Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Rất Hay: Những Kẻ đầu độc không khí mang danh người lớn

Bức tranh này được vẽ không phải dành cho trẻ em. Nó được vẽ để cho người lớn. Để cho họ nhìn thấy là không nên tiếp đón một đứa trẻ như thế ! Mà phải tiếp đón như con chó đang chào đón cậu bé. Con chó không quan tâm cậu bé về nhà với cái gì: về với điểm 2 hay về với điểm 5 - thì cậu vẫn là người bạn. Không nên tiếp đón trẻ em theo điểm số.
"Картинка "Опять двойкa !" - Bức tranh "Lại điểm 2 !".
Điểm số cũng chỉ là điểm số. Liệu rồi ngày mai đứa bé điểm 2 của các bạn có làm thay đổi cả thế giới? Đứa bé điểm 3 của các bạn có trở thành một nghị sỹ, hoặc một vị bộ trưởng, hoặc một bác sỹ giỏi ? Không phải những con số mà chính là những đối xử của chúng ta đối với đứa trẻ quyết định. - Shalva Amonashvili - Nhà sư phạm Liên Xô người Gruzia"(Hết phần bình luận của ai đó).

Ý nghĩa nhân văn của một bức tranh không người xem nào là không nhận ra. Nhưng liệu có bao nhiêu người đã nhận ra rằng chính chúng ta đã và đang lún sâu trong những sai lầm nghiêm trọng trong việc đối diện với điểm số, nghĩa là thước đo lực học của một đứa học trò? Chúng ta sợ những điểm số xấu, muốn cải thiện nó- điều ấy không sai. Nhưng chúng ta lại chọn cái cách tiêu cực để cải thiện: ấy là chúng ta mua điểm 10, chúng ta thỏa hiệp để có những điểm số đẹp. Chúng ta nhắm mắt chạy theo những giá trị đẹp nhưng ảo để rồi lâng lâng thỏa mãn cũng như khen ngợi nhau chỉ qua cái giá trị ảo ấy mà thôi.

Vậy "chúng ta" là ai? Liệu các bậc cha mẹ học sinh có đứng ngoài những sai lầm ấy mà chỉ quy trách nhiệm cho giáo dục nhà trường?

Có ai trong số các bậc cha mẹ học sinh khi đón con lúc tan trường không hỏi chúng câu hỏi "hôm nay con được mấy điểm?" , thay vì câu hỏi "hôm nay con có thấy vui không khi đến trường?". Có bao nhiêu bậc làm cha làm mẹ không vằn mắt cao giọng rít lên khi thấy trẻ nói chúng bị điểm kém rồi nhiếc móc chúng không tiếc lời rằng "mày ăn gì mà mày ngu thế? Sao mày không giống như con nhà người ta?", rằng "mày là đồ vô tích sự, chỉ có ăn rồi học mà cũng không nên hồn?"...

Và rồi để nở mày nở mặt chính mình, nghĩa là chính cha mẹ những đứa trẻ ấy, người ta đồng thời bắt đứa trẻ học nhồi học nhét, học thêm ở trường lẫn thêm ở nhà đến bơ phờ bệch bạc cả người với việc "phong bì" để thầy cô cho những điểm số cao hơn so với lực học thực tế của nó.

Kết quả là bố mẹ hả hê mát lòng mát dạ vì điểm số đẹp. Nhà trường được đánh giá tốt vì có tỉ lệ học sinh đạt thứ bậc khá giỏi cao- cao đến mức khó tin mà người ta vẫn hỉ hả vỗ tay khen thưởng nhau. Sự giả dối của những người lớn bao trùm lên cuộc sống của những đứa trẻ. Chúng nhiễm cái xấu bởi chúng hít thở bầu không khí xấu xa, ô nhiễm mỗi ngày. Vâng. Mỗi ngày!

Tất cả chỉ vì điểm số!

Chúng ta buộc những đứa trẻ chỉ có thể học giỏi mà phải là giỏi đều tất cả các môn chúng ta mới cho đấy là "giỏi"! Chúng ta buộc con ếch phải bay lượn như chim, buộc con thằn lằn phải véo von hót. Chúng ta bắt cái đứa mơ mộng văn chương phải giải được cả những bài toán siêu khó cũng như bắt những đứa trẻ có những tư duy độc lập phải nhắm mắt ra rả học thuộc lòng những gì đã có trong sách giáo khoa và chỉ học trong đấy, không hơn!

Chưa hết, khi quá sốt ruột trong quá trình "nhào nặn" một sản phẩm giáo dục "đẹp" như ý người lớn, phụ huynh bắt đầu học hộ con, thậm chí "mua" cả được thầy cô bằng những chiếc phong bì lớn nhỏ. Hai chữ "phong bì" đã bị khoác thêm những định nghĩa mới: "phong bì" đã trở thành thứ để mua chuộc, thành một phương cách hữu hiệu để đút lót ngay cả trong môi trường giáo dục!

Liệu chúng ta có thấy đau lòng không khi đọc đến điều này?
 
Sao Mai
 

(FB Sao Mai) 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...