Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Những thủ phạm khiến bạn kiệt sức


Những thủ phạm khiến bạn kiệt sức
Nếu bạn thấy mình luôn ngủ gật trong giờ học hay thường ngáp dài trong cuộc họp, thì có nghĩa là cơ thể bạn đang có dấu hiệu kiệt sức.
Nhưng thay vì uống thêm một cốc cà phê, điều quan trọng là cần tìm ra căn nguyên của tình trạng mỏi mệt - có thể triệu chứng của một căn bệnh chưa được chẩn đoán này.
Dưới đây là những nguyên nhân hay gặp nhất – và cách tốt nhất để tìm lại sinh lực cho cơ thể.
Thiếu máu
Có khoảng 4 triệu phụ nữ Anh bị thiếu máu do thiếu sắt.
Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, chóng mặt và tim đập nhanh. Cơ thể cần sắt để tạo ra hồng cầu vận chuyển ôxy.
Không có sắt, bạn sẽ luôn cảm thấy bơ phờ, cho dù có ngủ nhiều thế nào đi nữa.
Không nên uống viên sắt trừ khi bạn biết chắc là mình bị thiếu máu. Nếu có uống, thì cần định kì đi kiểm tra lại để xem lượng sắt đã trở về mức bình thường chưa.
Giải pháp: Nếu bạn thấy mệt mỏi và kinh nguyệt nhiều, hãy đề nghị bác sĩ làm xét nghiệm máu phát hiện bệnh Von Willebrand (VWD).
Đây là căn bệnh khiến cho máu khó đông. Bạn cũng cần xét nghiệm nồng độ sắt. Để giảm nguy cơ thiếu máu, hãy đảm bảo chế độ ăn cân đối với nhiều rau xanh.
Tập luyện
Không chỉ cách tập, mà giờ tập cũng có thể hút cạn sức lực của bạn.
Bạn không nên tập nặng ngay trước khi đi ngủ, vì nó sẽ khiến adrenaline, nhịp tim và nhịp thở tăng lên, và bạn sẽ không thể ngủ được.
Cũng vậy, nếu nếp tập luyện của bạn quá nặng hoặc quá dài so với thể lực hiện có, thì thay vì làm bạn khỏe lên nó lại làm bạn kiệt sức.
Giải pháp:
Thực hiện những bài tập cần nhiều sức lực như chạy hoặc thể dục nhịp điệu trong buổi sáng và chú trọng những hoạt động nhẹ nhàng hơn vào buổi chiều muộn.
Thử đi dạo vào cuối ngày hoặc tập  yoga để tĩnh tâm và kéo giãn cơ.
Nếu thói quen tập hàng ngày khiến bạn kiệt sức thì cần điều chỉnh lại. Mục tiêu của tập luyện là để khỏe hơn, chứ không phải để yếu thêm.
Nhưng đừng thay đổi nề nếp sinh hoạt  đột ngột và bỏ tập. Việc không tập luyện sẽ càng khiến bạn mắc trong vòng luẩn quẩn của mệt mỏi.
Khoảng 30 phút tập nhẹ mỗi ngày có thể giúp làm tăng đáng kể sức sống.
Trầm cảm
Cũng như mất ham muốn, tăng cân và thiếu động lực, một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất của trầm cảm là mệt mỏi.
Giải pháp:
Cùng với ăn uống lành mạnh và khai thác hiệu quả nâng cao tâm trạng của việc luyện tập thường xuyên - tốt nhất là ở nơi không khí trong lành - bạn có thể muốn thử liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).
Liệu pháp này được thừa nhận là có hiệu quả trong việc giúp thay đổi mô hình tư duy đến mức bạn có thể kiểm soát stress và trầm cảm.
St John’s wort  - một loại thảo dược - cũng hiệu quả đối với trầm cảm nhẹ và vừa.
Tiểu đường hoặc rối loạn đường huyết 
Căn bệnh có một phần nguyên nhân là chế độ ăn nhiều đường, béo phì và lối sống ít vận động.
Bệnh xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và cơ thể không thể chuyển được đường thành năng lượng, vì không có đủ insulin hoặc insulin được sản xuất ra không hoạt động.
Khi đó cơ thể sẽ giáng hóa kho mỡ dự trữ và protein để cố gắng giải phóng thêm glucose, khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.
Đó là lý do tại sao những người bị bệnh tiểu đường không điều trị luôn cảm thấy mệt mỏi và sút cân. Các triệu chứng khác gồm đi tiểu nhiều và khát nhiều.
Giải phápHỏi bác sĩ về xét nghiệm máu. Nếu xét nghiệm tiểu đường âm tính thì tình trạng mệt mỏi có thể là do lượng đường huyết.
Thèm tinh bột, đồ ngọt hoặc đồ béo trước kì kinh có thể là dấu hiệu của mất cân bằng đường huyết.
Để giữ cho đường huyết ổn định, cần tránh đường và các thực phẩm tinh chế, cũng như nước trái cây, thuốc lá và caffein.
Ăn 3 giờ một lần và tăng cường những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như hải sản, trứng, rau trái và trái cây như lê, nho và táo.
Mất nước
Mất nước xảy ra khi lượng dịch mất đi khỏi cơ thể nhiều hơn lượng dịch đưa vào. Cơ thể sẽ không có đủ nước và các chất dịch khác để thực hiện những chức năng bình thường.
Mất nước nhẹ có thể gây những triệu chứng như yếu lả, chóng mặt và mệt mỏi.
Không uống đủ nước khi trời nóng hoặc khi tập có thể làm cạn kiệt kho dự trữ nước của cơ thể.
Một số nguyên nhân khác gây mất nước là tiêu chảy nặng, nôn, sốt hoặc ra nhiều mồ hôi.
Giải pháp: 
Có thể đẩy lùi tình trạng mất nước nhẹ và vừa bằng cách tăng lượng nước uống, nhưng những trường hợp nặng cần được hỗ trợ y tế ngay.
Cách an toàn nhất là ngay từ đầu đừng để cơ thể bị mất nước.
Nhắm đến mục tiêu 6 - 8 cốc nước hoặc trà thảo mộc mỗi ngày và đừng để đến khi thấy khát mới uống.
Có thể làm được điều này bằng cách theo dõi lượng nước mất khi trời nóng, khi ốm bệnh hoặc khi tập luyện, và uống đủ lượng chất lỏng để thay thế lượng bị mất.
Giảm bia rượu, trà và cà phê vì chúng gây mất nước.
Thiếu vitamin B12
Nếu bạn thấy mệt mỏi cho dù vẫn có chế độ ăn lành mạnh, thì có lẽ bạn đang bị thiếu vitamin B12 - chất giúp vận chuyển ôxy đi khắp cơ thể và bắt buộc phải có để tạo ra năng lượng.
Giải pháp:
Bạn có thể muốn đề nghị bác sĩ làm xét nghiệm máu để kiểm tra lượng  B12. Sau đó bác sĩ có thể chỉ định cho bạn tiêm B12 nếu cần.
Phòng ngủ
Gần 40% dân số bị mất ngủ ở một dạng nào đó.
Giấc ngủ đêm bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần. Về lâu dài, bạn có thể “mắc nợ” giấc ngủ nhiều đến mức không tài nào trả đủ dù có ngủ nhiều thế nào đi nữa.
Giải pháp:
Để tăng khả năng có giấc ngủ ngon ban đêm, hãy đảm bảo phòng ngủ của bạn là nơi thật yên tĩnh và thư giãn, với chăn đệm thoải mái.
Chỉ sử dụng phòng ngủ để ngủ và để “yêu”, như thế bạn sẽ luôn gắn kết phòng ngủ với sự nghỉ ngơi và khoan khoái.
Tắt hết âm thanh và ánh sáng, vì ánh sáng sẽ làm giảm một hoóc môn ngủ là melatonin.
Cố gắng ngủ trong phòng thoáng khi nhưng đừng quá lạnh, vì thân nhiệt hạt xuống vào ban đêm sẽ gây cản giác mất ngủ.
Nhược giáp
Tuyến giáp sản sinh một hoóc môn là thyroxin, kiểm soát chuyển hóa và điều hòa mức năng lượng của cơ thể.
Nếu tuyến giáp sản sinh quá ít ho óc môn thì bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Bạn có thể bị tăng cân, da và tóc khô và cảm thấy trầm uất.
Giải pháp:
Hỏi bác sĩ về xét nghiệm tuyến giáp. Nếu bạn bị nhược giáp bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để tăng ho óc môn tuyến giáp. Bạn cũng cần chế độ ăn nhiều trái cây, rau, cá, tảo biển, tránh rượu bia và thuốc lá.
Mất nước có thể gây mất tập trung ngang với say rượu
Một nghiên cứu hồi đầu năm nay thấy rằng lái xe khi cơ thể bị mất nước cũng nguy hiểm ngang với lái xe khi say rượu.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Loughborough đã chứng minh rằng những tài xế uống  25 ml nước (một vài ngụm) một giờ, thay vì 200 ml nước như khuyến nghị, phạm nhiều sai sót gấp đôi những lái xe uống đủ nước.
Mất nước nhẹ là khi chúng ta bị mất từ 1 – 2% thể tích nước bình thường của cơ thể.
Với một nam giới nặng khoảng 70kg, cơ thể sẽ có 42 lít nước, thì lượng nước mất đi này là 840ml - bằng khoảng 4 cốc.
Nhưng ngay cả ở mức nhẹ thế này thì con người cũng bắt đầu trở nên nhầm lẫn, nghiên cứu năm 2010 của trường Đại học Tufts, Boston cho biết. Sự tập trung và trí nhớ ngắn hạn bắt đầu giảm sút.
Theo Cẩm Tú
Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...