Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Trung Á-Uzbekistan &Turkmenistan: Nơi Nước Mắt Mồ Hôi Nô Lệ Nhuộm Màu Hoa Những Cánh Đồng Bông Vải

 Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 19/10/15

Trung Á-Uzbekistan &Turkmenistan: Nơi Nước Mắt Mồ Hôi Nô Lệ Nhuộm Màu Hoa Những Cánh Đồng Bông Vải

    Vải sợi là thứ nguyên liệu có mặt trong sự sống của con người từ hàng ngàn năm qua, từ áo quần may mặc, khăn lau, vải trải giường đến các tờ giấy bạc mà người ta dùng chi trả, tuy nhiên ít có ai biết, phần hết số lượng bông vải trên thế giới ngày nay được sản xuất trong tình trạng không thua gì nô lệ tại vùng đất Trung Á.

    Trong khi có rất nhiều người than phiền về việc bày bán áo quần ở các tiệm buôn tại Đông hồi cũng như Ấn độ, thì lại không có mấy ai, chịu nghe tới tình trạng cưỡng bức lao động, được áp dụng cho chính người dân của mình, bởi chính quyền hai nước Uzbekistan và Turkmenistan. Hơn cả triệu trẻ con và người lớn tại Uzbekistan và hàng chục ngàn tại Turkmenistan, đã bị buộc phải trải nắng dầm sương, đi nhặt bông vải hàng ngày bằng những bàn tay trần, giữa cái nóng khủng khiếp, thiếu vệ sinh, đói khát dưới sự kiểm soát tàn khốc của nhân viên chính quyền. Có tên gọi là “vàng trắng”, sản xuất bông vải là một thứ công việc, làm cho một thiểu số quan quyền ngày càng giàu sụ trong khi người dân vẫn cứ nghèo và nghèo như từ trước tời giờ.  Hệ thống cưỡng bức lao động sản xuất đã ăn sâu và đóng vai trò chính yếu trong chính sách kinh tế của hai quốc gia nói trên, chính quyền làm chủ hầu hết số đất đai, cho nông dân thuê mướn và ấn định con số cần phải đạt trên số lượng sản xuất bông vải mà họ phải có khi gặt hái, nếu thất bại, không đạt tiêu chuẩn hàng năm sẽ bị trừng phạt, làm nhục và ngay cả thu hồi đất đai.
    Giá cả bông vải cũng do chính quyền định mức và thường thường là thấp hơn so với giá vốn, chính quyền tiếp tục chiếm giữ sự độc quyền trong việc mua bán bông vải, từ đó họ đã thu được con số lợi nhuận to lớn nhưng không phải dành cho người dân mà lọt vào túi của những nhóm tài phiệt tư nhân giàu có và tham nhũng. Trong số những người đi hái bông vải, phần lớn còn có hàng ngủ công chức đủ loại, mỗi năm, giáo viên, bác sĩ, y tá và nhân viên hành chánh phải tạm nghỉ việc, sắp xếp đi làm công việc đồng áng vài tuần, họ thường ngủ ở các khu trại tập thể, không có nước máy hay các phương tiện vệ sinh căn bản tối thiểu. Họ buộc phải làm việc cả ngày để đạt được chỉ tiêu số lượng bông vải do chính quyền ấn định, nếu họ từ chối hay thất bại, sẽ bị mất việc hoặc bị chế nhạo, làm khó dễ nơi hảng sở họ đang làm. Những sự việc này không làm các công ty thương mại ngoại quốc đầu tư bông vải lo ngại và các nước Tây phương cứ tiếp tục đổ tiền vào cả hai nơi, đặc biệt là một số tiền đầu tư khá lớn từ Ngân hàng thế giới cho Uzbekistan, không thấy dấu hiệu cải thiện tình hình cưỡng bức lao động ở đây có thể xãy ra trong tương lai gần đây.
    Turkmenistan là một trong số các chế độ áp chế tàn tệ nhất trên thế giới, nơi này vẫn chưa liên kết với bất cứ một tổ chức dân chủ nhân quyền của quốc tế, không có tự do báo chí và những ai toan tính tranh đấu cho nhân quyền đều bị trừng trị nghiêm khắc. Chính quyền Turkmenistan không can dự tới xã hội bên ngoài cũng như các nhóm quốc tế chuyên hoạt động về cưỡng bức lao động, cho tới giờ này, mùa thu hoạch bông vải năm 2015 sắp tới mà vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có thay đổi, ít nhất đối với điều kiện làm việc. So với Uzbekistan thì nước này xem ra có chút ít tiến bộ hơn, sau nhiều năm không tỏ thái độ gì với những lời chỉ trích của thế giới, tháng 4 năm 2014, chính quyền Uzbek đã đồng ý hợp tác với Tổ chức lao động quốc tế, sửa đổi chính sách cưỡng bức lao động mà họ đã có nhưng sự tiến bộ này chưa thật sự đúng như người ta nghĩ, trong khi con số trẻ con đi hái bông vải trên đồng giảm xuống thấy rõ từ năm 2012 thì con số người dân bị cưỡng bức lao động nói chung, vẫn còn nguyên vẹn, năm ngoái chính quyền Uzbek đã bắt số người lớn đi hái bông vải nhiều hơn trong mấy năm trước đây. Nói một cách khác, sự đáp ứng của Uzbekistan đối với áp lực thế giới chưa đúng như luật pháp quốc tế yêu cầu nhưng chỉ tìm cách thay đổi chiến thuật, thay trẻ em bằng người lớn không hơn không kém, vấn đề cưỡng bức lao động vẫn còn nguyên trạng với hy vọng là, người lớn là việc trên đồng sẽ không khơi động thêm cảm thông tình cảm của phương Tây về trẻ con, và cái hình ảnh con nít trên những cánh đồng vải sẽ trở thành chuyện của quá khứ.
    Một phần những việc mà chính quyền Uzbek làm xem ra có phần nào thành công, số lượng trẻ em làm việc trên các cánh đồng bông vải giảm nhiều và thái độ cởi mở đôi chút đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi, điều này đã làm cho Bộ ngoại giao Hoa kỳ, năm nay, hạ thấp cấp hạng của Uzbekistan trong danh sách tờ tường trình về bố trí người lao động. Quyết định này đã bị nhiều chỉ trích nặng nề từ một số tổ chức nhân quyền và lao động quốc tế một khi tình trạng cưỡng bức lao động vẫn còn duy trì như là một phương sách nền tảng của kỷ nghệ bông vải Uzbek, trái ngược lại với các mị ngữ của chính qyền Uzbek, tình trạng thực tiển trên những cánh đồng bông vải, cho người ta thấy, không chắc gì sẽ có thay đổi lớn trong năm nay.
    Chính quyền hai nước này đã dành khá nhiều thời giờ trong việc bịt miệng bất cứ ai có mưu tính làm chuyện tường trình về vấn đề cưỡng bức lao động ở đây. Theo tổ chức “vận động về bông vải”, một liên minh chống lại tình trạng lao động của việc sản xuất bông vải ở Uzbekistan và Turkmenistan, trong đó nhóm “Chống nô lệ quốc tế” là thành viên, thì hai lần trong ba tháng vừa qua, cảnh sát Uzbek đã tấn công cô Elena Urlaeva, người đấu tranh cho nhân quyền nổi tiếng tại Uzbekistan vì cô đã có ý định thu thập tài liệu tại các cánh đồng bông vải và phân phát tài liệu nói về luật ngăn cấm cưỡng bức lao động. Tuần qua, cảnh sát tịch thu 200 tờ tài liệu của cô phân phát và gây cho một chân của cô bị thương nặng, trong tháng tám, khi cô Urlaeva đến bệnh viện trung ương ở thủ đô Tashkent nơi cô đòi hỏi một sự điều trị công bằng cho anh Malokhat Eshonkulova, một người tranh đấu nhân quyền khác, cũng là  cựu ký giả của đài truyền hình quốc gia, bị đuổi việc vì dám tường thuật các vụ tham nhũng hối lộ của nhân viên chánh quyền và tham gia phong trào chính trị Birdamlik, nhân viên an ninh đã từ chối cho anh này được nhập viện mặc dù anh bị một chứng bệnh chưa chuẩn đoán được từ năm 2013.
    Trên đường, khi Urlaeva vừa ra khỏi cổng trạm xe lửa Buyuk Ipak Yuli, cảnh sát chận lại và tấn công cô bằng cách đá vào hai chân, rồi bắt đưa đến trạm cảnh sát Mirzo Ulugbekskogo, ở đây họ tịch thu 200 tờ tài liệu mà cô mang theo, những tờ tài liệu loại này, cô đã bắt đầu phân phát cho người đi đường tại các nơi công cộng, in bởi tổ chức nhân quyền Uzbek-German vào đầu mùa hè năm nay. Sau hơn bảy tiếng đồng hồ, cảnh sát cho cô ra về, Urlaeva cùng với chồng đi đến một phòng khám bệnh tư, bác sĩ ở đây trị triệu chứng áp huyết cao và bó băng bột nơi phần bị thương ở chân trái, không hài lòng với sự việc này, cảnh sát Uzbek đã đến nhà Urlaeva, buộc chồng cô phải ký một tờ khai giả tạo về việc chân cô bị thương. Đây là lần thứ hai, mà cảnh sát Uzbek đã tấn công cô Elena Urlaeva một cách thô bạo và trắng trợn trong vòng ba tháng qua, hôm 30 tháng 5 cảnh sát đã bắt giam cô trong khi đang đi tìm kiếm tài liệu, tang chứng, hình ảnh về sự cưỡng bức lao động có hệ thống của chánh quyền tại các cánh đồng bông vải.
   
    Trước số lợi tức to lớn do sự sản xuất bông vải mà giới đầu tư quốc tế thu được qua sự trung gian của hai nước Uzbekistan và Turkmenistan, mồ hôi và nước mắt của trẻ con cũng như người lớn đổ xuống trên cánh đồng bông vải bao la, dường như là cái cần phải có cho mục tiêu mà chính quyền nơi này muốn nó như vậy, cho nên đàng sau những phê phán, chỉ trích “đầu môi chót lưỡi”, việc cưỡng bức lao động tại Uzbekistan và Turkmenistan cũng sẽ vẫn như vậy, mồ hôi và nước mắt nô lệ cũng sẽ tiếp tục nhuộm màu hoa trên những cánh đồng bông vải.

   
Thuyên Huy

FM974 - Melbourne
(ảnh: Thu hoạch bông thủ công tại Turkmenikistan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...