Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

MỘT CÁCH ĐẶT TỪ MỚI TRONG TIẾNG NHẬT - TỪ NGUYÊN CỦA KANKÔ 観光 (QUAN QUANG) - ( Nguyễn Sơn Hùng - Exryu Japan)


 Ý “du lịch” trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt người ta dùng từ du lịch hoặc du ngoạn để chỉ việc đi thăm viếng những nơi đặc biệt như danh lam (1) thắng cảnh hoặc có nội dung gì nổi tiếng. Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học (2013) giải thích nghĩa của du lịch như sau: “đi xa cho biết xứ lạ khác với nơi mình ở”. Và du ngoạn: “đi chơi ngắm cảnh”. Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức (1970) giải thích du lịch: “đi chơi các nơi xa để biết cảnh, tục xứ người”; du ngoạn: “đi ngắm xem phong cảnh”; du lãm 遊覧: “đi xem phong cảnh đẹp”. Khác biệt giữa 2 từ sau cùng là phong cảnh thông thường (du ngoạn) và phong cảnh đẹp (du lãm). Tự điển này giải thích nghĩa của từ phong cảnh như sau: “cảnh tự nhiên do núi sông, cây cỏ, nhà cửa hòa hợp”.

Du lịch 遊歴, du ngoạn 遊玩 và du lãm 遊覧 đều là từ Hán Việt. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (1932) giải thích du lịch: “chu du các nơi”; du ngoạn: “chơi nhởi với một cảnh vật gì”; du lãm: “chơi xem các nơi cảnh đẹp”. 

Ý “du lịch” trong tiếng Nhật

Trong tiếng Nhật cũng có các từ du lịch 遊歴 (yuureki), du lãm遊覧nhưng không có từ du ngoạn 遊玩. Tiếng Trung Quốc có từ du ngoạn 遊玩.

Nghĩa của du lịch trong tiếng Nhật là “đi bộ đến các nơi, hết chỗ này đến chỗ khác”. Đồng nghĩa với từ này là tuần lịch 巡歴 hoặc lịch du 歴遊.Tuy nhiên theo từ điển Kôjien 広辞苑, từ điển đại biểu của Nhật Bản du lịch:“đi các xứ, các nước” không đề cập đến phương tiện đi bộ.

Tuy nhiên ngày nay người Nhật thường dùng 3 từ sau để diễn tả ý du lịch trong tiếng Việt: tabi 旅 (lữ) , ryokô 旅行 (lữ hành), kankô 観光(quan quang).

Tabi (lữ) trong tiếng Nhật có nghĩa là “rời căn nhà của mình đang sống để đi đến một nơi khác trong một khoảng thời gian”. Ryokô (lữ hành) tương tự như tabi (lữ); tabi là tiếng thuần Nhật, ryokô là tiếng Hán Hòa (Nhật).

Kankô (quan quang) bao gồm nghĩa Ryokô (lữ hành) nhưng thêm vào ý nghĩa xem các thắng cảnh hoặc dấu tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo, và đặt trọng vào phần sau hơn.

Ngày nay để diễn tả ý du lịch người Nhật dùng 3 từ nói trên, từ yuureki (du lịch) có trong tự điển nhưng hầu như không nghe nói đến trong thực tế. 

Từ nguyên của Kankô 観光 (quan quang)

Theo Nhật Bản Đại Bách Khoa Toàn Thư (Encyclopedia Nipponica), từ Kankô 観光(quan quang) lần đầu tiên được Mạc phủ Tokugawa sử dụng vào năm 1855 để đặt cho quân hạm bằng gỗ chạy bằng hơi nước do Hòa Lan biếu tặng. Tên tàu là Kankô maru (maru丸 (hoàn) thường được kèm theo sau tên của tàu). Tên này được dùng với mục đích biểu thị uy thế và quyền lực của Nhật Bản với hải ngoại.

Xuất xứ của 観光 (quan quang) lấy từ hào từ lục tứ (2) của quẻ Phong Địa Quán trong kinh Dịch: quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương 観国之光 利用賓于王. Nghĩa đen có thể hiểu như sau.

Quan quốc chi quang: xem ánh sáng (quang vinh) của một quốc gia.

Lợi dụng tân vu vương: dùng để làm khách gần gũi với vua.

   Ý nói xem xét những điều hay của các nước để mở rộng kiến thức và dùng kiến thức này để được vua tiếp đãi như khách (tân 賓) bên cạnh vua để tư vấn cho vua. Nghĩa ban đầu của quan quang観光 là thị sát chế độ, văn vật (điều hay) của các nước chuyển thành ý nghĩa đi du lịch các nước để mở rộng kiến thức. Quan 観 ngoài nghĩa nhìn xem, quan sát còn có nghĩa cho thấy. Do đó, quan quang 観光 còn hàm chứa ý nghĩa cho các nhân vật quan trọng của nước ngoài thấy được điều hay vẻ đẹp của đất nước mình.

   Từ kankô (quan quang) được dùng để dịch từ tourism của tiếng Anh từ sau giữa thời Minh Trị nhưng thật sự được phổ biến rộng rãi sau 1923. Vào năm 1930 bộ Đường Sắt Nhật Bản thành lập cục Kokusai Kankô (Du lịch quốc tế).

   Năm 1963 Nhật Bản đặt ra luật căn bản về du lịch (kankô) (Pháp luật số 107 năm 1963). Với chính sách phát triển đất nước bằng du lịch, vào năm 2006 Nhật Bản đổi mới toàn bộ luật pháp nói trên thành Pháp luật số 117 năm 2006. Một điểm đáng chú ý là ý tưởng phát triển quốc gia bằng du lịch đã được Matsushita Kônosuke, nhà sáng lập công ty Panasonic hiện nay, đề xuất từ năm 1954 (3)

Các từ hoặc tên gọi có xuất xứ từ kinh Dịch (4)

Tên quân hạm đầu tiên của Nhật Bản Kanrin Maru (Hàm Lâm Hoàn)

Năm 1853 Matthew Calbraith Perry, Phó đề đốc hải quân Mỹ, đến Nhật Bản yêu cầu mở cửa giao thương. Năm 1854 Nhật Mỹ Hòa Thân Điều Ước được ký kết. Cùng năm Mạc phủ sáng lập hải quân. Năm 1855, và Hòa Lan tặng Kankô maru cho sở Truyền Tập Hải Quân ở Nagasaki như đã nói trên. Sau đó, Mạc phủ giao cho Hòa Lan đóng thêm 2 quân hạm Kanrin Maru 咸臨丸 (Hàm Lâm Hoàn) và Chôyô Maru 朝陽丸 (Triều Dương Hoàn). Tên Kanrin 咸臨 (Hàm Lâm) xuất xứ từ kinh Dịch. Chôyô (Triều Dương) có ý nghĩa là mặt trời mọc từ hướng Đông, biểu tượng của Nhật Bản.

Tên Kanrin 咸臨 (Hàm Lâm) lấy từ hào từ sơ cửu và cửu nhị (2) của quẻ Địa Trạch Lâm. Hào từ của sơ cửu và cửu nhị của quẻ này viết theo thứ tự như sau:

Hàm lâm, trinh, cát 咸臨, 貞吉: cùng tới, giữ chính đạo thì tốt.

Hàm lâm cát, vô bất lợi 咸臨, , 无不利: cùng tới, tốt, không gì là không lợi.

Hàm 咸có nghĩa là cùng đồng tâm hiệp lực; Lâm 臨 có nghĩa là tới. Ý của 2 hào nói cùng đồng tâm hiệp lực tiến tới, ứng phó sự việc là tốt, không có gì là bất lợi. Đó cũng là ý nghĩa của người đặt tên quân hạm muốn nói. Tàu này là tàu đầu tiên của Nhật Bản xuyên qua Thái Bình Dương để đưa phái đoàn Nhật Bản sang Mỹ để ký kết Nhật Mỹ Tu Hảo Thông Thương Điều Ước. Fukuzawa Yukichi, một trong những nhà khai sáng của Nhật Bản, cũng đã sang Mỹ trên tàu này. 

Từ “cách mạng”

Từ cách mạng có xuất xứ từ thoán/soán truyện (giải thích của thoán/soán từ) (2) do Khổng tử viết cho quẻ Trạch Hỏa Cách như sau. Vì dài nên ở đây chỉ trích dẫn phần cuối có chứa từ cách mạng.

Thiên địa cách nhi tứ thì thành, Thang, Võ cách mạng, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân, cách chi thời đại hĩ tai 天地革而四時成, 湯武革命, 順乎天而應乎人, 革之時大矣哉.   Cụ Phan Sào Nam giải thích như sau: “…trời đất biến dịch luôn, bốn mùa thay đổi hoài, có như thế thời vạn vật mới sinh trưởng thành tựu…. Thang, Võ sở dĩ phải cách mạng như thế, cũng chỉ là thuận với đạo trời mà ứng với lòng người”. Về chi tiết xin vui lòng xem sách của cụ. 

Niên hiệu Minh Trị, Đại Chánh

   Niên hiệu Meiji 明治 (Minh Trị, 1868~1912) xuất xứ từ một phần của chương 5 của Thuyết Quái Truyện (2) do Khổng tử giải thích ý nghĩa các quẻ của kinh Dịch: Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ. Hưởng minh nhi trị 聖人南面而聽天下. 嚮明而治: Thánh nhân quy mặt về hướng Nam cần nên nghe rõ ý muốn của dân chúng mà trị nước cho sáng suốt.

   Niên hiệu Taishô 大正 (Đại Chính, 1912~1926) xuất xứ từ một phần thoán/soán truyện của quẻ Địa Trạch Lâm trong kinh Dịch: Đại hanh dĩ chính. Thiên chi đạo dã 大亨以正. 天之道也: lấy việc thông suốt lớn làm đúng, đó là đạo trời (nghĩa đen). Ý nói nghe ý kiến dân chúng để trị nước là chính trị đúng; tương tự với ý của niên hiệu Minh Trị. 

Nguyễn Sơn Hùng

4/5/2022

 

Ghi chú

(1)  Danh lam: chữ Phạn già lam là chùa Phật. Vậy danh lam là cảnh chùa có tiếng (Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh).

(2)  Theo cụ Phan Sào Nam, các quẻ trong kinh Dịch do Phục Hy đặt ra. Thoán/soán từ là lời đoán, lời giải thích ý nghĩa của quẻ do Văn vương nhà Chu đặt ra cho 64 quẻ. Mỗi quẻ có 6 hào. Hào từ do Chu Công Đán con của Văn vương đặt ra cho 384 hào. Từ “truyện” đi sau các từ thoán/soán để chỉ các giải thích của “từ” của Văn vương và Chu Công Đán. Khổng tử soạn Thập Dực để giải thích thêm các ý nghĩa thâm sâu của “từ”. Thập Dự gồm có 10 truyện: Văn Ngôn, Đại Tượng Truyện, Tiểu Tượng Truyện, Hệ Từ Thượng Truyện, Hệ Từ Hạ Truyện, Thuyết Quái Truyện, Tự Quái Truyện (Thượng, Hạ), Tạp Quái Truyện. Tuy nhiên do kết cấu của Thập Dực không hợp lý nên Nguyễn Hiến Lê cho rằng có thể do nhiều người can dự thêm bớt vào.

Mỗi quẻ gồm có 6 hào. Tên của mỗi hào gồm 2 từ, một từ để chỉ thứ tự, một từ để chỉ là hào dương (gạch dài liên tục) gọi là cửu hoặc hào âm (2 gạch ngắn đứt khoảng) gọi là lục. Từ chỉ thứ tự từ dưới lên trên: sơ, nhị, tam, tứ, ngũ, thượng. Thí dụ: hào dưới cùng là sơ cửu (cho hào dương), sơ lục (cho hào âm); hào thứ 2 kế tiếp là nhị cửu (cho hào dương), nhị lục (cho hào âm), kế tiếp tam cửu/tam lục, tứ cửu/tứ lục, ngũ cửu/ngũ lục, thượng cửu/thượng lục.

(3)  Matsushita Kônosuke: Luận về Phát Triển Quốc Gia bằng Du Lịch- Thay Vì Khai Thác Mỏ Than Đá, Xây Dựng Một Khách Sạn-, nguyệt san Văn Nghệ Xuân Thu số tháng 5 năm 1954.

(4)  Kinh Dịch: một trong ngũ kinh, 5 sách cổ điển quan trọng của Nho học: kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch và kinh Xuân Thu.

 

Tài liệu tham khảo

(1)  Nguyễn Hiến Lê (1979 xuất bản lần đầu tiên): Kinh Dịch- Đạo Của Người Quân Tử-, nhà xuất bản Văn Học, 1992.

(2)  Phan Bội Châu (?): Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải, Thư Viện PDF.



 Mời Xem :

KHÔNG NÊN KEO KIỆT CHI PHÍ GIÁO DỤC CON CÁI (Phúc Ông Trăm Truyện số 38 ) - Diển Đàn Khai Phóng

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...