Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

THÁNH THẤT ĐA PHƯỚC (ĐÀ LẠT)

          
                     THÁNH THẤT ĐA PHƯỚC (ĐÀ LẠT)
       Hồ Than Thở Đà Lạt

Năm 1893, một bác sĩ người Pháp tên Alexandre Yersin khi đi khảo sát đã khám phá địa bàn vùng cao nguyên Đà lạt, nơi cư trú của người Lạch, Chil, Srê thuộc sắc tộc Kho. Thấy nơi đây là vùng cảnh đẹp, khí hậu tốt nên ông Yersin đề nghị lên Toàn quyền Đông Dương Paul Dourmer lúc bấy giờ thành lập khu nghĩ mát và du lịch cho khách người phương Tây. Đề án được viên Toàn quyền chấp thuận.

Ngày 01-01-1899, Toàn quyền Paul Dourmer ký nghị định thành lập vùng nầy thành tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ là Djiring và gồm hai trạm hành chánh là Tánh Linh và Lâm Viên, cả hai địa điểm là Đà lạt hiện nay, và bắt đầu xây dựng tuyến đường bộ từ Phan Rang và Sài gòn lên Đà lạt.. Đến năm 1915, hai tuyến đường đã được hoàn chỉnh và khánh thành, tạo cơ hội rất thuận lợi cho việc giao thương, mua bán giữa miền xuôi và cao nguyên Đà lạt.
Sang đến năm 1938, thời gian 12 năm sau ngày khai Đạo Cao Đài, Hội Thánh đã bổ nhiệm Lễ sanh Ngọc Ngọ Thanh (Trần văn Ngọ) từ tỉnh Long An đi lên Đà Lạt nghiên cứu xem có thể nào tìm cơ sở để truyền mối Đạo của Thầy lên vùng đất mới nầy không.

Lúc bấy giờ, đa số dân sống trong khu vực Tánh Linh và Lâm Viên hầu hết là người từ miền Trung Việt, lên làm công nhân cho Pháp tại các mỏ đá hay sở trồng trà Cầu Đất.

Người Huế thì cư trú ở ấp Ánh Sáng và người gốc Bắc thì thành lập nên ấp Hà Đông.
Sau đó, vua Bảo Đại ban hành dụ số 10 cấm hẳn việc truyền Đạo ra miền Trung. Tình huống lúc nầy thật là khó khăn cho việc truyền giáo. Lễ sanh Ngọc Ngọ Thanh vừa cầu nguyện Ơn Trên phò hộ, vừa bạo gan đi tiếp xúc với các viên chức địa phương để bộc bạch ý muốn xin được giúp đỡ cho Đạo Cao Đài. Gia đình đầu tiên ông đến là ông Nguyễn văn Chất, Chánh Tuần Kiểm (thường gọi là ông Chánh Cao) và vợ là bà Lê thị Nhân. Như một sự huyền diệu, hai ông bà chẳng những hứa giúp mà còn xin được nhập môn theo Đạo Cao Đài. Buổi lễ nhập môn được tổ chức ngoài sân trước nhà của ông bà Chánh Tuần Kiểm. Hai vợ chồng đã chân thành tuyên hứa giữ trọn lời minh thệ cho đến chết. Ông Chất sau đó được bầu cử vào chức vụ Chánh Trị Sự Hương Đạo Đa Lợi. Rồi có thêm các chức việc khác như ông Cửu Học, Phó Trị Sự và ông Trần Đoài ở mỏ đá được bầu làm Thông Sự. Đó là Bàn Trị Sự và Hương Đạo đầu tiên của Đà Lạt.

Thành phố Đà Lạt ngày nay


Từ từ công việc tiến triển khả quan dần. Ông Chất vận động thêm ông Chánh Tuần Kiểm Màng lập thêm Hương Đạo Tân Lạc, ông Chánh Tuần Kiểm Lự lập Hương Đạo Xuân An, rồi hai Hương Đạo nữa được thành lập là Mỹ Thành và Phước Thành. Những ngày Sóc Vọng, đồng đạo khắp nơi qui tụ tại nhà ông Nguyễn văn Chất để cúng kiến và học Đạo.

Về sau, do sự giúp đỡ của bà Bảy Đò, ông Lễ Sanh Ngọc Ngọ Thanh, tìm cách đến thẳng nhà ông Nguyễn quý Thứ, Đầu Quận sở tại độ được hai vợ chồng nầy theo Đạo Cao Đài. Cả hai đều vui vẻ nhập môn và nhận chức Chánh Trị Sự Nam, Nữ Đầu Hương Đạo Đa Phước.

Rồi sau đó, các Hương Đạo mới khác lần lược được thành lập như Hương Đạo Xuân Thành, Đa Lộc, Túy Sơn, Đa Thọ.

Đến năm 1945, số Hương Đạo đã lên đế con số 13. Đồng đạo và người tình nguyện đã thi nhau mở rộng vùng đất đai rừng núi thành khu gia cư. Năm Bảo Đại thứ 20, tất cả Bàn Trị Sự và đồng đạo Hương Đạo Đa Phước với chữ ký của CTS.Nguyễn xuân Phong, PTS.Lê đình Khôi, PTS.Nguyễn Thâm, PTS.Trần quang Hiển, TS.Bùi Dư, Nữ CTS.Trần thị Lý đã làm đơn xin cấp đất giúp đỡ cho Đạo. Đơn xin đã được Lý Trưởng Lê đình Khôi cùng Hội Đồng Hương Chức địa phương đồng ý cấp cho 10 mẫu đất đồi làm tài sản của Đạo. Đó là ngày 20-3 năm Ất Dậu (DL: 01-5-1945, năm Bảo Đại thứ 20). Sau cùng thành lập thêm hai Hương Đạo mới là Trung Bắc và Ban Hòa. Tính đến năm 2008, số Hương Đạo của Đà Lạt là 15 Hương gồm: Xuân An, Tân Lạc, Đa Phước, Xuân Thành, Mỹ Thành, Đa Hòa, Trung Bắc, Đa Lợi, Đa Lộc, Trường Xuân, Túy Sơn, Đa Thọ, Ban Hòa, Phước Thành, Đa Thành.


Thời kỳ VNCH, Thị Trưởng Đà Lạt đã ra quyết định số 189-DL/HC/3 ký ngày 10-7-1971 chấp thuận cho Hội Thánh Cao Đài TTTN thuê phần đất đã được Hội Đồng Hương Chức thuận cấp, diện tích lên đến 16 ha 42 sào với giá tượng trưng 1 đồng/m2.

Sau biến cố 30-4-75, vào năm 2001, Chánh quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nầy dùng cho mục đích tôn giáo lâu dài và cấp sổ đỏ sở hửu đất tổng cộng 2 ha7. Số đất còn lại vì thời gian thay đổi đã chuyển nhượng qua lại một số vẫn còn trong sở hữu của cá nhân, hay của cơ quan chánh quyền chưa trả lại cho Đạo, nhiều phần đất của Đạo là khu phố ở chợ Đà Lạt đang bị cá nhân chiếm dụng.

Quyền Đầu Tộc Đạo Nguyễn văn Chất, ông Trần Đoài và ông Nguyễn Thâm cùng đứng đơn lên ông Tổng Đốc Lý xin cất Thánh Thất tại Đà Lạt. Đơn được chấp thuận. Thánh Thất lúc đầu làm bằng gỗ, lợp tranh. Đó là Thánh Thất Cao Đài đầu tiên ở Đà Lạt.

Năm Mậu Tý (1948), Đức Hộ Pháp giáng lâm ra Đà Lạt làm việc. Đức Ngài đã chỉ định địa điểm xây cất Thánh Thất mới theo mẫu số 2 của Hội Thánh, tạm phong Lễ Sanh phái Ngọc cho các chức việc hữu công như Thông Sự Trần Đoài, Phổ Tế Nguyễn văn Lư, PTS.Nguyễn Thâm, CTS.Bùi Thượng Thanh, CTS.Nguyễn văn Chất…Sau khi tham dự khóa Hạnh Đường, Lễ Sanh Ngọc Đoài Thanh (Trần Đoài) được Hội Thánh bổ nhiệm chức Quyền Khâm Châu Đạo Lâm Đồng. Năm 1950, Hội Thánh bổ nhiệm Ngọc Đoài Thanh làm Đầu Tộc Đạo Diên Khánh kiêm Q.Khâm Châu Khánh Hoà. Khi thăng phẩm Giáo Hữu, ông lãnh chức vụ Khâm Châu Thừa Thiên Huế, luôn lo xúc tiến vận động chánh quyền xin cấp đất và xây dựng Thánh Thất và Văn phòng Khâm Châu (nay là Thánh Thất Vĩnh Lợi). Sau đó ông đã được thăng phẩm lên Giáo Sư, được bổ nhiệm Khâm Trấn Đạo liên tỉnh miền Trung Thừa Thiên Huế, đã lập kỳ công độ dẫn được mẹ của vua Bảo Đại là Bà Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu vào Đạo. Năm Giáp Ngọ (1954), trong một đàn cơ, Đức Lý Giáo Tông đã chấm phái lại cho các ông Ngọc Đoài Thanh, Ngọc Lư Thanh, Ngọc Thanh Thanh từ phái Ngọc sang phái Thượng.

Tình hình đạo sự nơi đây đã phát triển không ngừng và lớn mạnh thêm, giúp phát triển nền Đạo ra các tỉnh miền Trung và Bắc Việt Nam.

Rất may mắn và hữu duyên, năm 1952, Đức Hộ Pháp đến làm việc nơi đây và đã định vị, trấn thần, đặt viên đá đầu tiên xây nền móng Hiệp Thiên Đài Thánh Thất mới Đa Phước theo mẫu số 2 của Hội Thánh. Đức Ngài cũng ra lịnh tuyển dụng các thanh niên nhiệt tình với Đạo như Nguyễn ngọc Châu, Nguyễn xuân Đố, Ba Thọ..đưa về Tòa Thánh Tây Ninh học nhạc, lễ thành lập nên Ban Lễ Nhạc đầu tiên nơi Đà Lạt. Lúc nầy đã có nhiều Tộc Đạo đã được thành lập khắp nơi. Chức vụ Khâm Châu cũng đã lần lượt thay đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của công tác Đạo nơi đây.

Năm 1959, Châu Đạo Lâm Đồng được đổi danh thành Châu Đạo Tuyên Đức và ông Giáo Hữu Ngọc Chi Thanh lên làm Khâm Châu Đạo năm 1962. Nữ Khâm Châu là Giáo Hữu Hương Nữ. Lúc nầy, Nam Đầu Tộc Đạo Đà Lạt là Lễ Sanh Thái Bút Thanh và Nữ Đầu Tộc Đạo là Lễ Sanh Hương Nhìn (về sau đắc phong đến phẩm Nữ Đầu Sư).

Vì nền Đạo phát triển quá nhanh, Hội Thánh đã ra Thánh lịnh thành lập Khâm Trấn Liên Tỉnh gọi là Trấn Đạo Tuyên Đức, và Giáo Sư Ngọc Mỹ Thanh là vị Khâm Trấn Đạo đầu tiên của tổ chức nầy.

Sau năm 1975, Giáo Sư Thượng Đức Thanh là Khâm Trấn Đạo Tuyên Đức.

Về việc xây dựng Thánh Thất Đa Phước cũng đã trãi qua nhiều giai đoạn cực kỳ khó khăn. Kể từ khi Đức Hộ Pháp đặt viên đá đầu tiên xây dựng năm 1952 cho đến năm 1956, dưới sự cai trị độc tài hà khắc và kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô đình Diệm, nền Đạo Cao Đài gần như bị cấm đoán. Nhiều vị Chức sắc cao cấp của Đạo bị bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu, hay chết trong ngục giam. Đức Hộ Pháp bị âm mưu ám sát nhiều lần và Đức Ngài phải chọn con đường lưu vong xa xứ, xa Tổ Đình, xa tín đồ thương yêu của mình gởi thân nơi đất khách Nam Vang, Cam Bốt. Cuối cùng Đức Ngài qui thiên nơi đây để lại vô vàn đau đớn, tiếc thương cho các tín đồ. Và công cuộc xây dựng Thánh Thất Đa Phước cũng phải bị đình trệ trong hơn 50 năm

Mãi đến ngày mùng 10 tháng 10 năm Ất Dậu (DL: 11-11-2005) sau khi được phép của Hội Thánh tại Tòa Thánh Tây Ninh và giấy phép của Chánh quyền hiện nay, cuộc lễ khởi công xây dựng Thánh Thất đã bắt đầu. Và sau hơn 4 năm vận động tài chánh, kêu gọi nhân công công quả, với sức chiụ đựng phi thường vượt qua vô vàn khó khăn khổ cực, đồng đạo đã hoàn thành ngôi thờ Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng, là THÁNH THẤT ĐA PHƯỚC (ĐÀ LẠT) ngày 19-6 năm Canh Dần (DL: 30-7-2010), là Thánh Thất mẫu số 2 duy nhất của Đạo Cao Đài từ trong nước cho đến hải ngoại. Lễ khánh thành dược tổ chức hết sức trong thể. Có nhiều ngàn Chức sắc, chức việc và đồng đạo, đồng bào khắp nơi trong cả nước về tham dự. Đoàn xe người tham dự đã làm chật kín lộ trình các nơi đến Đà Lạt và các nhà trọ, khách sạn trong thành phố Đà Lạt đã không còn một chỗ trống. Người ta phải ngủ trên vĩa hè, dưới gốc cây, trong xe, trên bãi cỏ cạnh các hồ …để chờ giờ cúng khai đàn vào cúng Thầy. Người địa phương cho biết ngày lễ khánh thành Thánh Thất Đa Phước là một ngày lễ lớn nhất nơi đây trong lịch sử của Đà Lạt. Sau đây là vài hình ảnh và sinh hoạt của Thánh Thất ĐA PHƯỚC (ĐÀ LẠT):

Bên trong Thánh Thất Đa Phước



Ngôi nhà cổ di tích của Đức Phạm Hộ Pháp





Mặc dầu Thánh Thất Đa Phước Đà Lạt là mẫu Thánh Thất mẫu số 2 duy nhứt của Hội Thánh cho phép thành lập, cao đẹp, to lớn chỉ sau Đền Thánh Tây Ninh nhưng chi tiết cấu trúc đã tuân theo y như mẫu thiết kế của Hội Thánh. Thí dụ như cột bên trong, ngoài nơi Thiên Bàn, các cột không khác có trang trí cột rồng quấn và trụ phướn phía trước không có Ngọc kỳ lân và nền bên trong nội nghi không được phép làm 9 cấp..v..v .. Chỉ tại Tòa Thánh mới được phép như vậy mà thôi, vì là Bạch Ngọc Kinh tại thế.

Bên cạnh ngôi Thánh Thất Đa Phước đồ sộ nguy nga tráng lệ còn có ngôi Điện Thờ Phật Mẫu đang trong giai đoạn trùng tu, Ngôi nhà cổ nơi Đức Hộ Pháp ngơi nghỉ, tịnh luyện vẫn còn đầy đủ di vật lịch sử của Đức Ngài khi ra Đà Lạt làm việc, dạy dỗ các tín đồ; và Nhà Thuyền Bát Nhã…Hiện nay, Đà Lạt có 15 Hương với tổng số 2.909 tín đồ, trong đó có 03 Giáo Hữu nam và 01 Nữ; Lễ sanh: 49 (Nam: 18, Nữ: 31); Giáo Thiện: 02 (01 nam, 01 nữ); Hành Thiện: 01 Nữ; Chức việc: 178; Tổng số gia đình có Đạo là: 1.100.

Đứng trước Thánh Thất, vị thế chế ngự từ trên độ cao, hướng mắt nhìn về thành phố Đà Lạt và toàn khu vực với hồ nước xanh thẫm nằm giữa rừng thông bạt ngàn, chúng ta sẽ thấy ngôi thờ Đức Thượng Đế thật uy nghi, bề thế ngự trị toàn cảnh của vạn vật thiên nhiên và con người ở thế gian.

Thật linh thiêng, huyền diệu, đầy cảm xúc và tâm tràn ngập trọn niềm tôn kính!

Là tín đồ Cao Đài, nếu có dịp về thăm Đà Lạt, phải đến viếng Thánh Thất Đa Phước để thấy công trình kiến trúc còn lưu lại nhiều di tích kỷ niệm của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Hiền Tài Hồ Xưa sưu tầm và biên soạn_______________________________
(Nhân chuyến du lịch về thăm Đà lạt và quê hương năm 2010)

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...