Thế giới trải qua cột mốc lịch sử với hơn 100 triệu người mắc Covid-19, tương đương 1,3% dân số toàn cầu, trong khi các biến chủng của virus corona vẫn đang lây lan mạnh mẽ.
Hơn một năm trôi qua từ khi virus lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, thế giới ghi nhận hơn 101 triệu ca mắc Covid-19 tính đến ngày 28/1, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Hơn 2,18 triệu người tử vong trên toàn cầu.
Trong thời gian này, nhiều đột biến của virus corona xuất hiện. Đúng như những gì giới khoa học dự đoán, virus tiến hóa để lây lan mạnh mẽ hơn.
Các nhà khoa học xác định virus corona có 12 biến chủng chính, theo Nikkei Asia. Trong số đó, các đột biến được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả, bất chấp nhiều loại vaccine được phát triển để chống lại đại dịch.
Virus tiếp tục đột biến vì có cơ hội
Số ca nhiễm trên toàn cầu tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2,5 tháng kể từ tháng 11/2020. Trong mùa đông kể từ tháng 11 năm ngoái, Mỹ chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp 2,4 lần. Con số này ở châu Âu là 2,3 lần, theo Nikkei Asia.
Với thêm 10 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận sau mỗi 2 tuần, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
"Càng có nhiều người bị nhiễm bệnh, càng nhiều khả năng thấy các biến chủng mới. Nếu chúng ta cho virus cơ hội, nó sẽ làm điều tồi tệ nhất", Tiến sĩ Michel Nussenzweig, nhà miễn dịch học tại Đại học Rockefeller ở New York, nhận định.
Kể từ khi xuất hiện, virus corona là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới, và họ cũng theo dõi sát sao quá trình đột biến của loại virus này.
Vì virus không thể tự nhân bản nên chúng cần xâm nhập vào tế của vật chủ (ở đây là con người) để tự tái tạo và nhân lên. Virus corona có một loại thông tin di truyền được gọi là RNA (axit ribonucleic), và sự đột biến xảy ra khi có sai sót trong quá trình sao chép thông tin di truyền này.
Theo các nhà khoa học, trung bình cứ 15 ngày virus corona sẽ đột biến một lần. Nhiều chủng đột biết sẽ tự biến mất, nhưng một số phiên bản sẽ có thể tiếp tục lây truyền từ người này sang người khác.
Theo phân loại của Nextstrain, một dự án phân tích dữ liệu di truyền của virus, thế giới đang gánh chịu 12 biến chủng chính của virus corona. Mối quan hệ giữa các biến chủng được phát hiện cho đến nay có thể được thể hiện bằng sơ đồ hình cây dưới đây.
Trong các chủng đột biến được tìm thấy ở Anh và Nam Phi, nhiều protein đột biến - những gai lồi ra trên bề mặt của virus - nằm ở vị trí khác so với bản gốc. Các gai này sẽ gắn vào protein trên bề mặt tế bào cơ thể người và tạo điều kiện cho virus xâm nhập.
Các đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm và tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc cấu trúc protein gai thay đổi trên đột biến cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số loại vaccine.
Chủng virus đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019 có tên gọi 19A, và rất nhanh sau đó nó đột biến thành chủng 19B. Cả hai chủng này cùng nhau lây lan trong quá trình Covid-19 trở thành đại dịch ở châu Á.
20A - chủng của virus corona lây lan mạnh mẽ ra khắp châu Âu vào mùa xuân năm 2020 - có nguồn gốc từ chủng 19A.
Sau đó, chủng 20B xuất hiện, đột biến từ 20A, và lan rộng từ châu Âu cho đến phần còn lại của thế giới.
20C bắt nguồn từ 20A và lan rộng ở Bắc Mỹ. Nhiều nước đã phong tỏa chặt chẽ nhưng cũng không thể hạn chế sự lây lan của chúng.
Các đợt bùng phát của chủng 20B và 20D xảy ra vào mùa hè năm 2020 ở Brazil và các khu vực khác của Nam Mỹ, cũng như một phần ở phía nam châu Phi.
Cùng khoảng thời gian này, 20E - cũng bắt nguồn từ 20A - xuất hiện ở châu Âu và 20F - có nguồn gốc từ 20B - được phát hiện tại nhiều vùng ở Australia.
Đến tháng 9/2020, 20G - bắt nguồn từ 20C - lây lan mạnh mẽ ở Mỹ.
Giai đoạn cuối năm 2020 chứng kiến sự xuất hiện một loạt các chủng đột biến.
Biến chủng được phát hiện ở Vương quốc Anh có tên gọi 20I (B117), đột biến từ 20B và lần đầu tiên được xác định vào tháng 10/2020 ở Kent.
Cho đến tháng 12/2020, một chủng mới xuất hiện được gọi là "đột biến Nam Phi". Nextstrain xác định đây là 20H, đột biến từ 20C. Tiếp đó là 20J, chủng mới xuất hiện ở Nhật Bản và một số nước khác.
Biến chủng 20I đứng sau 70% số ca nhiễm mới được ghi nhận ở Anh trong 4 tuần vừa qua. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nơi số ca nhiễm đang tăng vọt, tỷ lệ người mắc chủng 20I cũng ở mức cao.
Biến chủng 20I được tìm thấy ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đang lan rộng không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á và châu Mỹ Latin.
Biến chủng Nam Phi cũng xuất hiện tại 30 quốc gia và khu vực, với nhiều ca bệnh xuất hiện ở châu Âu và châu Phi.
Thống đốc Kentucky Andy Beshear ngày 26/1 thông báo hai trường hợp nhiễm biến chủng mới xuất hiện đầu tiên ở Anh đã được phát hiện tại bang này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng mới có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn.
Dịch này nguy hiểm thật
Trả lờiXóa