài lưới,đánh cá.Xóm Chài ở Miền Bắc và Miền Trung có nghĩa xóm làm nghề hạ bạc,chài lưới
Nhưng ở Miền Nam chúng ta chữ "chài" lại mang nghĩa khác
Chúng ta có một loại ghe gọi là "ghe chài", nhưng không phải là ghe dùng để chài lưới, đây là ghe dùng để chở lúa và hàng hóa
Ghe chài là xe vận tải hạng nặng trên sông nước Miền Nam xưa
Ghe bầu xuất xứ từ Miền Trung là loại ghe lớn, mũi và lái nhọn, bụng phình bự ra, có tải trọng tương đối lớn, chạy từ 1 đến 3 buồm, lướt sóng tốt và đi nhanh, có nhiều chèo để đi sông và đi biển dài
Ghe bầu (Prau) bắt nguồn từ tiếng Chàm
Tại chợ Cầu Muối luôn có ghe bầu từ Trung Kỳ chở cá, mắm ,muối,nước mắm vào bán trong Nam, rồi mua gạo thóc chở ra ngược lại
Ghe chài Miền Nam là loại chắc và lớn chở được nhiều nhứt, tải trọng từ 150 tới 300 tấn hàng.Ghe chài có mui rất kiên cố, có hai tầng. Ghe được chia làm hai phần, phần đầu chứa hàng hóa, phần sau là chỗ ăn ngủ cho người đi ghe
Ghe chài có cả chục người chèo với kiểu chèo “neo” ngược chứ không như kiểu chèo ghe bình thường
Về sau, người ta dùng tàu kéo ghe chài. Ghe dùng cho người đi buôn bán xa, dài ngày và sống trên sông nước
Dân lục tỉnh thích ghe chài,nhứt là ghe Cần Đước mũi đỏ,thường chở lúa gạo, than củi,trái cây
Ghe Cần Ðước được nổi tiếng khắp miền Lục Tỉnh, chở nặng, di chuyển chậm nhưng đầm, mũi quớt, cặp mắt lớn, lộ ra ngoài, màu đỏ sẫm, xách ngược lên như đôi mắt Quan Công
Ghe không chài lưới sao gọi là "ghe chài"?
Theo ông Vương Hồng Sển, ghe chài gọi đầy đủ là ghe bốc chài, “tuk pokchay”, tuk: ghe, thuyền (Khơme); pokchay (Triều Châu): chở nhiều
"Ðạo nào vui cho bằng cái đạo đi buôn
Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông"
Những "Xóm Chài" ở Miền Nam đa phần không làm chài lưới mà đi ghe chở hàng hóa.Xóm làm nghề đánh cá ở Miền Nam là Xóm Lưới,Xóm Đáy,Xóm Rõi
Nói ghe chài nhắc tới Mỹ Tho nữa nè, thời 1926 nè
Bạch công tử Mỹ Tho tên Lê Công Phước là con trai ông Đốc phủ Lê Công Sủng được thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại chừng 1000 mẫu ruộng
George Phước là một người du học Tây về song ông yêu đờn ca tài tử và cải lương thất kinh,có tinh thần Nam Kỳ rất dữ dội
Ngày 25/1/1926 George Phước vừa về nước bắt tay với ông Nguyễn Ngọc Cương là con trai bà Ba Ngoạn (Lưu Thị Ngoạn) lập gánh hát Phước Cương
Phước Cương là ghép từ George Phước và Nguyễn Ngọc Cương (Ông Nguyễn Ngọc Cương là chồng cô đào hát Năm Phỉ,sau lấy bà em Bảy Nam sanh ra Kim Cương)
Đến 1928 Bạch Công tử ra khỏi Phước Cương và lập gánh hát Huỳnh Kỳ với dàn đào kép rất nổi thời đó là Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne....
Bạch công tử George Phước lấy cô đào Bảy Phùng Há làm vợ và bỏ tiền lập gánh hát Huỳnh Kỳ để bà Phùng Há làm bầu
Gánh hát Huỳnh Kỳ là gánh cải lương lớn nhứt ở lục tỉnh Nam Kỳ thời đó
Phước George bỏ tiền xây một cái rạp hát cạnh nhà ông làm chổ diễn của đoàn Huỳnh Kỳ
Có ông điền chủ nào để cái nhà hát sát nhà mình không? chỉ có duy nhứt Phước George
Đó là một tình yêu với đờn ca,với cải lương vô bờ bến ,và một tình yêu với bà Phùng Há nồng nhiệt nhứt
Gánh hát Huỳnh Kỳ là một gánh hát nhà giàu do sự đầu tư hết mức của Bạch công tử,ông bỏ tiền mua lại ba chiếc ghe chài lớn nhứt thời đó của ông Đốc phủ Lê Văn Màu
Gánh Huỳnh Kỳ đi đến tỉnh nào cũng bằng ba chiếc ghe chài bự chà bá như du thuyền ,đông đảo khán giả coi hát bằng xuồng đậu chật bến
Chiếc đi đầu chở Bạch Công tử có lầu cao lộng gió, trước có cột cờ và treo cờ vàng( Huỳnh Kỳ). Đào kép đi chiếc thứ hai,chiếc thứ ba thì chở thầy đờn và người còn lại của gánh
Người ta kể lại đi lưu diễn,Phước công tử bắn súng lục làm hiệu,nuôi một đội đá banh giao lưu với dân luôn
Cô Bảy lấy Bạch công tử sanh 2 người con đủ trai lẫn gái
Gánh Huỳnh Kỳ thường xuyên hát không thù lao,hát gây quỹ cho hội tương tế đặng làm từ thiện và đóng góp cho phong trào thể thao các địa phương đoàn tới lưu diễn
Tuy nhiên Bạch công tử cứ bỏ tiền đầu tư,bù lỗ gánh hát liên tục
Cứ sau khi đi lưu diễn về ông lại mang ruộng vườn ra bán bù lỗ ,mà khi ông đang cần thì bị ép giá,bán ruộng cũng khác người,ông bán "mớ" ,tức là một lần vài chục mẫu
Đến năm 1930 khủng hoảng kinh tế thế giới lan tới Nam Kỳ ,khi đó lúa gạo Nam Kỳ không xuất khẩu được,từ điền chủ tới tá điền ná thở ,dân tình sống hết sức khó khăn
Và trong tình cảnh vừa bù lỗ vừa khủng hoảng kinh tể đó gánh hát Huỳnh Kỳ rả đám
Cô bảy Phùng Há không lo con xong,2 đứa chết non luôn .Vợ chồng bỏ nhau
Những năm 1940-1945 làm ăn không đặng,cộng với thời cuộc nên Bạch công tử bị sạt nghiệp thì ngôi nhà của ông trên đường Đinh Bộ Lĩnh và rạp hát bị bán phát mãi hay xiết nợ gì đó cho ông Lê Ngọc Chiếu.Sau đó ông Chiếu bán lại rạp hát và đổi tên thành rạp Lê Ngọc,rạp Viễn Trường,sau đó làm rạp Mỹ Tho,nay là Cinestar Mỹ Tho
Riêng căn nhà thì sau năm 1975 bị trưng thu làm trụ sở UBND phường, nay là trụ sở Phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao Mỹ Tho
Có giai thoại Hắc công tử Bạc Liêu và Bạch công tử Mỹ Tho lấy tiền bộ lư 500 đốt để lấy le cua Ba Trà, sau đó nấu đậu xanh
Theo giai thoại, để nấu sôi được nồi chè có 1kg đậu xanh trong thời gian gần 1 tiếng đồng hồ, Hắc Công tử đã đốt hết 10.000 đồng Đông Dương. Còn Bạch Công tử chỉ đốt số tiền 1.000 đồng
Mười ngàn đồng rất lớn, bạc muôn, gia tài nhà giàu trung lưu xưa chỉ có 500 đồng
Cho nên khó tin
Rồi có giai thoại nói hai ông đốt tiền để cua đào hát Phùng Há,tìm cây son hoặc tờ 5 đồng bị lọt dưới sàn
Bà Phùng Há sau đó làm vợ Phước George
Thực ra giai thoại đốt tiền là dân gian thêu dệt
Nhà giàu Nam Kỳ xưa không cư xử ba trợn vậy
Khi còn sống và tỉnh táo bà Phùng Há khẳng định trong những năm chung sống, bà chưa bao giờ nghe chồng cũ mình kể chuyện lấy tiền giấy con công đốt để thi nấu chè đậu xanh với công tử Bạc Liêu
Và đương nhiên là không có đốt tiền làm đèn kiếm cây son hay tờ 5 đồng cho bà Phùng Há
Bà Phùng Há còn nói Ba Huy khá keo kiệt, đi xe còn trả giá thì làm gì có chuyện lấy tiền nấu chè
Giai thoại này sau 1975 um sùm.Nó muốn diễn giải rằng bọn Nam rất giàu, ăn chơi sa đọa
Thực ra điền chủ Nam Kỳ nghèo và phá sản một phần là do Việt Minh nổi lên
Trở lại bàn chiếc ghe nghe chơi
Chiếc ghe có mũi phía trước,có lái phía sau và cái mui ở khúc giữa gần lái
Nam Kỳ có câu:"Mũi dại thì lái chịu đòn" có ý nghĩa tương đương "Con dại cái mang" nghĩa là con cháu,con cái hay người vai vế nhỏ ở dưới làm điều gì bậy bạ thì ông bà cha mẹ hoặc người trên sẽ phải gánh chịu trách nhiệm
Nói "Mũi dại thì lái chịu đòn" là sai.Đúng phải là "Mũi vạy lái chịu đòn".Vì người Nam Kỳ đọc "vạy" thành "dại"
Mũi vạy tức là mũi đi không ngay,đi cong vòng,đi đâm bang.Khi chiếc ghe đóng mà cái mũi bị vạy thì cái lái sẽ khó điều khiển
"Mới quen, anh chào hỏi luông tuồng
Chào cô trước mũi tiên phong
Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền!
Chào rồi anh lại hỏi liền
Hỏi thăm phụ mẫu bình yên thể nào?
Xung quanh mấy cụm mận đào,
Mấy công bắp đậu, huê màu tốt tươi?
Bà con đông đặng mấy mươi?
Nơi ăn chốn ở quê người là chi?
Nói cho anh biết vân vi
Khi về anh gởi cái thơ kỳ viếng thăm."
Thành ngữ Miền Nam chúng ta có câu:”Anh em cột chèo như mèo với chó”
Anh em cột chèo là gì?
Anh em cột chèo (anh em cọc chèo) là anh em rể với nhau,tức là nhà có con gái,ông lấy con chị,ông lấy con em thì gọi nhau là anh em cột chèo
Dân Nam Kỳ kêu là “Anh em cột chèo”,Bắc Kỳ kêu là anh em đồng hao hoặc anh em đứng nắng
Anh em cột chèo xuất phát từ một chiếc ghe Nam Kỳ có hai cái chèo,một cái trên mũi một cái dưới đuôi ghe.Hai bạn chèo sau thành anh em rể vì lấy hai chị em ,hoặc hai thằng rể có nhiệm vụ cầm hai cây chèo cho nhà vợ
“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”
Câu “anh em cột chèo”tạo cảm giác gần gũi và chân tình,nhưng cũng rất mau rời rạc và lợt nhách như nước lã
“Vai mang chiếc nón rách, tay xách cổ quai chèo
Thương con, nhớ vợ, vì phận nghèo phải ra đi”
Vì cái quai chèo là chổ buộc cây chèo vô ghe nó rất rời rạc,rất dễ tháo ra tháo vô
Quai chèo hay còn kêu là gút quai chèo, gút cọc chèo,buộc sao cho vừa vào cây chèo, cái cây chèo buộc vào để lắc qua lắc lại, ngoáy chèo qua lại , khua chèo quậy nước thường xuyên nên nó luôn méo xẹo
“Cô kia cười cợt ghẹo trai
Cái miệng méo xẹo như quai chèo đò”
Anh em cột chèo là một mối quan hệ người dưng nước lã giữa anh em rể -mối quan hệ nhìn bề ngoài gắn bó nhưng bên trong nguội ngắt
Mang tiếng là mối cột buộc nhưng chẳng giống ai, nó lỏng lẻo và muốn mở ra lúc nào thì mở,y chang cái quai chèo
Mấy ông con rể Nam Kỳ còn có một danh xưng nữa là “rể điên điển”
Nam Kỳ mùa lũ có rất nhiều cây điên điển.Bông điên điển nấu canh chua với cá linh ăn rất ngon,” Ăn bông điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê”
Cây điên điển theo con nước mà lên .Rể điên điển là thứ nằm sâu dưới nước và không làm gì hết
Nói túm lợi thì “anh em cột chèo” trong văn hóa Nam Kỳ vẫn là người dưng nước lã
”Anh em cột chèo như mèo với chó”, cái này cũng giống y xì như chị em dâu, có câu : “Chị em dâu như bầu nước lã”.
 
Nguyễn Gia Việt

 

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...