Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

Chuyện Rất Ngắn.....Nhưng Hay


Thôi.

 Quê mình hễ mùa mưa lại ngập. Hồi ấy, con chập chững vào lớp Một, ngày ngày vượt hai cây số đến trường. Có bữa, mưa giăng đầy trời, nước ngập đến gối. Con nhìn ra, rơm rớm. Mẹ bảo:

 -Thôi, hôm nay để mẹ cõng.

 Mẹ cắp chiếc nón lá, cõng con trên lưng vượt qua dòng nước.

 Con đậu Đại học, ra trường lấy được cô vợ giàu, thành đạt. Cuối tuần, con đưa mẹ đến siêu thị.

 -Thôi, đường ngược chiều rồi. Mẹ chịu khó tự vào. Tiền nè. Tôi có việc phải đi!

Ngày không nhiều nắng.

 Ba đi làm về mồ hôi ướt đẫm vai áo.

 Má tất bật nấu bữa cơm trưa lấm lem tro bếp.

 Tôi buông sách đứng dậy lấy cho Ba ly nước, và quay xuống bếp định phụ cho Má nấu cơm trưa, thì bị cả hai nhắc "Con lên học bài đi, ngày mai thi rồi, ôn thêm được chữ nào thì ôn con ạ, mười hai năm đèn sách, ráng nghen cưng."

 Giờ đây tôi đang làm ở một công ty lớn nhưng mỗi lần đến ngày thi Đại học là mọi kỷ niệm xưa lại ùa về, lại rơm rớm nước mắt. Nhà tôi giờ chỉ còn tôi và má, ba đã mất sau một tai nạn bất ngờ khi tôi còn là sinh viên năm nhất.

 Những ước mơ của ba mẹ, con đã thực hiện được...

 Ước mơ của con sao Ba không ở lại mà nhận Ba ơi ?

Trang viết & Cuộc đời.

 Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật “người chồng” luôn… bị chết trước vợ.

 Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: “Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại.”

 Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn.

Võ sĩ.

 Thầy dạy kèm Anh văn của tôi là hàng xóm.

 Khi thi lên đai Thái cực đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho phường bị chê. Đoạt giải nhất karaoke, lại giấu...

 Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh... Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt kiều, anh không làm thinh nữa:

- Tại sao vậy?

- Vì... em... yêu anh.

 Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống, rồi... khóc.

Tình Đầu.

 Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:

 - Ba tìm gì vậy?

 - Tìm tuổi thơ của ba.

 - Chưa tới nhà nội mà?

 - Ba tìm thời học sinh.

 - Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?

 - À, ba tìm người... ba thương.

- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?

 - Ừ, thì cũng ... thương.

 - Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.

 - Ba cũng không biết.

Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.


Màu mực cũ.

 Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang, tôi còn giữ đến tận bây giờ.

 Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…

Em@il.

 Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính, để mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.

 Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình, tôi hỏi anh có địa chỉ Em@il chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?!”

Triết lý viên kẹo.

 Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo.

 Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: "Hết kẹo rồi". Bỗng dưng bạn thấy nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa. Hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn.....

Triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn.

 Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho.

Khoe.

 Ngày xưa, khi có ai hỏi con: “Bố làm nghề gì ?” …. Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.

 Con thành đạt và lấy chồng, mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là “Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận.”

 Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố…

Tiền cứu trợ.

 Lũ. Ba nhắn lên “… Nhà ngập, con đừng về!” Mỗi ngày, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây. Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần... Con sốt ruột, nôn nóng. Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: “Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó!”

Mùa thi.

 Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:

 - Con làm bài tốt không?

Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:

 - Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.

 Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:

 - Ba con có đến không?

 Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:

 - Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.

Hai ngàn.

 Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…

 Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: “Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ.” Ba nói tiếp: “Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa.” Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

Người già.

Hồi còn trẻ, bà lăn lộn khắp các chợ ở vùng đất Nam Định, một tay nuôi năm người con để chồng yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Bà nổi tiếng cả vùng về sự sắc sảo thông minh và cả một chút tinh nhanh của những người làm nghề buôn bán. Cơ đồ nhà chồng, một tay bà gây dựng. Năm người con vắng cha mà không có ai phải thất học. Năm người là năm tấm bằng Đại học – người con cả còn được đi nước ngoài du học nữa.

 Mấy chục năm sau …

Ông mất, các con đón mẹ lên thành phố. Mấy ngày đầu, chưa quen đồ dùng mới, bà làm hỏng hết cả. Hôm nay cũng thế, bà lại làm cháy cái ấm điện mới. Người con cả gắt:

 - Mẹ đúng là lẩm cẩm, chẳng làm được việc gì ra hồn!

 Bà sững người, ánh mắt vụt rơi vào khoảng không xa vắng…
  (Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...