Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 377, tháng 1/2018
1.
Đội nón, mang giày, ngồi chờ gần mười phút mà chưa thấy bóng dáng của bà xã, ông Ánh liếc mắt nhìn cái đồng hồ treo tường, lắc đầu, gọi lớn tiếng:
“Bà ơi! bảy giờ ba mươi rồi, đến nhà trường gặp cháu chứ có phải đi ăn đám cưới đâu mà bà sửa soạn kỹ quá vậy!”
Không nghe bà trả lời, ông định hối thêm một lần nữa nhưng sực nhớ tối hôm qua nhiệt độ xuống khá thấp, trừ hai độ F, nên ông nói:
“Tui ra garage đề xe cho ấm đó nhen!”
Khi ấy, bà mới trả lời:
“Ừa, mình cho tui năm phút nữa.”
Hôm nay, ông bà Ánh đi nhà thờ Các Thánh để gặp đứa cháu nội là Ái Liên (Adelyn), cùng nhau tham dự một chương trình đặc biệt tại nhà trường giáo xứ. Hàng năm, trước lễ Giáng Sinh khoảng hai tuần, trường học tổ chức một buổi sinh hoạt giữa học sinh và quý ông bà của chúng, có tên là “Nửa Ngày với Ông Bà”. Chương trình gồm có lễ Misa bắt đầu vào lúc tám giờ sáng, sau đó là một giờ với cháu trong lớp học, nửa giờ giải lao với cháu trong phòng ăn của học sinh, rồi thêm một giờ nữa trong lớp.
Ái Liên năm nay học lớp hai. Năm rồi là năm đầu tiên cháu học ở trường Các Thánh nên ông bà Ánh tế nhị nhường cho ông bà sui gái tham dự chương trình này trước, năm nay đến phiên của ông bà.
Bà Ánh bước lên xe, ngồi vào chiếc ghế đã ấm, liếc mắt nhìn ông, cười và nói, ngụ ý chọc quê ông:
“Đi có mười phút là tới nhà thờ mà từ sáng lão nội đã thức dậy sớm chuẩn bị rồi. Coi bộ nôn nóng gặp cháu lắm đó nhen!”
Không nói không rằng, ông Ánh chăm chú lái lui chiếc xe ra đường rồi bấm nút đóng cửa nhà xe lại. Hàng cây hai bên đường trơ trụi lá, tuyết trắng phủ đầy bờ lề. Trời trong xanh nhưng thật lạnh, may mà ông đã nổ máy xe, mở sưởi cho ấm ghế, ấm xe trước rồi. Một lát sau, ông mới trả lời bà:
“Nôn nóng cái gì! Tuần nào mà mình không gặp chị em chúng nó, ngày nào mà không Facetime! Tui chỉ sợ trời lạnh, đường đông đá có tai nạn rồi kẹt xe. Mình không tới đúng giờ, cháu nó chờ tội nghiệp.”
“Thiệt không đó! Ngày nào chị em chúng nó chưa kịp Facetime thì ông nội đã gọi rồi. Đúng là già rồi mê cháu, quên luôn cả vợ!”
Ngồi kế bên, nghe bà nói đùa với chút mỉa mai như vậy, ông Ánh phì cười vì ông biết bà nào có thua ông về chuyện mê cháu. Sống đến tuổi này ông phải công nhận tổ tiên mình nói đúng: “Trẻ cậy cha, già cậy con.” Nhưng, “cậy” đây là cậy trông vào lòng quan tâm và tình thương của con cháu mà thôi. Theo sự nhận xét của ông Ánh, thời buổi này đa số quý ông bà lớn tuổi đều có hưu bổng hay trợ cấp xã hội nên họ không phải sống nương tựa vào sự giúp đỡ tài chánh của con cái. Họ cũng không ở chung nhà với gia đình con cái vì chúng đã nên bề gia thất và chúng có một cuộc sống riêng tư. Lẽ dĩ nhiên có những hoàn cảnh ngoại lệ, cha mẹ già sống chung với con cái để tiện việc phụ giúp chăm lo đàn cháu hoặc ngược lại. Nghĩ đến riêng phận vợ chồng mình, ông Ánh nhận thấy hạnh phúc của ông bà bây giờ là nụ cười và tình thương của những đứa cháu.
2.
Sau lễ Misa Ái Liên nắm tay dẫn ông bà nội đến lớp học của cháu. Gặp cô giáo cháu đưa tay, giới thiệu ngay:
“Miss Jankowski, this is my ong noi and ba...” (Chào cô Jankowski, đây là ông nội của em và...)
Rồi nó bụm miệng nói:
“Oops! I’m sorry. This is my grandpa and this is my grandma.” (Ô, xin lỗi cô, đây là ông nội và bà nội của em.)
Cô giáo Jankowski niềm nở bắt tay chào, chúc ông bà Ánh có một buổi sinh hoạt thật vui với cháu, rồi cô hỏi Ái Liên, giọng của cô đượm chút ngạc nhiên:
“Adelyn, so you speak Vietnamese?” (Ái Liên, thì ra em biết nói tiếng Việt?)
Con bé mỉm cười, vừa đưa ngón tay cái và ngón tay trỏ làm dấu vừa trả lời:
“Yes I do, Miss Jankowski, but only a few Vietnamese words.” (Dạ thưa cô Jankowski, em biết nhưng chỉ có vài chữ Việt thôi.)
“Keep learning Vietnamese! I wish I could speak some Polish with my grandparents when I was little like you.” (Em hãy tiếp tục học tiếng Việt! Ước gì cô nói được vài tiếng Ba Lan với ông bà của cô khi cô còn nhỏ tuổi như em.)
3.
Ông bà Ánh hỏi thăm cháu về các sinh hoạt trong lớp học, đọc sách cho cháu nghe, đi ăn bánh ngọt, uống nước với cháu ở phòng ăn, mua cho cháu vài quyển sách truyện nhà trường bán để gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo, rồi trở lại lớp học. Trong giờ kế tiếp này của buổi viếng thăm, ông bà thay phiên giúp cháu làm một số bài toán đố với phép tính cộng, trừ, nhơn, chia.
Thế rồi chuông reo cùng với thông báo trên loa phát thanh rằng chương trình “Nửa Ngày với Ông Bà” sẽ chấm dứt trong vòng mười phút. Ái Liên nhăn mặt tỏ vẻ nuối tiếc sao thời gian trôi quá nhanh. Ông Ánh vò đầu cháu, chưa kịp hẹn sẽ tiếp tục đọc sách, giúp cháu làm bài khi ông bà ghé nhà thăm cháu vào cuối tuần thì Ái Liên đứng lên và nói cháu có một món quà Giáng Sinh tặng cho ông bà. Cháu kéo học tủ, lấy ra hai hộp nhỏ bọc giấy hoa và trịnh trọng đặt vào tay ông bà. Mở ra xem, ông bà Ánh thấy mỗi hộp quà có một gói bọc vải, cột nơ màu xanh và đỏ với tấm nhãn đề chữ “Grandpa Tran” và “Grandma Tran”. Bà Ánh bóp nhẹ bọc vải, thấy nó cứng như đá, hỏi cháu cái gì vậy. Ái Liên mỉm cười, nói: “Ba noi, they are prayer rocks.” (Bà nội ơi, chúng là những viên đá kinh nguyện). Ông Ánh cầm gói quà, lật qua lật lại, đầu óc ông nghĩ đến những viên đá có khắc những câu châm ngôn ông thấy thiên hạ đăng trênInternet nên ông âu yếm hỏi cháu rằng, hòn đá quá nhỏ, mắt nội yếu rồi, làm sao nội đọc bài kinh viết trên đá cho được. Cháu cười thật giòn, nói không phải vậy đâu nội ơi, rồi cháu giải thích rằng hôm nay về nhà nội hãy để viên đá này trên gối; buổi tối khi nội nằm ngủ, đầu của nội sẽ đụng nó và nó sẽ nhắc nội đọc kinh tối; đọc kinh xong, nội hãy để nó dưới sàn nhà; buổi sáng thức dậy nội sẽ đạp trúng nó và nó sẽ nhắc nội đọc kinh sáng. Nghe cháu giải thích xong, ông Ánh cười sung sướng, cám ơn cháu, còn bà thì lộ vẻ cảm động, khen cháu giỏi, nắm tay cháu, đặt một nụ hôn trên trán cháu rồi bà nắm tay ông, đề nghị ba người đọc cùng một kinh Kính Mừng trước khi ông bà ra về.
Chuyện chỉ có thế mà nó làm ông Ánh trầm tư suy nghĩ trong lúc lái xe về nhà. Sau khi Ái Liên giải thích cùng ông bà ý nghĩa của món quà, ông có liếc sang một vài bàn học bên cạnh cháu, các bạn của cháu cũng tặng quà cho ông bà của chúng, nhưng đó là những bức tranh tô màu, chứ không phải những viên đá kinh nguyện. Ông đoan chắc rằng cô giáo đã gợi ý cho các học sinh tự tay làm những món quà, nhưng tại sao Ái Liên lại chọn món quà thật đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa như thế? Một ý nghĩ loé ra trong đầu, ông sẽ bỏ giấc ngủ trưa, mở chiếc iPad và mở lòng mình ra. Ông sẽ dùng lời giải thích của đứa cháu để cảm tác một bài thơ và ông sẽ dùng nó để dạy cháu tiếng mẹ đẻ của mình...
4.
“Ủa, tui tưởng mình lên Facebook một chút rồi đi nghỉ trưa, không dè ngồi ôm cái iPad cho tới bây giờ! Tối ngày ôm cái iPad, bỏ vợ nằm chèo queo một mình.”
Ông Ánh giựt mình, thấy bà xã đang đứng kế bên mỉm cười nhìn ông. Đồng hồ trên tường chỉ ba giờ mười lăm phút. Một vệt nắng xế trưa dọi vào từ cửa sổ, in một lằn dài trên mặt bàn mà ông nào có để ý.
“Tui vừa làm xong một bài thơ, cảm tác từ ý nghĩa của món quà Giáng Sinh cháu mới tặng mình. Tui còn đang đọc đi đọc lại xem có sai vần, lạc điệu, lạc ý không.”
Bà Ánh ngồi xuống chiếc ghế sa-lông, ngay kế bên ông. Ông đưa chiếc iPad cho bà đọc bài thơ như sau:
Viên Đá Kinh Cầu
Một viên đá vô giác
Một hòn sỏi vô tri
Nhưng tôi có thể giúp
Bạn sống một cuộc đời
Thành tâm và thiện chí
Hãy để tôi trên gối
Buổi sáng bạn lên đường
Hoà mình trong cuộc sống
Lặn lội dưới ánh dương
Chiều về, màn đêm xuống
Ngả lưng nghỉ trên giường
Gặp tôi, bạn sẽ nhớ
Câu kinh nguyện yêu thương
Lời Chúa, ta suy gẫm
Tình Mẹ, ta khắc ghi
Thánh thiện, ta nguyện sống
Cho đến ngày ra đi
Về nơi sáng danh Chúa
Đọc xong kinh buổi tối
Bạn đặt tôi dưới sàn
Trước khi an giấc ngủ
Trong ân tình Chúa ban
Thức dậy, bạn cất bước
Giẫm phải viên đá này
Gặp bạn, tôi sẽ nhắc
Lời kinh nguyện ban mai
Sáng, để tôi trên gối
Tối, đặt tôi dưới sàn
Tôi sẽ luôn giúp bạn
Sống một đời bình an,
Trong tình yêu Thiên Chúa.
Bà Ánh đọc xong bài thơ, chơm chớp cặp mắt, coi bộ ưng ý lắm, nhưng bà lại ‘phán’ rằng:
“Ừa, viết gì thì nhớ đó nhen. Nhớ siêng năng đọc kinh chứ đừng có ngồi đó mà viết lách, viết một đàng làm một nẻo.”
Nhưng ông Ánh không phiền bà xã một chút nào vì, sau hơn ba mươi mấy năm chung sống, ông đi guốc trong bụng của bà. Tánh của bà là vậy, hay chọc ghẹo ông và không bao giờ khen ông, sợ ông mang bệnh “number one”. Ông ôm vai, kéo bà lại gần, bà ngã đầu vào vai ông, rồi bỗng nhiên cả hai người không hẹn mà cùng nói câu: “Tạ Ơn Chúa!”
đào anh dũng
Minnesota, Mùa Vọng 2017
Món quà này rất ý nghĩa
Trả lờiXóa