Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Hiểm họa khi cho trẻ chơi smartphone, máy tính bảng

Để trẻ sử dụng thiết bị di động quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ và hạn chế các kỹ năng giao tiếp xã hội, theo các nghiên cứu.

Theo một thống kê tại Mỹ, có tới hơn 70% trẻ em dưới 12 tuổi sử dụng máy tính bảng. Một khảo sát khác cũng cho thấy, có tới 40% trẻ em ở độ tuổi từ 2-4 được cha mẹ cho chơi thiết bị di động. 
Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, việc cho trẻ sử dụng các thiết bị di động có tác hại rất xấu tới sự phát triển của trẻ về sau:
Hạn chế khả năng giao tiếp
Điện thoại và máy tính bảng kèm theo thế giới những trò chơi phong phú, đa dạng rất dễ gây nghiện đối với trẻ. Và điều này khiến trẻ dần dần tách ra khỏi các mối quan hệ xã hội thông thường, ngay cả với cha mẹ chúng.
trẻ em, smartphone, thiết bị di động, máy tính bảng, ảnh hưởng, nguy hại
Theo các nghiên cứu, trong độ tuổi từ 0 đến 2, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Trong thời gian này, giọng nói của cha mẹ, sự tiếp xúc và chơi đùa cùng nhau sẽ giúp trẻ học được cách gắn kết tình cảm với người khác.
Tuy nhiên, với những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho màn hình thiết bị di động, sẽ bị ảnh hưởng lớn tới sự tập trung, lòng tự trọng và trong nhiều trường hợp sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ sâu sắc giữa trẻ và cha mẹ.
Việc nghiện thiết bị di động cũng khiến trẻ chậm phát triển các khả năng giao tiếp. Tập trung quá nhiều vào các thiết bị công nghệ, trẻ em ngày nay chủ yếu giao tiếp qua những thiết bị công nghệ hiện đại mà gần như không phát triển các kỹ năng giao tiếp cơ bản. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới chúng khi lớn lên.
Tạo nên bức tường ngăn cách vô hình với cha mẹ, hạn chế các khả năng giao tiếp cũng như các kỹ năng xã hội là nguy cơ mà trẻ sẽ phải đối mặt nếu như các bậc cha mẹ thường xuyên dùng điện thoại, máy tính bảng để thỏa mãn nhu cầu của con.
Tăng nguy cơ trầm cảm
trẻ em, smartphone, thiết bị di động, máy tính bảng, ảnh hưởng, nguy hại
Một nghiên cứu tại Anh được thực hiện từ năm 2010 cho thấy, trẻ em sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc xem tivi hơn 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ phải đối mặt với những khó khăn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng, hành vi có vấn đề…
Nguy cơ đặc biệt rõ đối với những trẻ em có thời gian vận động thấp trong khi sử dùng thiết bị di động và xem tivi nhiều hơn 2 giờ. Tuy vậy, nghiên cứu này cũng cho thấy, việc cho trẻ vận động nhiều sau đó cũng không “bù đắp” lại được những tác hại của việc sử dụng thiết bị di động và xem tivi gây ra.
Ngoài ra, khi sử dụng nhiều thiết bị di động, trẻ sẽ dễ gặp phải tình trạng “bạo lực Internet”. Những hình ảnh, những bình luận ác ý có thể ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì.
Theo đề xuất của nghiên cứu, với những trẻ em từ 10 tuổi trở lên thì chỉ nên giới hạn thời gian xem tivi hay chơi các trò chơi máy tính, điện thoại dưới 2 giờ. Với những trẻ từ 0-8 tuổi, thì thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị càng ít càng tốt.
Ảnh hưởng khả năng học tập
trẻ em, smartphone, thiết bị di động, máy tính bảng, ảnh hưởng, nguy hại
Việc sử dụng điện thoại thông minh tạo cho trẻ thói quen nhấn hoặc chuyển từ một lựa chọn này sang một lựa chọn khác, buộc chúng tập hợp các mẩu nhỏ của thông tin. Điều này sẽ rất có hại đối với sự phát triển tổng thể của não bộ trẻ, theo các nhà khoa học. Chúng tạo cho trẻ thói quen chuyển đổi các chủ đề một cách nhanh chóng và gây ảnh hưởng lớn tới sự tập trung của trẻ.
Theo một nghiên cứu công bố tại Mỹ hồi đầu năm, sự mất tập trung, sao lãng do sử dụng điện thoại, máy tính bảng gây ra có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập của trẻ sau này. “Các thiết bị có thể thay thế các hoạt động quan trọng bằng tay cho việc phát triển các kỹ năng cảm giác vận động và cảm giác thị giác, điều rất quan trọng trong việc học tập các môn toán và khoa học ở trẻ”, Jenny Radesky, trường Đại học Y Dược Boston, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, việc cho trẻ sử dụng thiết bị di động trước khi đi ngủ cũng làm ảnh hưởng tới khả năng học tập của trẻ vào ngày hôm sau. Ánh sáng phát ra từ màn hình các thiết bị này sẽ gây ức chế hormone melatonin sinh ra trong giấc ngủ đảm bảo giúp cơ thể có giấc ngủ ngon và tỉnh dậy tỉnh táo vào ngày hôm sau, điều này làm thay đổi chu kỳ sinh học tự nhiên của cơ thể. Theo thống kê, có đến 75% trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 10 bị thiếu ngủ làm ảnh hưởng đến khả năng học tập
Nguy cơ béo phì và suy giảm thị lực
trẻ em, smartphone, thiết bị di động, máy tính bảng, ảnh hưởng, nguy hại
Các trò chơi trực tuyến trên điện thoại hay máy tính bảng đặc biệt gây nghiện. Do đó, sẽ không có gì lạ nếu những đứa trẻ có thể ngồi hàng giờ đồng hồ trước màn hình điện thoại một khi bị cuốn hút vào trò chơi. Và tác hại của điều này là cực kỳ tai hại.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Texas (Mỹ), những đứa trẻ được phụ huynh cho phép sử dụng smartphone và máy tính bảng trong phòng ngủ của chúng sẽ có nguy cơ mắc béo phì cao hơn 30% so với những đứa trẻ khác.
Khi mắc chứng béo phì, nhiều vấn đề khác về sức khỏe sẽ phát sinh như khả năng mắc bệnh tiểu đường, đau tim và thậm chí khả năng đột quỵ. Nhiều chuyên gia thậm chí còn tin rằng trẻ em trong thế kỷ 21 sẽ là thế hệ đầu tiên có tuổi thọ thấp hơn cha mẹ mình do mắc chứng béo phì và sử dụng các thiết bị công nghệ cao.
Không chỉ vậy, việc dán mắt vào màn hình smartphone có thể làm suy giảm thị lực ở trẻ. Việc mắt trẻ liên tục phải điều chỉnh để tương thích với màn hình điện thoại cũng sẽ gây ra chứng đau đầu và đau nửa đầu rất sớm ở trẻ.
Hà Phương (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...