Xóm nhà chúng tôi nằm ở phía sau ngôi thánh đường tỉnh lỵ. Xưa nay, thiên hạ gọi nó một cách đơn sơ, mộc mạc là xóm nhà thờ. Cuối xóm có một hàng rào kẽm gai, bên kia hàng rào là trường tiểu học thị xã. Vì thế, chúng tôi thường hay chờ cho đến lúc nghe tiếng trống vô lớp mới co giò chạy, lách qua một cánh cửa nhỏ ở hàng rào để vào sân trường. Năm tôi lên lớp Ba, ông đốc học mới đến nhậm chức hôm trước, hôm sau ông ta ra lệnh đóng cánh cửa rào, buộc tất cả học sinh phải ra vào bằng cổng chánh trước trường mà thôi. Từ đó bốn đứa chúng tôi, học cùng lớp, ở cùng xóm là Minh cháu ông hội đồng Thành, Phú con ông cò Lễ, Hùng cháu ông từ Châu, và Chí là tôi, con ông giáo Ý, hàng ngày phải đi bộ xa hơn để đến trường.
Sở dĩ tôi không kể hai bạn Minh và Hùng là con của ai trong xóm vì lúc ấy tôi không biết, chỉ nghe người lớn nói hai bạn mồ côi cha mẹ nên ở với ông bà. Tôi thường hay đến nhà hai bạn này chơi và tôi thấy hình cha mẹ của Hùng treo bên cạnh bàn thờ Thánh Gia. Riêng ảnh của cha mẹ Minh, tôi chưa bao giờ thấy và bạn không hề nhắc đến cha mẹ của mình. Khi ấy, ở chung nhà với ông bà ngoại của Minh còn có gia đình ông Hai Danh, người cậu ruột của bạn làm chức công-táp (gốc tiếng Pháp, comptable, kế toán) ở Toà Bố (Toà Hành Chánh tỉnh). Tôi cũng có gặp một ma-sơ tại nhà của Minh hai ba lần. Hỏi thăm thì được biết đó dì Tư của bạn. Dì tu sơ ở tận Đà Lạt. Mỗi năm dì được phép về thăm nhà một lần mà thôi. Lớn lên, tôi nghe bạn bè bàn tán rằng thật ra cha mẹ của Minh đi tập kết ở ngoài Bắc, để bạn lại cho ông bà ngoại nuôi. Chuyện này khiến cho tôi thắc mắc trong lòng, nhưng tôi quyết định bỏ ngoài tai, không hỏi Minh vì thời ấy đi tập kết là chuyện kín, bàn ra tán vào chỉ làm cho bạn mình buồn phiền mà thôi.
Từ xóm nhà thờ chúng tôi có hai ngõ đến trường tiểu học thị xã. Ngõ xa đi ngang qua nhà thầy Hai Chanh làm nghề hốt thuốc Nam, ngõ gần phải đi tắt vườn nhà ông Tư Trường Tiền. Chúng tôi luôn tránh cái ngõ gần nầy vì ngoài lý do nhà ông Tư có nuôi một bầy ngỗng hay rượt chúng tôi để cắn, ông Chín Khòm, người làm vườn của ông Tư, có một tật xấu. Ông ta hay chận chúng tôi lại để bóp cu. Vào thời buổi ngày nay, mang cái tật xấu này chắc chắn ông Chín đã phải ngồi tù. Vì thế, chúng tôi đành phải lội bộ xa hơn để đến trường. Dọc theo hai bên đường có nhiều nhà cửa nhưng mọi nhà đều nằm thụt vào trong, sân trước trồng kiểng hoặc cây ăn trái. Chỉ có nhà của thầy Hai Chanh là nằm gần bên lề đường, trước nhà có trồng một cây dừa, trên thân treo một tấm bản nhỏ, kẻ sáu chữ: "Tại đây có hiến thuốc Nam".
Nói là nhà của thầy Hai Chanh chứ thật ra đó là một căn chòi hai mái lợp tranh, vách ván nằm trong cuộc đất của ông Tám phạm-nhe (gốc tiếng Pháp, infirmier, y tá). Căn chòi chứa rất nhiều hộc tủ, bao bố, thùng bộng đủ cở chứa đầy lá và cây khô xắt lát. Giữa chòi là một bàn thờ nhỏ chưng một tượng Phật, trước tượng Phật là một chậu nhang bên cạnh có một cây đèn chong leo lét. Thỉnh thoảng tôi theo mẹ đưa ông bà ngoại tôi đến nhà thầy Hai Chanh hốt thuốc Nam. Thầy không tính tiền xem mạch và thuốc Nam nhưng nếu ai muốn giúp thầy thì có thể bỏ tiền vào một cái thùng đặt dưới bàn thờ Phật.
Lội bộ ngang qua nhà thầy Hai Chanh, lắm lúc chúng tôi thấy có người đến xin thuốc, đưa tay cho thầy bắt mạch. Nếu vắng khách thì thầy phơi lá hay xắt lát các khúc cây thuốc ở ngoài sân. Thầy luôn mặc bộ đồ bà ba màu nâu. Mỗi khi thấy chúng tôi đi ngang qua nhà, thầy đều nhìn chúng tôi, đưa tay ngoắc, miệng cười và nói: "Mấy cháu đi học cho giỏi nhen!" Vào một buổi trưa, thầy Hai Chanh đứng chờ chúng tôi và đưa cho một nải chuối, nói của một bệnh nhân đến hốt thuốc, biếu thầy ăn lấy thảo. Thấy chúng tôi chần chừ, không dám lấy, thầy nói: "Mấy cháu đừng lo, đây không phải là đồ cúng." Nghe thầy nói vậy, chúng tôi mới dám lấy nải chuối, nói câu cám ơn thầy rồi chia nhau ăn. Tôi bước theo các bạn, trong lòng tự hỏi tại sao thầy Hai biết chúng tôi có đạo, không được ăn đồ cúng?
Từ đó, chúng tôi 'quen' với thầy Hai Chanh và thường hay ghé nhà thầy, không phải để hốt thuốc Nam mà nhận đủ loại trái cây thầy cho, khi thì xoài, ổi, mận, lúc thì vú sửa, măng cụt, nhiều nhất là chuối. Thỉnh thoảng thầy đưa tay vò đầu mỗi đứa, khuyên chúng tôi hiếu thảo với cha mẹ, học cho giỏi và ráng lo phụ giúp việc nhà. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thầy chú ý đến bạn Minh nhiều hơn, nhất là ánh mắt của thầy mỗi khi thầy nhìn bạn. Nó có gì khác lạ lắm.
Ba năm sau, xong tiểu học bạn bè chúng tôi chia tay, Phú theo gia đình về Bình Dương vì cha của bạn được thuyên chuyển về ty Cảnh Sát của tỉnh ấy, sau đó Minh và Hùng thi đậu vào trường Trung học Công lập thị xã, còn tôi thì được cha mẹ cho đi học nội trú xa nhà tại một trường dòng ở tận Thủ Đức. Mùa hè năm ấy, tôi nghỉ học về nhà được một tuần thì bị bệnh giời ăn, chung quanh cổ tôi nổi đầy mụt đỏ, sưng lên, nóng và rát, rất nhức nhối và khó chịu. Cha tôi nói thuốc Tây không chữa được bệnh này và biểu tôi đến nhà thầy Hai Chanh, xin thầy chữa trị bằng phương ngoại. Xem xét cổ của tôi xong, thầy Hai Chanh biểu tôi về nhà hái lá cây sung, giã nát với một chút nước lạnh đắp lên chỗ bị giời ăn và hốt cho tôi ba thang thuốc Nam, mỗi ngày nấu một thang uống cho mát. Khi ấy, đầu óc của tôi còn non nớt, chỉ biết những viên thuốc Tây và tôi coi rẻ thuốc Bắc và thuốc Nam vì chúng toàn là bông, lá, rễ, vỏ hay thân cây khô, làm sao mà trị hết bệnh. Nghe lời cha, tôi làm y như lời thầy Hai Chanh căn dặn nhưng không tin tưởng lắm. Ngạc nhiên thay, vài ngày sau các mụt đỏ trên cổ tôi từ từ lặn đi, chỉ để lại vài vết thẹo nhỏ mà thôi. Đó là lần đầu tiên tôi tin vào thuốc Nam và kể cho hai bạn Minh và Hùng biết chuyện thầy Hai Chanh chữa bệnh cho tôi. Từ đó mỗi lần nghỉ học về quê thăm nhà, tôi thường rủ hai bạn đạp xe đến thăm thầy Hai Chanh, hỏi thầy rễ cây này, loại bông nọ có công dụng gì, chữa trị được bệnh nào. Và, cũng như thời chúng tôi cắp sách đến trường tiểu học, thầy Hai Chanh vẫn chú ý đến bạn Minh nhiều hơn Hùng và tôi.
Đến khi bạn bè chúng tôi lớn lên, chuyển từ xe đạp sang xe Mobylette rồi Suzuki, Honda, bận rộn chuyện cua mèo, bồ bịch, rồi đứa này lên đại học, thằng kia đi lính... dần dà chúng tôi không còn ghé thăm thầy Hai Chanh nữa, cho đến tháng Năm, 1975.
Tay tôi chuyên cầm viết nay phải mang cuốc, kéo cày. Thời gian ấy, xa người yêu, thân khổ cực, tâm bất an, tôi luôn tìm nguồn an ủi qua câu kinh nguyện. Ngoài ra, mỗi khi rảnh rỗi tôi thường hay ghé thăm thầy Hai Chanh, vừa giúp thầy phơi và xắt thuốc vừa học hỏi thuốc Nam và trò chuyện cùng thầy để giải khuây. Tôi cũng có nhiều lần theo thầy vào rừng hái thuốc, đào rễ cây, nhất là rễ cây nhàu trị khá nhiều bệnh. Mối thân tình giữa thầy Hai Chanh và tôi nảy nở kể từ đó, và lẽ dĩ nhiên tôi đổi cách xưng hô, gọi thầy một cách thân mật hơn là bác Hai.
Một hôm, bác Hai kể cho tôi nghe bác gốc gác người miền Tây, là hội viên của một hội cư sĩ Phật Giáo có phòng hiến thuốc Nam rải rác ở các tỉnh Nam Phần. Tên họ của bác thật ra là Trần Công Chánh, cha mẹ đặt tên này cho bác với ngụ ý dạy bác lớn lên phải sống 'công bằng' và 'chánh trực' nhưng không hiểu tại sao nhà làng không đánh dấu sắc vào tên của bác trong bản khai sanh. Vì vậy mà từ khi cắp sách đến trường bác đành phải mang tên Chanh. Cơ duyên bác trở thành hội viên cư sĩ bắt nguồn từ năm bác lên bảy tuổi, bị bệnh thương hàn tưởng không qua khỏi, may nhờ một vị thầy thuốc Nam chữa bác khỏi bệnh bằng cắt giác và uống thuốc thảo mộc. Từ đó, cha mẹ bác cho phép bác đi làm công quả giúp vị thầy thuốc Nam và được ông truyền nghề bắt mạch, hốt thuốc với mục đích giúp người bị bệnh tật và truyền đạt giáo lý của Đức Phật. Khi trưởng thành, bác được hội cư sĩ phân công mở phòng hiến thuốc Nam tại tỉnh nhà của tôi. Kể đến đó, bác cười và nói: "Cháu đừng lo, bác không bao giờ có ý định dụ dỗ cháu bỏ Chúa theo Phật đâu. Chúa và Phật, vị nào cũng dạy con người làm lành lánh dữ, phải không cháu?" Nghe bác Hai nói vậy, tôi có chút ngỡ ngàng và tự hỏi phải chăng bác nghĩ rằng thời gian tôi học trường dòng là lúc tôi đi tu? Vì thế tôi cười thật tự nhiên và trả lời bác rằng: "Dạ, Đức Phật dạy chúng sinh từ, bi, hỷ, xả, còn Đức Chúa GiêSu dạy 'Hãy yêu thương mọi người như chính mình'. Phần cháu, cháu có bao giờ giảng đạo Chúa với bác đâu!" Rồi tôi chuyển đề tài, hỏi bác về công việc hiến thuốc miễn phí của bác và làm sao bác có thể sinh sống hơn 20 năm qua. Bác Hai công nhận việc làm của bác khá cực nhọc nhưng tạm sống được nhờ tiền, quà cáp và thức ăn do các bệnh nhân biếu tặng. Thấy bác vẫn sống đơn chiếc, tôi bèn giải thích cùng bác rằng tôi được cha mẹ cho học nội trú trường dòng bảy năm trời chứ tôi không có đi tu, và tôi mỉm cười, hỏi bác có phải là một thầy tu tại gia vì, tuy bác không cạo đầu nhưng bao năm nay bác sống một thân một mình. Lạ thay, bác Hai không trả lời câu hỏi của tôi mà bác ngồi im lặng, mắt nhìn xa xăm, đượm vẻ u buồn. Vì thế, tôi cảm thấy không tiện hỏi bác thêm điều gì nữa.
Không bao lâu sau đó, ông ngoại của bạn Minh qua đời nên tôi đến nhà chia buồn cùng gia đình bạn và đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố. Tôi thấy bác Hai có đến viếng tang và tôi nghĩ rằng bác đến viếng thăm, phân ưu trong tình chòm xóm, láng giềng. Đó là một việc thường tình. Trò chuyện thân mật cùng cậu Hai Danh, tôi hỏi thăm cậu tin tức của Minh, được cậu cho biết gia đình đã nhận được một lá thư Minh nhờ một người bà con ở Pháp chuyển về báo tin vợ chồng bạn đã đến Mỹ bình yên vô sự. Tôi rất mừng cho Minh và, nhớ đến cảm tình đặc biệt bác Hai dành cho bạn, ngay hôm ấy tôi ghé thăm bác và tiết lộ chuyện này cùng bác. Bác nghe xong, chấp tay, mắt hướng về bàn thờ Đức Phật, cúi đầu nói câu "Mô Phật", rồi bác mỉm cười, gương mặt lộ vẻ hân hoan, hạnh phúc. Một lát sau, bác nhìn tôi, ngập ngừng nói:
"Chí, bác thấy cháu đã trưởng thành, là bạn thân của Minh, cháu thương nó, mừng cho vợ chồng nó thoát nạn, sống an lành bên kia trái đất nên... nên... thôi... chuyện cũng đã xưa rồi, để... để bác nói cho cháu nghe... nhưng xin... xin cháu giữ trong...trong lòng, đừng nói cho ai biết. Minh là... là kết quả của một cuộc tình ngang... ngang trái. Bác chính... chính là người cha... cha ruột của Minh đó...đó cháu!"
Nghe bác Hai nói vậy tôi quá đỗi ngạc nhiên, trố mắt nhìn bác mặc dầu tôi đã nhiều lần nhận ra cảm tình đặc biệt của bác dành cho bạn Minh qua ánh mắt của bác. Tôi lắp bắp hỏi bác:
"Dạ, cháu... cháu đâu có biết. Vậy... mẹ... mẹ của Minh là... là ai? Bác gái đã mất rồi, hả bác?"
Bác Hai lắc đầu, nói rằng mẹ của Minh chính là sơ Hậu, người Minh gọi là dì Tư. Bác quen với dì khi dì đến hốt thuốc trị bệnh nhức đầu kinh niên. Ngày qua ngày bác trị lành bệnh cho dì nhưng hai người cùng mắc phải một căn bệnh khó chữa. Đó là tình yêu chẳng những không môn đăng hộ đối mà còn khác tôn giáo nữa. Tuổi trẻ nông nổi, dì Tư và bác có một quyết định thật táo bạo là để cho sự việc xảy ra, mong cha mẹ dì thương con, chấp nhận cuộc hôn nhân của hai người. Tiếc thay, mặc dầu ông bà hội đồng Thành bỏ qua mọi lỗi lầm của dì và bác nhưng vào thời đó đạo Thiên Chúa chưa chấp nhận hôn nhân không đồng tôn giáo, còn bác thì không thể dối lòng mình để chịu phép rửa tội với mục đích cưới được vợ mà thôi. Vì thế, ông bà hội đồng đưa dì Tư lên Đà Lạt, gởi dì cho một dòng nữ tu để dì nghỉ dưỡng thai và sanh nở, tránh tiếng thị phi của người đời. Dòng nữ tu này chuyên làm việc phước thiện, chăm sóc một viện nuôi trẻ mồ côi nằm kế bên nhà dòng. Sau khi Minh chào đời, dì Tư quyết định giao bạn cho ông bà ngoại nuôi và dì ở lại nhà dòng góp một tay lo cho trẻ mồ côi hầu chuộc lại lỗi lầm của mình. Riêng phần bác Hai thì lúc ấy bác rất khổ sở, không biết ông bà hội đồng đưa dì Tư đi đâu. Bác dọ hỏi láng giềng của ông bà và ai cũng nói rằng dì đi tu sơ. Cho đến khi bác thấy trong nhà ông bà hội đồng có một trẻ sơ sinh, bác mới bạo gan vào nhà hỏi thăm thì ông bà mới cho bác biết tự sự và khuyên bác nên an tâm, quên đi mọi việc. Dì Tư đã an phận với cuộc sống mới của một nữ tu, suốt đời phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Ông bà hội đồng sẽ nuôi Minh nên người như chính con đẻ của mình.
Bác Năm kể chuyện tình của bác cho tôi nghe, giọng nói của bác thật buồn, nặng trĩu tình cảm và chứa đầy hối tiếc. Bác nói rằng bác yêu dì nhưng khi ấy bác nghĩ đến mình nhiều hơn, quên đi những giáo điều người yêu của mình phải tuân theo. Bác cố gắng sống với ý nghĩa của cái tên 'Công Chánh' cha mẹ đặt cho mình, bác có 'chánh trực' thật nhưng bác không có 'công bằng'. Đó là một lỗi lầm bác phải gánh chịu, không thể công khai nhìn nhận đứa con thân yêu của mình vì ngay từ lúc ấy bác đã ngộ ra, đã biết trọng danh dự của người mình yêu.
Vào cuối năm ấy, lo xong mùa gặt tôi xin được giấy phép đi quận Tân Thành, tỉnh Gò Công thăm một người cô đang lâm trọng bệnh nhưng thật ra là để gặp lại Hương, người yêu của mình. Và, bất ngờ thay, Tín, một người bạn học cũ của tôi ở trường Văn Khoa và cũng là người anh ruột của Hương, vừa đóng xong một chiếc ghe, bề ngoài là để làm ăn nghề đánh cá nhưng thật ra mục đích chánh là dò đường đi nước bước, tìm cơ hội đưa gia đình vượt biên. Hiểu rõ tình cảm giữa tôi và Hương, Tín thật tình tiết lộ bí mật và rủ tôi tham gia. Tôi trở về tỉnh nhà, xin phép cha mẹ, tốn hết mấy chỉ vàng, chạy chọt xin giấy chuyển 'hộ khẩu'. Khoảng một tháng sau, tôi được giấy phép và quyết định đi ngay, sợ mọi trục trặc có thể xảy ra, làm mất cơ hội thoát thân, lỡ cả duyên lẫn phận của mình. Trước khi đi Gò Công, tôi đến thăm và giã từ gia đình anh Tiến, một người bạn vong niên học cùng trường nội trú. Lúc ấy, anh đang ở tù 'cải tạo'. Sau đó, tôi ghé nhà bác Hai, không ngần ngại nói cho bác nghe ý định vượt biên của mình. Bác chúc tôi may mắn, được Ơn Trên phù độ thuận buồm xuôi gió đến xứ sở tự do. Tôi cám ơn bác và hứa rằng, nếu tôi sống sót, được định cư ở Mỹ tôi sẽ cố gắng tìm Minh, nói cho bạn biết sự thật để bạn liên lạc, giúp đỡ bác. Nghe tôi nói đến đó, bác Hai lắc đầu, xin tôi hứa với bác rằng tôi sẽ luôn giữ kín chuyện tình của bác. Bác tâm sự rằng mọi sự đã an bày, hiện nay Minh có một đời sống an lành, hạnh phúc là bác vui, bác đội ơn Trời Phật chứ bác không mong muốn gì hơn. Nay mai bác sẽ trở về quê cũ ở Bến Tre, vào chùa ở làm công quả vì chính quyền đã ra lệnh phòng hiến thuốc Nam của bác phải gia nhập hợp tác xã do nhà nước quản lý hoặc phải đóng cửa vì không thể hoạt động ngoài vòng kiểm soát của nhà nước nữa. Hôm ấy, tôi hứa với bác nhưng trong lòng tôi cầu xin Chúa ban ơn cho bác Hai, dì Tư và bạn Minh có ngày gặp lại bên nhau dưới một mái ấm gia đình.
Gần hai năm sau, nhờ lòng thương xót của Chúa và sự chở che của Đức Mẹ, chúng tôi vượt biên đến đảo Pulau Bidong bình yên vô sự. Chúng tôi ở trại tỵ nạn này đến tháng Chín năm 1979 mới được phép định cư ở Minnesota, một tiểu bang miền Bắc của xứ Mỹ. Sau nhiều năm hỏi thăm, tìm kiếm tôi được tin của bạn Minh từ Nam Cali. Từ đó, vài năm một lần tôi đưa gia đình đi Cali nghỉ hè, hưởng chút hương vị quê nhà Việt Nam ở Tiểu Sài Gòn và gặp lại bạn Minh, nhất là sau khi bạn Hùng và gia đình được định cư, cũng ở Nam Cali qua chương trình HO. Nhớ lời căn dặn của bác Hai tôi luôn giữ kín trong lòng chuyện tình của bác và mỗi khi gặp hai bạn tôi chỉ nhắc lại những kỷ niệm xưa của bác với chúng tôi mà thôi.
Một hôm, tôi gọi điện thoại cho Minh nhưng không được bạn trả lời. Gởi điện thư nhưng bạn vẫn im lặng. Gọi vài lần, gởi vài điện thư nữa cũng không gặp Minh nên tôi nhờ bạn Hùng đến tận nhà hỏi thăm thì được biết Minh cùng vợ con về Việt Nam thọ tang bà ngoại của bạn. Vì ở xa nên tôi chỉ biết xin lễ, cầu nguyện cho linh hồn bà và gởi thiệp chia buồn cùng Minh và gia đình mà thôi. Hai tuần lễ sau, Minh gọi điện thoại, cám ơn tôi và kể cho tôi nghe diễn tiến đám tang của bà ngoại bạn ở quê nhà và bạn đã gặp lại những ai đến viếng tang, trong số có thầy Hai Chanh. Khi Minh nhắc đến bác Hai, tôi nghe giọng nói của bạn có chút ngập ngừng nhưng tôi vội vàng bỏ ngoài tai, không hỏi bạn gì thêm. Tôi nghĩ vì mình biết chuyện xưa nên đầu óc thiên vị, suy bụng ta ra bụng người chứ có lẽ nào bác Hai đã nói cho Minh nghe sự thật.
Minh và tôi thường xuyên liên lạc bằng điện thoại và điện thư như thường lệ cho đến mùa hè năm sau bạn gọi, hỏi chúng tôi có định làm một chuyến du lịch ở Nam Cali hay không; nếu có thì bạn đề nghị chúng tôi đến vào trung tuần tháng tám. Khi ấy bạn sẽ xin nghỉ phép để chung vui, hội ngộ cùng gia đình chúng tôi và gia đình bạn Hùng.
Thế là tháng tám năm ấy, gia đình chúng tôi đến Nam Cali. Và, khi bước vào nhà bạn Minh tôi bàng hoàng, sửng sốt khi thấy bác Hai tươi cười trong bộ áo bà ba màu nâu, lụm khụm bước tới nắm lấy tay tôi. Minh cũng không kém hạnh phúc, bạn hớn hở nói rằng đây là một ngạc nhiên đầy lý thú bạn đã sắp xếp cho tôi gặp lại bác. Tôi không biết nói gì hơn là chúc mừng bác cuối cùng đã gặp lại con cháu.
Tối hôm ấy, cơm nước xong, bác Hai cáo từ vào phòng nghỉ sớm. Trong lúc vợ con chúng tôi mở TV xem video ca nhạc, bộ ba Minh, Hùng và tôi ra ngoài vỉa hè sau nhà, ngồi khề khà bên ly rượu tương phùng. Khi ấy, tôi mới nói lời xin lỗi Minh vì bao năm nay tôi biết mọi chuyện nhưng không nói cho bạn biết. Minh vỗ vai tôi và nói:
"Mầy đừng có nói vậy, không đúng đâu, mầy đâu có lỗi gì! Ba tao đã kể cho tao nghe rằng ổng buộc mầy phải hứa với ổng rằng mầy sẽ không bao giờ tiết lộ cho ai biết chuyện tình của ổng bả mà!"
Bộ ba chúng tôi là vậy, già đầu, vợ con đùm đề rồi mà vẫn luôn 'mầy, tao' với nhau. Khi ấy, Hùng mới lên tiếng:
"Chúa Mẹ ơi! Minh, mầy làm ơn nói cho tao biết, chứ từ trưa hôm nay, từ lúc tao gặp lại thầy Hai Chanh, nghe mầy gọi thầy là ba, còn Chí, mầy gọi ổng là bác Hai, tao thắc mắc muốn bể cái đầu rồi đây!"
Minh nhìn tôi, có lẽ bạn cũng muốn tôi kể cho hai bạn nghe lý do gì, trong trường hợp nào khiến tôi biết được bác Hai là cha ruột của bạn. Tôi bèn kể ra mọi chi tiết, rằng tôi cũng có thắc mắc từ thời tiểu học, không biết cha mẹ của Minh là ai, rồi nghe thiên hạ đồn rằng ông bà đi tập kết ở ngoài Bắc. Đến lúc chúng tôi mỗi ngày đi học ngang nhà bác Hai, rồi 'quen' với bác, tôi để ý thấy bác chú ý đến Minh nhiều hơn, nhất là ánh mắt của bác khi nhìn bạn. Tôi mang cái thắc mắc này cho đến ngày ông ngoại của Minh về Nước Chúa, tôi nghe cậu Hai Danh cho biết vợ chồng Minh đã vượt thoát đến Mỹ an toàn, và sau đó tôi cho bác Hai biết tin vui của Minh thì bác mới tâm sự, tiết lộ chuyện tình của bác và dì Tư Hậu cho tôi nghe và Minh là kết quả của cuộc tình ngang trái ấy. Trước khi tôi đi vượt biên...
Tôi chưa kịp dứt lời thì Hùng nhìn Minh, lắc đầu nói:
"Ôi, ngang trái, ngang trái! Tội nghiệp quá! Tao thấy bác Hai trông cũng còn tráng kiện lắm. Còn dì Tư, năm nay dì cũng trọng tuổi lắm rồi! Dì vẫn mạnh giỏi chứ mậy?"
"Cám ơn mầy, má tao vẫn khoẻ, vẫn còn ở trong nhà dòng. Hôm tao về thọ tang bà ngoại xong, cậu Hai tao mới cho tao biết sự thật. Trước khi bà ngoại tao mất bà biểu cậu hai tao liên lạc với nhà dòng, kêu má tao về và đi tìm ba tao cho bà gặp mặt hai người trước khi bà nhắm mắt. Nhưng, ba tao đã đi về quê từ lâu, từ năm 1977, biết đâu mà tìm. Đến khi má tao về đến nhà, bà cho biết năm ấy ba tao có đến nhà dòng để từ giã bà trước khi ông về quê ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre làm công quả cho một ngôi chùa. Cậu tao lập tức mướn xe đi Giồng Trôm và may mắn thay vùng đó chỉ có hai ba ngôi chùa nên cậu tìm được ba tao. Bà ngoại tao gặp riêng ba và má tao chỉ có một ngày trước khi bà ra đi. Nói thiệt với tụi bây, khi tao nghe cậu Hai cho biết ba má ruột của tao là thầy Hai Chanh và dì Tư, tao đứng chưng hửng như bị trời trồng cho đến khi dì đưa tay, nghẹn ngào nói: 'Má đây con!' tao mới ôm dì, kêu lên tiếng: 'Má ơi!'. Khi ấy, nước mắt của tao có rơi nhưng thật ra trong lòng tao chỉ cảm thấy xúc động một chút mà thôi, kể cả lúc tao ôm thầy Hai và gọi ổng bằng ba. Chuyện xảy ra quá đột ngột và tao hoàn toàn bất ngờ vì từ hồi còn nhỏ tao cứ tưởng rằng ba má tao đi tập kết, gởi tao cho ông bà ngoại nuôi. Ngày hôm sau, tụi tao phải lên máy bay trở về Mỹ, vợ chồng tao phải đi làm còn hai đứa con thì đi học, nên không có dịp trò chuyện, tâm sự nhiều với hai ông bà."
Minh kể đến đó thì ngồi im lặng, mắt ngó mông lung. Khi ấy, trời Cali đã sụp tối, ánh trăng lưỡi liềm hiện lên, trông giống như một con thuyền bơ vơ giữa dòng sông. Nó làm cho tôi liên tưởng đến dì Tư và bác Hai. Suốt một đời phụng sự cho tha nhân, lẽ dĩ nhiên là dì Tư gần gũi với trẻ mồ côi, dì thương chúng như con ruột của mình, còn bác Hai thì ngày nào cũng hốt thuốc cho bệnh nhân, họ có khác chi là người thân của bác. Nhưng, mỗi khi nhớ đến Minh, người con mình không thể công khai gọi là con, hai ông bà có cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa dòng đời? Tôi còn đang chìm đắm trong ý nghĩ đó thì Minh mở miệng nói tiếp:
"Tao biết được sự thật nhưng phải mất hết mấy tuần lễ, sau bao đêm trằn trọc khó ngủ, nhớ lại những lần tao gặp ba má ruột của mình, tao mới cảm thấy thương hai ông bà. Hai đứa bây thử nghĩ xem, mỗi năm tao gặp má tao, gọi bà là dì Tư và ở bên bà chỉ có một tuần lễ khi bà về thăm gia đình, còn ba tao thì tụi mình đi học ngang nhà có gặp ổng và khi lớn lên thỉnh thoảng tụi mình mới ghé thăm ổng mà thôi. Sau nhiều lần ôn lại những kỷ niệm ấy tao mới nhận ra ánh mắt của hai ông bà mỗi khi nhìn tao. Nó thật là gần gủi, trìu mến, đầy thương yêu nhưng luôn đượm nét ưu buồn, vậy mà những lúc ấy tao đâu có để ý, tao chỉ thấy nó là lạ mà thôi. Sau khi từ giã hai ông bà trở về Mỹ, mỗi sáng tao rửa mặt, chải tóc, nhìn gương mặt của mình trên kiếng tao thấy đôi mắt của ba tao, sóng mũi, cái miệng của má tao và tao nhớ ông bà không thể tả được. Vì vậy, bà xã tao khuyên tao trở về Việt Nam gặp lại hai ông bà, có nhiều thời giờ bên nhau, cùng nhau tâm sự để hiểu nhau hơn và mời hai ông bà sang đây sống với con cháu, cho tụi tao có cơ hội đền bù thời gian đã mất mát..."
"Mầy vẫn có phước hơn tao, vẫn còn cha, còn mẹ." Hùng nói lên tâm sự của bạn, giọng nghe thật buồn, và bạn hỏi Minh:
"Vậy là mầy đã bảo lãnh hai bác sang đây?"
"Làm sao mà lẹ như vậy được!? Tao về Việt Nam, ở Giồng Trôm cả tuần với ba tao rồi đưa ổng lên Đà Lạt gặp má của tao, đưa hai ông bà đi đây đi đó cũng cả tuần. Ngày nào tao cũng thuyết phục hai người sang Mỹ chơi ở chơi với con cháu, tao cố gắng, kiên nhẫn lắm mới được đó. Tao mua vé cho ba tao sang đây với tính cách du lịch trước. Còn má tao thì bà nói bà đi tu, ở chung nhà với ba tao, coi sao được. Vì thế, sau khi ba tao trở về Bến Tre, má tao sẽ xin phép nhà dòng sang đây ở chơi với tụi tao vài tháng."
Nghe Minh nói vậy, tôi thở phào trong bụng, lòng thì thầm cám ơn Chúa đã nhậm lời tôi cầu xin từ hôm tôi đến từ giã bác Hai trước khi đi Gò Công tìm đường vượt biên với gia đình Hương, bà xã của tôi. Nhưng, vì Minh có nhắc đến chuyện 'tập kết', tôi bèn hỏi bạn:
"Vậy là mầy có một người dì đi tập kết. Nhưng sau ngày 30 tháng Tư 1975 tao không có thấy, đâu có nghe ai nói đến dì?"
"Tao có hỏi cậu Hai của tao về chuyện này. Ổng nói dì Ba tao đi vô bưng theo phong trào Thanh Niên Tiền Phong từ năm 1945 rồi biệt tin luôn. Ông bà ngoại tao luôn thương nhớ, mong mỏi có ngày gặp lại dì nên sau khi tao sanh ra đời, lúc làm giấy khai sanh ông bà điền tên của dì Ba là mẹ của tao thay vì tên của má tao để tránh tiếng thị phi của thiên hạ và cũng để tưởng nhớ đến dì. À, có một điều khiến tao rất thương má tao và kính nể ông bà ngoại của tao, và điều này cũng làm cho ba tao rơi nước mắt khi ổng biết được. Như tụi bây đã biết, tên họ của tao là Trần Công Minh. Đó là tên má tao đặt cho tao. Trên khai sanh của tao, ông bà ngoại tao khai tên họ người cha là Trần Công Chánh. Tụi bây biết không đó là tên thiệt của ba tao đó, ổng tên Chánh chứ không phải là Chanh đâu!"
Tôi cầm ly rượu vang, mời hai bạn nâng ly, nói lời chia vui cùng Minh được Chúa ban ơn tương phùng với cha mẹ của bạn. Trong lúc tôi cụng ly với Minh và Hùng, hình ảnh con thuyền bơ vơ giữa dòng sông tôi hình dung khi nãy bỗng dưng hiện lên trong đầu khiến tôi nhìn lên bầu trời. Ánh trăng lưỡi liềm vẫn còn đó nhưng tôi không còn thấy nó cô đơn nữa. Nó đang chiếu sáng, đứng giữa vài đám mây lãng đãng vây quanh, trông thật là đẹp.
đào anh dũng
19/1/2019
Cartagena, Colombia
Đọc bài viết của bạn DAD, tôi chợt nhớ: Ngày xưa, ông comptable Danh, có nuôi một đứa cháu,mồ côi cha,gốc dân Suối Đá. Người cháu, học THCL- TN,sau này,anh ấy đậu KS- Phú Thọ,về làm Ty Công Chánh TN.Anh này, hiện nay, ở CA. Tôi không biết,giữa anh này và anh Minh- Hùng,bà con ra sao...?
Trả lờiXóaCâu chuyện rất hay và hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóa