Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Giấc Ngủ - Lê Tấn Tài

Khi nói đến việc chăm sóc sức khỏe, phần lớn người ta chỉ nói đến vấn đề ăn uống, ít ai đề cập đến giấc ngủ. Có người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, thật quá uổng phí! Người xưa còn nói, đời người quá ngắn nên phải đốt đèn để vui chơi suốt đêm. Cổ thi Trung Hoa có bài "Sinh niên bất mãn bách" (Đời người chẳng được trăm năm), trong đó có câu: "Trú đoản khổ dạ trường, hà bất bỉnh chúc du?" (Ngày ngắn khổ nổi đêm dài, sao không cầm đuốc đi chơi?) Thomas A. Edison cố gắng phát minh bóng đèn điện, tạo ánh sáng cho con người làm việc tới khuya để giảm bớt những “giấc ngủ không sinh lợi”. Immanuel Kant, triết gia Đức, coi ngủ như một nhu cầu xấu, ngủ mơ là phí thì giờ và muốn đêm càng ngắn càng tốt. Nhưng ngày nay khoa học chứng minh giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe con người không kém gì thực phẩm, nước uống, không khí. 
Ngủ là một hoạt động tự nhiên theo định kỳ mà những cảm giác và vận động tạm thời bị ngưng lại một thời gian, với đặc điểm dễ nhận thấy là hoạt động não không thấy rõ và sự bất động gần như hầu hết các cơ bắp, ngoài việc tiếp tục duy trì các chức năng cơ thể căn bản như hô hấp, tuần hoàn. 
Giấc ngủ ngon làm sức khoẻ bền bỉ, giảm căng thẳng, xoa dịu tâm trí, là một liều thuốc hiệu nghiệm để chữa sự mỏi mệt thể chất và tâm hồn.
Các nhà nghiên cứu quan sát tất cả các động vật có vú, tất cả các loài chim, và nhiều loài bò sát, động vật lưỡng cư, và đa số các động vật khác như một số loài cá, kiến, ruồi quả, thì thấy giấc ngủ thường xuyên rất cần thiết cho sự sống của chúng.

Diễn tiến giấc ngủ 

Ở người trưởng thành trung bình mỗi ngày cần ngủ từ 7 đến 8 giờ. Một giấc ngủ bình thường, một đêm gồm khoảng 4 đến 5 chu kỳ. Mỗi chu kỳ từ 90 đến 120 phút, gồm 2 giai đoạn NREM + REM kế tiếp nhau:
* Giấc ngủ thật (NREM = Non Rapid Eye Movement = "Không-Cử-Động-Mắt-Nhanh"). Trong giấc ngủ NREM, hệ thống miễn dịch tăng trưởng, xương và cơ bắp được bồi đắp, các mô được tái sinh, hệ thần kinh hồi phục. Giấc ngủ nầy được chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài từ 5 đến 15 phút. 
- Giai đoạn I: ru giấc ngủ, ngủ thiếp, hay ngủ chập chờn. Giai đoạn này rất ngắn, chỉ kéo dài vài phút rồi chuyển sang giai đoạn II, được xem như giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ. Những kích thích ở giai đoạn này sẽ làm thức giấc ngay lập tức.
- Giai đoạn II: ngủ nhẹ hay ngủ nông, không còn cảm giác đang thức. Ở giai đoạn này tỉnh dậy khó khăn.
- Giai đoạn III: ngủ sâu. Ở giai đoạn này, các dấu hiện sinh tồn đều giảm như: nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp. Hệ thống cơ xương khớp cũng giãn ra, trùng xuống.
- Giai đoạn IV: ngủ rất sâu. Các dấu hiệu sinh tổn đạt mức độ thấp nhất. Tỉnh dậy lúc này rất khó. 
Trẻ em giai đoạn III và IV chiếm khoảng 50% nhưng ở người lớn và nhất là người lớn tuổi chỉ chiếm 15% đến 25% . 
* Giấc ngủ mơ (REM = Rapid Eye Movement = "Cử-Động-Mắt-Nhanh") hay còn gọi là giấc ngủ REM bởi vì đôi mắt người ngủ di chuyển một cách nhanh chóng theo các hướng khác nhau. Điều nầy không xảy ra trong giấc ngủ NREM. Sau giấc ngủ NREM qua 4 giai đoạn, người ngủ vẫn còn trong giấc ngủ sâu nhưng nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều tăng, ngược lại nhu động dạ dày và ruột thì giảm . Sở dĩ có tên giấc ngủ mơ là do ở giai đoạn này điện não đồ xuất hiện sóng alpha giống như giai đoạn thức, nhưng người ngủ thì vẫn ngủ rất sâu và những giấc mơ thường xuất hiện. Kế tiếp giai đoạn REM, người ngủ sẽ thức dậy trong khoảng thời gian rất ngắn một vài phút rồi lại tiếp tục chu kỳ 2,3,4... cho tới sáng.
Ở những chu kỳ đầu bao giờ cũng ngủ sâu hơn, những chu kỳ sau càng về sáng giấc ngủ mơ càng dài hơn. Thông thường giai đoạn đầu tiên của REM (chu kỳ 1) kéo dài 10 phút. Mỗi giai đoạn REM sau kéo dài hơn, và một trong những REM cuối cùng (trong chu kỳ 4 hoặc 5 - lúc gần sáng) có thể kéo dài tới một giờ. 
Về nhu cầu ngủ, khả năng ngủ, bao nhiêu cho đủ, cho vừa, để hiệu năng sinh hoạt ngày hôm sau không trở ngại. Đồng hồ sinh học của mỗi người khác nhau do đó nhu cầu ngủ của mỗi người cũng không giống nhau. Nhu cầu ngủ cũng thay đổi theo độ tuổi. Càng lớn tuổi thì nhu cầu này càng giảm dần.Ta vẫn quen nghĩ rằng người lớn tuổi ít ngủ, thực sự thời gian cần để ngủ vẫn không thay đổi nhưng tính chất giấc ngủ thay đổi. Họ buồn ngủ sớm hơn, giấc ngủ nông hơn, dễ bị đánh thức bởi các thay đổi bên ngoài do đó thưòng dậy sớm, vì vậy họ thiếu ngủ và buồn ngủ ban ngày. 
Ở người lớn tuổi, giấc ngủ của họ được mô tả như sau:
+ Kéo dài thời gian giai đoạn I và II.
+ Giảm thời gian giai đoạn III và IV.
+ Sự ổn định của giấc ngủ mơ.
+ Tăng số lần thức giấc trong đêm.
+ Ngủ gà ngủ gật ban ngày.
Ai cũng đều biết trẻ sơ sinh ngủ nhiều, đây là thời gian tồn trữ năng lượng để bồi dưỡng cơ thể. Trẻ sơ sinh ngủ trên 18 giờ một ngày nếu sanh non tháng lại ngủ nhiều hơn. 6 tháng, ngủ 14 tiếng. 16 tuổi ngủ 10 tiếng. Khi vào đại học cho tới trưởng thành thì ngủ 7-8 tiếng, thời gian này giảm dần. Giấc ngủ của thiếu niên bắt đầu chậm và kéo dài đến sáng, do đó ta thuờng thấy học sinh hay thức khuya và khó dậy sớm.
Như vậy, một người sống tới 75 tuổi, đã dành 25 năm để ngủ. 
Và trong 6 đến 8 giờ ngủ đó, chúng ta cần một khoảng thời gian thư giãn toàn thân bằng cách đạt đến trạng thái REM. Chúng ta có thể lên giường từ 10 giờ tối nhưng trạng thái REM không nhất thiết phải đến ngay. Nó sẽ tự tìm đến trong giấc ngủ một cách hoàn toàn tự nhiên; chúng ta không kiểm soát được nhưng một khi đạt tới trạng thái REM, cơ thể chúng ta ở trạng thái nghỉ ngơi tốt nhất. Không giống như những hoạt động khác, giấc ngủ ban đêm không thể "ngủ bù" bằng những giấc ngủ vụn vặt buổi trưa, buổi chiều, bởi cơ thể sẽ không đạt đến trạng thái REM, là trạng thái nghỉ ngơi tốt nhất. Những người làm đêm phải ngủ ngày, nhưng giấc ngủ ban ngày không thể thay thế được một giấc ngủ ngon về đêm.

Giấc ngủ ngon

Ca dao Việt Nam có câu:
“Ăn được ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ, mất tiền thêm lo”.
Một giấc ngủ ngon mới giải toả được những căng thẳng xẩy ra trong ngày, làm tâm hồn thư thái hơn. Giấc ngủ ngon cần phải đáp ứng những yếu tố sau:
• Đủ số lượng: thời gian ngủ từ 7 đến 8 giờ theo sinh lý bình thường.
• Bảo đảm chất lượng: có nghĩa ngủ không ác mộg và sau khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, khỏe mạnh, không còn cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, năng suất làm việc cao. Trong khi ngủ cơ thể tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ hệ thống hóa thông tin, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn. Điều này rất cần thiết để cơ thể phát triển và thích nghi với môi trường sống.
Một giấc ngủ ngon cần phải tuân thủ một số điều kiện sau:
+ Ngủ và thức dậy đúng giờ.
+ Dậy ngay khi thức giấc, không nên nằm nướng.
+ Đi ngủ ngay khi có những dấu hiệu buồn ngủ như ngáp, mắt lim dim. Không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ. 
+ Vào buổi tối, không đọc những truyện quá lôi cuốn, hấp dẫn. Không xem tivi trên giường ngủ. Tránh những cãi cọ hay tranh luận căng thẳng, tạm quên đi những lo toan, bận tâm trong ngày.
+ Không dùng những chất kích thích như trà, thuốc lá, cà phê, sô cô la, vitamin C vào buổi tối.
+ Không ăn tối trễ quá, không ăn no quá, nên ăn nhẹ nhàng. 
+ Không chơi những môn thể thao nặng vào buổi tối. Trước khi ngủ có thể tắm nước ấm, mát xa nhẹ.
+ Phòng ngủ nên thoáng mát, yên tĩnh, giường gối êm ái, ánh sáng dịu nhẹ.
+ Tránh lạm dụng thuốc ngủ, chỉ dùng khi cần thiết và tham khảo ý kiến thầy thuốc.
+ Tình cảm vợ chồng hòa thuận là liều thuốc tự nhiên vô cùng quý giá giúp ngủ ngon.
Trong khi ngủ, chúng ta không biết gì hết. Tuy không “biết”, nhưng óc vẫn hoạt động. Người Pháp nói “Tìm sự cố vấn trong giấc ngủ”. Khi ta có vấn đề cần suy nghĩ, còn phân vân chưa giải quyết được, sau giấc ngủ có khi chúng ta nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn. Một số ý kiến sáng tạo, hoặc những suy nghĩ tìm tòi có thể xuất hiện sau giấc ngủ.

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ sẽ dẫn đến một số biểu hiện sau:
+ Mệt mỏi, uể oải.
+ Bồn chồn, dễ nóng giận.
+ Không thể tập trung vào công việc.
+ Khó đưa ra những quyết định sáng suốt.
+ Dễ bị ám thị, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
+ Mất khả năng thiết lập kế hoạch cho tương lai.
+ Có thể có những ảo giác (nhìn thấy những hình ảnh không có thực).
Những dấu hiệu này nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tình trạng mất ngủ nhiều hay ít. Thuốc ngủ không cho chúng ta giấc ngủ mà não cần. Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp. Xác định rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân của các rối loạn này có một vai trò quan trọng để đưa đến một hướng trị liệu phù hợp. 
Bảng phân loại các rối loạn giấc ngủ quốc tế dựa vào thể thức, thời gian và nguyên nhân của các rối loạn giấc ngủ. Có 2 nhóm chính:
• Nhóm 1: gồm những rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và những thời điểm khác nhau của giấc ngủ.
• Nhóm 2: gồm những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ.

§ Những rối loạn giấc ngủ thường gặp

1/ Mất ngủ

Giấc ngủ không đủ thời gian hoặc chất lượng, khi ngủ dậy cảm thấy sức khỏe về thể chất và tinh thần không được hồi phục, còn buồn ngủ tiếp. Tùy từng trường hợp có thể gây ra tình trạng khó ru vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức dậy sớm hoặc có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn. Nguyên nhân của rối loạn này rất đa dạng: tỷ lệ mất ngủ chiếm khoảng 10-15% trong dân số, trong đó mất ngủ tạm thời thường gặp nhất, tỷ lệ mất ngủ này tăng dần theo tuổi, tỷ lệ nữ gấp đôi nam.

* Mất ngủ tạm thời. Xuất hiện vài đêm hoặc trong thời gian ngắn một vài tuần, ở những người bình thường. Mất ngủ tạm thời là rối loạn hay gặp nhất. Những biến cố trong cuộc sống (như tang tóc, khó khăn kinh tế, gia đình, nghề nghiệp…), sinh hoạt không điều độ (ngủ trưa quá nhiều, lạm dụng các chất kích thích, ngủ thức thất thường, chơi thể thao buổi tối, công việc quá nhiều), các bệnh cơ thể, môi trường (tiếng ồn, độ cao, phòng ngủ không thích hợp…) đều làm mất ngủ. 
* Mất ngủ do bệnh tâm thần. Từ 30% đến 60% trường hợp mất ngủ có nguyên nhân từ các rối loạn tâm thần như rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ hoàn toàn vì trạng thái hoang tưởng, những trường hợp rối loạn nhân cách, nghiện ngập thường dẫn đến tình trạng mất ngủ mạn tính.
* Nhiều bệnh có thể đưa đến tình trạng mất ngủ như các chứng đau thấp khớp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch...
* Lạm dụng những chất kích thích, lạm dụng rượu, lạm dụng một số thuốc... 
* Mất ngủ mạn tính (chronic insomnia) không thấy có nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay các bệnh khác. Biểu hiện duy nhất là mất ngủ. Người ta phân biệt ra những loại sau: mất ngủ vô căn (Idiopathic insomnia) tiến triển từ tuổi ấu thơ, mất ngủ tâm sinh lý (psychophysiological insomnia) sợ ngủ vì có những ác mộng hoặc ảo giác.

2/ Rối loạn sự tỉnh táo và ngủ nhiều (sleep and wakefulness disorders). 

* Những rối loạn này liên quan đến số lượng và chất lượng của trạng thái tỉnh táo trong ngày, biểu hiện qua việc ngủ nhiều, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật trong ngày. Trái ngược với mất ngủ, những rối loạn tỉnh táo này thường không nhận biết và không được quan tâm đến. 
* Hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ (sleep apnea) thường gặp ở những người nam giới trên 50 tuổi, dư trọng lượng.
* Ngủ nhiều do thiếu ngủ có các biểu hiện khó thức dậy, ngủ gật trong ngày, giảm hiệu suất làm việc, khó tập trung chú ý, bồn chồn dễ cáu giận, mệt mỏi.
* Chứng ngủ rũ (narcolepsy, hypnolepsy) là rối loạn giấc ngủ mãn tính biểu hiện qua sự buồn ngủ ban ngày quá nhiều và đột ngột suy nhược cơ bắp do thiếu hụt protein kích thích não gọi là orexin, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 15 và 30. 
* Ngủ nhiều vô căn (hypersomnia) là ngủ quá nhiều mà không có một nguyên nhân rõ ràng. Nó khác với chứng ngủ rũ, bởi vì chứng bệnh nầy đột nhiên đi vào giấc ngủ hoặc mất kiểm soát cơ bắp do những cảm xúc mạnh (cataplexy).
* Rối loạn chu kỳ chuyển động chân tay và hội chứng chân không yên (PLMD: periodic limb movement disorder and RLS: restless legs symdrome). PLMD là sự chuyển động tự động chân tay, thường lặp đi lặp lại hàng trăm lần trong đêm. Đừng nhầm lẫn với RLS là tình trạng đôi chân cảm thấy rất khó chịu khi ngồi hay nằm xuống, xảy ra khi thức cũng như khi ngủ. 

3/ Những rối loạn nhịp sinh học (circadian rhythm sleep disorder). 

* Hội chứng thức sớm (early morning awakenings). Người bệnh thức dậy vào khoảng 2-3 giờ sáng, dẫn đến nhu cầu ngủ vào buổi chiều. Rối loạn này thường thấy ở người lớn tuổi. 
* Hội chứng nhịp ngày đêm dài: Hiện tượng nhịp ngày đêm dài hơn 24 giờ với sự khác biệt về thời gian ngủ khoảng 1 giờ mỗi ngày dẫn đến hiện tượng giai đoạn ru giấc ngủ ngày càng trễ. Ta có thể gặp những trường hợp mất ngủ cả đêm và trạng thái ngủ gà ban ngày. Rối loạn này chủ yếu gặp ở người mù ngoại biên, bệnh tâm thần phân liệt. 
* Hội chứng ngủ trễ (delayed sleep-phase disorder ): Do ngủ rất trễ, nếu phải dậy sớm để đi làm hậu quả là người bệnh vẫn còn ngủ gà vào buổi sáng.
* Thay đổi múi giờ: Hiện tượng mất ngủ xảy ra khi chúng ta di chuyển sang những múi giờ khác nhau. Triệu chứng đầu tiên là mất ngủ giai đoạn ru ngủ khi chúng ta di chuyển về phía đông và thức dậy sớm khi chúng ta di chuyển vế phía tây, kết hợp với những biểu hiện mệt mỏi, ngủ gà, đôi khi có sự rối loạn khí sắc. Rối loạn này kéo dài trong khoảng 1 tuần. 

4/ Những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ

• Mộng du (sleep walking): Trong y học gọi là trạng thái miên hành, người bệnh tự nhiên thức dậy và đi lại trong tình trạng đang còn ngủ. Mộng du thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh giảm dần theo tuổi tác.
• Bóng đè (sleep paralysis): Khi bị bóng đè, một phần não bộ vẫn hoạt động bình thường (trạng thái tỉnh) nhưng hệ thần kinh vận động không hoạt động khiến cho cơ thể không thể cử động được. Người bị bóng đè thường cố gắng thức dậy bằng cách cử động chân tay hay nói nhưng không thể được mặc dù não đã phát đi tín hiệu điều khiển thần kinh vận động. Nhiều người mô tả rằng cơ thể họ như có vật gì rất nặng đè lên ngực mà họ không thể nào đẩy ra được, hoặc có ảo giác nhìn thấy những hình ảnh đáng sợ, khó thở, nghe thấy tiếng bước chân hay giọng nói, hoặc thấy mình bị đẩy xuống giường, hoặc bị xô ngã. Bóng đè có thể diễn ra trong vài giây nhưng cũng có thể lâu hơn.
• Vọp bẻ ban đêm (night leg cramps): Một số người thường là phụ nữ có thể bị vọp bẻ ban đêm. Bắp thịt chân gồng cứng co thắt và đau, thường chỉ xảy ra ở một bên, khi chân này khi chân kia. Bệnh vọp bẻ chân ban đêm chỉ làm cản trở giấc ngủ, không nguy hiểm.
• Ngủ ngáy (snoring): Là sự phát ra âm thanh qua đường thở khi ngủ. Nguyên nhân là do không khí được đưa đến sau họng và phải đi qua một đoạn hẹp, khiến nó tăng vận tốc, tạo nên một áp lực âm, kéo mặt hầu và lưỡi gà mềm về phía sau. Sự vận động khi thở ra, hít vào sẽ tạo ra rung động của lưỡi gà và màn hầu, từ đó gây nên tiếng ngáy. Vùng hẹp đó có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng. Những âm thanh này thường gây khó chịu cho những người xung quanh, tuy nhiên người ngủ ngáy lại thường không nghe biết việc đó. Một trong những nguyên nhân gây ngủ ngáy là chứng béo phì, các lớp mỡ dày cộm ở cuống họng đã làm thay đổi cấu trúc họng, gây cản trở không khí lưu thông. Nam giới và phụ nữ tuổi mãn kinh thường hay ngáy nhất.
• Những cơn hoảng loạn ban đêm (Sleep terror disorder): Thường gặp ở trẻ em, cũng hiếm gặp ở người trưởng thành.
• Các rồi loạn khi chuyển từ thức sang ngủ: giật mình, nói trong lúc ngủ. 
• Các rối loạn trong giấc ngủ mơ: ác mộng, liệt khi ngủ, rối loạn hành vi trong giấc mơ, chứng nghiến răng...

Thiền bổ sung giấc ngủ

Đời sống hằng ngày càng bận rộn, càng náo động, thì càng bất an, và con người càng mất ngủ nhiều hơn. Đó cũng là lý do tại sao ngày nay người ta hướng đến Thiền. Thiền cũng có thể thay cho… ngủ, dù thiền không phải là ngủ, trái lại thiền là thực sự tỉnh giác. Thế nhưng, về mặt sinh học, thiền tiêu hao năng lượng rất ít, ít hơn cả giấc ngủ, nhờ đó tiết kiệm được năng lượng . Khi tâm được an, năng lượng tiêu hao giảm hơn một nửa. Não bộ chỉ chiếm 2% thể trọng nhưng tiêu thụ oxy đến ¼ nhu cầu của cơ thể. 
Những nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ngủ ngon là một giấc ngủ không mộng mị, não bộ sẽ hoàn toàn được nghỉ ngơi, thần kinh được yên tĩnh, nên tinh thần người ngủ sẽ sảng khoái… Như vậy, thiền định tương đồng một giấc ngủ ngon, có khả năng làm cho tâm sinh lý của con người được quân bình. Giá trị thiết thực này của thiền định thật rất quý. Nếu có thể thay tám tiếng ngủ mỗi ngày bằng một giờ thiền định thì quả thật rất tiết kiệm.
Cho nên cách dỗ giấc ngủ tốt nhất là làm cho cơ thể rơi vào trạng thái “buồn ngủ”. Đó là buông xả toàn bộ thân xác, như rả nó ra, xì nó xuống, làm cho nó xẹp lép, hết căng. Đặt tay chân trong tư thế tự nhiên không gò ép, dễ chịu. Khi “thân xác” đã xẹp lép, lửng lơ như vậy rồi thì tập trung chú ý tới hơi thở . Không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở, ráng sức điều hoà hơi thở chi cả. Bởi còn ráng, còn cố gắng thì còn căng, không gọi là buông xả được! Cứ để hơi thở tự nhiên, nó sẽ biết lúc nào thở vào, lúc nào thở ra, lúc nào nhiều, lúc nào ít. Nó có cơ chế điều chỉnh tự động tùy nồng độ dưỡng khí (O2) và thán khí (CO2) tác động lên trung khu hô hấp ở hành tủy. Và giấc ngủ sẽ đến với chúng một cách nhẹ nhàng.
Cái khó lúc mới tập, chúng ta thường bị tràn ngập bởi những ý tưởng này nọ, những tính toán, những giận hờn, những âu lo… làm ta cuống cuồng lên thì làm sao mà ngủ được!
Nếu muốn không bị kích thích khi thở thì chúng ta phải quan sát hơi thở. Hơi thở sẵn có ở trong ta, ngay trước mũi mình, cũng không cần nghĩ ngợi gì cả. Hít một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt sâu. Chỉ một lúc là đầu váng mắt hoa, phải tự động thở ra ngay, không muốn không được. Thở ra một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt lâu . Chỉ một lúc là nó tự động thở vào, không muốn không được! Nói cách khác, hơi thở tự ý, tự động. Do đó, khi chúng ta quan sát hơi thở vào, thở ra đó chúng ta sẽ quên đi tất cả những chuyện khác. Mà đã quên thì hết căng, hết căng thì xìu xìu, thì buồn ngủ vậy!
Trong giấc ngủ chúng ta đạt tới mục tiêu mà chúng ta đạt tới trong thiền. Điều kiện chung cho thiền và ngủ là như nhau. Trước nhất là thân thể phải được buông xả. Nếu chúng ta đang bị chứng mất ngủ, điều đầu tiên bác sĩ sẽ dạy cho người mất ngủ phải biết buông xả, đừng để bất kỳ căng thẳng nào tồn tại trong thân thể. Hãy để ý đến cách thức con chó hay con mèo ngủ. Chúng ngủ cứ dường như là chúng không ngủ vậy. Một đứa trẻ sơ sinh khi ngủ không có căng thẳng gì cả - tay chân nó vẫn để mềm nhũn ra. Quan sát thanh niên và người già ngủ sẽ thấy khác đi, mọi thứ căng thẳng trong họ.
Cùng điều kiện này áp dụng cho giấc ngủ. Người chạy bộ thở nhanh hơn, mạnh hơn, tuần hoàn máu tăng lên. Trong khi ngủ, tuần hoàn máu phải chậm dần lại và vì thế hơi thở phải nhẹ nhàng, chậm rãi. Các điều kiện khi hành thiền cũng vậy: thở nhẹ nhàng, buông xả thân thể, buông xả ý nghĩ. Do vậy, ngủ cũng như thiền, các điều kiện ban đầu giống nhau, khác biệt là ở điều kiện cuối cùng. Khi vào thiền, là đi vào cái trống rỗng như giấc ngủ say nhưng có ý thức chứ không phải rơi vào vô thức như ngủ.


Dù sao đi nữa con người cũng tận hưởng giấc ngủ. Giấc ngủ thay đổi theo suốt chiều dài cuộc đời của mỗi người. Em bé có thể ngủ li bì suốt ngày, suốt đêm, trong khi đó người già chỉ chợp mắt, chập chờn vài khoảnh khắc. Không những thời gian ngủ mà thói quen khi ngủ, khi thức cũng thay đổi theo tuổi tác. Giấc ngủ không phải là sự ngưng nghỉ hoạt động hoàn toàn mà là một dạng đặc biệt của hoạt động cơ thể, giúp cơ thể phục hồi năng lượng đã tiêu hao khi thức. Như vậy, giấc ngủ thật sự rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Để được ngủ yên, không trăn trở, chúng ta nên làm một giấc ngủ vùi. Ngủ không mộng mị, thức chẳng âu lo, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu, sẽ hòa điệu, vận hành trôi chảy vào cuộc sống, là điều mà mọi người hướng tới và là một phản ánh cho thấy cuộc sống đã đạt phần nào “thân tâm an lạc”.

Lê Tấn Tài .
(ảnh;24h.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...