Viết để thương một phần đời thật của PTQC với hy vọng vẫn còn
đâu đó trên đường đời nghiệt ngã đọc được bài này
Ra tù, về lại Sài Gòn, giờ đã đổi tên thành phố
HCM, căn nhà gạch nhỏ cũ trong
con hẽm hẹp, ba mẹ Phú mua lại từ một người quen, có hùn vốn buôn bán sau ngày
đảo chánh 1963, ở ngã tư Phú Nhuận,
sau lưng văn phòng hội đồng xã, vừa đủ cho một người quảy cặp thúng ngang đi,
đã bị chánh quyền mới khóa cửa niêm phong, xem như là tịch thu nay mai, có chủ
cũng như không, vì nó là tài sản của ngụy quyền bỏ lại, cầm tờ giấy tha về, từ
trại tù cải tạo, đứng ngỡ ngàng trước cửa lặng câm, tức nghẹn. May mà còn có dịp
năn nỉ ỉ ôi, tên trưởng công an phường lầm lì, sửa lại địa chỉ trình diện, cho
phép tạm trú bên nhà của ông cậu Năm ngay ngã ba Gò Vấp, nếu không chắc phải mang
nồi niêu son chão và mấy bộ đồ rách cũ theo giòng người dân cô thế mất nhà, đổi
đời lên khu kinh tế mới Bù Gia Mập hay Bù Yum nào đó, bạn bè với mưa rừng gió
núi.
Mượn được cái xe đạp tuy cũ nhưng còn khá tốt của ông cậu, Phú cũng giống
một số bạn bè cùng số phận, lang thang, rã rời, đầu đường cuối chợ, ngày qua
ngày, chạy kiếm sống. Giữa trưa, nắng đổ nóng chang chang, trời không thèm cho
một chút gió, dù là chút gió thoảng, lưa thưa trên con đường Lê Văn Duyệt năm
ba anh bộ đội, uể oải dài lưng đạp xe đạp Trung cộng, mặt mài ngó quanh ngó quất.
Người mệt nhoài, sau suốt một buổi sáng chỡ xăng đi bán lậu tận trong Chợ Lớn về,
khát nước, Phú ngừng lại, đẩy xe đạp lên lề đường, ngay ngõ băng qua công viên
Tao Đàn, có sạp bán nước uống, kê năm ba cái ghế bằng nhựa nhỏ thấp, sát hàng
rào cổng vào, ngồi xuống nghỉ, gọi mua ly trà đá, một trong hai ba cô gái trẻ
bán hàng, bước lại hỏi đôi câu, gật đầu rồi bỏ đi, Phú kéo ghế xích gần bụi cây
cho có bóng mát, chưa kịp đưa tay quẹt ráo được mớ mồ hôi trên trán chút nào,
thấy có người đến, anh quay lại nhìn, người
con gái cầm ly nước trên tay, đứng chết trân, buột miệng “anh Phú”, cùng lúc Phú cũng ngạc nhiên sửng sờ gọi tên “Quỳnh Chi”. Quỳnh Chi quay vào phía mấy
cô bạn ở đằng sau cái bàn làm dấu rồi lấy
ghế ngồi xuống bên cạnh Phú, ngó mông lung ra ngoài đường, chỉ có bụi và bụi,
hai người ngồi đó, không ai nói được tiếng nào, Phú lập lại hai tiếng Quỳnh
Chi, thở dài, Quỳnh Chi rươm rướm khóc.
Về giữ chức vụ Phó quận trưởng Quận
Đôn Luân, thay cho người đàn anh khóa 16, đổi về Di Linh, chưa đầy một năm,
thì Phú quyết định xin phép về Sài Gòn nghỉ vài ngày để nộp đơn thi lên Cao Học.
Nhớ ngày mới lên tỉnh, trình diện ông tỉnh trưởng Phước Long, đại tá Thống, ôn
tồn căn dặn phải ráng cẩn thận, tình hình chiến sự hiện hết sức căng thẳng, đi
đâu nhớ để ý đường xá và nếu xuống xã ấp thì bảo bên chi khu cho lính theo bảo
vệ, buổi chiều thiếu tá Đặng, quận trưởng Đôn Luân và đám lính tùy tùng, đem xe
lên rước, trước mặt ông, đại tá Thống, nhắc đi nhắc lại phải lo cho Phú mọi thứ,
nhất là cứ lập đi lập lại, mấy tiếng “tui
khoái ông Phó lắm đó nghe”, khi bắt tay từ giã, thân chân ướt chân ráo, mới
ra trường, trẻ tuổi nhất trong đám QGHC của tỉnh, chưa làm việc gì, nghe nói
khoái mình, ngờ ngợ không biết ông khoái cái gì, nhưng được ông ưu ái là mừng hết
sức rồi. Sau đó mỗi lần ông gọi máy liên lạc viễn liên, lệnh lạc gì đó với quận,
thiếu tá Đặng đều cười mĩm chi cho biết
là ông không bao giờ quên hỏi “ông
phó Phú ra sao rồi” trước khi cúp máy. Có lần trong chuyến đi xuống thanh
tra vụ cấp số toán nhân dân tự vệ xã Phú Riềng về, ngồi ăn cơm chiều trong chi
khu, hỏi Phú có người yêu chưa, khi anh lắc đầu, thì thiếu tá Đặng phá lên cười
ngặt nghẽo “vậy là tui biết tại sao Đại
tá, ổng khoái ông phó rồi, ổng chấm ông rồi đó”, Phú cũng cười theo “chẳng lẽ đây là duyên số”.
Chiều thứ bảy, thiếu tá Đặng từ bên chi khu, lái xe qua gặp Phú bên nhà
anh đang ở, căn nhà gạch nhỏ, bên này hàng rào của văn phòng quận, dáng bộ xem
chừng ra có gì quan trọng, ông cho Phú biết, vừa nhận lệnh đại tá Thống, bảo
anh lên trình diện ổng sáng thứ hai này mà không nói gì thêm, ông sẽ cho người
lo xe và lính hộ tống theo, suốt ngày chủ nhật, Phú cứ nghĩ tới nghĩ lui mà
không biết chuyện gì đây, tuy nhiên cũng tiện, sẳn dịp xin phép về Sài Gòn vài
bữa luôn. Cô thư ký tiếp khách, nhanh nhẹn rót tách nước trà nóng mời Phú ngồi,
gỏ cửa phòng, nói vọng vào trong “dạ có
ông phó Đôn Luân chờ đại tá ngoài này” rồi đứng ở cửa chờ, uống được vài hớp
thì nghe tiếng ông gọi. Phú nhìn cô thư ký, làm dấu cám ơn, rồi đẩy cửa bước
vào, cùng lúc cô cũng quay lại bàn ngồi như lúc nãy.
Hai người ngồi cạnh nhau ngay bàn khách giữa phòng, Đại tá Thống vui vẻ
hỏi thăm mấy chuyện lặt vặt dưới quận, rồi cười cười nhìn Phú gục gặc đầu, có vẻ
thích thú, chậm rãi cho anh ta biết, “sáng
thứ bảy hôm đó, ông trên đường từ Phước Lục, một xã của quận Bố Đức về ngang
văn phòng quận Đôn Luân, trời còn sớm, chưa tới mười giờ, tiện nhớ tới Phú nên
bảo đoàn xe chạy ngang ghé thăm, thấy xe jeep của đại tá tỉnh trưởng, anh lính
nghĩa quân gác cổng, chạy vội ra đứng nghiêm chào, không nhúc nhích, xe dừng lại,
anh trung úy tùy viên và mấy người lính hộ tống nhảy xuống, đứng lố nhố bên đường
vào, chờ lệnh. Văn phòng quận vắng tanh, không một bóng người, then gài cửa
đóng, đại tá Thống bước ra khỏi xe, đi một vòng quanh qua quanh lại, xa xa phía
bên kia hàng rào chi khu, lác đác, mươi người lính Địa Phương quân đang hì hục
đào thêm hố cá nhân đâu đó, ông quay trở lại chỗ cũ, hỏi anh lính nghĩa quân,
anh ta nói ông Phó cho phép nhân viên về nghỉ sớm từ sáng rồi”.
Phú giựt mình, đúng là sáng thứ bảy đó, qua văn phòng như thường ngày,
trên bàn không có giấy tờ gì để đọc, để ký
như mọi bữa, mấy việc giao cho anh chị nhân viên cũng đã làm xong xuôi,
đi ra đi vô, nhìn tới nhìn lui, thấy buồn buồn nên, Phú cho phép họ, về nghỉ sớm,
anh hồi hộp chờ xem ông có nói gì thêm, trong đầu cũng chuẩn bị nhiều câu trả lời
nhưng ông ngưng ở đó, rồi bắt sang chuyện khác, “nghe thiếu tá Đặng nói, ông muốn về Sài Gòn vài ngày để nộp đơn thi Cao
học, mà chừng nào mới đi, muốn đi thì
nói cho thiếu tá Đặng một tiếng để ông ta lo liệu”. Phú xoa tay nhè nhẹ
nhìn ông dạ một tiếng “thưa đại tá, tôi
tính cuối tuần này”, Phú nói thêm “dạ
còn chuyện sáng thứ bảy..”... chưa hết câu thì ông lắc đầu cười cười “thôi bỏ qua đi, tôi chỉ sẳn qua ngang, ghé
thăm vậy mà”, rồi ông nhìn đồng hồ trên tường, đứng dậy, đi lại bàn viết, lấy
trong ngăn kéo ra tờ giấy nhỏ, có ghi địa chỉ nhà ở Sài Gòn, đưa cho Phú, dặn “nhớ ghé cho biết nhà và chuyển lời thăm gia
đình của ông”, đi với Phú ra cửa, bắt tay từ giã, không quên dặn dò “ông phó đi đường cẩn thận”, Phú xuống gần dưới cầu thang lầu rồi vẫn chưa nghe
tiếng cửa phòng ông đóng lại.
Nhà đại tá Thống, một cái nhà
gạch hai căn, nằm dính liền với dãy nhà khác trong con hẽm rộng, không xa ngã
tư Nguyễn Tri Phương – Trần Quốc Toản mấy, nên cũng dễ tìm. Trước nhà là sân xi
măng nhỏ, nằm gọn trong vòng cái hàng rào bằng sắt, cao không quá đầu người,
giây hoa dại leo chằng chịt, năm ba chậu bông Sứ, không tươi nhưng cũng có lưa
thưa vài cánh hoa ửng màu vàng trắng, đặt không ngay ngắn trước cửa, bà đại tá
niềm nở đón Phú vào nhà, ôn tồn, hiền lành hỏi thăm đủ thứ chuyện, từ chuyện của
Phú tới chuyện của chồng bà trên Phước Long, cứ “một ông phó hai ông phó” làm anh ngượng quá xin bà kêu tên được rồi,
bà nói có đòi lên thăm ông nhưng ổng không cho vì tình hình an ninh không tốt để
đi chơi, nhìn tấm hình chụp cả nhà, treo trên tường phòng khách, chưa kịp hỏi,
bà đại tá đã nhanh miệng hơn cho biết “đó
là hai đứa con gái của bác, tụi nó học ở trường Sương Nguyệt Ánh, con chị sắp
lên đệ nhất, con nhỏ lớp đệ tam”, thấy ở cũng đã lâu, Phú xin phép về, bà
ân cần mời Phú, trước ngày trở lên Phước Long, nhớ đến ăn cơm chiều với bà, luôn
tiện biết mặt hai đứa em và để bà nhắn vài lời cho ông trên đó.
Như đã hứa, Phú đến ăn cơm tối với gia đình bà đại tá, trước ngày rời
Sài Gòn, vốn nói năng không tệ lắm, nên anh làm quen với hai cô gái từ lúc mới
bắt đầu vào bữa một cách dễ dàng, bà đại tá vui vẻ ra mặt, Quỳnh Chi, cô chị, bẽn
lẽn e ấp, ít nói, cô em Quỳnh Trâm, nhanh nhẩu, lăng xăng, hỏi hết cái này tới
cái nọ, “một tiếng anh Phú hai tiếng cũng
anh Phú” một cách thân mật, tường chừng như đã quen nhau hồi đời nào rồi.
Cơm nước xong, theo lời Quỳnh Trâm, được phép mẹ, Phú cùng hai chị em, thả bộ dọc
theo đường, xuống cái sạp bán chè, cuối ngã tư Trần Hoàng Quân - Nguyễn Tri
Phương ngồi nhìn thiên hạ ngược xuôi, kể nhau nghe chuyện trời trăng mây nước. Trở
lại nhà, mọi người xem ra bịn rịn không muốn chia tay, trời bắt đầu có chút hơi
đêm lạnh nhưng đứng gió, Phú ra về, hẹn lần sau, ba mẹ con theo đưa tới tận
ngoài đầu đường Trần Quốc Toản, bên kia nhà thờ Đồng Tiến, chuông lễ muộn đổ từng
hồi một, chiếc xe xích lô, để mui trần, chạy một khoảng khá xa rồi mà dưới ánh
đèn đường vàng đục, ba người vẫn còn đứng nhìn theo. Sáng sớm hôm sau, ngồi
trên phi cơ vận tải C130, có phi vụ chở đồ tiếp tế cho Phước Long, nhờ thằng bạn
làm bên Không đoàn 3, sắp cho một chỗ quá giang, nhìn xuống, Sài Gòn chưa chịu
thức, mưa lất phất như sương, đường phố vẫn còn ánh đèn mù mờ bên dưới, bỗng
dưng Phú thấy nhớ nụ cười nửa miệng của Quỳnh Chi lúc tiễn anh về và hình như một
nửa hồn mình đã bỏ lại con hẽm nhỏ Nguyễn Tri Phương từ bữa ăn chiều hôm đó.
Cuối hè, đầu năm học mới, Quỳnh Chi vào đệ nhất, cũng ở trường cũ, Phú
chưa được may “học tài thi mạng” cho
nên không đậu vào Cao học. Hôm từ Phước Long xuống trường xem kết quả, đón hai
chị em trên đường về nhà, không biết có ai nói vô nói ra gì không, mà Quỳnh
Trâm cứ ngó, hết Quỳnh Chi rồi qua Phú, cười tủm tỉm, đám bạn chung lớp của Quỳnh
Chi, người trước người sau, cũng xầm xì “biết
rồi nhỏ ơi, hết giấu rồi nghen”, Phú thấy trong lòng lâng lâng vui như đang
mở hội, và từ đó, hai người thương nhau, ghép nhớ gói nhung theo từng cánh phượng
rụng đỏ bầm của những ngày hạ sang mùa, hẹn chờ
nhau đưa về bến mộng.
Trưa thứ bảy, mấy ngày nay trời
nắng ráo, Phú cùng thiếu tá Đặng, quận trưởng và hai ba anh sĩ quan, rũ nhau ra
ăn trưa tại một quán cơm đầu chợ, ăn xong, ông nói sẽ ra bến xe Đôn Luân có việc,
trước khi trở lại chi khu, ông cũng báo
cho Phú biết, chút nữa sẽ có khách tới thăm, nhắc anh lo sửa soạn đi là vừa,
Phú hỏi ai, ông cười cười “thì ông chờ đi
rồi biết mà”, Phú ngạc nhiên thật, ba mẹ anh thì ở tận dưới Long Xuyên, già
yếu rồi, đời nào tính chuyện lên tới xứ rừng âm u này, bạn bè, thằng quận này,
tỉnh kia, thằng lính trận đầu núi cuối đồng, lội rừng băng suối chưa xong thì
làm gì có chuyện rảnh rổi, thôi cứ theo lời của thiếu tá Đặng, chờ rồi sẽ biết.
Ra khỏi tiệm, chưa vội đi, anh lính quen, gát cổng văn phòng quận, dẫn mấy đứa
con đi ngang, gật đầu chào “ông phó”,
rồi hấp tấp bỏ đi, Phú lửng thửng thả bộ vòng vòng con phố, cười nhìn theo vẫy tay,
đám nhỏ hồn nhiên cũng đưa mấy bàn tay nhỏ nhắn lên, lắc qua lắc lại.
Đứng nhìn ở cuối chợ, từ đàng xa, ngoài tỉnh lộ, hai chiếc xe jeep chầm
chậm quẹo vào hướng chi khu rồi ngừng lại trước cửa văn phòng quận, thiếu tá Đặng
ngồi ở xe trước, hai ba người lính đi theo hộ tống, nhảy xuống xe, chạy một mạch
vào, ngó tới ngó lui lắc đầu, băng ghế sau lưng thiếu tá Đặng hình như có người
ngồi, ông quay lại nói gì đó rồi bước xuống, nhìn quanh, chưa kịp làm gì, một
trong mấy người lính vừa chỉ tay về phía chợ la lớn “ông phó kia kìa” thì Phú cũng vừa đi lên gần tới, Quỳnh Chi bước đại
xuống xe, bụi đường rừng một màu bùn bám đầy vạt áo ngắn tay tím nhạt, nắm lấy
tay Phú, hai người nhìn nhau rưng rưng mừng muốn khóc. Đầu mùa đông năm 1974, rừng
chập chùng rừng, từ Bố Đức Phước Bình, Bù Prang Sơn Giang qua Đức Phong Đôn Luân, Bù Đăng Đồng Xoài, vẫn
chưa thay lá mới, lá một màu nâu nhạt, rớt vội rớt vàng, cũng còn nấn ná trên những
con đường đất ngược xuôi, buồn hiu theo gió chiều hậm hực nóng dù trời đã cuối
thu, từ ngày Quỳnh Chi lên Đôn Luân thăm Phú, mỗi lần gặp hay gọi xuống quận
tìm, đại tá Thống vẫn còn kêu hai tiếng “ông
phó”, và ngược lại, anh cũng cứ “dạ đại
tá” như từ trước tới giờ nhưng có điều là ông gọi xuống quận thường xuyên
hơn.
Đêm 12 tháng 12, mở đầu cho
chiến dịch “đường số 14”, quân cộng sản tấn công một tiền đồn của VNCH ở cây số
19 , rồi tấn công chi khu Bù Đốp, quân VNCH tái chiếm lại sau đó mấy ngày,
nhưng đường 14 bị cắt đứt tại cây số 19. Ngày 22 tháng 12, trung đoàn 165 thuộc
sư đoàn 7 cộng sản tấn công quận lỵ Bố Đức lần thứ hai , cũng cùng ngày đó, Phước
Tín, Phước Lộc, Phước Quả thất thủ. Năm giờ sáng ngày 26 tháng 12, chi khu Đôn
Luân bị chiếm, thiếu tá Đặng và một số anh em sĩ quan dưới quyền của tiểu đoàn
352 Địa Phương quân VNCH bị bắt tại ấp Suối Rạt, khi trên đường rút ngược ra tỉnh
lộ, Phú may mắn, theo anh lính nghĩa quân quen gát cổng văn phòng quận, dắt đường
chạy tắt xuống phía nhà dân chúng ở giữa lúc lửa đạn mịt mùng và quân cộng sản
bao quanh chi khu đông như kiến, chiều ngày đó, quân cộng sản chiếm luôn đồn Cầu
số 2 và bải đáp trực thăng của VNCH, trong hai tuần, quân cộng sản cắt ngang mọi
ngã đường đến Phước Long, từ đường số 14, số 7, liên tỉnh lộ số 1 và 2, quận lỵ
Phước Bình và thị xã Phước Long hoàn toàn bị cô lập. Ngày 4 tháng 1 năm 1975,
sau những trận đụng độ một mất một còn, quân VNCH chỉ còn giữ được dinh tỉnh
trưởng, tòa hành chánh và khu phố chợ. Mười giờ ba mươi phút sáng ngày 6 tháng
1, Phước Long thất thủ, cứ điểm cuối cùng dưới hầm ngầm trong dinh tỉnh trưởng
do biệt kích dù VNCH cố thủ bị chiếm, số quân còn lại của họ rút ra khỏi tỉnh,
một số bị bắt, một số bị bắn chết tại Suối Dung, đại tá Thống, tỉnh trưởng Phước
Long chết cùng với mấy người sĩ quan tiểu khu, ngay dưới hầm sau mấy ngày chống
cự. Quân cộng sản, mang xác ông và mấy cái xác khác, đem chôn cạnh nhau tại một
khu đất trống, khô cằn, phủ đầy cỏ dại, phía bên kia đường nhựa, ngó qua ngã ba
bến xe đò tỉnh, họ coi theo bảng vải thêu tên trên áo, viết trên mấy cục đá bằng
nước sơn vàng, đặt vội vàng trước mộ, đắp không cao quá mặt đất. Phước Long mất,
Phú về tới Sài Gòn sau suốt gần cả chục ngày trời trà trộn theo đoàn người di tản
xuống Bình Dương.
Phú vừa bước vô nhà, hai chị em Quỳnh Chi ôm chầm lấy anh òa lên khóc nức
nở, bà đại tá ngồi lặng im trên cái ghế xa-lông vải bạc màu, trong góc phòng
nhìn, hai mắt đỏ hoe nhưng cũng cố gượng cười nhẹ chào. Ông Bá, người tài xế
quen, của chiếc xe đò chạy đường Phước Long-Sài Gòn, trước là lính theo hầu cận
đại tá Thống, giải ngủ sau khi bị thương nặng trong lần bị phục kích ở cuối xã
Bù Yu, mà gia đình thường gởi đồ lên đó, đã cho biết tin khi ông lái chuyến cuối
cùng rời tỉnh sau khi quân đội cộng sản cắm cờ trên nóc tòa hành chánh tỉnh. Phú
cũng không biết phải làm gì đây, khi không tìm được một lời an ủi nào cho trọn
nghĩa, cứ ray rứt buồn theo cái mất mát quá lớn của gia đình Quỳnh Chi ngày này
rồi ngày khác, bà đại tá không buồn ăn uống, người yếu đi nhiều, bài vỡ cuối
năm xem ra, với Quỳnh Chi dường như đã trở thành vô nghĩa từ lâu. Phú về Long
Xuyên thăm ba mẹ vài hôm, trở lên thì bà đại tá đau nặng, hai chị em đưa bà vô
bệnh viện Bình Dân, có người anh bà con làm bác sĩ ngó chừng giùm cũng đở phải
lo, trong nhà, giờ có thêm cái bàn thờ trên đầu cái tủ lớn giữa phòng khách,
trong bức hình chụp nửa người mặc quân phục, đại tá Thống cười thật hiền, nụ cười
mà Phú đã gặp hôm lên trình diện ông trên tỉnh. Cũng như anh chị cùng ngành,
trong đó có mấy người phó quận trưởng, từ các tỉnh dọc biên giới bị chiếm, Phú
về trình diện bộ Nội Vụ chờ bổ nhiệm chỗ mới, nhưng chưa có sắp xếp gì, thì có
tin thêm vài nơi nữa bị cộng sản chiếm ngoài miền Trung, mấy ngày sau Sài Gòn mất.
Ba mươi tháng tư 1975, miền
Nam thua trận, quân cộng sản từ rừng thiêng nước độc, xe người, quần áo một màu
xanh ô-liêu, rầm rập tiến vào thành phố,
Sài Gòn đổi tên. Ông Bá, tiếp tục nghề tài xế, chiếc xe đò hồi đó được người chủ
cho sơn phết lại đôi chút, ghé nhà cho biết, sau mấy tháng kiếm tìm, dò la tin
tức, biết được nơi quân cộng sản chiếm Phước Long hôm 6 tháng 1 năm 1975 chôn
ông đại tá rồi, mấy ngày sau, cũng với sự giúp sức của ông, gia đình bà đi Phước
Long, mang được hài cốt ông về chôn ở ngã ba Mỹ Đức Tây quận Cái Bè, quê của
cha mẹ. Một sáng mưa dầm tháng sáu, cũng như hàng ngàn người quân nhân, công chức
VNCH mang thân bại trận, và cũng không có một sự lựa chọn nào khác, Phú trình
diện chịu đi tù cải tạo, theo thông cáo của cái gọi là Ủy Ban quân quản thành
phố HCM.
Ngay đợt đánh “tư sản mại bản” đầu tiên, thừa hành lệnh cấp trên, công
an phường và quận 10, đến nhà, đưa giấy báo quyết định tịch thu nhà cửa vì gia
đình Quỳnh Chi có tên trong danh sách hơn mấy trăm người, được nhà nước cách mạng,
bố trí cho đi vùng kinh tế mới trên Sông Bé, họ cho phép gia đình ba mươi ngày
để sắp xếp, hộ khẩu ở đây sẽ cắt và chuyển lên địa phương mới khi ra đi. Ba mẹ
con, đón xe đò về Cái Bè, xuống xã, ở đó có một số bà con của chồng mình sinh sống,
nộp đơn xin cho hồi hương, thay vì đi vùng kinh tế mới, đi về năm lần bảy lượt,
bổ túc lý lịch, giấy ưng thuận bảo lảnh của bà con không biết bao nhiêu tờ, xã
Mỹ Đức Tây hẹn lần hẹn lựa, chờ ý kiến của thành phố HCM, cuối cùng không chấp
thuận.
Mẹ Quỳnh Chi bị gần như bại hẳn chân phải, thường ngồi một chỗ trên cái
chõng tre, cây dài cây ngắn hơn là đi, Quỳnh Trâm từ ngày mất nhà đến giờ, ít
nói và có lúc không tỉnh táo, khóc cười tùy hứng, quên đầu quên đuôi, lầm thầm
một mình đi vòng quanh, căn chòi lá, không cửa, lưa thưa vài tấm vách che, giữa
miếng đất rẫy, cằn cỗi, có thể nói “là đất cày lên sỏi đá”, giống như hàng trăm
cái khác, cất dọc theo một con suối nhỏ, không biết rẽ từ nhánh sông nào, mưa nắng
gì nước cũng không cao hơn đầu gối. Hơn hai phần ba, trong số trên dưới ngàn
người, già trẻ bé lớn, được nhà nước “khoan
hồng, ân huệ, tạo điều kiện làm lại cuộc đời mới, cuộc đời của người công dân
xã hội chủ nghĩa, sau những năm dài có tội với nhân dân, với cách mạng” bị đưa lên một trong nhiều khu kinh tế mới ở Sông Bé, chừng hai tháng trước
đây, đã bỏ rừng bỏ đất hoang, suối cạn trốn về Sài Gòn, như hàng chục ngàn người
từ các nơi đổ về, sống nheo nhóc, lang thang trên các lề đường, gốc cây, bờ tường
khắp đường phố, công an phường khóm, xua đuổi hăm he, nhưng “đã cùi thì không sợ hủi” nên, họ, những
người đã mất mát hết rồi thì không còn gì để mất thêm nữa, phớt lờ, cứ tiếp tục
ngày hai bữa kiếm cơm, đi về với gốc cây, góc phố mà họ đã gọi là nhà, dẹp chỗ
này họ kéo nhau đi chỗ khác, công an hùng hỗ riết rồi cũng đành chịu thua, ngó
lơ, cũng như những người này, hai chị em dắt dìu mẹ bỏ về Sài Gòn, vào ở tạm tại
một cái chùa nhỏ, cũ kỹ, rong rêu, trơ trọi giữa bải đất hoang, ngoại ô Thủ Đức,
nhờ vào gia đình, có mấy căn phố lầu trên đường Tự Do, cũng bị lấy mất, ở bên cạnh
trên khu kinh tế mới Sông Bé chỉ cho tìm.
Một thân một mình, lê lết đầu đường xó chợ, tìm kiếm xin xỏ việc làm
nhưng không nơi nào nhận, vì không lạy lục được cái sơ yếu lý lịch đúng yêu cầu,
Quỳnh Chi, lăng lóc, buôn bán đủ thứ, từ chợ trời Lăng Cha Cả, Lăng Ông tới Hàm
Nghi, Tổng Đốc Phương Chợ Lớn, cũng chưa đủ nuôi ba miệng ăn trọn bữa, tình cờ
gặp lại Sương, ở khu chơ trời Lăng Cha Cả, cũng là con gái, trạc tuổi nhau, là
con một, có ba là thiếu tá tiểu đoàn trưởng nào đó của sư đoàn 9 VNCH, tử
thương trong trận Bảy Núi Thất Sơn, khoảng thời gian của mùa hè đỏ lửa, mẹ cũng
qua đời vì bệnh ung thư, không lâu sau, sống với bà ngoại ở Lấp Vò, Sa Đéc, rồi
bà cũng mất trước ngày quân cộng sản chiếm miền Nam vài tháng. Vì cùng hoàn cảnh,
không cửa không nhà, cảm thông nhau, hai người trở thành bạn thân dần, chia
nhau mối mai buôn bán, cũng như ngọt bùi cay đắng của nghịch cảnh phận đời, ngày
qua ngày có bữa no bữa đói. Bên cạnh đó, Sương và Quỳnh Chi rủ thêm một cô bạn
nữa, chiếm chút lề đường, như nhiều người khác, làm đất cắm dùi, bày ra sạp bán
nước ngọt cà phê, che mắt bọn công an, nhưng là nơi để bán thuốc tây lậu hay đồ
đạc, cũng lậu do đám cán bộ, bộ đội ngoài Bắc đem vào, đôi khi có cả thuốc phiện
Lạng Sơn Cao Bằng gì đó, ba người chia nhau, thay phiên ngồi đó, để người khác
chạy tìm mối bán mua vòng quanh phường trên quận dưới.
Sau ngày gặp lại, hôm Quỳnh Chi đưa Phú lên Thủ Đức thăm mẹ và em, bà đại tá lúc này bệnh đau ở chân
nhiều hơn trước, bà ngồi một chỗ, ôm chầm anh ta sụt sùi khóc, Phú cũng ràng rụa,
cầm lòng không được khóc theo, Quỳnh Trâm đứng kế bên, tay quẹt nước mắt bù lu
bù loa, nhìn hai người gục gặt đầu, gọi tên Phú tiếng mất tiếng còn. Phú trở lại
tìm Quỳnh Chi đôi ba lần, cũng ngay chỗ cái sạp bán nước lộ thiêng, đầu đường
vào công viên cũ, ngồi bên nhau, lần nào cũng vậy, cùng nhìn ra đường thở dài, hỏi
nhau đang sống ra sao, giữa trận bão đổi đời này, mà không ai nhắc tới chuyện
ngày xưa, chuyện tình đầu đời của một thời để yêu để nhớ. Trước ngày cùng với
dân trong phường bị bắt đi đào kinh trên vùng Xuân Thới Thượng, Phú đưa cho Quỳnh
Chi cái thư, viết lâu rồi, trong đó Phú gợi ý, muốn hai người nối lại chuyện
tình mình, chờ câu trả lời và hẹn nói nhiều hơn khi trở lại nhà.
Buổi chiều, sau ngày đi đào kinh về, trời sắp
tàn thu, lá rụng phủ đầy công viên Tao Đàn một màu vàng úa, hai ba cái xe
ba-gát chất đầy than cũi, nặng nề lầm lũi, kéo lết trên đường, người đẩy người
vịn, chân cố bám sức đi mau, mây ở một phía nào đó, chán chường xuống thấp,
cũng còn lác đác quanh đây, một vài tia nắng muộn, trên đường tìm việc làm ở một
hợp tác xã thuốc Nam, bên bến Bình Đông về, Phú ghé lại chỗ sạp bán nước uống tìm Quỳnh Chi,
hy vọng có tin vui, cái tin mà anh chờ anh mong ngay từ ngày đầu lên tới Xuân
Thới Thượng. Quỳnh Chi không có đó, Phú ngồi nán lại, Sương đem ly cà phê đen
có thêm mấy cục nước đá, để lên bàn, ngồi xuống, nhìn Phú rồi nhìn ra đường, buồn
buồn nói nhỏ “có lẽ Quỳnh Chi sẽ không trở
ra bán ở đây nữa”. Ngụm cà phê chợt chận đắng ngay cổ, Phú ngỡ ngàng, chết
lặng, lầm thầm hai tiếng “tại sao tại
sao”, Sương bùi ngùi kể lại môt phần chuyện của Quỳnh Chi, Phú gục đầu, mắt
đỏ hoe cay xé.
Một thân một mình, gian nan xuôi ngược, Quỳnh
Chi cũng không làm gì khá hơn, số tiền kiếm sống cho ba người ngày thiếu ngày đủ,
thương mẹ bệnh, thương em lúc tỉnh lúc điên, sau khi cùng nhau buôn bán một dạo
khá lâu, Quỳnh Chi chấp nhận làm gái điếm, một cách lén lút, do sự mai mối của
bà chủ quán ba có tiếng trên đường Tụ Do trước năm 1975, cho một số cán bộ lớn,
có quyền chức, từ ngoài Bắc vào, tại một căn biệt thự mà người chủ bỏ đi vài
ngày trước khi Sài Gòn mất, đầu đường Phan Kế Bính, lúc bấy giờ, giao lại cho
ông đảng viên từ Hà Nội vào, với chức vụ Giám Đốc, bên ngoài có tấm bảng lớn đề
“công ty hóa chất Đồng Nai”, kín cổng cao tường, có bộ đội ngồi canh gát, lúc
này, Quỳnh Chi kiếm khá nhiều tiền, nhiều đến nổi chạy chọt được có thêm tên
trong sổ hộ khẩu ở cái chùa hoang, nghèo mạc, trước giờ chỉ có mỗi một tên bà
sư cô hơn 70 tuổi già, lãng tai, mắt mờ và cất giấu đôi chút phòng thân cho gia
đình. Hơn nửa năm sau, chuyện gái điếm ở căn biệt thự đó bị bại lộ, vì bà vợ từ
ngoài Bắc của một trong mấy người đàn ông biết ra, bà ta làm lớn chuyện, căn biệt
thự bị nhà nước lấy lại, đóng cửa cho tới bây giờ, Quỳnh Chi tìm gặp Sương ở chợ
trời Kim Biên, trở lại ngồi bán với nhau ở chỗ này như những ngày tháng cũ. Nước
mắt ràng rụa, Sương lấy trong túi xách nhỏ, đưa cho Phú cái thư mà Quỳnh Chi gởi
lại, Phú cầm lấy nghèn nghẹn, cố kềm tiếng khóc, có hai ba anh bộ đội tới, cô
con gái đứng bên trong chạy ra vồn vã mời ngồi, Sương đưa tay vội lau mắt, ra dấu
đi phụ bạn rồi đứng ngay lên, không màng chờ Phú trả lời.
Nắng chiều tắt hẳn tự lúc nào, đêm nhá nhem
tối, Phú đạp xe ngược lại góc Nguyễn Tri Phương, dựng xe ở bên kia đường Minh Mạng,
nhìn về phía chỗ cái quán bán chè đêm, nơi mà Phú cùng hai chị em Quỳnh Chi ngồi,
nói cười sau bữa cơm chiều định mạng, mở lá thư của Quỳnh Chi ra đọc, dưới ánh
sáng lờ mờ của ngọn đèn đường vàng như màu lá chết. Thư dài với nét chữ quen
ngày nào nhưng không còn là thư của ước mơ của nhung nhớ “...Quỳnh Chi vẫn mãi một đời yêu anh, và yêu ở tận kiếp sau, cám ơn
anh đã cho em trọn vẹn một cuộc tình, cuộc tình của những tháng ngày đáng yêu
đáng nhớ nhất, và cũng cám ơn anh đã cho em một sự chọn lựa cho mình, sự lựa chọn
mà em đã từng ao ước nhưng có lẽ số phận mình là kiếp đời có duyên mà không có
nợ, em tự thấy giờ này mình không còn là một Quỳnh Chi thơ ngây, dễ thương của
ngày đó nữa, và cũng không xứng đáng để được sống bên anh. Lời cuối, Quỳnh Chi
xin anh quên em đi, đừng tìm lại em và đừng hỏi tại sao, mai này ở kiếp sau,
anh sẽ hiểu khi trời đất còn thương cho mình gặp lại nhau, chúc anh nhiều may mắn,
vĩnh biệt”.
Phú
ôm lá thư, gục đầu ngồi bệt xuống đất, nước mắt loang lở ướt gần hết tờ giấy
học trò cũ, rấm rức khóc thành tiếng, hai ba người con gái trạc tuổi Quỳnh Chi,
từ quán chè bên kia đường băng qua, đứng lại nhìn, là lạ, nói nhỏ với nhau gì
đó, rồi bỏ đi, Phú gượng nhìn ra xa, trong tầm mắt mình, quanh đây đất trời âm
u, tối đen một màu ma quái, ở phía đầu ngã tư Trần Quốc Toản, tiếng chuông
thánh lễ muộn cuối ngày của nhà thờ Đồng Tiến, lạnh lùng kéo dài, lùa tiếng cầu
kinh lẻ loi của ai đó trong giáo đường, tan tác cuốn theo chiều gió ngược.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét