Đọc báo ; Tác giả: Larry Ong | Dịch giả: DK Lam
Chế độ Trung Quốc cuối cùng đã có một giải Nobel trong lĩnh vực khoa học, nhưng giới lãnh đạo và cộng đồng khoa học của nước này không hề vui vẻ với sự kiện này.
Bà Đồ U U, 84 tuổi, được trao giải Nobel trong lĩnh vực sinh lý học hay y học vào ngày 5 tháng 10 bởi Ủy ban Nobel của Viện Karolinska tại Stockholm. Bà nhận giải cùng hai nhà khoa học khác, William C. Campbell của Mỹ và Satoshi Omura của Nhật.
Vào những năm 1970, bà Đồ tìm ra artemisinin, đã cứu hàng triệu bệnh nhân sốt rét trên toàn thế giới trong suốt 40 năm qua.
Tuy nhiên tại Trung Quốc, thành tựu của bà lại bị chỉ trích bởi các đồng nghiệp, truyền thông nhà nước và chính quyền Trung Quốc.
Phản ứng của họ với giải Nobel của bà Đồ phần lớn liên quan đến nền khoa học Trung Quốc, vốn chịu sự kiểm soát của nhà nước. Đây là một hệ thống khoa học mà bà Đồ gần là một kẻ hoàn toàn xa lạ, do đó khiến tất cả phải lúng túng trước thành công của bà.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc không phản ứng tích cực trước thành tựu của bà Đồ vì bà chỉ có địa vị bình thường, và thưc tế thành tựu của bà đã làm bẽ mặt chế độ Trung Quốc, theo ông Trần Phá Không, tác giả của một số cuốn sách viết về văn hóa chính trị của Trung Quốc.
Nhưng trong trường hợp giải Nobel văn học của Mạc Ngôn vào năm 2012, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại tích cực ngợi ca thành tựu của ông.
Thực tế là một người Vô Danh
Trong một cuộc điện đàm, ông Trần nói với Đại Kỷ Nguyên rằng bà Đồ U U giành được giải Nobel khiến chính quyền Trung Quốc một phen bẽ mặt, vì bà không phải là một mắt xích trong hệ thống được nhà nước công nhận và hậu thuẫn – có nghĩa là bà Đồ không phải một viện sĩ, công trình của bà không bắt nguồn từ những nghiên cứu khoa học đương thời của Trung Quốc mà từ y học cổ truyền, và thực tế bà là một người “vô danh” cũng như không nằm trong giới tinh hoa.
Tham nhũng xâm nhập vào mọi ngõ ngách của xã hội, từ những học sinh gian lận trong thi cử, đến những viện sĩ ăn cắp ý tưởng và hối lộ để thăng tiến trong sự nghiệp.
— Trần Phá Không, nhà văn và nhà bình luận chính trị.
Mặt khác, bà Đồ là một người được Nhân dân Nhật báo miêu tả trong một bài viết năm 2011 là một nhà nghiên cứu làm việc một cách ” thầm lặng”, không giỏi xây dựng các mối quan hệ xã hội”, và “dám nói thẳng với” cấp trên thay vì bợ đỡ nịnh hót.
Trong trường hợp khác, chế độ Trung Quốc tích cực ca ngợi giải Nobel văn học của ông Mạc Ngôn vì ông ta là một mắt xích của hệ thống, là phó chủ tịch của Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, một tổ chức công lập.
Ông Trần bình luận Trung Quốc “dành rất nhiều ngân sách cho khoa học và nghiên cứu quân sự, và chẳng mang lại kết quả nổi bật nào ngoài những vũ khí giết chóc”.
Ông Trần Phá Không cho rằng phản ứng của chính quyền Trung Quốc với giải Nobel cho thấy sự thịnh hành của tham nhũng tại Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành gắn liền với nhà nước, như khoa học.
Nguyên tắc Gia đình trị
Các học viện vận hành dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản không coi trọng kiến thức khi đề bạt nhân sự, mà quá trình này thường bị ảnh hưởng bởi tham nhũng và gia đình trị, theo ý kiến của ông Trần.
“Tham nhũng xâm nhập vào mọi ngõ ngách của xã hội, từ những học sinh gian lận trong thi cử, đến những viện sĩ ăn cắp ý tưởng và hối lộ để thăng tiến trong sự nghiệp.”
Một ví dụ nổi bật vừa được công khai gần đây là ông Giang Miên Hằng, con trai của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Năm 1999, ông Hằng được bổ nhiệm làm phó giám đốc của một trong những tổ chức khoa học lớn nhất và uy tín nhất của Trung Quốc, Học viện khoa học Trung Quốc, chỉ sáu năm sau khi trở về Trung Quốc với tấm bằng tiến sĩ tại Philadelphia.
Ông Hằng có ít kinh nghiệm quản lý và thành tích khoa học trước khi được đề bạt, điều này khiến nhiều người tin rằng vị trí của ông ta dựa vào bố của mình. Vào năm 2005, ông Hằng được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc chi nhánh Thượng Hải, và ông ta chỉ vừa từ chức vào tháng 1 năm nay. Truyền thông nhà nước viết rằng lý do từ chức là do tuổi tác của ông ta – nhưng ông Giang Miên Hằng vẫn còn 7 năm nữa mới về hưu. Các quan sát viên cho rằng đây là một dấu hiệu thể hiện sự đổi chiều chính trị, khi cha ông Hằng, Giang Trạch Dân, đang bị quản thúc và đe dọa bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Ông Trần Phá Không cho rằng “Đây là vấn đề hệ thống”.
Mỉa mai thay, bà Đồ nói rằng bà không ngạc nhiên với thành tựu này vì “đây là vinh dự không chỉ của riêng tôi, mà cho cả giới khoa học Trung Quốc”.
Bà phát biểu với tờ Tiền Giang Vãn Báo (Qianjiang Evening News) rằng “Mọi người đều nghiên cứu trong nhiều thập niên, nên chẳng ai ngạc nhiên khi được trao một giải thưởng gì đó”.
Nhà khoa học Ba Không
Trong bức thông điệp chúc mừng ngắn gọn được đăng trên truyền thông nhà nước và các học viện khoa học vào ngày 5 tháng 10, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khen ngợi bà Đồ vì đã thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học Trung Quốc và y học truyền thống, vốn là hai lĩnh vực tạo nền tảng cho khám phá của bà.
Truyền thông nhà nước nói rằng thành tựu của bà Đồ rất đáng trân trọng vì bà không thuộc những việc nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia, không theo đuổi học vị tiến sĩ và không du học – là một nhà khoa học “Ba Không”.
Nhưng có một nỗ lực để hạ thấp đóng góp của riêng bà Đồ, và vãn hồi thể diện của giới khoa học Trung Quốc, luận điệu liên quan đến những học viện nghiên cứu lớn theo mô hình Sô viết, nơi mà các nhà khoa học liên kết chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, những nhà khoa học chính thống của Trung Quốc này cho rằng thành tựu của bà Đồ không phải của riêng bà, họ chỉ ra rằng 500 nhà khoa học khác cũng làm việc trong Dự án 523, là một chương trình quân sự bí mật thành lập theo lệnh của Mao Trạch Đông, chương trình này đã có những đóng góp quan trọng để chiết xuất ra phương thuốc này.
Khi bà Đồ nhận giải thưởng danh giá Lasker cho Nghiên cứu Y học vào năm 2011 vì công trình khoa học trong lĩnh vực sốt rét, giới khoa học Trung Quốc cũng cố gắng nhấn mạnh nghiên cứu được nhận giải là công sức tập thể.
Ba ngày sau khi bà Đồ nhận giải, tờ The Paper, một tờ báo được nhà nước hậu thuẫn, đã đăng một bài bình luận bảo vệ các viện sĩ, là danh hiệu cho những học giả của các viện nghiên cứu hàng đầu.
“Đã già rồi”
Bà Đồ không tham gia Viện Khoa học Trung Quốc trong suốt nhiều năm, và việc tìm ra chất artemisinin được đánh giá là thành quả của cả một nhóm, và vai trò dẫn dắt của bà Đồ “bị tranh cãi gay gắt” trong giới khoa học Trung Quốc, theo phát biểu của những nhà khoa học Trung Quốc trên tờ The Paper.
Về việc bà Đồ bị giới khoa học nhà nước từ chối không cho gia nhập, vốn được nhiều người biết đến, là vì ” đây là trường hợp phổ biến không chỉ xảy ra với một cá nhân”, theo lời của một nhà khoa học.
Bài viết cũng trích lời bà Đồ trong một bài phỏng vấn vào tháng 10 trên tờ Nhật báo Tuổi Trẻ Trung Quốc rằng bà không quan tâm đến địa vị hay giải thường vì bà “đã già rồi”.
Juliet Song có đóng góp cho bài viết này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét