“Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, và sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện.”
Ibn Battuta
Những ngày ngồi nhà, cuồng chân và bó gối vì không thể làm gì khác hơn, trận dịch của thế kỷ đã làm cho tôi có thời gian ngồi xem những tấm hình ghi lại những chuyến đi trước đó của mình.
Mùa hè thường là thời gian lý tưởng nhất để khăn gói lên đường. Thời còn trẻ, có lẽ sau việc học hành là công danh, sự nghiệp, gia đình làm cho nhiều người không có thời gian để thực hiện những chuyến đi xa để khám phá, biến giấc mộng phiêu lưu để thỏa mãn những khao khát của mình, điều giản dị có thể làm được đó là ngồi trước cái truyền hình để xem về những vùng đất mà chưa bao giờ biết đến và chỉ để thoả mãn như thời còn nhỏ học địa lý, tô màu cái bản đồ bằng bút chì màu rồi cố gắng thuộc lòng tên vùng miền rồi sau khi trả bài lấy điểm xong mọi thứ bay vèo qua cửa lớp.
Cho nên tôi muốn được là người viễn du may mắn, để khi đạt được một ấp ủ là mình có thể được đứng trên mảnh đất xa lạ từ mọi thứ, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, và ẩm thực để nói với chính mình. Tôi đã làm được điều đó! Cảm giác ấy rất thú vị.
Rời bỏ những thứ mà tôi tưởng như không bao giờ, hoặc là không thể nào. Một người bạn làm trong bộ giáo dục đã tặng cho tôi một bức tranh vẽ sơn thủy “Treo ấn từ quan”. Đó là hình của một người đàn ông thời Trung Hoa cổ xưa đứng trên một mỏm núi và dưới chân là một bờ vực đang ngắm núi cao và trên vai với một túi thơ, bầu rượu. Bức tranh có bút pháp khá đơn giản nhưng ý nghĩa sâu sắc. Sau nhiều năm tôi cố tìm lại trong nhà kho của mình, nhưng không thấy, cũng tiếc! chỉ mong khi có thời gian tìm mua lại vì đó là một trong những món đồ ít ỏi, mà tôi muốn giữ lại cho mình như một kỷ niệm đẹp.
Thường thì vào kỳ nghỉ hè người ta thường chọn những chuyến đi dài, hay ngắn ngày, phong cảnh, lịch sử, văn hóa cho những chuyến đi xa ở xứ người. Còn trong nước thì gần bãi biển, trên núi cao, thành phố lớn hay miền quê an tĩnh. Những nơi đó tôi cũng đã đi qua, có một chỗ mà tôi chưa được ở lại ít nhất là vào ban đêm, đó là sa mạc.
Chọn một nước ở khu vực Trung Đông để đến cũng là một sự mạo hiểm đối với một người mang quốc tịch Hoa Kỳ như tôi, dân Hồi Giáo rất ghét chính phủ Mỹ và người dân Mỹ cũng không ngoại lệ. Theo như tôi nghĩ thì đó là vì nhóm Hồi giáo quá khích đã nghĩ là chính phủ Hoa Kỳ là tác nhân chính khiến các giá trị Hồi giáo bị mất đi rất nhiều. Sự can thiệp quân sự và chính trị của Mỹ giữa các nước Trung Đông, dầu hỏa và chiến tranh. Người Hồi giáo có nhiều điều không hài lòng về cách xử sự của người Mỹ đối với họ. Tuy nhiên, điều cơ bản nhất là nhận thức của đại bộ phận người Hồi cho rằng Mỹ chỉ luôn cố tìm mọi cách phá hoại đạo Hồi. Họ nghĩ là Chủ nghĩa tư bản là cội nguồn của mọi rắc rối.
Không những vậy, chính sách dân chủ của Mỹ đối với thế giới Hồi giáo cũng là nguyên nhân khiến cho sự giận dữ của người Hồi. Chính quyền Mỹ, phân chia xã hội Hồi giáo thành hai khu vực. Một bên là khu vực Hồi giáo cấp tiến và một bên là khu vực Hồi giáo bảo thủ, những người luôn tìm cách áp đặt các truyền thống đạo Hồi lạc hậu và khắt khe. Việc phân chia này giúp Mỹ tìm cách phát huy các lực lượng tự do, cấp tiến và làm suy yếu các lực lượng Hồi giáo bảo thủ. Điều đó đã tạo ra những cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ và bắt cóc những người công dân Hoa Kỳ để đòi tiền chuộc hay trao đổi tù binh. Lãnh sự quán của Hoa Kỳ cũng thường khuyên các công dân của mình phải hết sức cẩn thận khi đi đến các nước Hồi giáo du lịch.
Tuy vậy, trước khi đến Jordan xin visa để được nhập cảnh, phải đợi khá lâu hơn các nước khác ở vùng Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập. Nhưng không sao, tôi muốn biết về Jordan đã từng tồn tại rất nhiều nền văn minh, như Sumeria, Akkadia, Babylonia, Assyria, Mesopotamia, và đế quốc Ba tư. Có thời Jordan là một phần của đế quốc Ai Cập thời các vua Pharaon, và sản sinh ra nền văn minh Nabatea, để lại nhiều tàn tích khảo cổ tại Petra. Các nền văn minh phương tây cũng để lại nhiều dấu ấn tại đây, như Alexander đại đế, đế quốc La Mã, đế quốc Byzantine, và đế quốc Ottoman. Kể từ thế kỷ thứ bảy, vùng đất này nằm dưới ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo và Ả Rập. Tên chính thức đó là Vương quốc Hashemite Jordan là một quốc gia Ả Rập tại Trung Đông trải dài từ phần phía nam của sa mạc Syria tới vịnh Aqaba. Nó có chung biên giới với Syria ở phía bắc, Iraq ở phía đông bắc, Israel và lãnh thổ của người Palestine về phía tây và nam. Jordan cùng với Israel phân chia Biển Chết, và bờ biển Vịnh Aqaba với Israel, Ả Rập Xê Út, và Ai Cập. Phần lớn lãnh thổ Jordan bị bao phủ bởi sa mạc, đặc biệt là sa mạc Arabia; tuy nhiên vùng tây bắc, với sông Jordan, được coi là vùng đất rất màu mỡ. Thủ đô của Jordan là Amman, nằm ở phía tây bắc. Có một thời gian đã từng bị đô hộ dưới quyền cai trị của Vương Triều Anh.
Jordan là một vương triều quân chủ. Nhà vua Quốc vương Abdullah II của Jordan cũng đồng thời là nguyên thủ quốc gia, và tổng tư lệnh quân đội. Nhà vua có quyền hành pháp, thông qua thủ tướng và hội đồng Bộ trưởng, hay nội các. Nội các, trong khi đó, chịu trách nhiệm trước Hạ nghị viện. Viện này, cùng Thượng nghị viện, hợp thành nhánh lập pháp của chính phủ. Ngành tư pháp là một ngành riêng trong chính phủ. Vị Hoàng đế của Jordan rất được người dân tôn sùng vì ông ta trở thành anh hùng khi đã từng tự lái máy bay chiến đấu với kẻ thù. Một ông vua can đảm của nước Jordan, theo chủ trương của ông khác với vua cha là độc lập và không mật thiết lắm với phương tây.
Jordan là một nước nhỏ, tài nguyên thiên nhiên không nhiều, đặc biệt không có dầu mỏ. Khoáng sản chính có phốt phát, xi măng, ngoài ra có quặng sắt, đồng, thạch cao, măng gan và muối khoáng ở vùng Biển Chết. Công nghiệp chủ yếu là các ngành khai thác. Jordan đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu phốt phát (sau Maroc, Mỹ).. Ngoài ra còn có một số nhà máy xi măng, hoá chất khác và một nhà máy lọc dầu (dầu thô do Ả Rập Xê Út và Iraq cung cấp). Tính đến nay GDP của Jordan, đứng thứ 91 thế giới, 22,56 tỷ USD đứng thứ 30 châu Á và đứng thứ 11 Trung Đông. Tuy thế đồng tiền Dinar của Jordan cách đây vài năm khi tôi đi giá ngang với Mỹ kim, nhưng hôm nay thì đã xuống là 1 Dinar của Jordan bằng 0.71 USD (tháng 6-2022)
Đáp chuyến máy bay từ New York đến Sân bay quốc tế Hamad là sân bay quốc tế duy nhất ở bang Qatar. Lang thang ở phi trường đến khuya thì ngồi máy bay đi Amman Thủ đô của Jodan. Máy bay của Qata thì không tệ nhưng chuyến trước tôi đi từ Cairo – Ai Cập về lại Tel-aviv -Israel phải đi bằng máy bay của Hoàng Gia Jordan, nghe sang lắm nhưng máy bay cũ và tôi thấy có một con gián bò trên ghế ngồi, chỉ cho bà hành khách người Mỹ ngồi chung làm bà cũng phát hoảng!
Muốn đến sa mạc Wadi Rum (tiếng Ả Rập: gọi là Thung lũng Mặt Trăng là một thung lũng được tạo bằng vào đá sa thạch và đá granite ở phía nam Jordan khoảng 60km về phía đông của Aqaba. Đây là hệ thống suối cạn lớn nhất ở Jordan. Tên Rum rất có thể đến từ một gốc tiếng Aram nghĩa là “cao”. Để phản ánh đúng cách phát âm tiếng Ả Rập của nó, các nhà khảo cổ chép nó như là Wadi Ramm. Đỉnh cao nhất của Wadi Rum là núi Um Dami với độ cao hơn 1.800 m trên mực nước biển. Phải mướn xe Jeep để đi vào sa mạc, phải đi vào sáng sớm nếu không khi mặt trời lên sẽ rất nóng. Tôi sẽ chọn ngủ tại sa mạc thì phải ở trong các trại lều bằng vải, đêm về lạnh và khô đắp ba cái mền vẫn còn thấy lạnh. Không có lò sưởi, còn nếu không chịu đựng nổi thì đổi khách sạn nhưng phải ngồi xe đi vào trong thành phố. Dĩ nhiên là tôi muốn biết đêm ở sa mạc ra sao? Cho nên khá là thiếu tiện nghi, đêm cần dùng nhà vệ sinh phải xách đèn pin để đi hơn cả cây số, tắm rửa thì phải dùng một thùng nước nóng xách từ bên ngoài chỗ đánh răng và rửa mặt và sau đó mang vào phòng tắm. Khi đi phải mang theo đèn pin để soi đường, theo lời gợi ý của cô ở chung lều thì đếm bước. Riêng tôi thì hỏi có ai là người có dụng cụ leo núi để tôi mượn sợi dây cột vào cửa lều để khi đi về cho đúng chỗ của mình, nếu không thì vào nhầm phòng của một ông Hồi Giáo đang cầu nguyện hay đang uống trộm rượu thì tai hại nặng nề đến thánh A La cũng không thể đỡ nổi. Hai người kia can tôi vì chỉ sợ có ai vấp phải dây thì đổ cả lều thì đêm nay cả ba sẽ ngủ khách sạn không sao (Bầu trời không trăng sao). Đêm nay đã làm cho giấc mơ nhìn được tất cả các ngôi sao ở Wadi Rum đã không thể thực hiện được).
Buổi chiều sau khi đến nơi, tôi được ăn một buổi cơm có vị của Địa Trung Hải, không tệ, chắc vì đói, nhìn những người cũng có máu phiêu lưu như tôi đang nhìn những dãy núi đá khô cằn không có một bóng cây của sa mạc Wadi. Tôi cũng ngồi nhìn lên bầu trời ban đêm tối đen thăm thẳm, không có một vì sao để mà mơ với mộng.
Đi ra bên ngoài có một con đường đi lên dãy núi đá trên những bậc thang có để những cây đèn để ai muốn lên núi thì mang theo. Tôi ngồi trên những chiếc gối to và tựa lưng bên vách đá, nhìn những người trẻ vui vẻ đùa giỡn với nhau mới thấy là mình đã từ lâu chưa có một người bạn ở gần, các cô cậu hồn nhiên nói chuyện và phá nhau làm tiếng cười vang lên ở một buổi tối ở sa mạc Wadi lại nhắc cho tôi đến một thời còn rất trẻ, ai cũng có một thời đáng yêu mà. Nhiều người nói đủ các loại ngôn ngữ mà tôi thật sự cũng không biết là tiếng gì, có lẽ là Ả Rập nếu họ choàng khăn như người Hồi Giáo, vài người nói tiếng Pháp là ngôn ngữ mà tôi rất thích nghe, có lẽ chỉ có tôi là một người Việt Nam duy nhất đang ngồi bên đống lửa có chiếc chăn dệt bằng tay loại dây gai thô đắp dưới chân cho bớt lạnh. Uống một ly trà nóng bằng rễ cây có vị ngọt và đắng.
Nhớ đến lịch sử của Jordan nằm trên ngã ba của Đông và Tây, nơi khi xưa những đoàn lạc đà chở đồ gia vị, nhũ hương, tơ lụa tấp nập qua lại, nơi gặp gỡ của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo với lịch sử ngàn năm, nơi có thiên nhiên hoang dã với sa mạc Wadi Rum khô cằn nhưng vô cùng độc đáo, với hẻm núi Petra huyền bí, với biển Chết, với ngọn núi Nebo mà từ đó Moses, nhân vật trong Kinh Cựu Ước, đã nhìn thấy miền đất hứa của Thiên Chúa ban cho dân Do Thái trước khi mất.
Nếu ai đã từng coi cuốn phim “Lawrence of Arabia”. Cuốn phim nổi tiếng này đã lấy sa mạc Wadi Rum làm bối cảnh, hay ở Petra còn có rất nhiều phim khác như “Indiana Jones and the Last Crusade”, “Sinbad and the Eye of the Tiger”, “Passion in the Desert”, “Arabian Nights”, “Transformers: Revenge of the Fallen”, “Rogue One: A Star Wars”, “The Martian”, ”Prometheus”,… Nhiều cuốn phim nổi tiếng, thú vị đã được quay ở những cảnh này. Đất Jordan phần đông là sa mạc khô cằn, trơ trọi, nắng cháy da, nơi mà những người đi qua theo lối đường bộ sẽ rất sợ hải vì thiên nhiên khắc nghiệt. Nhưng chính cái hoang sơ của trời đất nơi đây đã làm mê say những con người thích tìm tòi và khám phá.
Ở lán trại to phía bên kia có đèn sáng vẫn còn có nhiều người đang ăn uống và vui đùa, tôi đi một mình nhưng lúc ngồi ăn cũng có nói chuyện với vài người phụ nữ, một cô người Mỹ trắng là tâm lý gia ở Boston, một cô người gốc Phi châu là bác sĩ mới ra trường ở Kenya. Chúng tôi kết thành một nhóm để vào chung một lều có ba giường cho tiện.
Đêm ở sa mạc không có tiếng côn trùng như ở vùng đồng bằng, cây có thể sống được là cây cọ gai, còn chung quanh là đất và đá, bụi đỏ khô cằn, ba người ôm ba cuốn sách sau khi hỏi thăm qua loa cho biết tên nhau, để còn dễ nói chuyện. Chúng tôi không hề nghe tiếng động gì kể cả gió.
Chúng tôi tắt đèn và đi ngủ để nghỉ ngơi lấy sức để sáng sớm mai ngồi xe Jeep đi vào sa mạc.
Wadi Rum còn gọi là Wadi Ramm. Trong tiếng Ả Rập, Wadi có nghĩa là thung lũng cát và Ramm là đỉnh cao. Wadi Rum rộng 740 km² và có ngọn núi Dschabal Umm ad-Dami cao 1832 m. Đứng trên núi, có thể nhìn đến tận Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út). Waldi Rum được mệnh danh “Thung lũng Mặt Trăng” và được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2011.
Những đồi cát vàng lượn nhấp nhô, những hẻm núi dài thăm thẳm, những vách núi cao chót vót đã tạo nơi đây cảnh hoang dã đẹp vô cùng tận. Tôi trèo lên một ngọn đồi cát, phóng tầm mắt đến cuối chân trời, tận hưởng cái không gian vô tận của trời đất, cảm nhận được cái tĩnh lặng vô cùng của từng hạt cát nóng đỏ lóng lánh dưới ánh mặt trời. Trời nắng cháy da, cát nóng đỏ dưới chân giày, gió hừng hực thổi vào mặt, có nhiều người đã thề không bao giờ trở lại, Nhưng đã có rất nhiều du khách đã tìm về để thăm, họ đã bị cái hoang dã mạnh mẽ và khắc nghiệt của Thung lũng Mặt Trăng hấp dẫn. Một cô bạn đi chung xe cho biết là đây là chuyến đi thứ hai của cô.
Wadi Rum đã trở thành địa danh quen thuộc, từ khi được nhà đạo diễn David Lean lấy nơi đây làm bối cảnh để quay cuốn phim nổi danh “Lawrence of Arabia“ với 7 giải Oscar (1962). Cuốn phim này dựa theo cuốn sách hồi ký “Seven Pillars of Wisdom“(Tạm dịch “Bảy trụ cột trí tuệ”) của Thomas Edward Lawrence (1888-1935). Lawrence, một sĩ quan quân đội Anh, đi vào huyền thoại với tên “Lawrence of Arabia”. Ông đã cùng với Hoàng tử Feisal bin Al-Hussein đứng lên đánh đuổi đế quốc Ottoman ra khỏi bờ cõi. Lawrence đã phiêu lưu tới Wadi Rum và lấy đây làm căn cứ cho cuộc nổi dậy của người Bedouin (1917-1918). Sau đệ nhất thế chiến, đế quốc Ottoman bị sụp đổ, lãnh thổ đế quốc bị phân chia và tạo nên sự hình thành các quốc gia Ả Rập ngày hôm nay, trong đó có Jordan. Dân Bedouin đã coi ông như người anh hùng. Nên không có gì ngạc nhiên, nếu một số địa danh nơi đây mang tên Lawrence: Lawrence Spring, Lawrence House. Lawrence Spring ở ngọn núi Khazali có nguồn nước thiên nhiên để cho người và thú dừng chân lại nghỉ ngơi và uống nước trong sa mạc khô cằn. Ở gần đó bên trong hang đá có tìm thấy một số hình được khắc trên vách đá cách đây mấy ngàn năm. Không xa lắm, có Lawrence House là căn nhà bằng đá, ông đã sống ở đó một thời gian dài.
Cầu Jabal Burdah, nằm 30Km ở phía bắc của sa mạc, cũng là nơi đáng đến để chiêm ngưỡng. Cao 35m, là một chiếc cầu mái vòm do thiên nhiên cấu tạo khá đẹp trong cảnh thiên nhiên của thế giới. Muốn trèo lên cầu, cũng phải bám, vịn và leo vì không có cầu thang, chỉ là những sườn đá thoai thoải, ai muốn lên phải men theo đó mà trèo lên và cũng theo đó để tuột xuống.
Wadi Rum là một bức tranh được kết hợp từ nắng, gió, đá, cát và thời gian. Mà thiên nhiên là điểm chính của sự hoang dã đến tàn khốc. Wadi Rum đã xuất hiện từ thời đại tiền sử và thiên nhiên, nơi đây là kết quả của một quá trình tiến hóa mấy triệu năm. Đứng trong sa mạc Wadi mênh mông của Wadi Rum tôi thấy là con người quá nhỏ bé và yếu đuối rồi cảm nhận được là cuộc sống quá ngắn ngủi so với cái thiên nhiên bao la, vô tận.
Từ thời tiền sử, Wadi Rum là nơi sinh sống của con người với nhiều nền văn hóa, bao gồm cả dân tộc Nabatean để lại các hình vẽ của họ dưới các hình thức bức tranh đá, graffiti, và đền thờ. Tính đến năm 2007, một số bộ lạc Bedouin sinh sống tại Rum và khu vực xung quanh. Wadi Rum đã được nhiều nền văn hóa của con người sinh sống từ thời tiền sử, với nhiều nền văn hóa, bao gồm cả người Nabataeans, để lại dấu ấn của họ dưới dạng tranh đá, graffiti và đền thờ. Ở phương Tây, Lawrence mô tả lối vào của mình vào thung lũng của Rum, ‘Những ngọn đồi ở bên cao lớn và các thành vách đá khổng lồ màu đỏ đã pha lẫn vào nhau giữa những bãi cát mênh mông. Chỉ có những chiếc xe jeep mui trần chạy trên con đường cát tung bụi mù, chạy về phía trước trong một con đường đầy dấu xe in trên cát và cả hàng trăm dặm các vách đá cheo leo nhìn qua các mái vòm, làm cho người ngồi trong xe cũng cảm thấy cái nóng của cơn nắng bắt đầu xuất hiện trên sa mạc. Nhưng để háo hức ngắm một cảnh mênh mông của một sa mạc ở một đất nước như Trung Đông như Jodan thì có lẽ sự chịu đựng của một người thường sống nơi một xứ lạnh như Trung Mỹ như tôi thì cũng hơi khó khăn một chút.
Hẻm núi Khaz’ali ở Wadi Rum là địa điểm của những bức tranh khắc đá được khắc vào các bức tường hang động mô tả con người và linh dương có từ thời Thamudic. Ngôi làng Wadi Rum bao gồm hàng trăm cư dân Bedouin với lều lông dê và nhà bê tông và cả xe bốn bánh của họ, một trường học cho nam và một cho nữ, một vài cửa hàng, và trụ sở của các nhân viên Tuần tra Sa mạc.
Người hướng dẫn cũng cho biết là vùng hoang dã đá đỏ của Jordan rất đặc biệt của sa mạc. Tranh khắc đá thời kỳ đồ đá và sự hiện diện của dân du mục tiếp tục đưa ra một thông tin hiếm hoi vào sự khởi đầu sớm nhất của loài người.
Wadi Rum (Thung lũng Mặt trăng) nằm ở phía Nam xa xôi của Jordan, nằm trên một cao nguyên ở rìa phía tây của sa mạc Ả Rập. Thành tạo đá Gargantuan, cồn cát gợn sóng và bầu trời đêm trong vắt tạo nên một khung cảnh gần như cổ tích trên một khu vực không có dân cư rộng bằng kích thước của Thành phố New York. Đây thực sự là một phần của Reddest của Jordan, được tô màu bởi oxit sắt, và cho đến nay là ấn tượng nhất về mặt cảnh quan.
Wadi Rum là một chuyển biến đi xuyên qua quá trình tiến hóa địa chất của Trái đất và nhiều đặc điểm địa hình này cũ hơn Rạn nứt Biển Chết tạo thành biên giới phía tây của Jordan. Các khối đá khổng lồ bật thẳng lên từ biển của thời rất xa xưa. Dưới nền cát, kết quả của sự di chuyển kiến tạo nguyên thủy đã cắt đứt lớp vỏ phần dưới đất với sự hoàn hảo trước khi nâng nó lên cao trên nền cát của sa mạc. gió, cát và lũ lụt mùa đông tạo ra mặt phẳng cho các thung lũng và hẻm núi, tạo thành sa thạch để trở thành các tòa tháp tự nhiên và các vòm cong. Đá granite cứng hơn, cũ hơn tạo thành chất nền của Wadi Rum và có thể nhìn thấy giữa các phần dưới của những ngọn núi cao hơn.
Ngôi làng Rum nằm cách mực nước biển chính xác một dặm, và khu vực được bảo vệ xung quanh là nơi có điểm cao nhất của Jordan.
Hơn 20.000 bức tranh khắc họa và 20.000 chữ khắc đã được ghi lại bên trong Wadi Rum, truy tìm sự tồn tại của con người khoảng 12.000 năm tại vị trí này. Thậm chí ngày nay, một số người Bedouin du mục làm nhà ở đây, cùng với một trong những chuyến di cư mà con người đã rời khỏi châu Phi, cung cấp một bức chân dung sống về nguồn gốc loài người của chúng ta.
Như một khu bảo tồn với diện tích 74.000 ha, nơi đây được ghi trong Danh sách Di sản UNESCO từ năm 2011. Các điêu khắc trên đá, chữ khắc và di vật khảo cổ tại nơi đây làm chứng đến 12.000 năm sinh sống của con người và tương tác với môi trường tự nhiên. Sự kết hợp của 25.000 khắc đá với 20.000 chữ khắc chỉ dẫn sự phát triển của tư tưởng con người và sự phát triển sớm của bảng chữ cái. Địa điểm di chỉ này cho thấy sự phát triển của hoạt động chăn nuôi gia súc, nông nghiệp và đời sống đô thị trong khu vực
Một chuyến đi ngắn khi đến Trung Đông nhưng đã tạo cho tôi sự thích thú về một cảnh quan của thiên nhiên khắc nghiệt nhưng mạnh mẽ. Có thể chính vì những điều đó đã tạo cho những con người ở Trung đông với khí hậu sa mạc một sức sống bền bỉ và dẻo dai để có thể tồn tại trong điều kiện của nắng và cát bụi. Người dân sống bám theo sa mạc ngủ trong các lều vãi thường là người buôn bán cho các du khách như thảo dược, khăn choàng đầu, nữ trang theo kiểu mẫu của các phụ nữ Hồi giáo được mang xuất xứ Made in China. Nhìn nước da khô cằn và nhăn nheo của họ thì cũng thấy là khí hậu khắc nghiệt của sa mạc như thế nào.
Khi trở về lại thành phố, tôi vẫn không quên được hình ảnh hùng vĩ của núi, đá, hang động và cát và sự vui vẻ của những người sống ở đó vì miếng cơm manh áo, chỉ cần bán được một chiếc khăn quấn đầu, họ có thể sống được vài ngày. Tôi mua và được người bán ân cần quấn cho tôi.
Tôi cảm thấy thích thú khi được hòa mình vào cuộc sống ngắn ngủi của những người ở tại sa mạc Wadi Rum. Mỗi một chuyến đi là một kỷ niệm, cho tôi thêm sự trân trọng với những gì đang có để biết ơn cuộc sống đã cho tôi có cơ hội để đi đến một nơi có lẽ ít ai muốn sống nhưng nơi đó đã từng có dấu vết của con người thời cổ đại.
Hồng Lĩnh ( Tina Phuong Nguyen )
Một số hình ảnh trong chuyến du lịch Wadi Rum được tác giả ghi lại:
Mời Xem :Trại đà điểu ở Nam Phi, trại đà điểu ở Arizona, USA / hình ảnh, bài viết Quách Như Nguyệt (P.1 )
bài rất hay
Trả lờiXóa