Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Chùm Chuyện Nhi Đồng Của Ogawa Mimei (1-Đêm Trăng và Kính Deo Mắt )

 Chùm truyện nhi đồng 

của Ogawa Mimei 

Nguyên tác: Ogawa Mimei 
Dịch: Nguyễn Nam Trân


Nhà văn Ôgawa Mimei trong thư phòng
Dẫn Nhập:

Bản dịch này có mục đích giới thiệu vài sáng tác tiêu biểu của Ogawa Mimei (1882-1961), cây bút lỗi lạc của văn học nhi đồng Nhật Bản tiền chiến.

Tsubota Jôji (1890-1982), người được coi như kẻ thừa kế sự nghiệp của nhà văn, trong bài bạt "Tập truyện nhi đồng của Ogawa Mimei" (Ogawa Mimei dôwashuu, 1951) đã chia 25 tác phẩm của ông in lại trong đó thành 4 thể loại:

  1. Những truyện lãng mạn, giàu chất thơ như Vầng trăng và con hải báo (Tsuki to azarashi), Con cua lớn (Ôkina kani), Hoàng hôn trên hòn đảo (Shima no kurekata no hanashi), Đêm trăng và kính đeo mắt (Tsukiyo to Megane), Cái vòng vàng (Kin no wa), Người da sạm đen về tới bến (Minato ni tsuita kuronbô).
  2. Những truyện lãng mạn và đầy màu sắc nhân bản như Ngọn nến đỏ và nàng tiên cá (Akai rôsoku to ningyo), Người lữ khách không bao giờ trở lại (Nido to tôranai tabibito), Người đen dép đỏ (Kuroi hito to akai sori), Người đàn bà-bò (Ushi onna), Con đường xe lửa bị hư hại và vầng trăng (Fushô shita senro to tsuki).
  3. Những truyện lãng mạn bắt đầu có màu sắc hiện thực, tuy vẫn nhân bản nhưng đã hàm ý phê phán xã hội như Hoa hồng dại (Nobara), Truyện về những vì sao một đêm kia (Aru yoru no hoshitachi no hanashi), Thành phố buồn ngủ (Nemui machi), Truyện một vùng cao trước mùa tuyết đổ (Yuki kuru mae no kôgen no hanashi), Thiên sứ bằng kẹo súc-cù-là (Ame chôcô no tenshi), Hai anh em bồ câu núi (Kyôdai no yamabato), Tiếng sấm vọng từ xa (Tôku de naru kaminari), Giấc mơ người nhà nông (Hyakushô no yume).
  4. Những truyện đã thoát khỏi chủ nghĩa lãng mạn và hoàn toàn có màu sắc hiện thực như Quả cây shii (Shii no mi), Quán nước chè trên đường đèo (Tôge no chaya), Tiếng của cây kim nhỏ (Chiisai hari no oto), Cánh tay to chắc (Katai ôkina te), Mùa xuân của thếp giấy trang trí (Chiyogami no haru), Chén uống trà của lãnh chúa (Tonosama no chawan).
Năm truyện gạch dưới là các truyện tuyển chọn từ bốn thể loại nói trên để dịch lần này nhằm chứng minh diễn biến trong quá trình sáng tác của Ogawa Mimei.
ĐÊM TRĂNG VÀ KÍNH ĐEO MẮT
(TSUKIYO TO MEGANE)

Dạo ấy, trong thành phố cũng như ngoài cánh đồng, màu xanh của lá đang phủ lên khắp nơi.

Đó là một đêm trăng thanh êm ả. Có một bà lão sống ở một vùng yên tĩnh nằm xa phố xá nhưng bà chỉ có một mình và đang ngồi bên song cửa khâu vá.

Ánh sáng của ngọn đèn chiếu chung quanh bà một cách bình lặng. Giờ đây tuổi đã cao nên mắt yếu, bà không còn luồn chỉ vào trôn kim một cách dễ dàng nữa, bao lần phải ghé mắt sát bên ngọn đèn để nhìn cho kỹ khi đưa những đầu ngón tay nhăn nheo lên se sợi chỉ.

Ánh trăng chiếu một màu xanh nhàn nhạt lên trên cảnh vật. Những khóm cây, mái nhà, ngọn đồi đều như chìm trong một làn nước ấm áp. Cứ như thế, bà lão vừa làm việc, vừa mơ màng nhớ lại thời son trẻ của mình vừa nghĩ đến họ hàng thân thích cũng như đứa cháu gọi bằng bà nay đang sống ở một miền xa.

Chung quanh bà, mọi vật đều yên tĩnh, chỉ có âm thanh tích tắc tích tắc đều đặn của chiếc đồng hồ báo thức đặt trên mặt kệ. Đôi khi, từ những con đường tấp nập trong thành phố vọng lại âm thanh như tiếng ai rao hàng hay tiếng xe lửa chạy xình xịch...

Giờ đây bà lão đang ngồi một cách bình thản như người trong chiêm bao, đầu óc lờ mờ không thể nhớ ra mình đang sống ở đâu và đang làm gì.

Thì vừa lúc đó, ngoài cánh cửa có tiếng gõ lộc cộc. Bà lão, tai đã lãng, mới lắng nghe xem tiếng động ấy đến từ đâu. Giờ này làm gì có ai đến thăm nhỉ? Chắc chỉ là tiếng gió mà thôi vì gió đâu có nhà, cứ thế mà băng qua đồng rộng, băng qua thành phố.

Bà nghĩ đến đấy thì lần này, ngay bên dưới cánh cửa sổ, lại có tiếng chân người nhẹ nhàng. Khác với mọi lần, bà lão chăm chú xem có ai không. Bỗng có tiếng gọi:

-Cụ ơi, cụ à!

Lúc đầu, bà lão ngỡ mình đã nghe lầm.Thế rồi, khi nghe tiếng ấy thêm lần nữa, bà mới ngưng tay làm việc.

-Cụ ơi! Mở cửa sổ hộ cho.

Bà lão mới nghĩ rằng phải có ai đó đang gọi nên đứng dậy và mở cánh cửa sổ.

Bên ngoài ánh sáng trắng xanh của vầng trăng chiếu lên như giữa ban ngày.

Bên dưới cánh cửa sổ có một người đàn ông dáng dấp nhỏ bé đang đứng. Người đó đang ngẩng đầu lên, mắt đeo kính đen và có râu.Bà lão mới hỏi:

-Tôi không quen ông. Thế ông là ai vậy?

Bà lão nhìn khuôn mặt của người đàn ông không quen biết và thầm nghĩ có thể ông ta đi lầm nhà cũng nên. Người đàn ông mới giải thích:

-Thưa cụ, tôi là người bán kính rong, có mang theo đây đủ loại kính.Tuy mới đến thành phố này lần đầu nhưng thấy nơi đây thực là xinh xắn. Đêm nay, thấy trăng lại đẹp nữa nên mới đi một vòng để bán kính đấy ạ.

Bà lão thấy mình mới đây gặp phải khó khăn vì mắt đã mờ nên không luồn được chỉ cho đúng lỗ kim nên mới hỏi thăm:

-Thế thì ông có cái kính nào hợp với mắt tôi, giúp tôi nhìn cho rõ hay không?

Người đàn ông bèn mở nắp cái hộp lớn đeo trên tay và tìm trong đó một cặp kính hợp với đòi hỏi của bà lão.Cuối cùng ông ta lấy ra một cắp kính lớn gọng đồi mồi và trao cho bà lão, lúc ấy đang thò mặt qua cửa sổ. Người đàn ông nói:

-Với cặp mặt kính này, tôi xin bảo đảm là cụ nhìn cái gì cũng rõ.

Mặt đất bên dưới cánh cửa sổ nơi người đàn ông đang đứng, hoa cỏ đủ màu từ trắng, hồng cho đến xanh đang đua nở, hương thơm ngào ngạt, như tắm mình dưới ánh sáng của vầng trăng.

Bà lão bèn đeo thử đôi kính vào.Thế rồi bà thử nhìn những con số trên mặt đồng hồ báo thức và những giòng chữ in trên cuốn lịch và thấy rằng tất cả đều rõ mồn một. Nó làm cho bà tưởng chừng rằng mắt mình thấy rõ ràng như thể hồi còn là một thiếu nữ nghĩa là mấy mươi năm về trước.

Bà lão hết sức mừng rỡ.

-Được lắm, ông cho tôi xin cặp kính này.

Nói xong bà bèn mua ngay cặp kính ấy.

Sau khi bà lão đã trả tiền, người đàn ông mang kính đen và có bộ râu kia bèn bỏ đi mất. Khi người đàn ông đã khuất dạng, trong bầu không khí của đêm thanh, chỉ còn đám cỏ hoa vẫn tỏa hương như trước.

Bà lão đóng cánh cửa sổ lại, trở về ngồi ở chỗ cũ và lần này bà đã luồn được sợi chỉ vào lỗ kim một cách dễ dàng.Bà lão hết mang kính vào rồi gỡ kính ra chẳng khác nào một đứa trẻ con trước một món vật lạ, cứ thử tới thử lui. Thêm một điều nữa là xưa nay bà chưa từng đeo mắt kính bao giờ nay bất chợt đeo lên nên mọi vật chung quanh đều đổi khác.

Lâu lâu, bà lão lại tháo cặp kính đang đeo ra. Bà đặt nó lên trên kệ bên cạnh cái đồng hồ báo thức. Nghĩ rằng trời đã khuya rồi phải đi ngả lưng nên mới thu dọn công việc đang làm.

Lúc ấy, bên ngoài cánh cửa, chợt có tiếng đập cửa của một ai đó. Bà lão lại lắng tai nghe.

-Đêm nay sao lạ thật. Có người nào nữa đây nhỉ? Khuya khoắt như thế này ...

Bà lão kêu lên như thế và nhìn kim đồng hồ. Bên ngoài tuy trăng kia vẫn tỏ nhưng giờ giấc thì phải khuya lắm.

Bà lão đứng dậy và tiến đến chỗ cửa ra vào. Bà nghe có tiếng gõ tốc tốc nhẹ nhàng và dễ thương vào cửa của một bàn tay bé nhỏ nào đó.

Bà nhủ thầm "Đến chi vào lúc khuya khoắt như thế này..." và mở cửa xem có ai. Thì bỗng thấy một cô bé xinh xắn, khoảng 12, 13 tuổi, đang đứng đó mà đôi mắt lại rưng rưng. Bà lão nghi ngại đặt câu hỏi:

-Tôi không biết cháu là con nhà ai nhưng sao giữa đêm hôm thế này lại tìm đến đây vậy?

Cô gái trẻ xinh đẹp với mái tóc buông lơi mới trả lời:

-Thưa bà, cháu là người làm công cho một xưởng chế nước hoa trong thành phố. Mỗi ngày cháu phải lấy tinh dầu từ những đóa hoa trắng và cho vào bình. Vì thế, mỗi đêm, cháu đều về nhà muộn. Hôm nay đi làm ra, nhân thấy trăng đẹp quá nên cứ lửng thửng dạo chơi, bất đồ vấp phải hòn đá nên ngón tay bị thương. Cháu đau quá, đau đến nỗi nhịn không được nữa. Máu chảy mãi không thấy cầm. Đi đến nhà nào họ đều đóng cửa đi ngủ cả rồi. Nhân qua đây mới thấy là bà hãy còn thức. Cháu biết bà là người hiền hậu, dịu dàng và hay giúp đỡ cho nên mới dám vô phép gõ cửa nhà bà.

Bà lão đã có cảm tưởng như cả người cô bé như được ướp trong mùi thơm của nước hoa nhưng lúc đang nghe câu chuyện thì thấy làn hương ấy như bừng lên xông vào mũi mình.

Bà lão mới đặt câu hỏi:

-Ra là cháu từng biết tôi rồi?

Cô gái bèn đáp:

-Cháu đã nhiều lượt đi ngang qua nhà và thấy bà đang khâu vá cạnh cửa sổ nên mới biết về bà đấy!

-Ôi chao, cháu ngoan quá. Này, đưa cho tôi xem ngón tay cháu bị thương đi nào. Tôi sẽ kiếm thuốc xức cho.

Bà lão nói như vậy xong bèn đưa cô bé đến bên cạnh ngọn đèn dầu. Cô bé bèn chìa ngón tay xinh xắn cho bà lão xem. Máu chảy đỏ ướt cả làn da trắng trẻo.

-Ô, tội nghiệp chưa! Vấp phải đá xước cả da rồi nhỉ?

Bà lão thầm thì trong miệng nhưng vì mắt đã mờ nên không biết máu đã ứa ra từ chỗ nào.

-Cặp kính hồi nãy nằm đâu vậy, ta?

Bà lão tìm trên cái kệ. Thấy nó nằm bên cạnh cái đồng hồ báo thức nên vội vàng đeo nó lên và định xem xét viết thương của thiếu nữ.

Có kính rồi, bà lão mới định nhìn cho kỹ khuôn mặt của thiếu nữ xinh đẹp hàng ngày vẫn đi ngang trước nhà mình. Thế nhưng lúc ấy, bà không khỏi kinh ngạc bởi vì trước mặt bà không phải là một cô con gái nhưng là một cánh bướm non. Bà chợt nhớ lại câu chuyện ngày xưa kể rằng vào một đêm trăng thanh như hôm nay, có con bướm hóa thân thành thiếu nữ và đến viếng ngôi nhà nào hãy còn thức giấc giữa đêm khuya. Và con bướm nhỏ ấy cũng bị thương ở chân.

-Này cháu ngoan, vào trong này với bà nào!.

Bà lão dịu dàng nói với thiếu nữ như vậy. Thế rồi bà đứng dậy, tiến về cánh cửa sau mở ra một khu vườn hoa và đi vòng vòng bên trong. Thiếu nữ cứ lẳng lặng bước đằng sau bà lão.

Trong vườn, đủ loại đủ giống hoa đang thời nởrộ. Ban ngày, bướm ong tụ tập bên nhau, ồn ào náo nhiệt. Thế nhưng giờ đây, chúng đều ngủ yên dưới đám lá và thấy như đang nằm mộng. Tất cả hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ có ánh sáng xanh bạc tựa nước của vầng trăng là đang chảy tràn trề. Trên hàng rào đằng kia, những đóa hoa hồng bạch nở xum xuê, chen lấn nhau, trông như một đống tuyết.

-Con bé kia nó đi đâu rồi nhỉ?

Bà lão chợt đứng khựng lại và ngoáy đầu nhìn. Không biết tự lúc nào, cô con gái đang đi theo bà đã biến mất mà bà không nghe được một tiếng chân bước. Chẳng còn thấy hình bóng cô ta đâu nữa.

-Thôi, tất cả hãy ngủ yên đi nhé. Còn bà, bà cũng phải đi nằm đây.

Bà lão nói như vậy rồi đi vào trong nhà.

Đêm hôm ấy thật là một đêm trăng đẹp.



1 nhận xét:

ThaiLy: PHƯỢNG XƯA (T.Vấn và Bạn Hửu )

                        Cung Đàn Mùa Hạ – Tranh: CAO HOÀI TRÍ (Nguồn: www.ninh-hoa.com)   Râm ran đâu đó không phải tiếng ve mà lại là nhữ...