Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

LÀNG ƠI ! - Tuỳ bút của Trần Mạnh Hảo


LÀNG ƠI !

Tuỳ bút của Trần Mạnh Hảo

Ngót năm mươi năm trước, tạm biệt làng quê yêu dấu, tôi đi về phía dãy Trường Sơn khói lửa mà mắt rưng rưng thầm hẹn nếu sống qua cuộc chiến tranh, nhất định về làng sinh sống. Làng chính là thiên đường của tuổi thơ tôi. Lớn lên, đi xa, từ chân trời góc biển ngoảnh lại phía mù tăm phương trời đất Bắc, mắt tôi dõi tìm thiên đường đã qua mà tiếc nuối tuổi thơ biết chừng nào.

Giờ đây, tóc đã hoa râm, giữa Sài Gòn ồn ào phố xá, bụi bặm khói xe, tâm hồn tôi khác nào con nghé ọ, đêm đêm phóng về phía làng tìm trâu mẹ, tìm cỏ non tơ, tìm bầy sáo sậu hót mê hồn còn làm thêm nghề bắt rận cho trâu, cho nghé...Làng ơi, tôi gọi thầm mái rạ vàng nâu chuyển dần màu tro bếp, như một vầng mây xám che đầu tuổi thơ.

Chợt thương cây lúa khi xanh non đứng chôn chân giữa đồng hoài thai hạt thóc. Khi mùa gặt, thóc vào cót, vào bồ, rơm dồn lại đùn lên thành cây nuôi trâu bò cả năm, còn thân rạ đắp lên mái nhà che mưa nắng, dư thì chất đống để dành nhóm bếp, thổi cơm. Làng ơi, tôi thầm gọi bờ tre ken dày như trường thành mấy nghìn năm bảo vệ hồn nước, giữ gìn một câu ca dao, một giọng hát ru, một làn chèo, điệu lý, câu quan họ, xẩm xoan, giữ gìn tiếng Việt truyền qua dòng sữa mẹ đời đời lấy tâm thức Nôm dân tộc mà tách dần tâm thức Hán ngoại lai.

Những hàng tre kẽo kà kẽo kẹt nhịp võng đưa trưa hè không phân biệt được đâu là cánh cò đâu là chấm nắng. Ra giêng, mưa phùn dắt tôi đi bộ qua làng, để lại sau dấu chân trần bé như lá mít vầng vầng cỏ nõn trắng ngời ngời giá đỗ.

Làng ơi, những con đường trốn tìm dung dăng bươm bướm, nghe chuồn chuồn bay thấp kéo cơn mưa. Những cơn mưa tháng bảy tuôn nước mắt vợ chồng Ngâu làm cá rô xót mắt róc lên bờ, ngúc ngắc trên đường làng xui trẻ con ra bắt. Làng ơi, tôi gọi mùa thu gió heo may màu chim ngói, tiếng sáo diều mài vẹt vệt trăng non. Gió heo may rải đồng, rải hồn tôi ra khắp bờ mương, bụi lúa, rải niềm u uẩn khôn khuây khóm trúc đến tay các cụ già bước đi lá rụng. Cuối thu, cây bàng tự đốt mình thành đuốc dẫn mùa đông về moi hết len dạ đổ ra đường, đánh thức cả chăn bông cùng váy đụp dậy giúp người đi qua gió bấc.

Xa làng đi hết dãy Trường Sơn, đi hết những cánh rừng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đi qua hàng trăm ngôi làng xinh đẹp, nhưng sao lòng vẫn quặn thắt nhớ làng quê nơi mẹ sinh ra tôi. Làng tôi cũng giống như nhiều làng quê đồng bắng Bắc Bộ, cũng con sông nhỏ cuốn quanh làng, những đường tre che lọng lá trưa hè trâu nằm nhai gió, cũng hai bờ cỏ chạy song song đường làng rồng rắn, cũng bìm bịp hú nước lên, cũng bầy sẻ chí chách ngoài đống rơm nấm mối...mà sao có cái gì rất riêng, rất gợi, rất hồn vía cuốn quýt, chợt nghĩ đến đã gai người, đã rưng rưng xúc động ?

Tháng ba, hoa gạo bừng mắt thả lửa xuống ngõ xóm, tôi chạy ra đường men các bờ tre nhặt rau má, soi qua các bờ cỏ lượm rau sam, mót rau dền dại, sững người nghe một tiếng cá quẫy dai dẳng, quằn quại, tuồng như là cá chép vật vã đẻ bên góc ao, hay ngoài mương nước ?

Làng ơi, tôi thầm gọi tên con cún con cho đỡ nhớ nhà, dù vừa mới đi xa cách chừng vài ba trăm mét ngoài ngõ xóm.

Ấy là tuổi thơ xưa cái gì gắn với làng cũng da diết nhớ thương, dù ngay cả cái đói và rét. Giờ đây, ở Sài Gòn, đến rét thời tiết cũng không cho thì tôi còn nỗi gì để đỡ nhớ làng, nhớ cơn gió bấc đập phành phạch ngoài cửa đòi hơi ấm gia đình, xin một chút xum họp cho vợi nỗi cô đơn.

Tuổi càng lớn, càng ngoảnh lại tuổi thơ, ngoảnh lại tìm kiếm làng quê nơi mình vịn chân giường, vịn tay cha mẹ tập đi, vịn hàng râm bụt tập đứng lên dần làm người lớn. Tuổi thơ ơi, làng ơi, bướm vàng hoa gạo ơi, tất cả đã lùi vào xa ngái, như có vạt mưa bụi mờ sương che phía chân trời ký ức. Tóc càng bạc con người ta càng khát khao về làng, về cội, để được qua cõi trăm năm cùng cha mẹ, ông bà mà hoá đất quê hương.

Từ bàn tay cha mẹ đi ra với xóm, với làng, đi mãi hết làng thì đến nước, đi mãi hết nước lại khao khát quay về sống với làng. Đó chính vòng sống của con người có gốc gác, nguồn cội, nên tôi càng thấm thía câu tục ngữ :" cóc chết ba năm quay đầu về núi". Tôi quay đầu giấc mơ, quay đầu trái tim về phía có làng quê yêu dấu mà tiếc nuối thiên đường tuổi thơ chừng đã mất ? Tôi chợt tiếc số phận chỉ dành cho mình lối đi mà không để ngỏ một lối quay về. Cái gì con người khao khát, ước vọng thì dùng nỗi nhớ, niềm thương để bù đắp. Tôi càng gọi "Làng ơi" thì quê mẹ càng xa thẳm, càng khuất nẻo chân trời.

Bạn trẻ ơi, bạn đang hạnh phúc hơn tôi vì bạn đang còn được sống trong làng, được chan hòa tâm hồn mình vào thiên nhiên như mực hòa vào nước mà thành chữ viết. Có thể bạn sẽ lặp lại lối mòn của lớp chúng tôi khi lớn lên phải xa làng để đến những làng khác, phố khác, rồi đăm đắm nhớ thương suốt đời quay về nơi chôn nhau cắt rốn mà tìm kiếm chính tâm hồn mình. Cũng có thể các bạn bay xa rồi lại được hạnh phúc quay về làng, được sống chết với quê hương . Lại nhớ nhà thơ Tú Xương cuối thế kỷ thứ 19 (hoặc đầu thế kỷ 20) từng than vì chuyện làng hoá phố :" Ai đã xoay ra phố cả làng ". Phố, nói cho cùng là một hình thức khác của làng, một thứ làng không có làng. Nhưng trong tâm thức của người Việt chúng ta, con người phải gắn làng với nước.

Một số bạn bè tôi tuổi U 70 đang có xu hướng tìm về những làng ngoại ô cư trú. Làng ơi, giữ lại vầng trăng, giữ lại thời hoa bướm, giữ lại một phần tâm hồn tôi ở phía cội nguồn, để tôi còn có nơi nhớ thương; cũng như tôi vẫn còn có mẹ dù mẹ đã nằm trên cánh đồng làng để con nhớ mình bao giờ cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của mẹ -quê -hương.,.

T.M.H.


1 nhận xét:

HOÀNG HẬU CÀ PHÊ HỦ TIẾU.

BÀ LÊ THỊ NGỌC ĐƯỢC MỆNH DANH HOÀNG HẬU CÀ PHÊ HỦ TIẾU.   Đó là tựa của một bài báo trên tờ tuần san Phụ nữ Tân Văn số 219 ra ngày 5 tháng ...