Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

CHỬI TỤC - Nguyễn Dụ Hùng

Nhân một người bạn viết thư cho tôi than vãn là anh ta muốn “chửi tục” khi nghe một người bạn khác ba hoa, khoác lác thái quá trong lúc trà dư tửu hậu đêm qua. Tôi chỉ xin được góp ý với các bạn đôi ba lời về chửi, chứ không dính dáng gì tới cá nhân người khoác lác ấy cả.

 

Chửi thì xảy ra ở khắp mọi nơi. Nơi đâu có loài người thì nơi đó có chửi. Tôi đoán thế. Chửi phải được coi là một phần văn hóa của nhân loại. Sự đóng góp của mỗi dân tộc vào cái kho tàng chửi quí báu ấy, ít hay nhiều, tùy thuộc vào văn hóa riêng của từng nước. Con người càng văn minh thì sự suy nghĩ càng tinh vi, kéo theo nền văn hóa càng được nâng cao, do đó kho tàng chửi của nhân loại càng trở nên sống động và rực rỡ, muôn màu muôn vẻ, lấp lánh như sao trời.

 

Kho tàng chửi của dân ta thì phong phú lắm, phong phú ngang ngửa với kho tàng cười và cũng ngang ngửa với kho tàng của những lời yêu thương được gởi đến cho nhau.

 

Chửi là để diễn tả hay truyền đạt đến cho một người hay một nhóm người hay cho chính mình sự hỉ, nộ, ái, ố lên đến cao độ. Sự truyền đạt ấy được gởi đi một cách nhất thời hay lâu dài tùy theo tình huống và đối tượng được/bị nghe chửi. Trong đó cách diễn tả và cường độ chửi giữ một vai trò rất quan trọng, quan trọng như một diễn viên sân khấu vậy. Nó còn đòi hỏi người chửi phải biết  linh động, thông minh, đầy óc sáng tạo để thích ứng với sự biến đổi của vai trò, hầu đối tượng nghe chửi phải đạt tới cái cảm xúc tận cùng mà người chửi mong muốn.

 

Chửi có loại chửi thanh và loại chửi tục. Có trường hợp câu chửi có vẻ thanh tao mà ý tục, tức chửi văn hoa, ngược lại, không hề có chuyện chửi tục mà lại có ý nghĩa thanh tao bao giờ. Chửi cũng còn tùy thuộc từng vùng. Có vùng nghe chửi, đến mấy ngày sau mới biết mình bị chửi. Có vùng thì huỵch toẹt hơn, vừa mở mồm chửi là người nghe chửi hiểu được liền.

 

Ngày xưa các cụ có câu “miếng trầu mở đầu câu chuyện”, nhưng bây giờ ở một vài nơi trên đất nước ta, áp dụng cho một số người, người ta mở đầu câu chuyện phải bằng tiếng chửi mặn mà, cũng chát như cau, cay như lá trầu không và nồng như vôi vậy. Họ không chửi thì không nói được nên lời. Ta cứ bắt họ không được chửi trong câu nói, dù là câu nói rất bình thường, họ sẽ trở nên câm ngay, có cố gắng lắm thì cũng chỉ thành người nói ngọng hay nói lắp. Thế mới biết chửi nó quan trọng trong đời sống như thế nào. Không thể thiếu được.

 

Các bạn muốn nghe và học chửi thì tôi đề nghị tốt nhất là nên về miền Bắc nước ta thụ huấn vài khóa miễn phí, được tổ chức ngay trên đường phố, trong chợ hay trong những cửa tiệm. Giảng viên thì thuộc đủ mọi thành phần, giới tính và đủ mọi lứa tuổi. Tại sao tôi lại nói miền Bắc vì đó là cái nôi của chửi, có từ thuở lập quốc. Chửi   được thăng tiến song song với văn hóa dân tộc và bành trướng ảnh hưởng xuống tận cùng phía Nam theo bước chân Nam tiến của tiền nhân. Đã học thì phải học cái chính thống, không bị pha trộn bởi những văn hóa chửi khác như của Chiêm Thành hay Chân Lạp. Các bạn đồng ý với tôi chứ?

Anh bạn của tôi chỉ khoanh vùng trong vấn đề chửi tục không thôi, nên tôi chỉ xin có vài hàng ngắn gọn trong phạm vi này. Trong “chửi tục” thì phần nhiều lại liên quan đến “sex”, do đó những tiếng chửi tục tôi không tiện liệt kê ra đây vì nó tục hay quá tục và cũng vì nó quá nhiều. Tôi chỉ xin chia xẻ một vài cảm nghĩ nho nhỏ mà thôi chứ không bàn luận về nó.

 

Ta cứ nghe các cụ chửi nhau, ta thấy họ cứ như đang hăng say chia xẻ hay dạy dỗ cho nhau về sex vậy. Các cụ đem ra từ những chi tiết nho nhỏ đến những điều to lớn hãi hùng. Chửi bằng mồm chưa đủ, các cụ còn diễn tả cả bằng tay chân lẫn thân thể nữa. Sợ đối phương chậm hiểu, các cụ chỉ chỗ này vỗ chỗ kia, vén chỗ thấp lại tốc chỗ cao, ưỡn sang bên phải, hẩy sang bên trái nhịp nhàng như múa. Có lúc các cụ hăng say, đỏ mặt tía tai, nhẩy nhót, gào thét như trong cơn mê sảng. Mê sảng như chính các cụ đang thực hiện hay như muốn chứng minh những điều đang được đem ra để chửi. Quả thật nếu các cụ không diễn tả bằng động tác thì đối phương làm sao hiểu thấu được cái ý nghĩa sâu xa và hình ảnh sống động của những câu chửi bóng bẩy như “cứ nhấp nha nhấp nhổm như gái ngồi phải cọc”.

 

Nhưng không phải người chửi lúc nào cũng hăng say như thế đâu. Có khi chửi cũng nhẹ nhàng, thủ thỉ như người tâm sự đấy. Những cuộc chửi như thế này đỡ tốn sức nên thời gian chửi cứ kéo dài ra cho đến vô tận. Người chửi vẫn có thể ngồi nói chuyện thanh tao với người ngồi bên tay phải mà vẫn chửi tục với bà ngồi bên tay trái. Không ai thấy thắc mắc và lạ lùng về những điều trái ngược ấy. Thanh tục được thể hiện một cách đề huề trong cùng một lúc, như một diễn viên có khả năng diễn xuất để cùng một lúc làm cho hai người ngồi nghe, một khóc một cười. Cụ có thể nghỉ ngơi, đi chơi đâu một lúc hay làm việc gì, chút nữa trở về cụ lại rỉ rả chửi tiếp, không vội vàng hấp tấp, chửi để mà chửi chẳng khác gì các vị Thiền sư đi thiền hành, đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới. Chửi không phải để chửi, ấy mới là chửi cao cấp vậy.

 

Các cụ dùng chửi để truyền bá sex một cách vô tội vạ và vung tí mẹt. Có cái hay là sự truyền giảng của các cụ về sex lại vô cùng hợp pháp và hợp luân lý trong một xã hội chịu ảnh hưởng sâu xa đạo lý Khổng Mạnh. Những sự truyền giảng ấy thật bình thường và tự nhiên đến độ chẳng ai còn coi đó là câu chửi tục nữa, dù cả ở nơi công cộng.

 

Ngẫm nghĩ lại thấy các cụ nhà mình văn minh hơn đám Tây phương này thật. Người Tây phương mới biết đem sex vào giảng dạy trong sách vở, trong hội thảo hay trong học đường dành cho những lớp học sinh đã đến tuổi hiểu biết. Thế mà họ đã tưởng là họ đang làm một cuộc cách mạng thế giới đấy. Họ có ngờ đâu, có một dân tộc xa xăm kia, đã biết giảng dạy về sex giữa nơi công cộng, trong làng ngoài ngõ cùng nghe, già cũng nghe mà trẻ con cũng nghe. Đó là những bài CHỬI TỤC.

 

Muốn được nghe chửi tục, ôi thật dễ làm sao. Ta chỉ cần ăn cắp con gà của bà hàng xóm. Bà ấy sẽ chửi tục cho nghe từ sáng đến chiều để tha hồ mà nghe, mà thưởng thức, mà học hỏi về những điều ta chưa từng được nghe, chưa từng được thấy và chưa từng được áp dụng bao giờ. Ôi quý báu làm sao! Và cũng để tiện việc đôi bề, nhất cử lưỡng tiện, ta có thể vừa ngồi ăn con gà ăn cắp vừa học. Học lý thuyết thôi đấy nhé, ta không thể vừa ăn gà mà lại vừa thực hành được, hóc chết. Chắc ai cũng biết câu “hóc xương gà, sa cành khế” chứ? Hóc gì thì hóc, đừng có hóc xương gà.

 

Này các bạn ơi! Bạn có giỏi thì sang vỗ nhẹ vào vai bà hàng xóm mách là “ông hàng xóm nhà bên cạnh” ăn cắp gà đấy. Bà ấy sẽ không những dạy dỗ người còn sống mà bà ấy còn dựng dậy luôn cả những người đã chết liên hệ đến gia phả nhà ông này mà đem ra dạy dỗ luôn. Bạn thấy tôi khôn không. Bạn phải trả tiền đấy nhé chứ không dạy “free” như bà hàng xóm đâu đấy.

 

Nói cho cùng, biết bao nhiêu điều chúng ta muốn chửi, nhưng nghĩ lại, những tiếng chửi kể cả tiếng chửi tục sao nó trong sáng quá và lung linh như những ánh sao trời, nên thôi. Phí! (Cười).

 

TÁI BÚT. Chắc các bạn thắc mắc tại sao tôi chỉ nói đến các cụ thôi. Thú thật với các bạn, các cụ đây không có nghĩa là già, là các vị cao niên, là nói đến tuổi tác đâu. Tôi gọi người chửi là các cụ vì lòng tôn vinh các vị chửi đó thôi. Đáng lẽ chữ các cụ ở đây phải được viết hoa như chữ “Người” nữa cơ đấy vì tôi sợ bị chửi, nhất là chửi tục.

 

 Nguyễn Dụ Hùng


 

Mời Xem :Chửi mất gà - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...