Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

Phở biên niên cổ sự - Ngộ Không Nguyễn Phi Hùng (Văn Việt )




Tạp văn Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Tái chín nạm giò vè, tiêu ớt rau thơm giá trụng
Sách gầu gân mỡ sụn, tương chanh nước béo hành chần
Bác giáo lõ mắt dòm tôi ra ý muốn hỏi han câu mào đầu phở bò miền Nam ở trên của ai. Dạ, xin thưa hai câu đối ấy của Thầy khóa Tư Trần Lam Giang, cũng là hương sư Hán học cùng thời với bác đấy. Chuyện là hồi nhỏ thủ vai trà đồng, thầy khóa hóng chuyện các cụ. Nghe được thân phụ là quan đốc học Hải Dương cám cảnh tuổi già hiu hắt lúc này giống như của bác giáo và tôi bây giờ, vì nó hình thù kỳ cổ như thế này đây: Trên thì móm mém nhai không vỡ, dưới lại chun choăn nhét chẳng vào.
Răng lợi bây giờ của bác và tôi cái mất cái còn, chỉ có bát phở không người lái, dăm sợi bánh chun choăn là xong tuốt. Ăn ngay nói thật với bác: Tôi là người xơi phở từ thuở còn mặc quần thủng đít, lại được ăn phở Hói ở phố Bà Triệu. Mà đến tiệm phở ông Hói đừng hòng hỏi đến chanh và tương đỏ. Nghe sao tôi hầu chuyện với bác vậy, vì từ tấm bé, theo chân bố tôi cưỡi ngựa xem hoa chứ biết khỉ gì nước béo hành chần.
Bỗng bác rọ mồm vào chuyện: “Trần” chứ chả phải là “chần”. Trần như… trần truồng. Bác già mà nhảm thật, đúng là già đầu, già tóc, già tai, chớ cái kia không già, xin lỗi bác nhá. Ừ thì như bác dạy phở có tái trần, hành trần… Nghe thủng rồi, bác gãi gãi cái trán nhẵn bóng và ngẫn ngẫn: ”Ông Hói là ai?”. Thôi thì tôi đành nhờ vả môt mảng “văn phở” của cụ Nguyễn trong Tùy bút Phở, như tên hàng phở có nền nếp của nó là tên người bán phở, trông mặt đặt tên với phở như phở Lắp, phở Sứt. Hoặc địa linh nhân kiệt của ông hàng phở là phở Đất, phở Cống. Tất cả bằng vào một chữ, nhất tự thiên kim, thưa bác.
Bác gật đầu tắp lự, phở cũng có giai thọai hay hớm ra phết nên đã lừng lững đi vào văn học phở. Với tích năm 1938-1939 có anh phở gánh ở dốc Hàng Kèn lúc nào cũng đội cái mũ phi công nên được gọi là “phở Tàu Bay”. Sau ở chợ Hậu Hiếu tại Tuyên Quang có Phở Tàu Bay, từ đó vua biết mặt chúa biết tên là thế đấy. Mà cụ Nguyễn Tuân cũng hay ở chỗ cái anh phở ngon hay không ở… cái mũ.
Theo tôi, bát phở nhiều bánh ít thịt hao tốn chữ nghĩa của thiên hạ không phải là ít. Thảng như nhắc đến hai chữ Khâm Thiên, tôi lại muốn quay quả về thập niên 40 với truyện Anh hàng phở lấy vợ cô đầu. Chuyện cô ả đào về già than thân trách phận: “Đời hồi này như một bát phở bánh trương lềnh bềnh, mỡ nguội đóng váng…”. Bác và tôi đang vật vã với cái tuổi lềnh bềnh, nào khác gì nàng kỹ nữ về già. Nên trộm nghĩ món phở một mai cũng nguội ngắt, trương phình theo năm tháng. Vì vậy tôi rị mọ với bài tạp văn Phở biên niên cổ sự này đây, bởi trong chốn làng văn xóm chữ có quá nhiều người “mở tiệm phở”, vì vậy giữa phố thị, tôi cất tiếng rao: ”Phở đây!”, thế thôi.
                                                               ***
Xin thưa với bác, viết tạp văn về phở tôi phải nhập hồn nhập vía vào văn phở qua những nhà văn tiền chiến một thời… toả khói trong văn chương cùng cái thú ăn phở. Họ đã tiêu pha hết chữ như Thạch Lam với Chả có gì ngon hơn bát phở. Nguyễn Tuân sành phở cùng nỗi nhớ của kẻ xa thổ ngơi, bản quán Trong cái nhớ nhà có cả một sự nhớ ăn phở. Vũ Bằng ví phở bò như Một chàng trai mà hào khí bốc lên vùn vụt và phở gà như Một nàng con gái thanh tân. Qua Vũ Bằng, phở có tình tự trai gái, chuyện rằng sau xa Hà Nội vài năm, thèm phở, bèn ghé tiệm phở quen mà hai vợ chồng bạn làm chủ, thấy vợ bạn đeo khăn tang, hỏi ra mới biết bạn mình đã bốn tấm dài hai tấm ngắn. Trong lúc chờ đợi lửa tắt nồi khô nước, sẵn có máu lãng đãng trong người cùng “gái đọan tang, gà mái ghẹ” nên ông đã… thở khẽ ra một câu đối phở rất tình và cũng rất… phở:
Nạc mà chi, mỡ mà chi/ Sao cứ ỡm ờ không tái giá
Câu đối trên đeo tàu há mồm vào Nam, sinh con đẻ cái ra câu đối khác giữa một bà hàng phở cũng là gái góa và một ông khách tóc muối nhiều hơn tiêu thế này đây:
Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ  “chín” rồi, đừng nói với em câu “tái” giá
Muối tiêu không đáng ngại, lão còn “gân” chán, thử nếm cùng lão miếng “gầu” dai
Bác giáo lại hành ngôn hành tỏi ông khách này khó thật: Đã… hết gân còn đòi người ta… tái giá. Dạ thưa bác: Ông khách đây là cụ Bùi Văn Bảo, là tác giả vế đối gân với gầu dai. Ngoài ra cụ còn làm thơ phở dài tới 55 câu. Trong đó có câu cũng rất… phở:
Chín, nạm, gầu, gân, sách, sụn, thêm rau
Húng quế, ngò gai, giá sống, tương tàu
Ấy là phở bò nên bác thở ra như bò thở, chỉ có vậy thôi ư! Còn “cơm hàng cháo chợ” nào chăng? Dạ thưa, từ câu đối phở thêm văn phở của Vũ Bằng: “Nước dùng nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của ớt. Thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm  của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm…”. Tới Thạch Lam: “Gánh phở ngon thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa…”. Đến Nguyễn Tuân: “Mùa  nắng  ăn  một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt lưng, thấy như  giời  quạt  cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt thắm tươi lại…”.
Qua đôi môi tái nhợt thắm tươi lại để chẳng thiếu những bà góa bán phở tươi tắn trong văn chương thiên cổ sự, thảng như cụ Nguyễn Tuân dạy rằng: “Trên phố Hàng Giày có một chỗ ăn được lắm. Còn mỗi mình nó đáng mặt phở”. Thì chém chết ấy là tiệm phở của bà goá được lắm nào đó đang sao cứ ỡm ờ không tái giá, thưa bác.
Nghe phở cũng ngon cơm ra phết, bác tiếp: còn “phở mắng cháo chửi” nào nữa?

“…Một hôm chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê trong căn phòng mịt mù khói thuốc của cà phê Nhân ở phố Cầu Gỗ vào mười hai giờ khuya, Nguyễn Tuân bỗng nhớ về những dị bản phở ông từng biết thời kháng chiến: phở vịt Bảo Hà, phở chó Cốc Lếu… “Gọi nó là phở thế chó nào được!”. Ông lầu bầu.
Tôi (Vũ Thư Hiên) gật đầu: “Bác ăn phở cá chưa?”. Ông sôi nổi hẳn lên: “Phở cá hử?”. Ông nhìn tôi, mắt nheo lại.  Tôi nói với Nguyễn Tuân bằng giọng đoan chắc rằng tôi không hề bịa. Vào những năm tôi còn là bé tí ở làng Mọc bên quê ngoại tôi, tôi đã biết một thứ phở như thế. Đêm đêm, trên những con đường làng tĩnh mịch thỉnh thoảng lại vẳng đến tiếng tắc tắc đều đều của gánh phở rong. Không rao …“Phơ…ơ…” như phở đêm Hà Nội. Gánh phở cá lầm lũi đi trong bóng tối mịt mùng, vừa đi vừa phát ra tiếng gõ đều đều vào một mảnh tre đực già, với một chai đèn dầu lạc chập chờn như ma trơi. Gọi là gánh phở nhưng nó không giống gánh phở rong Hà Nội. Thay vào thùng nước phở gò bằng tôn là cái nồi đất lớn đã dùng qua vài đời người, đen xì và bóng nhẫy, không còn dấu vết đất nung, đặt trên một cái giá bốn chân. Bên kia là một cái giá khác chứa một cái tủ nhỏ đựng bát đũa, bánh phở, gia vị, một cái thớt tí xíu, và dưới cùng là một cái chậu sành đựng nước rửa.
Tôi nghe chữ phở từ đó. Có người nói nó có xuất xứ từ chữ pot-au-feu, một món súp của Pháp. Nhưng cái tên phở cá tôi được nghe ờ một vùng quê bùn lầy nước đọng, nơi mùi pot-au-feu khó bay tới. Cái vị phở nhà quê của tôi, nó đã luồn sâu vào nỗi nhớ một vùng quê đất thịt của tôi để rồi nằm lại đó cho tới tận bây giờ. Đêm đêm, trên những con đường làng Mọc tối mù, thỉnh thoảng lại vẳng đến tiếng gõ của một gánh phở. Bà cô tôi nghe tiếng tắc tắc ban đêm, lại nhỏm dậy: “Có phải phở không đấy, cháu…”.
Nghe vào tai chui ra lỗ miệng, bác lơ mơ lỗ mỗ chả phải phở Tây, cũng chả là phở Tàu. Vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, bác cũng chả thấy ông Tàu nào gánh hàng về làng quê mình làm ăn để mà… ăn cám.

                                                               ***
Chuyện vơ năm gắp mười về gốc gác của phở với phở biên niên, cụ Tản Đà trong bài Đánh bạc viết năm 1915-1917 có đoạn: “…Đêm còn dài, thời đồng tiền trong tay, nhiều cũng chưa hẳn có, hết cũng chưa chắc không. Tất cả lúc đứng dậy ra về, còn gì mới là được. Có nhẽ đánh bạc không mong được, mà chỉ thức ăn nhục pho…”. Trong tác phẩm Nhớ và ghi về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: “…1913 trọ số 8 hàng Hài, thỉnh thoảng, tối được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu, có bát 3 xu, 5 xu…”.
Nhè tôi láo ngáo niên kỷ với niên đại, bác vấn nạn… “văn học sử” về phở.
Chuyện này lôi thôi đây, trăm sự ở bài viết “Phở Hoài cảm” của ai đấy có đoạn…
“…Cái lúc chúng tôi còn nhỏ, bà ngọai tôi cứ hay bảo: Chúng mày sướng lắm đấy, ngày nào cũng có bát phở để ăn, thời các cụ cố làm gì có phở mà dùng”. Bà ngoại tôi hay nói thế, nhưng thú thật là phở Hà Nội lúc ấy hãy còn thưa lắm, làm gì có phở hiệu, phở tiệm hay phở nhà lầu. Chúng tôi thường ăn phở gánh, phở xe kéo, một xu một bát, bằng bát cơm, chút ngò, chút tiêu và có mỗi một miếng thịt…”.
Lại bác nữa, bác lại vun chuyện: qua ông Vũ Thư Hiên (sinh năm 1940) với bà cố nghe tiếng rao phở đêm ở nhà quê. Đến tác giả “Phở Hoài cảm” với bà ngọai nói chuyện phở, mà phở chỉ 1 xu một bát thì phở có từ thời ông tằng bà tổ rồi, thời Tây đánh thành Hà Nội cũng nên. Dạ cũng đâu đó thưa bác, nhưng ấy là chuyện sau…
Trưa ngả sang chiều, từ chuyên Tây đánh thành Hà Nội, tôi vắt qua chuyện phở từ pot-au-feu của Tây cứ như thật ấy, mà lại với ông ngoại, bà cố nữa, thưa bác….
“…Từ feu của tiếng Pháp, nhà văn trẻ Ngô Tự Lập ở Hà Nội dịch từ truyện ngắn của Alain Guillemin. Theo Guillemin món phở Việt Nam là kết quả đầy sáng tạo của “thị Ba”, tình nhân của François Pierre Vidcoq, ông ngoại của Guillemin, một hạ sĩ quan hải quân thời trẻ từng sống ở Sài Gòn trong khoảng 1910-1914, khi cô phải chế biến món pot-au-feu của Pháp là món thịt bò hầm cà rốt cho ông ngoại anh ta ăn. Ông ngoại của Alain Guillemin sau đó đã trở về Normandie, để lại cho thị Ba khoản phụ cấp giải ngũ ít ỏi của mình. Với số tiền này, thị Ba trở về Hà Nội  mở một cửa hàng ăn, bán phở”.
Hơ! Khi không bác cắp nắp theo quyển Dictionnaire Annamite-Chinois-Français của Gustave Hue (1937) với định nghĩa: pot-au-feu là cháo phở ” (trang 745).chứ chả phải là phở. Vì pot-au-feu là món thịt bò hầm với khoai tây như cháo vậy.   
***
Dào, bác dạy sao tôi nghe vậy, thêm một truyền thuyết khác cùng người Tàu, cho rằng món ăn này từ phương Bắc mà ra, đơn thuần bằng vào ba chữ ngưu nhục phấn và phải đợi người Nguyễn Dư. Tình cờ ông xem được bộ tranh Oger cùng những sinh họat buôn thúng bán mẹt thời đó. Nhất là hàng quà gánh “Ngưu nhục phấn” nên ông thích quá đến nổi da gà (sic) và phóng bút viết bài về phở:
“…Theo tôi, tranh vẽ thùng nước dùng có tên “hàng nhục phấn”. Tên “ngưu nhục phấn” đã có từ năm 1943 (sic) (xem tr 8), trong văn học, tên phở được mọi người dùng.
Tấm tranh khác vẽ một hàng quà. Ai đã từng ở Hà Nội trước 1954, chắc đều nhận ra dễ dàng đây là một hàng phở gánh.
image
Tấm tranh vẽ một bên là thùng nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục, bên kia xếp những đồ cần thiết như con dao thái thịt to bản, lọ nước mắm hình dáng đặc biệt, cái xóc bánh phở bằng tre đan treo bên thành, cái liễn đựng hành, mùi. Tầng dưới là chỗ rửa bát, bên cạnh có cái giỏ đựng đũa. Con dao to bản và cái xóc bánh cho ta biết đây là một gánh phở, có thể nói rõ hơn là phở chín. Sực tắc không dùng dụng cụ này. Sực tắc nhúng, chần những lọn mì bằng cái vỉ hình tròn, đan bằng giây thép. Còn hủ tíu? Cho tới năm 1954, đường phố Hà Nội chưa biết hủ tíu. Vả lại xe hủ tíu (xe đẩy chứ không phải gánh) của Sài Gòn cũng không thái thịt heo bằng con dao to bản của hàng phở chín. Tấm tranh nhận rằng vào những năm đầu thế kỷ 20, ở ngoài Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, phở gánh do người Tàu bán…”.
Thế nhưng từ gánh ngưu nhục phấn để một sớm hai sương hóa kiếp thành gánh phở cũng có tùy theo bá quan bá tính. Qua một đỏan văn của nhà báo Lê Thiệp, một “chuyên gia” về phở, ông cho hay: Ngưu tiếng Tàu vừa có nghĩa là bò, vừa có nghĩa là trâu nên không hiểu là trâu hay bò. Nhưng “có khả năng” ngưu nhục phấn là “canh thịt trâu” với bánh bột gạo ở Vân Nam. Ông luận thêm: Một đằng là bánh bột Vân Nam, một đằng là bột cán mỏng xắt thành sợi, khác nhau xa. Đụng đến thịt bò, nhà báo chắc như bắp luộc: Nói gì thì nói, Tàu xào nấu danh bất hư truyền với thập bát môn võ nghệ, món nào cũng “hẩu lớ”, ngay cả tả pí lù. Thế nhưng trừ món thịt bò. Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật. Ở đâu có khói ở đó có một tiệm Tàu, nhưng bói bảy ngày không ra một món thịt bò nhai được, trừ bò xào. Nhà báo hỏi một đầu bếp người Việt gốc Hoa chuyện khó nhai ấy. Ông hỏa đầu quân này ngẩn ra và gãi đầu rằng: Bên Tàu trâu bò cần thiết cho việc đồng áng, trâu bò chỉ được hạ thịt khi về quê, tức về với đất.
Về với đất quê, bác dón chuyện món quê mùa “canh thịt trâu” là món “xáo trâu”. quê bác làm món này gồm: thịt trâu thái mỏng (ướp gia vị cho thấm), hành lá, hành ta (tím), tỏi, mỡ, rau răm cắt dài một đốt ngón tay, khế chua cắt ngang… Sau đó họ xáo (xào) thịt trong chảo rồi đổ ra bát riêng, bỏ khế, đảo đều rồi cho thịt, rau răm và hành, đảo cho tới lúc tỏa mùi thơm. Rồi họ chế nước vào, để lửa liu riu. Khi ăn, người quê bác lấy bún cho vào bát, gắp vài miếng thịt trâu bày trên mặt bún rồi chan nước xáo thịt vào.
Cứ theo bác, người Việt ta thuở khai thiên lập địa ấy chưa quen ăn thịt bò vì bị chê là nóng và gây nên chả mấy người mua, giá bán rất rẻ. Chính vì thế một số người bán xáo trâu mới chuyển sang bán xáo bò. Thật ra không phải vậy, thưa bác. Thịt bò thời đó khan hiếm và đắt tiền. Trước năm 1898, Tây còn không có đủ thịt bò mà ăn nói chi đến người Việt.
Vì qua nữ nhân Hà Nội theo học văn học Pháp, đã tìm tòi ra:
“…Người Pháp cho nhập bò sữa từ Normandie, bò Thụy Sỹ, bò Bretagne, tạo ra một giống bò mới, to khỏe cho nhiều thịt. Bác sĩ Yersin đã đệ thư xin chính phủ bảo hộ cho nhập bò. Năm 1898, chuyển bằng tàu thủy từ Marseille đến Ðông Dương. Ðiều đó khẳng định phở bò chỉ có đầu thế kỷ 20 vì chuyến bò nhập đầu tiên là năm 1898…”.
Tôi mang bò Normandie, Bretagne vào đây với ý đồ năm 1898 theo Tây thì Ta chưa có phở bò. Vì năm 1907, Tạp chí Ðông Dương, Georges Dumoutier viết về những món ăn phổ biến ở Bắc Kỳ, không điểm danh phở. Đến tao đọan này, bác mới nói dón là ngày hội lớn của làng, muốn mổ bò phải đem ra bàn bạc ở đình làng, vì vậy mới có câu “cãi nhau như mổ bò” là thành ngữ mới. Bác to hó thêm thành ngữ mới xuất hiện đầu thế kỷ 20 là “ngu như bò”, và bác hục hặc rằng thằng Tây, nó “xỏ lá” mình, đểu thật.
Tiếp đến, bác lây rây với “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” còn gì nữa chăng? Hơ! Bác quê kệch thật, bác nghĩ sao về chuyện một ông Tàu già bắt một mớ thịt trâu cũng già không kém quăng vào nồi, gánh qua ải Nam Quan cho người An Nam ta xơi. Ấy đấy, nào có ngon ăn như cụ Tôn Ngộ Không nhúm một nắm lông thổi phù ra ”phở” như chuyện phong thần. Với món xáo trâu nhà quê bác dạy, chả phải như xáo vịt, vì ngâm với bánh bột nổi lùng bùng, chưa ăn đã ứ lên đến tận cổ. Chém chết, chả ai rỗi hơi với chuyện ruồi bu xáo trâu hóa kiếp thành phở này kia kia nọ, thưa bác.
Bác lóng ngóng như ngóng đợi ai đấy? Ắt hẳn bác nhắc khéo tôi so bát so đũa với ông Võ Phiến chăng? Ừ, nói cho có chuyện thì ông nặng về thâm cứu cùng dân tộc tính nên đã không ngại ngùng phóng bút:
“Ta có thể chịu hưởng của Tàu về văn hóa, tập tục. Nhưng món ăn thì tuyệt đối không, mỏi mắt tìm không ra một món ăn truyền thống của Ta mà có gốc từ Tàu”.
Ông kết luận chắc như đinh đóng cột:
Tàu ăn xì dầu. Ta ăn nước mắm.
Đồng tình với xì dầu, nước mắm, thêm nhà báo Lê Thiệp:
“Việt Nam chống lại nỗ lực Hán hóa của Tàu từ nghìn năm trước, trong cái nỗ lực đối kháng bền bỉ đó có món thịt bò. Món bún bò Huế không xài xì dầu, bò lụi chẳng được coi là “phó sản” của Tàu. Ngay cả thịt kho tàu cũng vậy, ấy là chẳng phải món Tàu mà là tên xuất xứ từ con kinh có tên kinh Tàu Hũ (nguồn Bình Nguyên Lộc).
    
***
Trời đất tơm tởm tối rồi, để tôi đưa bác tới hàng phở xe bên hè phố gặp hồn ma bóng quế hai cụ  thần phở như hai bóng ma hiện về qua “văn phở” của ai đấy …
“…Ông hàng phở Nam Định vốn dĩ mặt mũi toát ra cái vẻ khinh đời khinh bạc, nhận ra người muôn năm cũ, tự tay mang ra bàn một đĩa ơt mỏng, cái vịt nước mắm, vài miếng chanh cốm xanh non. Đáp lại cái nhìn mời hàng, cụ Vũ gọi một bát tái gầu, ít bánh, nước trong và chẳng thể thiếu đĩa hành giấm. Còn cụ Nguyễn, chẳng cần phải hỏi, bao giờ ông cũng nhất bái nhất bộ với bát phở chín. Trước mặt hai cụ khách quen, như một nghệ nhân với nghệ thuật vị nhân sinh, ông thoăn thoắt lật đi lật lại miếng thịt chín trên cái thớt gỗ đã đóng mủn và nhanh tay thái.
Đúng ra ông hàng phở nhấn chứ không cắt với chiếc dao phay to bản. Thỉnh thỏang ông nhúm một tí thịt tái, trải ra rồi dùng sống dao dấn nhẹ lên làm như miếng thịt sẽ mềm ra mà phở Bắc xưa cũ gọ là phở thịt bằm. Sau khi ông nhúng bánh phở vào thùng nước sôi nghi ngút khói, dùng cái vợt hứng ru rũ những sợi bánh phở cho ráo nước. Ông bốc thịt vào bát, thuận tay ông nhởn nha nhúm bó hành lá xanh ngắt, đọt trắng tươi treo lủng lẳng ở thanh song bắc ngang thành xe, bó hành hoa xén lóang một cái là được một vốc và trải trên bát phở. Xong hai bát phở như hoàn tất một tác phẩm nghệ thuật phở, ông lừng khừng quơ hai đôi đũa trong cái giỏ tre treo ở cái cột xe, trong ấy lỏng chỏng những cái thìa nhôm nhếch nhác, đã lên nước như một món đồ cổ.
Phở cho hai cụ bày ra bát chiết yêu, miệng trên loe rộng, nhưng phần dưới thắt lại nhỏ xíu, tặc một cái là xong, một lùa đến hai lùa là nhẵn thín. Bát phở bốc khói nghi ngút, hít, nhìn, ghi nhớ và ăn, ăn mà tưởng như chưa ăn, như ăn một giấc mơ hoa. Mà như hoa thật, cụ Vũ tẩn mẩn ngắm bát phở, ra dáng như ngắm một bức tranh thủy mạc, bên trong vành sứ lấp ló một tí trắng nõn của bánh, xanh đậm của hành ta, trắng ngần của hành hoa, vài cọng rau mùi làng Láng vênh lên như những nét vẽ màu đậm nét quệt hơi quá tay, điểm một tí đỏ của ớt xắt mỏng như những nét chấm phá. Cụ nhẩn nha từng miếng thịt tái ngọt lịm, từng lát gầu mầu trắng đục, những vân vàng nhạt chạy vòng vèo trông đẹp ra phết. Mà gầu luộc đúng mức thì mỡ tiết ra gần hết, trong suốt dẻo quẹo, nhai một miếng như dính vào hết kẽ răng, cái ngầy ngậy giòn giòn của miếng gầu nhưng cái  vị béo thơm còn nguyên của một con bò đang sung sức.
Cụ Nguyễn khẽ cúi đầu xuống hít nhẹ, cái hơi khói lởn vởn nhẹ nhàng chui vào lục phủ ngũ tạng. Khó mà tả nổi cái hương thơm lạ lùng của phở, phảng phất như hoa chanh, hoa bưởi, không có gì nổi bật lên mà trộn lẫn hài hòa giữa rau mùi, gừng, hành. Như người điểm nhãn, ông mầy mò rắc chút muối tiêu, lấy cái thìa nhôm, từ từ trang trọng cụ gạn chút nước dùng trong veo và nếm… Tiếp, cụ dùng đũa lắc nhẹ những cọng bánh phở lơi ra với những thứ khác, bánh phở trong cái bát chiêt yêu bé con con ấy được thái bằng tay, dẻo mà không dai, thoang thỏang mùi thơm của hương gạo, làm bật lên cái thơm tho đậm đà quyến rũ của những lát thịt chín thái mỏng nhưng to bản, màu nâu sẫm của lát thịt chín, khác với bát phở của cụ Vũ, nổi bật lên trong bánh phở, cái nõn nà của củ hành chần, hành hoa, át hẳn những lát ớt đang giấu mặt ẩn nấp. Cụ lặng lẽ cúi đầu xuống bát phở, kính cẩn và trang nghiêm như người hành lễ, như một thiền sư đi tìm chân như trong đạo giáo vô thường của… đạo phở.
Chẳng thế mà khi cụ Nguyễn và cụ Vũ đang đắm chìm trong hương khói nhang đèn của bát phở, bỗng một người khách khác xuất hiện. Thọat nhìn, có thể biết ngay là người ăn xin. Người này dừng lại bên hàng phở xe và giữ một khỏang cách không quá xa, nhưng cũng không quá gần để làm phiền lòng hai cụ. Đang lúc cao hứng, cụ Nguyễn vui vẻ gọi ông hàng phở: “Hỏi ông ta ăn gì, bác làm cho ông ta một bát”. Ông hàng phở chưa kịp mở miệng, người ăn xin đã chắp tay: “Dạ thưa cám ơn hai cụ. Thưa con đủ rồi ạ”. Nhòm bát phở, người ăn xin tiếp: “Đứng ngược gió mà ngửi thấy mùi phở, ấy là phở trứ danh đấy thưa hai cụ”. Vừa nghe giọng nói, cụ Nguyễn giật mình suýt đánh rơi đôi đũa. Cụ nhận ra giọng nói quen quen, như thể lão ăn mày năm xưa đến xin một tách trà. Cụ Vũ thật thà hỏi: “Đã ăn lúc nào mà đủ, mà đứng ngược gió ngửi được mùi thơm thì ông quả là…”. Người ăn xin đáp: “Dạ thưa cụ nói hơi quá..” và tiếp: “Dạ thưa, con nói khí không phải, xin hai cụ xá tội cho. Như xưa kia, hai cụ là thần phở, nhưng…”. Cụ Nguyễn xong bữa, cầm đũa quẹt ngang miệng để chùi và gắt nho nhỏ: “Cái nhà anh này hay chửa, cứ nói đi, có chết thằng Tây đen nào đâu”.
Người ăn xin chậm rãi: “Như con đã thưa với hai cụ vừa rồi, trên đời không ai hiểu phở bằng hai cụ. Nhưng hai cụ có ăn mới biết ngon dở. Đó là cái mùi gây bò, cái mùi nồng nồng và gây gây một chút như điểm sương của sá sùng. Thưa hai cụ, phở mà không có sá sùng, không thảo quả thì có khác gì canh thịt trâu của người Tàu. Dạ, có phải thế không ạ. Có anh hàng phở dối khách dùng mực nướng thay cho sá sùng, chỉ lừa được kẻ thực bất tri kỳ vị. Lại có anh dùng su su để tăng thêm độ ngọt, thưa cũng chỉ qua mặt được người trần mắt thịt ăn cốt lấy no”.
Hướng về cụ Nguyễn, người ăn xin chậm rãi: “Đến chuyện chữ phở, cụ cho biết có người nói chữ ấy từ ngưu nhục phấn mà ra. Hóa ra phở có nguồn gốc Tàu hay sao? Hoàn toàn không phải thế, thưa cụ! Tỉ như cái củ gừng kia, con đọc thấy có can khương sinh khương, nhưng tuyệt nhiên chẳng tìm thấy gừng nướng. Thưa, cái củ gừng nướng, cái con sá sùng nó khẳng định là phở dứt khóat là của Ta đấy ạ”. Người ăn xin ngập ngừng: “Ấy thưa hai cụ, nước dùng của hai cụ bữa nay, đã kém một tí sá sùng, lại thêm cái củ gừng nướng hơi bị non, thưa hai cụ”.
Chắp tay xá môt cái, người ăn xin khua gậy đi về phía cuối phố.
Người thưởng trà. Người ăn phở. Thời nào chẳng có kỳ nhân, cụ Vũ, cụ Nguyễn bảo nhau thế. Ông hàng phở đưa cái đèn 60 watt tới thùng phở, săm soi lấy cái muôi vớt lên củ gừng, hóa ra quả là gừng có non thật. Trời đã sáng, hai cụ lặng lẽ rời xe phở.
Khách lục tục kéo tới, họ xuýt xoa bát phở nóng hổi trong tay, họ chẳng biết chuyện gì xảy ra trong một ngày thiên địa tù mù với củ gừng và sá sùng …”.

***
Đang định gật gù với bác thời buổi này có những bậc sư về phở thì… thì bác cũng quẳng: Con sá sùng là con tiều gì. Xin bác xá cho, bác lại hỏi khó nữa, thế nhưng cứ theo tôi ăn đong ăn vay đó là con giun biển phơi khô, có tên Việt nhập cư là “sá sùng”, do chữ “sa trùng” của Tàu mà ra. Trở lại ếch vào cua ra với những bậc sư về phở như người ăn xin trên đông như rươi, nên những bài văn phở cứ ối ra cả đấy.
Nếu so bì những món ăn khác, phở sinh sau đẻ muộn nhưng núp bóng nhà thơ, nhà văn, phở đã khật khưỡng đi vào văn học sử. Vì vậy với yên sĩ phi lý thuần, Vũ Bằng nhìn bát phở như một người tình và nhả ra văn cũng tốt thôi. Trên con đường tình ta đi, phở cũng đã len lỏi vào ngõ ngách văn học dân gian trong chuyện đời thường, như chuyện Ra đường thấy vợ nhà người, về nhà thấy cái nợ đời nhà ta mà ra. Nhiễu sự từ những người chán cơm nhà quà vợ chán như cơm nguội, để có câu “chán ăn cơm nguội thì ăn… phở. Qua chuyện sáng, trưa, chiêu tối Sáng đèo cơm đi ăn phở, trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm, chiều cơm về nhà cơm, phở về nhà phở, tối nằm với cơm, nghe thơm mùi phở. Từ đó mới nảy sinh ra nhiễu chuyện Thê bất như thiếp, thiếp bất như tì, tì bất như đạo, đạo như đạo bất đạo. Chẳng nhờn môi nói chữ, bác cũng biết thừa mứa là từ “phở” mới lòi tói ra vợ cả, vợ hai, cả hai đều là… vợ cả ấy thôi, dạ thưa bác.
Bác đúng là “cơm nhà quà vợ” thật nên chả biết phở Hà Nội từ lỗ nẻ nào chui lên? Ha! Sự cố này phải nhờ vả đến cụ Cổ Cừ đang ngồi đợi bác ở Hà Nội, ở hồi sau. Gia dĩ bác là người nhuốm mùi nho phong mực tàu giấy bản bấy lâu, nay bác giáo muốn sợi tóc chẻ làm tư ba chữ “ngưu nhục phấn”. Vì vậy tôi xin cứ ngay đơ với bác mà rằng…
Một là các nhà biên khảo hôm nay “đổ vạ” cho cụ Nguyễn Tuân quơ cào ngưu nhục phấn vào văn phở. Thực ra cụ chỉ nghe nói: Người ta bảo chữ phở là xuất xứ từ chữ ngưu nhục phấn. Nghe rồi cụ nói cho có chuyện đấy thôi. Ngay như kỳ nhân về phở như người ăn xin với con sá sùng hầu chuyện cụ Nguyễn bên xe phở: Đến chuyện chữ phở, cụ cho biết có người nói chữ ấy từ ngưu nhục phấn mà ra. Xin bác chứng giám giùm.
Hai là chuyện phở còn nhếch nhác lắm vì các nhà làm văn học “tục” lắm bác ạ, vì họ muốn dẫn dắt người đọc phở từ (ngưu) nhục phấn mà ra. Họ dẫn chứng Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1931 chữ phở được giải nghĩa là: “Phở do chữ phấn mà ra. Món đó ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò như phở xào, phở tái”.
Hơ! Sao mặt bác đực ra như ngỗng ỉa vậy? À tôi hiểu rồi. Vì bác bơ ngơ mắc chứng gì tôi đổ vấy cho họ là “tục”. Là nho gia, bác cứ mò vào Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh, trang 108: từ phấn cụ định nghĩa là “vật nghiền ra nhỏ gọi là phấn”. Theo cụ, phấn còn có nghĩa là “phân” (phân ruộng), là “cứt”. Lạy Chúa tôi, vậy tôi hỏi bác chứ… chứ bác dám gọi “phân” là phở không? Bác gọi vậy, ông cố nội ai mà dám ăn.
Lại nữa, qua tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức tên phở của ta có từ năm 1931. Thế nhưng theo một “ông nghè” nho phong sĩ khí, tên phở có từ đời tám hóanh nào rồi…
“…Xin phép nhắc lại chữ Nho và chữ Nôm bị Pháp giải thể năm 1915 ở Bắc Kỳ và 1919 ở Trung Kỳ. May mắn thay, cái từ phở  viết bằng chữ Nôm xuất hiện cuối thế kỷ 19 để chúng ta thấy rằng phở chẳng liên quan gì tới Ngưu nhục phấn với… phấn là phở. Với chữ Nôm để gọi là “phở” gồm hai chữ Hán ghép lại: “mễ” và “phả”, mễ để biểu ý, phả để biểu âm. Với hai chữ “mễ-phả” để tạo ra chữ Nôm, các cụ ta đọc là phở”.
Tiếp đến từ điển Việt-Pháp do người Hà Nội biên soạn, dịch phở là Soupe chinoise. Nữ nhân với bò Normandie dấm dẳng: “Một thời kỳ ngớ ngẩn theo Tàu vẫn chưa đủ sao?”. Bà ở Paris, nên quạu người Hà Nội với “minh triết” phở từ Tàu mà ra là… mất gốc. Thế mới hay. Mà hay hớm hơn nữa người Hà Nội còn lệ thuộc vào Tàu bằng tục ăn phở với giò cháo quẩy.
Bác rành nho táo nên biết theo tích Tàu thì dân Tàu ghét Tần Cối theo giặc nên lấy hai thỏi bột vặn xoắn vào nhau thành vợ chồng Tần Cối, bỏ vào chảo dầu sôi chiên ăn cho bõ ghét. Nhưng khổ nỗi giò cháo quảy Tàu ăn với… cháo. Khốn khổ hơn nữa, mấy ông biên khảo với tâm thức 100 năm đô hộ giặc Tây, 1.000 năm nô lệ giặc Tàu, với tâm thái vọng ngoại thâm căn cố đế, họ đội mấy ông Tây, ông Tàu lên đầu vái lấy vái để rằng, lạy thánh mớ bái mấy ông, trăm sự nhờ mấy ông mới có phở Tây, phở Tàu… Chúng tôi xin thượng hưởng.
Bởi họ không hay báo Trung Văn viết về phở  ta có tựa đề “Việt Nam phấn” cho thấy họ công nhận “phở” là món ăn Việt Nam. Về chính danh của người Khổng Khâu đất Trâu, phần nói về nguồn gốc của từ phở, họ chú thích hình ảnh tô phở là… ”Việt Nam ngưu nhục phấn” (tạm dịch phở bò Việt Nam).

***.
Nay bác và tôi cũng gặp cụ Cổ Cừ ở đây với cổ sự phở Hà Nội từ đâu mà đến? Theo cụ, năm 1928 ở Phố Mới chỉ có một hàng phở thành Nam. Bây giờ Hà thành tràn ngập phở gia truyền Nam Định, phở thành Nam ở mọi ngõ ngách, Hàng Thiếc có Cổ Cừ, Hàng Đồng có Cổ Chát, Lương Ngọc Quyến có Cổ Bình, Trương Định có Cổ Trình, Khâm Thiên có Cổ Chiêu, ngõ Tạm Thương có Cổ Hùng. Vì cách đây cả trăm năm, khi nhà máy dệt Cotonkin Nam Định được dựng lên năm 1890, những gánh phở rong vỉa hè biến thái từ gánh canh bánh đa cua. Gánh canh bánh đa sau thành bánh cuốn qua cụ Tú Mỡ: “Này bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ” từ làng Vân Cù phục vụ cho công nhân dệt thời đó. Từ gánh bánh cuốn thịt bò hoá thân thành phở bò với cụ Hồ Trọng Hiếu: Cánh thuyền thợ làm ăn vất vả / Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn.
Theo ngu ý tôi ấy là chính sử về về phở có thể khả tín được. Còn phở biên niên qua Henri Oger người Pháp chỉ ở Việt Nam hai năm 1908-1909, ông cho vẽ lại hình ảnh phở “ngưu nhục phấn” trong sách tranh: “Kỹ thuật của người An Nam”, vì vậy tạm cho là phở “ngưu nhục phấn” có mặt năm 1908. Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết về phở sớm nhất năm 1913 (xem tr 3). Lấy ngắn nuôi dài cho đời lên hương tí chút, thì năm 1918 xuất hiện phở Trưởng Ca số 24 phố Hàng Bạc từng là một quán phở sớm nổi danh ngay từ thời đầu. Tập biên niên sử “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” cho biết, đền thôn Dũng Thọ còn gọi là đền Trưởng Ca, tên một người vừa làm ông từ coi đền vừa làm nghề bán phở. “Đình phở” này bán từ 4 giờ sáng hàng ngày để “hầu phở” cho đời.
Nhưng tôi đồ là phở có khoảng năm 1890 là năm nhà máy dệt Nam Định hoạt động. Vì theo cụ Cổ Cừ bán phở từ năm 12 tuổi, dòng họ cụ bán phở gánh, gánh lên Hà Nội mở hiệu phở cũng cả bốn năm đời. Cụ kể lể làng Vân Cù ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là chính gốc của họ Cù, nhưng vì kỵ húy với ông thành hoàng nên phải đổi từ Cù qua Cồ. Cụ vun chuyện già làng chả nói cho hay ai là người nảy sinh ra nghề phở ở làng, chỉ biết rằng từ ông Cổ Hữu Vặng, vì làng đất chật người đông, nên cụ Vặng là người tiên phong mang theo cái nghề dao thớt bỏ làng nước mà thế thiên hành đạo và kẽo kẹt gánh “tiệm phở” lên Hà Thành năm 1910.
image
“Tiệm phở” được xếp gọn ở hai đầu gánh là hai thùng bằng gỗ ken, mỗi đầu là một cái chạn cao gần đến thắt lưng. Bên này là nồi nước dùng luôn sôi sục, bên kia đựng bát, đũa, thìa, thịt thà xé sẵn, bánh phở, cùng hành chẻ, rau thơm. Và chẳng thể thiếu ống đựng tiêu xay nhỏ mịn và vịt nuớc mắm. Theo Thạch Lam, khác với phở hiệu với thực đơn, phở gánh không có thịt tái, nạm mà chỉ có thịt bò chín, mỡ gầu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội xưa trụ trì ở một góc phố đều được nhớ kèm tên phố: phở phố Ga, phố Hàng Cót, phố Cửa Bắc, phố Cửa Nam… Người hàng phố lại gọi gánh phở theo đặc trưng của anh bán phở như: anh phở Trọc, anh phở Bêrê, anh phở Mũ dạ…
Trở lại phở Vân Cù, từ phở gánh sang phở xe lâu năm một thời ấy đã âm thầm trở thành những tiệm phở khang trang. Có thể nói tiệm phở Nam Định đầu tiên ở Hà Nội nằm tại phố Hàng Quạt, ngồi trên phản gỗ trải chiếu rồi qua phố Hàng Đồng mới có bàn, có ghế. Sau lan qua phố Cầu Gỗ, Cầu Giấy, như cụ Cổ Chiêm, ngoài 80 tuổi, người từng bán phở ở phố Hàng Trống từ năm 1942, cụ Cổ Viên từ năm 1954, nay 72 tuổi với đàn con cháu, ai ai cũng có bốn, hay năm mặt hàng trở lên.
Qua cách nói chuyện của cụ Cổ Cừ, cụ là người mấy đời uống nước máy Hà Nội, cởi mở nhưng chừng mực, cụ “cù không cười”… cười mà rằng:     
“Bây giờ ai chẳng biết qua cầu Đò Quan, rẽ phải 14 cây số là đến làng Giao Cù, Tây Lạc, sát với làng Nghĩa Hưng, Ninh Cơ cùng họ Cồ, họ Vũ. Tất cả bốn làng, hai họ chuyên làm bánh phở, có thể nói nơi đây là cái nôi của nghề làm bánh phở”.
Cụ phân bua, không có lửa sao có khói, gánh phở có từ đời tám kiếp nào rồi! Chả ai chịu khua môi múa mép lên một tiếng! Hỏi về “ngưu nhục phấn”, cụ cho hay:
“Theo các cụ ngày xưa kể, phở không phải xuất xứ từ người Tàu. Nó từ các gánh quà bán bánh đa cua, thịt lợn, dần dần là thịt bò để thành phở nào ai biết”.
Như để khẳng định điều đó, cụ bày hàng thêm:
“Các ông có thấy, Hà Nội từ xưa đến nay, có hàng phở nào người Trung Quốc không? Nói thật tình thì cũng có đấy, có duy nhất một tiệm của người Trung Quốc tên Nghi Xuân ở phố Mã Vũ nay là phố Hàng Quạt nối dài nhưng là… phở áp chảo”. Phở là do ta chế ra, hay du nhập từ Trung Quốc? Câu trả lời đã rõ ràng: Phở là món ăn hoàn toàn Việt Nam. Vì nếu từ Trung Quốc thì tại sao giờ này họ không có món phở?”.
Trung Quốc không có phở, còn phở Sài Gòn do ai mà có? Một nhà báo hỏi. Cụ đủng đỉnh như công múa trước cửa nhà…
“Năm 1942, ông bác của tôi là cụ Kỉnh từ làng Vân Đình, Hà Đông vào Sài Gòn  lập nghiệp. Ông bán gánh phở Bắc trên đường Lagrandière tức Gia Long cũ, tôi nhớ lúc đó mỗi bát phở chỉ có 2 xu, bát đặc biệt 3 xu. Sau đó cụ Kỉnh truyền nghề cho cụ Minh, là anh ruột tôi. Mãi đến năm 1949 mới chuyển về đường Pasteur mở xe phở, góc đường này trở thành phố phở xe”.
Xin phép bác giáo khi rày bác cho tôi len chân vào chuyện… phở Nam kỳ.
Ấy là chuyện Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng khi về bủng beo mà tôi góp nhóp được: Năm 1930 có ông Bắc kỳ nhà quê vào Nam làm phu cạo mủ cao su đồn điền Phú Riềng. Bởi gốc ruộng đồng Hà Đông nên ông nấu phở cóc nhái cho phu phen ngồi xổm như cóc nhảy xơi vì lương chỉ 3 đồng một tháng. Ấy là chưa kể bị ông Tây bắt làm việc quá giờ, năm 1933, phu cạo mủ cao su đình công. Mượn dịp này, ông chất đồ nghề lên xe ba gác cọc cạch kéo về chợ Lái Thiêu hành nghề phở. Lái Thiêu thuở xa xưa ấy bé bằng lỗ mũi, hẳn là không khá nên ông đẩy xe phở lóc cóc về Sài Gòn làm ăn… Vì vậy tôi đóan chừng ông là một trong những người khai phá ra nghề phở xe Sài Gòn. Ngay như nhà văn “Nam bộ dân tộc học” Sơn Nam cũng thừa nhận trong Địa chí sông Bé: “Nghề nấu phở bò phát sinh từ Lái Thiêu”, thưa bác giáo.
Cũng quê mùa như bác, tôi cứ nhà quê nhà quéo những chuyện vụn vặt như thế đấy, nhưng nó “hiện thực” hơn các nhà biên khảo tiêu pha chữ nghĩa hàn lâm với văn học sử về phở. Nói cho cùng, tôi chỉ hương đồng cỏ nội qua ký ức của ông Vũ Thư Hiên:
“Đêm đêm, trên những con đường làng Mọc tối mù thỉnh thoảng lại vẳng tiếng gõ của một gánh phở…”. Hay ở bài viết Phở Hoài cảm của ai đấy: “Cái lúc chúng tôi còn nhỏ, bà ngọai tôi cứ hay bảo: Chúng mày sướng lắm đấy, ngày nào cũng có bát phở để ăn, thời các cụ cố làm gì có phở mà dùng”. Tôi chỉ đồng bái quê mùa những chuyện chân chất như vậy, vì biết đâu ngẫu sự ấy chả là nhân chứng lịch sử của… phở.
Bòn mót thêm với chứng nhân Vũ Thư Hiên (ông sinh năm 1933):
“Đêm đêm, trên những con đường làng tĩnh mịch thỉnh thoảng lại văng vẳng tiếng tắc tắc đều đều của gánh phở rong (…) lầm lũi đi trong bóng tối mịt mùng, vừa đi vừa phát ra tiếng gõ đều đều vào một mảnh tre đực già, với một chai đèn dầu lạc chập chờn như ma trơi. Gánh phở rong nhà quê không có thùng nước phở gò bằng tôn như gánh phở Hà Nội mà là cái nồi đất lớn đen xì và bóng nhẫy, không còn dấu vết đất nung. Vì cái nồi đất đã dùng qua vài đời người…”. (xem tr 2)
Từ cái nồi đất nung đã được dùng qua vài ba đời người là ít, là với bát phở một xu, đớp hai bát mới no căng rốn (Tô Hoài). Thế nên với phở cổ sự, tôi cứ cơm niêu nươc lọ phở có mặt trong cõi người này đâu đó năm 1890. Của đáng tội xem chừng với thiên hạ sự chả có gì cho là một tấc tận giời cho lắm! Phải chăng thưa bác giáo?

***
Lúc này, bác bí rị với cây có gốc, người có cội thì cái tên phở ở đâu mà có…
Tôi cũng bí ngô bí khoai qua cái tên tự trên giời rớt xuống, chả là trên đường về nơi chôn nhau cắt rốn, đậu vào mắt tôi bảng hiệu “Phở cơm nguội”, tôi mài óc nghĩ không ra huống chi “cây cơm nguội” mọc bên đường. Nghĩ cho cùng, các cụ ta xưa vì rối chữ nên gọi một chữ “phở” cho đỡ rối ren ấy mà…
Thôi thì là kẻ hậu bối, bác và tôi liệu cơm gắp mắm, cứ tương bắc tương bần với tên phở các cụ đặt sao mình gọi vậy cho êm ả. Như trời chiều cô tịch này đây, với nỗi sầu vạn cổ Trên thì móm mém nhai không vỡ/ Dưới lại chun choăn nhét chẳng vào nên chỉ còn phở của các cụ ta xưa thôi, thưa bác.

Thạch trúc gia trang, 2007, 2009, 2012, 2017, 2018

1 nhận xét:

Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG

  TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...