Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Hai giờ dưới mỏ muối 800 năm tuổi ở Ba Lan

Hai giờ dưới mỏ muối 800 năm tuổi ở Ba Lan

          Tượng Đức Mẹ cao 3m bằng muối

Cách thủ đô Warsaw hơn 192 dặm về phía Nam có một tuyệt tác được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới, mà nếu có dịp đi Ba Lan, bạn không thể không đến.

Đó là mỏ muối Wieliczka (Wieliczka Salt Mine), tiếng Ba Lan là “Kopalnia soli Wieliczka”, cách cố đô Krakow khoảng hơn nửa tiếng lái xe. Tôi may mắn được gia đình người bạn sống ở Krakow đưa đi thăm mỏ muối. Giá vé mỗi khách là €36 (gần $39) cho một tour đi hết khu mỏ trong vòng hai tiếng, mà theo người bạn: “Mình ở đây mấy chục năm, lần nào đi cũng thấy ‘đáng giá đồng tiền bát gạo’. Bạn phải đi cho biết.” Ừ, thì đi!

Hằng năm, mỏ muối Wieliczka đón hơn một triệu lượt khách tới tham quan. Đại dịch COVID-19 có làm giảm đáng kể lượng khách tìm đến thưởng ngoạn những tuyệt tác nhân tạo làm bằng muối dưới lòng đất sâu, nhưng mọi sự có vẻ trở lại bình thường từ hồi Tháng Năm vừa qua. Thậm chí những người muốn vào thăm mỏ muối bằng thang máy thay vì đi bộ cần phải đặt chỗ trước cả tháng. Dịch vụ thang máy luôn cần cho người cao niên, vì việc đi dưới lòng đất trong vòng hai giờ đồng hồ, đối với vài người trẻ khỏe còn thở “phì phò”, trong đó có cô hướng dẫn viên nói tiếng Anh cho nhóm chúng tôi, tên là Joanna.

Nhìn từ bên ngoài, mỏ muối Wieliczka trông giản dị như một nhà ga xe lửa
             Bức tranh “Bữa tiệc ly” bằng muối
Tượng bằng muối tạc vĩ nhân Nicolaus Copernicus (Mikołaj Kopernik) nhà khoa học thời kỳ Phục hưng, hoạt động như một nhà toán học, thiên văn học và giáo luật Công giáo, người đưa ra hình thức hiện đại đầu tiên của thuyết Nhật tâm (Mặt trời ở trung tâm).

Du khách ngoại quốc khá đông, nên được chia thành các nhóm cùng ngôn ngữ để được hướng dẫn và giải thích, như tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp…

Nhìn từ bên ngoài, mỏ muối Wieliczka có từ thế kỷ 13, trông giản dị như một nhà ga xe lửa, nhưng khi xuống lòng đất qua các bậc thang, du khách cảm thấy choáng ngợp trước không gian mở rộng dần như một mê cung. Joanna bắt đầu dẫn dắt chúng tôi trong “hành trình” khám phá mỏ muối bằng câu chuyện truyền thuyết:

“Mỏ muối Wieliczka gắn liền với huyền thoại về công chúa Kinga. Kinga là con gái của Vua Bela Đệ Tứ – vị vua vĩ đại của người Hungary. Khi nàng công chúa tròn 15 tuổi, vì tình giao hảo giữa Hungary và Ba Lan, Kinga được gả cho Boleslaw – Hoàng thân xứ Krakow. Trước khi nàng theo chàng “về dinh” ở Ba Lan, vua Bela Đệ Tứ hỏi con gái muốn lấy gì để làm của hồi môn? Nàng công chúa trả lời, cô muốn một món quà cho mọi người dân Ba Lan. Đó là những tảng muối vùng Erdély. Nàng công chúa bèn thả chiếc nhẫn cưới xuống hầm mỏ để khẳng định quyền sở hữu của mình rồi trở về Ba Lan cùng tốp thợ mỏ người Hungary. Chính nàng công chúa là người mở mỏ muối Wieliczka ở vùng ngoại ô Krakow.” Sau khi khu vực mỏ muối phát triển, công chúa Kinga được tôn là thần bảo hộ cho mỏ muối và các người thợ mỏ.

Hoàng thân xứ Krakow trao của hồi môn cho công chúa Kinga.

Mỗi bước đi, lời giới thiệu về những tuyệt tác trong mỏ muối của Joanna đều khiến du khách trầm trồ. Mỏ muối có một hệ thống hang động, đường hầm, hồ nước, nhà thờ, khu điều dưỡng và các lối đi tạo thành một thành phố ngầm hết sức kỳ lạ. Điều đặc biệt khó ai hiểu nổi với những tuyệt tác làm bằng muối, không chỉ là bức tượng, mà nhiều cảnh rất sống động, như thác nước chảy, các thợ mỏ làm bằng muối cử động như người thật. Theo từng năm tháng, mỏ muối Wieliczka được quy hoạch và chỉnh trang một cách rất chi tiết, đâu ra đó, nhờ những tấm bảng chỉ dẫn vào từng khu vực.

Muối biển được tích tụ trong những hang động, các khe ngầm tạo thành mỏ muối.

Theo nghiên cứu khoa học, khoảng 20 triệu năm trước, Wieliczka vốn là biển với những hang động tự nhiên. Khu vực này dần trở thành đất liền và muối biển được tích tụ trong những hang động, các khe ngầm tạo thành mỏ muối.

Cùng với lời giới thiệu của hướng dẫn viên, du khách biết được mình đang ở vị trí nào, sâu bao nhiêu dưới lòng đất trong hệ thống mỏ ngầm vô cùng lớn, kéo dài 300 km này. Nơi sâu nhất của mỏ cách mặt đất 327 m. Mỏ có hơn 3,000 hang động lớn nhỏ, ba hành lang rộng lớn, được chia ra làm ba tầng tham quan chính. Tầng một sâu khoảng 64 m; tầng hai chia ra hai phần, phần “upper” sâu hơn 90 m, phần “lower” sâu 125 m. Riêng tầng thứ ba sâu đến 135 m. Cả ba tầng này ngày nay trở thành các tầng hầm dành cho du khách thưởng ngoạn và tìm hiểu thêm về các kỹ thuật các thợ mỏ ngày xưa làm việc nơi đây như thế nào.

Do tính chất công việc, những người thợ mỏ luôn làm việc sâu hàng trăm mét và rất dễ dàng gặp nhiều rủi ro nguy hiểm không thể lường. Do vậy, họ đã tìm đến niềm tin nơi tôn giáo và các vị thần bảo hộ cho hầm mỏ. Lúc ấy, người ta không chỉ tạc tượng các đấng tối cao mà còn đục khắc để “xây dựng” các nhà thờ ngầm dưới lòng đất, làm nơi cầu nguyện và nương tựa vào đức tin của mình.

Tượng Đại Đế Casimir III trị vì với tư cách là Vua của Ba Lan từ năm 1333 đến năm 1370.
                    Hình tượng tái hiện môi trường làm việc của các thợ mỏ.
                  Tái hiện môi trường làm việc của các thợ mỏ.
                  Hình tượng các thợ mỏ làm bằng muối.

Chính sự tài hoa và công sức miệt mài, các nhà thờ ngầm nơi đây cùng hệ thống khổng lồ của cả khu mỏ muối này trở thành một di sản tuyệt hảo mà các thợ mỏ xưa kia đã để lại cho hậu thế. Những căn phòng, điện thờ, nhà thờ nhỏ, cùng mọi vật dụng của hàng trăm năm trước, nói lên tất cả về cuộc sống, công việc và cuộc chiến thầm lặng với thiên nhiên của những người thợ mỏ.

Nhà thờ là những hang động lớn trong khu mỏ, trong đó nổi bật là nhà thờ thánh Kinga được bắt đầu xây dựng từ năm 1896 kéo dài tới năm 1963 mới hoàn thành. Nhà thờ Thánh Kinga có chiều dài 54 m, rộng 15-18 m, cao 10-12 m và có những chùm đèn lộng lẫy trên trần nhà.

Ngoài bức tượng Đức Mẹ cao 3 m, ở đây còn có nhiều bức phù điêu, nổi bật là bức điêu khắc phỏng theo bức tranh “Bữa tiệc ly” của danh họa Leonardo da Vinci, tất nhiên làm bằng muối. Mọi thứ trong nhà thờ đều được làm bằng muối: Bức tượng thần thoại, bàn thờ, trên trần và dưới sàn nhà. Ngay đèn chùm cũng được làm từ tinh thể muối. Mọi vật được chế tác rất công phu và mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Thêm một điều lạ lùng, là dù toàn bộ khu vực hầm mỏ này được khai thác rất sâu dưới lòng đất hàng trăm mét, nhưng du khách không có cảm giác ngộp thở và vẫn có thể gọi bằng điện thoại di động với thế giới bên ngoài. Hơn thế nữa, trong hầm còn có cửa hàng mua sắm đồ lưu niệm, một bưu điện nhỏ và còn có một nhà hàng để du khách có thể thưởng thức ẩm thực Ba Lan ngay trong lòng hang động.

                 Những chùm đèn lộng lẫy trên trần nhà thờ Thánh Kinga

Đến năm 1978, Wieliczka Salt Mine được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới. Từ năm 1996, nơi đây không còn hoạt động như là mỏ muối nữa, mà trở thành một địa điểm du lịch.

Kết thúc chuyến du ngoạn mỏ muối ngầm dài 2,000m, du khách lên mặt đất bằng thang máy của những người thợ mỏ xưa kia sử dụng. Tất nhiên người ta đã thiết kế lại cho an toàn. Sau đó, mọi người có thể đi phà ngang qua nhiều lòng hồ muối để tham quan viện bảo tàng các tác phẩm từ muối, được mở cửa cho du khách từ năm 1950.

Thời tiết đầu mùa hè ở Ba Lan mát mẻ, rất dễ chịu. Một chuyến du lịch được khám phá những điều kỳ diệu của thiên nhiên dưới sâu lòng đất quả là “đáng giá đồng tiền bát gạo”.

Bài và ảnh: Đoan Trang

 Xem Thêm :Núi cầu vồng của đất nước Peru 

Trại đà điểu ở Nam Phi, trại đà điểu ở Arizona, USA / hình ảnh, bài viết Quách Như Nguyệt (P.1 )  

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...