Tác giả: Nguyễn Văn Nghệ
– Kinh Vĩnh Tế được khởi công vào năm 1819 hay 1820?
Các sách của triều Nguyễn biên soạn, không
gọi là kinh (kênh) Vĩnh Tế, nhưng gọi là “Vĩnh Tế hà” (sông Vĩnh Tế).
Kinh Vĩnh Tế được khởi công đào vào tháng 12 (chạp) năm Kỷ Mão (Gia
Long năm thứ 18). Riêng tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài
Đức ghi rõ ngày tháng: “ dĩ thập nhị nguyệt, thập ngũ nhật khởi công”
(ngày 15 tháng 12[ chạp] khởi công)(1). Các dịch giả, sau khi dịch “năm
Kỷ Mão” lại chua thêm năm dương lịch là năm 1819.
Ngày 15 tháng 12[chạp] năm Kỷ Mão (Gia Long năm thứ 18) tương ứng với
năm dương lịch là năm 1819 hay 1820? Đối chiếu lịch âm dương, ngày 15
tháng 12 năm Kỷ Mão (Gia Long năm thứ 18) là Chúa nhật ngày 30/01/1820.
Như vậy ngày 30/01/2020 kỷ niệm tròn 200 năm ngày khởi công đào kinh Vĩnh Tế.
– Tên Vĩnh Tế được đặt cho con kinh (kênh) từ lúc nào?
Theo như tác phẩm “ Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang” vào năm Giáp Thân [1824] sau khi đào sông Vĩnh Tế xong “
Nhà vua xem thấy bên bờ kinh mới đào có núi Sam y như bên bờ kinh trước
kia có núi Sập, lại xét thấy Thoại Ngọc hầu phu nhân, dòng họ Châu
Vĩnh, nhũ danh Thị Tế, vốn là người đàn bà đức độ, từng tận lực giúp
chồng trên đường công bộc, cho nên ban đặt tên kinh là Vĩnh Tế hà và tên núi ở bờ kinh là Vĩnh Tế sơn” (2). Gần đây trong tác phẩm “Nam Bộ vài nét Lịch sử- Văn hóa”,
Tiến sĩ Sử học Trần Thuận cũng trích lại nguyên văn đoạn văn trên(3).
Như vậy theo tác giả Nguyễn Văn Hầu và tác giả Trần Thuận thì tên kinh
Vĩnh Tế được lấy tên Thoại Ngọc hầu phu nhân – Châu Thị Tế (1766- 1826) –
đặt tên cho con kinh sau khi công việc đào kinh Vĩnh Tế đã hoàn tất.
Trong bài “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi kí” không thấy nhắc đến
việc lấy tên Thoại Ngọc hầu phu nhân đặt tên cho kinh mà chỉ thấy lấy
tên Thoại Ngọc hầu phu nhân đặt cho tên núi mà thôi: “ Chí thị hựu chẩn
cập thần tâm, năng thừa Quan thơ chi hóa, dĩ tề kỳ gia, nhi thần thê
Châu Thị, danh Tế năng hóa Châu nam chi đức dĩ nội húc kỳ phu, mi cổ chi
thầm hữu thiểu trợ yên. toại dĩ nhơn danh tứ sơn danh, vi Vĩnh Tế Sơn”(
Đến nay hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí,
lại hạ cố tới vợ thần là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ
giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng chân thành bền chặt, có
chút công lao, nên xuống lịnh ban tên cho núi Sam là núi Vĩnh Tế).
Hai tác giả trên đã “nghi ngờ” một đoạn dụ chép trong Quốc triều
chánh biên toát yếu vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 3 [1822] : “Đường
sông Vĩnh Tế liền với tân cương, xe thuyền qua lại đều là tiện lợi. Đức
Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng đế ta mưu sâu, tính xa, chú ý việc ngoài
biên. Công việc đào kinh mới bắt đầu chưa xong. Nay ta theo chí Tiên
hoàng, cố nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài về
sau”(4).
Cụm từ “đường sông Vĩnh Tế” trong bài dụ của vua Minh Mạng vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 3 được tác giả Nguyễn Văn Hầu chú thích: “ Chữ Vĩnh Tế dùng ở đây không đúng, vì lúc bấy giờ kinh còn đang đào, chưa tứ danh Vĩnh Tế. Có lẽ sử thần sau này chép lại đã không chú ý đến thời gian tính trong lời nói của nhà vua”(5)
Tiến sĩ Sử học Trần Thuận cũng chú thích cụm từ ấy: “Lúc này kinh chưa được ban tên Vĩnh Tế, có thể dịch giả Quốc triều chánh biên toát yếu không chú ý khi chép tên kinh”(6)
Thông tin về “Kênh Vĩnh Tế” trên Wikipedia tiếng Việt đã chú thích
câu: “ Tháng 9, (cho) đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông
Vĩnh Tế” trong sách Quốc triều sử toát yếu, phần chánh biên như sau :
“Lẽ ra phải viết là “sau gọi là sông (kênh) Vĩnh Tế” mới đúng, vì lúc ấy
kênh chưa đào và chưa được tứ danh. Có lẽ sử thần khi chép lại đã không
chú ý đến thời gian tính trong lời nói của nhà vua (giải thích theo
Nguyễn Văn Hầu, tr 193)”
Theo như hai tác giả trên cũng như thông tin trên Wikipedia tiếng
Việt thì tên Vĩnh Tế được “tứ danh” khi kinh được đào xong, chứ trước đó
chưa có tên Vĩnh Tế .
Vậy xin đặt câu hỏi: Trong thời gian đang đào kinh gọi là đào kinh gì?
Kinh Châu Đốc – Hà Tiên như tác giả Trần Thuận gọi chăng?(7).Đại Nam
thực lục ghi vào tháng 9 năm Kỷ Mão [1819] “ Vét đào đường sông Châu Đốc
thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế”(8). Đại Nam nhất thống chí
ghi: “ Năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 [1819] đo thẳng từ hào sâu phía hữu
đồn Châu Đốc về phía tây, qua Vàm Nao, Ca Âm đến Cây Kè thành 205 dặm
rưỡi, cho tên là sông Vĩnh Tế”(9).
Tuy sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chánh
biên toát yếu mới được cho in ấn vào thời vua Thiệu Trị, Tự Đức… nhưng
khi cho in Quốc sử quán cũng phải dựa vào các văn bản cũ mà tổng hợp
lại chứ không phải “ có lẽ sử thần” hoặc “có thể dịch giả” hoặc “lẽ ra”
như suy nghĩ một cách võ đoán như tác giả Nguyễn Văn Hầu và Trần Thuận.
Tháng 2 năm Canh Thìn[1820] “đặt trạm đường thủy sông Vĩnh Tế” (10).
Tên Vĩnh Tế đã đặt ngay khi có dự án đào kinh, nên vào năm 1820 mới có
sự kiện “đặt trạm đường thủy sông Vĩnh Tế”
Tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức dâng lên vua
Minh Mạng vào tháng 5 năm Canh Thìn [1820], trước khi đào xong kinh Vĩnh
Tế 4 năm, ghi :“ Vĩnh Tế hà tại Châu Đốc đồn chi tây. Gia Long thập bát
niên , Kỷ Mão trực độ Châu Đốc đồn hữu hậu hào nhi tây, kinh Ca Âm náo
khẩu chí Kỳ Thọ (tục danh Cây Kè),trường tứ vạn tứ thiên tứ bách thập
nhị tầm, thành nhị bách ngũ lí bán. Mệnh danh Vĩnh Tế hà” (Sông
Vĩnh Tế ở về phía tây đồn Châu Đốc. Năm Kỷ Mão [1819] niên hiệu Gia
long thứ 18, đo thẳng từ hào sau phía phải đồn Châu Đốc lên phía tây,
qua láng bùn Ca Âm đến Kỳ Thọ (tục gọi là Cây Kè),dài 44.412 tầm thành
ra 205 dặm rưỡi. Đặt tên là sông Vĩnh Tế)(11)
Ngày 24 tháng giêng năm Giáp Thân (1824) trong tờ tấu của Phó Tổng
trấn Gia Định thành Trần Văn Năng, có ghi thượng dụ: “Việc đào đường
sông Vĩnh Tế liên quan đến kế sách của nhà nước. Vậy thì công việc đào
sông và công việc xây đắp thành việc nào khẩn cấp hơn. Hai việc cùng
tiến hành, sức lực cần nhiều ắt dẫn đến khó khăn”(12). Do đó đã hoãn
việc xây thành để dồn sức lực cho việc đào kinh
Sau ba đợt thi công, đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) “Việc đào sông
Vĩnh Tế xong. Vua nói rằng: “Đào con sông ấy để trọn công trước, thực là
lợi ức muôn năm vô cùng về sau”. Bèn sai hữu ty dựng bia để ghi” (13)
Như vậy qua các sử liệu trên, khi bắt đầu khởi sự đào kinh thì con kinh được “ cho tên là sông Vĩnh Tế” chứ
không phải đợi đến khi con kinh được đào xong! Ý nghĩa hai chữ Vĩnh Tế
được gói gọn trong bài chiếu dụ dân trấn Vĩnh Thanh của vua Gia Long
khi khởi sự đào kinh: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách
của Nhà nước mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi
nay khó nhọc mà thực có lợi muôn đời. vậy nên bảo nhau đừng sợ khó
nhọc” (14)(chữ “Vĩnh” có nghĩa là lâu, dài, mãi mãi; chữ “Tế” có nghĩa
là qua, sang; bến đò; cứu giúp).
Kinh Vĩnh Tế là con kinh hữu nghị vì do công sức của hai dân tộc Việt – Miên cùng chung sức khai thông.
————-
Chú thích:
1 – Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Nxb Tổng hợp Đồng Nai . (Phần chữ Hán không có phiên âm trang 147, phần dịch nghĩa trang 83.
2 – Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nxb Hương Sen, tr 199
3 – Trần Thuận, Nam Bộ vài nét lịch sử- văn hóa, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, TPHCM-2014,tr 187-188
4 – Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu tập 1,Nxb Thuận Hóa, Huế-1998,tr 160
5 – Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và… Sđd, tr 193
6 – Trần Thuận, Nam Bộ vài nét… Sđd ,tr 186
7 – Trần Thuận, Nam Bộ vài nét…, sđd, tr 187
8 – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr 997.
9 – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 177
10 – Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr. 44
11- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải),Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Phần chữ Hán không có phiên âm, trang 146; phần dịch nghĩa ,trang 83.
12 – Châu bản Minh Mạng tập 8, tờ số 22
luutruquocgia1.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/chau-ban-trieu-nguyen-ve-danh-tuong-tran-van-nang
13 – Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr. 351
14 – Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 997
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG
TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa