Thường người ta hay gửi đến nhau lời chúc tốt lành mong người nhận đạt được những ước muốn thành tựu trong năm mới: những vận rủi năm cũ đã qua đừng trở lại, những may mắn đã có sẽ tiếp tục đến trong năm mới. Sang năm Đinh Dậu, khóa 20 chúng ta đều đã qua tuổi 70; tuổi “thất thập cổ lai hy” như lời Khổng Tử. Vị thánh nhân này chỉ thọ có 73 tuổi, nhưng vào thời của ngài, khi mà tuổi thọ trung bình của con người mới chỉ là khoảng 30 tuổi, sống được như ngài quả là hiếm. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, điều kiện sống của con người đã được cải thiện rất nhiều, trong đó có lãnh vực y khoa, 70 tuổi không còn hiếm. Những nước tiên tiến hàng đầu thế giới như Nhật bản, các nước Bắc Âu tuổi thọ trung bình của người dân là khoảng 80 tuổi đối với người Nam và 85 tuổi đối với người Nữ. Nước Mỹ là nước giầu có nhất thế giới và hàng năm người ta chi ra đến 17,9% lợi tức để chăm lo sức khoẻ, nhưng tuổi thọ trung bình của dân Mỹ chỉ có 73.9 nam/ 80.3 nữ. Người Mỹ chi nhiều tiền nhất TG để lo cho sức khoẻ, nhưng tuỏi thọ dân Mỹ chỉ đứng thứ 37 trên TG (World Almanac 2016). Việt Nam chi 6,6% lợi tức cho sức khoẻ và có tuổi thọ trung bình Nam 70.7/ Nữ 75.9 tuổi. Như vậy hầu hết anh em chúng ta đều đã đạt tuổi thọ trung bình (TTTB) của người Mỹ và vượt qua TTTB của VN từ vài ba tuổi trở lên. Nếu sống hợp lý và đủ may mắn, sau dăm năm nữa chúng ta, những ai còn sống sẽ thuộc vào hàng nhũng “già làng” của thế giới (80/85).
Tuy ai cũng muốn sống lâu, nhưng đó vẫn chưa
phải là điều đáng mơ uớc. Điều ai cũng mong muốn là sống lâu và sống khoẻ mạnh
mới là điều quan trọng (it does matter how long you live, but how you live). Nước
Mỹ giàu nhất, dân Mỹ sướng nhất, chi tiền để mua sức khoẻ nhiều nhất, nhưng sống
không thọ nhất là do đâu? Các nhà khoa học đều thấy điều này có gì đó không hợp
lý trong lối sống của dân Mỹ. Người ta chỉ ra nhiều nguyên nhân và đưa ra những
khuyến cáo cho người dân. Nhưng trên thực tế, vấn đề không đơn giản. Lối sống,
thói quen sinh hoạt dựa trên nhiều yếu tố, điều kiện sống trong đó có yếu tố văn
hóa. Sửa đổi các yếu tố vật chất bao giờ cũng dễ hơn những yếu tố văn hóa tinh
thần. Nếu nước Mỹ với các điều kiện sống vật chất có thể coi là hoàn hảo thì hẳn
những yếu tố văn hóa tinh thần chính là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ
của người Mỹ. Đây là một đề tài rất hấp dẫn để những ai muốn nghiên cứu, nhưng
lại không là chủ đích của bài viết này, nên tác giả sẽ không đi sâu vào mà chỉ
muốn đề cập đến một khía cạnh khác: phương pháp dưỡng sinh theo quan niệm của Đông
phương.
Xưa nay, người ta cho rằng Đông và Tây vẫn có
rất nhiều điểm khác biệt nhau trong rất nhiêu lãnh vực; rằng thì là Đông Tây không
bao giờ gặp nhau: (East is East, West is West and never the twain shall meet/
Rudyard Kipling). Chính vì thế cho nên dù sống ở Mỹ chúng ta phải hội nhập vào
lối sống tây phương, nhưng chúng ta vẫn không cần và không nên thay đổi toàn bộ
lối sống để trở thành “tây” 100%. Người đông phương vẫn nên duy trì một phần
quan niệm sống và văn hóa sống của mình. Điều đó không gây trở ngại nào trong đời
sống chúng ta mà còn có lợi.
Trong khi nhiều xã hội Á châu cắm đầu chạy
theo lối sống tây phương không chọn lọc, bỏ quên những giá trị tinh thần của Đông
phương thì nhiếu người Tây phương lại sửng sốt trước những giá trị Đông phương
mà họ không ngờ lại sâu sắc và tuyệt vời đến vậy và họ lặng lẽ du nhập một số
những giá trị đó vào lối sống Tây phương với tất cả sự trân trọng. Họ nghiên cứu
Thiền, Yoga, Phật, Lão…tìm hiểu các môn võ học, khí công châm cứu, thảo dược để
bổ sung, hay thay thế (alternatives) trong một số trường hợp. Nhiều người tây
phương trở thành những người ăn chay (vegetarians), họ đi đến các phòng tập
Yoga, các thiền đường…
Nói về dưỡng sinh đầu tiên không thể bỏ qua
Lão tử. Ngài là một nhân vật có thật nhưng hình tích nhân thân của ông cho đến
nay vẫn còn là những bí mật. Sự hiện hữu của ông nằm trong vài cuốn kinh ông để
lại, ngoài ra không còn gì khác. Những lời dạy của ông trở thành kinh điển tuy
không rộng khắp như những tín điều của Thiên Chúa giáo, không sâu thẳm như giáo
lý của Phật Thích Ca, nhưng vài cuốn kinh ông để lại cũng đủ hình thành nên một
quan điểm sống và một lối sống ảnh hưởng bàng bạc trong nhiều xã hội Đông phương
như Trung hoa, Nhật bản, Việt Nam; đó là đạo Lão, hay đạo tiên. Tu theo Lão là
“tu tiên”. Đạo tiên không hứa hẹn một Thiên đường cũng không nhằm từ bỏ cuộc sống
thế gian (giải thoát), nhưng là sống trong thế gian và tìm cách thành tựu những
phẩm chất cao nhất của đời người: sống lâu và khoẻ mạnh; hai thứ này làm nên hạnh
phúc.
Mặc dù, không có tài liệu nào ghi lại được
hình tích của Lão Tử, nhưng theo truyền thuyết ông sống đến 200 tuổi. Những người
tu tiên là để sống lâu, trẻ lâu và khoẻ mạnh để tận hưởng cuộc sống. Các sách vở
sau này ghi lại chỉ hình dung ra Lão tử như một ông già mập mạp, thấp lùn, râu
tóc bạc phơ, nét mặt như đứa trẻ thơ miệng nở nụ cười cũng như trẻ thơ cưỡi trên
lưng một con bò vàng đi giữa thiên nhiên rừng núi.
Sau đây tác giả xin tóm gọn tối đa triết lý
sống của Lão để gửi đến các bạn. Tác phẩm Đạo Đức Kinh là tác phẩm được hậu thế
nghiên cứu rộng rãi, tuy rằng nội dung có nhiều điều bí ẩn khiến mỗi nhà nghiên
cứu cả đông lẫn tây lý giải theo một cách. Ở đây tác giả dựa theo cuốn Lão Tử Đạo
Đức Kinh do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch và giới thiệu. Đạo Đức Kinh gồm có 81
chương, mỗi chương cũng rất ngắn và nội dung cô đọng súc tích, cho nên toàn bộ
tác phẩm chỉ có trên 5 ngàn chữ (Hán) vẫn có thể chứa đựng toàn bộ tư tưởng của
ông về vũ trụ quan, nhân sinh quan, bàn đến lối sống cá nhân (xử kỷ) đến mối tương
quan với xã hội và tha nhân (tiếp vật). Trong khuôn khổ một bài chia sẻ ngắn gọn,
tôi cũng xin không đi sâu vào, chỉ giới thiệu với các bạn, nếu ai có thì giờ và
thích tìm hiểu hãy tìm cuốn sách rất thú vị này để đọc. Đọc lần đầu không thấy
có gì thích thú, nhưng cứ đọc đi đọc lại mãi người đọc sẽ dần dần khám phá ra
những điều cực kỳ thú vị và bổ ích. Đạo Đức Kinh là một cuốn kinh, cũng như cuốn
Tân Ước của TCG, các kinh điển Phật giáo là những tác phẩm không phải để đọc một
lần.
Phép dưỡng sinh của Lão chứa gọn trong chương
50, ông viết (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê):
Ra (đời) gọi là sống, vô (đất) gọi là chết.
Cứ 10 người thì 3 người bẩm sinh được sống lâu (dù không biết dưỡng sinh cũng sống
lâu), 3 người bẩm sinh chết yểu (dù biết dưỡng sinh cũng chết yểu), 3 người có
thể sống lâu được nhưng chết sớm (vì không biết dưỡng sinh).
Như vậy là vì đâu? Vì họ (hạng thú ba) tự phụng
dưỡng quá hậu (hưởng thụ thái quá). Tôi thường nghe nói người khéo dưỡng sinh
thì đi đường không gặp con tê ngưu (tê giác), con hổ, ở trong quân đội thì
không bị thương tích vì binh khí. Con tê ngưu không dùng sức húc, con hổ không dùng
móng vồ, binh khí không đâm người đó được. Tại sao vậy? Tại người đó (khéo dưỡng
sinh) không tiến vào tử địa. (Đạo Đức Kinh, chương 50)
Ở đây xin bàn đến mấy điểm, như sau:
a)
Theo bản kinh, chỉ mới có 9 người, như vậy
trong 10 người chỉ có 1 người đáng lẽ chết yểu nhờ khéo dưỡng sinh mà được sống
lâu (đức năng thắng số).
Ta
thử soi lại mình xem, mình thuộc loại nào. Nếu thuộc hạng đầu, bạn cứ thoải mái
ăn nhậu, hút thuốc và “gậm cỏ non”, chẳng sao cả. Trên thực tế tôi thực có biết
một vài tay như thế. Họ chẳng chừa một thứ tật xấu nào, nhưng vẫn khoẻ mạnh, tiếng
nói oang oang. Hạng thứ hai cũng vậy, chúng ta thấy có những người sống rất đàng
hoàng, nghiêm chỉnh vẫn chết sớm. Số đã vậy, phải chịu thôi.
b)
Điều đáng để suy ngẫm là hạng thứ ba và người thứ 10 còn lại. Sang Mỹ
tôi từng biết có những người thoạt hồi mới qua rất khoẻ. Ăn khoẻ, ngủ ngon, da
dẻ hồng hào, họ nói với tôi họ chỉ có ăn sắt là không tiêu thôi, còn bất cứ cái
gì bỏ vào miệng họ cũng tiêu hết. Vậy mà chỉ mới ngoài 60 đang khoẻ mạnh bình
thường họ bị heart attack hay ung thư (thường là ung thư gan, ruột, lá lách) và
qua đời trước sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè. Không ai nghĩ họ lại phải
từ giã cõi đời sớm như vậy. Đây chính là hạng thứ ba. Đáng lẽ họ có thể sống
lâu hơn nhưng chết sớm vì họ đã “tự phụng dưỡng quá hậu”, nói nôm na ra là họ
ăn quá nhiều. Dân Mỹ đáng lẽ phải thọ nhất thế giới, nhưng tuổi thọ chỉ ở thứ hạng
37 là vì dân Mỹ ăn uống quá độ.
Bài học rút ra là “bớt ăn nhậu” lại sẽ sống
lâu. Người Việt ở Cali đáng lẽ phải thọ hơn nhiều nơi khác vì khí hậu ôn hòa, ấm
áp, người ta sống ngoài trời nhiều nhưng đọc trang Cáo phó của báo Người Việt,
thấy rất nhiều người chết trẻ (50, 60) là do đâu? Có lẽ tại Cali có nhiều tiệm ăn
ngon, bia rẻ không khí ấm áp dễ khiến người ta rủ nhau vào bàn nhậu (?)
Cổ nhân ta nói “Họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng
khẩu nhập” (Họa do miệng mà ra, bệnh do miệng mà vào). Pháp có câu châm ngôn:
On creuse sa tombe avec ses dents (người ta dùng răng để tự đào mồ). Tục ngữ Thổ
nhĩ kỳ còn nói rõ hơn: “Celui qui mange l’estomac plein, creuse sa tombe avec
ses dents”. Các BS hiện đại cũng khuyên: “Đừng ăn no. Thấy lưng lửng bụng, miệng
còn muốn ăn nữa, hãy buông chén đũa.” Khó quá! Thà chết sướng hơn. Chính vì vậy
mà nhiều người ở Mỹ “chết no” là thế!
Nhất là tuổi già tỷ lệ biến dưỡng
(metabolism) kém đi mà vẫn ăn uống nhiều thì có thể thọ được không. Mỹ cũng có
câu “Cái dây lưng càng dài thì tuổi thọ càng ngắn” [the longer the belt (is) the
shorter the life (is)].
Còn đối với người thứ 10 còn lại. Nếu bạn biết
có người nào đó gầy ốm tong teo, tướng tá hom hem, bệnh lên bệnh xuống, chống gậy
mấy chục năm mà vẫn sống, phải chăng người ấy khéo dưỡng sinh?
Bạn ta, bạn thuộc loại người nào?
CHÚC MỪNG NĂM MỚI.
món này rất hay
Trả lờiXóa