Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Ngày sói tuyết trở lại (Từ Văn Việt )




Ngô Nguyên Dũng phóng dịch
(Từ bản Đức ngữ Die Rückkehr des Schneewolfs của chính tác giả)
“Quê hương không phải là một không gian địa lý,
mà là một khái niệm của tâm thức”


Đan thân ái,
Lần sau cùng chúng ta gặp nhau đã lâu. Năm hay sáu năm trước? Tôi không nhớ rõ. Tôi sẽ vui lắm nếu được tái ngộ Đan. Lẽ đó, tôi mời Đan tới thăm và ở lại vào mùa Giáng Sinh sắp tới.
Tình thân,
Karl

Đan tới lâm trại của ông Karl xây trong mảnh đất trống giữa rừng, vừa khi bóng tối chập choạng buông. Ông Karl đứng đón anh ngoài mái hiên. Sau lưng ông, những ô kính hắt ánh đèn vàng ấm. Ống khói trên mái nhà tuôn lơi lả. Dự báo thời tiết tiên đoán một đêm thánh trắng tuyết, và bão tuyết trong những ngày lễ Giáng sinh. 
„Tuyệt vời, khi được em tới thăm!“. Ông Karl nắm tay Đan, ôm ghì. Chặt và lâu, như không muốn rời.
Đan nhoẻn cười, im lặng giây lâu. Anh nhìn sâu vào hai mắt người đàn ông lớn tuổi, soi tìm những hình bóng quá khứ. Chỉ còn lại những mảnh tối. Màu xanh mắt của người đàn ông đã vẩn đục. Mái tóc cắt ngắn và chòm râu quai hàm nhuốm bạc. Niềm hoan lạc trong giọng nói ông rớt lại những dư âm phiền muộn. Ông Karl dẫn anh vào phòng khách. Lò sưởi gỗ đốt thơm thoảng. Hương trà ướp vỏ cam. Món bánh bích-qui tẩm gia vị đặc thù cho ngày lễ thánh. Không gian ấm cúng, thân tình dẫu thiếu sót cách bày trí Giáng Sinh.
Hơi ấm dễ chịu bao trùm gian phòng rộng, thiết kế gỗ. Tuy ít, nhưng đong đầy ký ức. Như thể mỗi món vật có thể thuật lại một câu chuyện.
„Lần này em sẽ ở lại với ông suốt lễ Giáng Sinh“, Đan thốt lời.
„Tốt quá! Tôi có vài chuyện muốn kể với em“, ông Karl mỉm cười, tia mắt long lanh.
Sau cái chết của vợ tôi, nó trở lại. Mỗi năm một lần, vào độ đông sang. Lúc nào cũng một mình. Có khuya, nó mon men tới gần nhà. Những lần khác chỉ bắt được văng vẳng tiếng hú. Nó tìm kiếm điều gì tại đây, tôi không rõ. Cũng như tôi. Tôi cứ mãi tự hỏi, tại sao tôi vẫn còn ở đây, trơ trọi tại nơi chốn quạnh quẽ này. Từ dạo lũ con trưởng thành đã ra riêng và vợ tôi qua đời, cuộc sống tôi đã ít nhiều thay đổi. Tôi thường thức giấc giữa khuya, tới cạnh cửa sổ và trông ra ngoài đêm. Năm, hoặc lâu lắm là mười lăm phút. Nghi thức mỗi khuya cứ vậy lặp lại. Dần dà thành thói. Không, thành một nhu cầu. Những lúc ấy tôi tưởng lại khoảng thời gian còn chung sống cùng anh chị em dưới mái ấm gia đình. Mỗi lần, một kỷ niệm. Đôi khi ngỡ như mọi chuyện mới vừa xảy ra hôm qua. Thuở ấy, cha tôi là một thợ săn giỏi. Ông đi săn thường xuyên và lần nào cũng đem về ít nhất một chiến lợi phẩm, một con nai, con heo rừng hay thỏ hoang, có khi là một con chim trĩ. Lần nọ, ông kể, ông bị một con thú tấn công bất ngờ, làm ông bị thương nơi bả vai. Trong lúc chống cự, súng săn phát nổ, khiến con vật bỏ chạy. Sự việc diễn biến quá nhanh, khiến ông không nhận rõ loài thú nào. Ông đoán, dường như là chó sói với bộ lông trắng như tuyết. Một con sói tuyết. Lời quyết đoán của ông không mấy thuyết phục. Từ dạo chiến tranh chấm dứt đến nay, không còn thấy chó sói lai vãng.  
Trong chiều lễ thánh, sau khi tặng quà cho nhau và ăn xong bữa chiều giản dị, ông Karl đề nghị đi dạo rừng. Khí lạnh tươi mới phủ trùm cánh rừng hoang. Không gian váng vất hương tuyết. Cũng vừa lúc tuyết bắt đầu lất phất. Trong tịch mịch đầu đêm, vang khẽ tiếng chân hai người đàn ông giẫm lên mặt đất băng giá. Tia nhìn quen dần bóng tối. Hai người lặng lẽ men theo lối mòn dẫn ra hồ nước. Không được lâu. Bất chợt, như hiện ra từ cõi vô hình, một con thú lông trắng đứng chắn lối.
„Gắng giữ bình tĩnh nhé em!“, ông Karl thều thào.
Con thú đăm đăm bất động nhìn hai người đàn ông khựng chân, tia mắt sửng sốt. Đôi mắt thú lóng lánh bạc. Sắc lông trắng chừng như loé sáng trong bóng tối. Hơi thở bốc hơi cửa miệng. Đỗi sau, con thú bật tiếng thở lớn, chậm rãi quay lưng và bị bóng nhá nhem nuốt trửng. Không một tiếng động như một huyễn tưởng.
„Em có thấy giống như tôi không?“, ông Karl bình tĩnh hỏi.
„Em nghĩ … có“, Đan run khẽ. „Một con chó sói. Về thôi. Em lạnh“.
„Nó đã trở lại“.
Vào một ngày tuyết trắng tháng mười hai, vợ tôi bắt gặp nó nơi bìa rừng, bên mấy cội thông, lúc bà đi lấy củi sưởi. Bà vội vã trở vào nhà. Từ cửa sổ bếp nhìn ra đỗi lâu, bà thầm hỏi: Có phải một con chó sói? Sau khi bày bàn điểm tâm, bà trông ra lần nữa. Nó không còn ở đó.
Em nghĩ, em vừa nhác thấy một con sói tuyết, bà thuật lại trong bàn điểm tâm.
Em ngủ mơ à!
Con thú có vẻ đói và đang tìm mồi, bà nói.
Từ lâu rồi không ai ở đây nhìn thấy chó sói, tôi cất tiếng ngạc nhiên. Chiến tranh đã xua chúng bỏ đi nơi khác, tôi thêm thắt.
Em thấy nó thật mà, bà quả quyết.
Nếu đúng vậy thì em nên cẩn thận, đừng để nó đến gần, tôi cảnh cáo và nghĩ tới cây súng săn lâu ngày không sử dụng.
Chắc nó đói, bà lặp lại.
Sau đó bà đặt một dĩa đựng xúc xích ngay hàng rào, chỗ con thú đứng khi nãy. Sáng hôm sau bà thấy chỉ còn dĩa trống. Nó hay con thú nào khác đã ăn mất? Bà nghĩ ngợi, và tìm ra câu trả lời trong những ngày kế tiếp. Con chó sói tìm trở lại. Cũng khoảng thời điểm đó. Bất kể thời tiết. Và bà lại đặt cho nó dĩa thức ăn. 
Một sáng sớm, khi bà ra thăm chuồng gà, đã thấy nó. Xong việc, nó vẫn đứng đó, như thể ngóng đợi. Bà dừng chân thắc mắc. Thú và người nhìn nhau trân trân. Hằng phút. Nếu mày cần gì hoặc muốn thông báo điều chi, thì tới đây, bà thầm thì. Lạ lùng biết bao khi bà thấy con thú từ từ tiến lại và dừng trước mặt bà một đoạn ngắn. Mày đói à, bà khẽ hỏi. Con thú ngồi xuống mặt đất trắng tuyết. Tia mắt tuôn chữ, thứ ngôn ngữ câm của tin cậy. Đứng chờ đây, bà nói khẽ. Chốc sau bà trở ra, tay cầm dĩa xúc xích, đặt xuống chân. Ngần ngừ giây lát, con thú tới gần, vội vã ngoạm lấy miếng ngon. Lúc bà toan cầm dĩa lên, thì con vật ngước mắt. Bà rất đỗi ngạc nhiên khi con thú rướn đầu, liếm lấy tay bà, thân quen như một gia súc.
Coi chừng nhé em! Nó là giống thú dữ, tôi nói, khi nghe vợ tôi kể lại câu chuyện gặp gỡ khó tin ấy.
Em có cảm tưởng như nó đã được huấn luyện thuần tính, bà nói, biết đâu chừng nó là con thú gánh xiếc sổng chuồng.
Chó sói biết làm xiếc từ lúc nào vậy? Tôi hỏi.
Hay là nó đang đi tìm một chỗ trú an toàn, bà tìm cách giải thích. Một mái nhà? Hoặc một quê hương? Biết đâu đó.
„Kể từ đó con sói tuyết thường xuyên tìm đến chúng tôi. Mỗi hằng năm, vào thời gian này. Trong mùa đông sau khi vợ tôi qua đời, nó trở lại. Tôi đem cho nó thức ăn, mà nó hằng ưa chuộng. Nó từ chối, chẳng động tới. Khuya, tôi nghe tiếng nó hú văng vẳng ngoài kia, như thể gọi tìm vợ tôi. Cứ vậy mỗi đêm. Cho tới khuya thứ bảy, tiếng hú than chợt ngưng. Từ dạo đó tôi không còn gặp lại nó. Cho tới tối hôm qua…“, ông Karl kể lể, như muốn chiếu chậm lại cho Đan xem câu chuyện kể lại một gặp gỡ ly kỳ. Không cảm xúc. Như nội dung một đoản phim ký sự.
„Ông nghĩ là con sói chúng ta thấy tối qua và con sói ngày xưa là một sao?“.
„Không“, ông Karl lắc đầu và nhìn thẳng vào mắt Đan, không chớp. „Nhưng điều đó không quan trọng. Điều đáng nói là nó đã trở lại. Đã trở về với bà ấy. Như một đứa con tưởng như thất lạc, lại tìm về nhà“, ông Karl nói thêm, và có cảm tưởng như lời ai đó nói thay.
Đan im lặng. Tách trà vơi nửa nguội lạnh trong lòng tay khép. Củi sưởi cháy răng rắc. Hơi lửa ấm dễ chịu lan toả gian phòng. Trên bệ cửa sổ nhấp nháy những ngọn nến. 
„Có bao giờ em suy nghĩ về ý nghĩa quê hương?“, ông Karl buông tiếng vu vơ.
„Hiện tại thì không…“, Đan ngần ngừ…“,  không thường xuyên nữa“.
Hai mắt ông Karl bập bùng ánh lửa. Tia nhìn ông ngập tràn mong đợi.
„Em rời quê hương lúc em vừa mười chín tuổi“, Đan bắt đầu tự sự. „Chính xác hơn, hai năm sau chiến tranh và thống nhất đất nước trong chế độ xã hội chủ nghĩa, em cùng người anh tìm cách vượt biên bằng thuyền đánh cá. Thuở đó em còn quá trẻ, để đo lường những hiểm hoạ đe doạ trước mặt. Tới khi chúng em được một tàu Đức quốc vớt và đem sang đây, mới hay rằng, chúng em là những người may mắn. Nhiều người khác không được may mắn như vậy. Thuyền vượt biên của họ gặp phải hải tặc Thái lan. Tất cả đều bị cướp sạch. Phụ nữ bị cưỡng hiếp. Ai tìm cách che chở, lập tức bị họ đâm, bắn hoặc đập chết, rồi ném xác xuống biển. Hoặc là thuyền vượt biên của họ bị bão tố nuốt trửng. Có chiếc mất phương hướng trong đại dương bao la, mắc cạn đảo san hô. Lương thực và nước uống hết sạch. Trẻ con, người già và người yếu chết trước. Để sống còn, những người còn sống ăn thịt người chết, với niềm hy vọng sẽ được cứu thoát. Cho nhiều người, ước nguyện này không bao giờ thành tựu. Hoặc quá muộn“.
Đan hít vào một hơi sâu. Anh ngoảnh mặt, nhìn ra cửa sổ. Ngoài kia tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết phất phới trong bóng ngày ám tối.
„Có lẽ, đối với nhiều thuyền nhân, cái chết là cách giải thoát dễ dàng hơn là bị hải tặc tấn công“, Đan tiếp lời. „Có những trường hợp, chúng chọn ra những thiếu nữ và đàn bà trẻ, bắt theo. Thuyền tị nạn bị chúng nổi lửa thiêu huỷ, chung với số thuyền nhân còn lại. Đám phụ nữ bị chúng đưa tới một hoang đảo, giấu trong hang sâu, và trở thành những nô lệ tình dục phục vụ chúng. Một thời gian sau, chuyện bại lộ. Với sự trợ giúp của quân đội địa phương, họ được một cơ quan thiện nguyện tới cứu thoát khỏi thảm cảnh“.
Đan ngưng lời, nâng tách trà, hớp ngụm nhỏ.
„Khủng khiếp quá!“, ông Karl lẩm bẩm. „Về thảm kịch thuyền nhân trong những năm một chín tám mươi, các cơ quan truyền thông có loan tin rộng rãi, nhưng tôi chưa hề nghe nhắc tới những thảm cảnh như vậy“.
„Những nhân chứng trong trại tị nạn kể lại, thỉnh thoảng lại thấy xác đàn bà dạt vào bờ. Bốn, năm người cùng lúc. Trói vào nhau. Loã lồ và thối rữa …“, giọng Đan ngập ngừng. Trong suốt câu chuyện, anh không nhìn ông Karl lấy một lần, như thể độc thoại.
„Còn em? Có người thân nào của em vượt biên rồi mất tích không?“. Ông Karl đặt tay lên vai Đan, cảm nhận những rung động.
„Vợ chồng cô em út của em có tìm cách vượt biên vài lần“, Đan nhìn vào mắt ông Karl. „Nhưng không thành. Cũng may cô không bị công an biên phòng bắt. Nhưng cô bạn thân ngày xưa của em cùng cha mẹ và anh chị em cô ấy đã mất tích trên đường vượt biên”.
“Xin chia buồn cùng em”.
“Em không hiểu tại sao, nhưng bắt đầu từ đó em không còn bận tâm suy tư về ý nghĩa của quê hương”, Đan tiếp tục độc thoại. “Với nhiều người, quê hương là vùng đất họ mở mắt chào đời. Là nơi sinh sống của thân bằng quyến thuộc. Là nơi mà mọi người nói cùng ngôn ngữ như họ. Là nơi họ được mẹ tự tay nấu cho ăn những món ưa thích. Là nơi họ không bị người khác ngó nhìn và đối đãi như kẻ lạ. Dần dà em nghiệm ra, quê hương không phải là một không gian địa lý, mà là một khái niệm của tâm thức. Ở đâu người ta được sống an toàn, thảnh thơi, nơi đó là quê hương”.
“Còn em, em cảm nhận nơi này như thế nào?”.
“Có thoải mái… Nhưng an lành như một mái ấm gia đình?…”, Đan đắn đo. “Hiện giờ, không có nơi nào là mái ấm cho em. Ở nhà ông, em cảm thấy ấm cúng và an tâm. Đời sống em tại đất nước này được bảo đảm, nhưng đôi lúc em không có được cảm giác bình an. Đã từ lâu em đánh mất ý niệm về quê hương. Em nhận ra, cảm xúc quê nhà của mỗi người chở đầy những ký ức riêng tư, được cất giữ trong một gian phòng tâm linh khoá kín. Cánh cửa ấy chỉ bung mở vào những dịp lễ lớn. Của ông là Giáng Sinh. Của em là Tết âm lịch”.
Đan nhìn bất động vào khoảng không, như muốn tìm nhặt những mảnh vụn ký ức.
Đúng rồi, cũng đã nhiều lần tôi nghĩ ngợi về ý nghĩa quê nhà. Trong trí tưởng tôi, những hiện tượng thiên nhiên lại tái diễn. Mỗi năm một lần. Bầy cá hồi tha phương cùng khắp đại dương tìm lại dòng nước ngọt đầu đời để sinh sản. Những con rùa cái trở về sinh nở tại bãi biển sinh phần. Hằng năm, đàn ngỗng tuyết lại quay về phương bắc. Nơi đó, vỏn vẹn trong một mùa hè, chúng giao hợp, đẻ trứng và dưỡng dục ngỗng con khôn lớn. Ngay khi ngọn gió bấc đầu tiên thổi về, báo đông sang, chúng sửa soạn thiên di xuôi nam. Đâu đó tận bắc Phi. Ngàn dặm xa … Có lẽ tất cả các loài thú trên có khả năng định vị vùng đất sinh quán bằng khứu và vị giác. Dẫu gì chăng nữa, chúng đều có một chung điểm: Trở về, bất kể những hiểm hoạ rình rập suốt hành trình hồi hương. Những sinh vật ấy có hay không thứ cảm xúc quê nhà? Câu trả lời cho loài người chúng ta mãi mãi là một bí ẩn.
Vì cớ gì con sói tuyết lại tìm về chốn này mỗi mùa đông? Không lẽ chỉ để vui hưởng mùa Giáng Sinh và thưởng thức lại mấy món ngon của vợ tôi? Hay là nó đi tìm một trú quán? Một hang động ấm cúng?
Tôi cứ mãi bận rộn với những nghi vấn này. Nhất là sau cái chết của vợ tôi.
“Sau bốn thập niên lưu vong, khi trở lại, em đã là một người đàn ông già nua”, Đan quay nhìn ông Karl. “Em lạ mặt trong thành phố sinh quán mình. Thân bằng quyến thuộc em, nhiều người đã qua đời. Vẫn còn đó những toà kiến trúc thời thực dân và hàng me cổ trong những con đường cũ. Chỉ già nua hơn. Như em. Em tìm nhặt kỷ niệm trong tập lưu ảnh trắng đen đã phai màu. Về những mùi hương thân quen. Về những món ngon ấu thời. Về thanh âm một giai điệu cổ. Về tấu khúc của bầy ve sầu trong công viên những mùa nắng hoa niên. Chỉ hoài công. Mọi sự đã thay đổi. Cảm xúc quê nhà trong em đã không còn”.
Hai mắt Đan hoen ướt. Ánh mắt anh trĩu nặng.
“Từ dạo đó em không còn quê hương nữa”, chuỗi suy tư Đan ngưng bặt.
Ông Karl nắm lấy tay Đan, siết lại. Hình ảnh con sói tuyết tối qua hiện về trong trí ông. Cô độc và lạc lõng. Như ông và Đan. Như tất cả những người vẫn mải miết đi tìm một nơi chốn an lành.
(09.2018)

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...