Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Chùm Chuyện Nhi Đồng Của Ogawa Mimei (2 - Ngọn Nến Đỏ và Nàng Tiên Cá )

 


NGỌN NẾN ĐỎ VÀ NÀNG TIÊN CÁ
(AKAI RÔSOKU TO NINGYO)

Một

Những nàng tiên cá không chỉ sống ở vùng biển Nam. Các nàng còn ở cả trên Bắc Hải.

Biển miền Bắc màu xanh lá cây. Đôi khi có một nàng tiên cá leo lên ngồi nghỉ trên kè đá và đưa mắt ngắm phong cảnh.

Ánh trăng lọt qua khe những chòm mây buồn bã chiếu lên trên mặt sóng. Nhìn chung quanh nàng chỉ thấy nơi đâu cũng là một vùng sóng vỗ mênh mang.

Nàng tiên cá nghĩ thầm ôi chao cảnh sắc ở đây sao mà buồn thảm quá. Nàng thấy thân thể của mình nào có khác chi con người. Tuy sống với cá ở dưới đáy biển sâu nhưng nếu đem so sánh với bầy cá và những những loài thú vật tính tình thô bạo thì có lẽ tâm hồn và thân thể của mình phải gần gũi với loài người hơn. Vậy mà không biểu vì cớ gì mình cứ phải sống với lũ cá và các loài thú ở một nơi lạnh lẽo, tối tăm và hoang vắng ngay giữa lòng biển cả như thế này.

Qua những năm tháng dài dằng dặc, nàng tiên cá không có lấy một người bạn để mà trò chuyện và bao giờ cũng mơ về một mặt biển đầy ánh sáng. Khi nghĩ đến cuộc sống mình đã trải qua cho đến bây giờ, nàng buồn không biết để đâu cho hết. Rồi vào những đêm có trăng, thế nào nàng cũng trồi lên mặt nước, đến nghỉ trên ghềnh đá và thường thả hồn chìm vào mộng tưởng.

-Nơi con người sinh sống, chắc phố phường đẹp lắm. Mình nghe nói loài người có nhân tính nên lòng dạ dễ thương hơn loài cá và các giống thú. Nàng tiên cá nghĩ rằng nhân ngư như chúng mình tuy sống với lũ cá và các giống thú nhưng lại gần gũi với loài người hơn nên có lẽ sẽ chung đụng được với con người.

Nàng tiên cá ấy lại là một người đàn bà đang mang thai...Nàng nghĩ bọn chúng mình đã sống biết bao năm dài ở miền biển Bắc xanh tối, lạnh lẽo và buồn bã, không có lấy một người trò chuyện nên luôn mơ ước có ngày nào đến một đất nước sáng sủa và nhộn nhịp. Ít nhất, mình không muốn cho đứa trẻ sắp chào đời sau này phải sống buồn khổ và chẳng biết trông cậy vào ai.

Tuy lúc đó phải rời xa con để sống một mình dưới biển là điều khiến nàng buồn khổ nhưng nàng lại nghĩ dù con mình ở đâu thì ở, miễn nó có cuộc đời hạnh phúc là nàng không mong mỏi gì hơn.

Mình nghe nói loài người là giống đáng yêu nhất trên đời. Hơn thế, họ không hề bắt nạt những giống vật dễ thương hay thiếu nơi nương tựa, lại nghe rằng một khi họ đã cam kết điều gì với ai, họ không bao giờ nuốt lời. May thay, mặt mày của nhân ngư chúng mình lại giống họ, hơn nữa, kể từ nửa thân người trở lên thì hoàn toàn không khác. Cứ xem việc chúng mình có thể sống chung với đám cá và thú vật thì lẽ nào không thể sống chung với loài người! Một khi được họ ra tay cứu vớt và nuôi dạy thì chắc chắn sau đó, họ sẽ không thể nào bị vứt bỏ đâu nhỉ!

Nàng tiên cá suy nghĩ như vậy.

Bề gì, nàng chỉ mong sao cho con của mình sẽ được nuôi dạy và lớn lên trong một thành phố đẹp đẽ, tươi sáng nên định lên cạn mà sinh đẻ. Nếu thế thì nàng sẽ không còn cơ hội nhìn lại mặt của đứa con mình nữa. Dù vậy, con của nàng sẽ có cơ hội gia nhập cộng đồng loài người và được sống một cuộc đời hạnh phúc.

Phía xa xa bên kia bờ nàng tiên cá nhìn thấy được hòn núi nhỏ nằm ven biển, nơi mà ánh lửa leo lét của ngôi đền Thần Đạo thấp thoáng trên mặt sóng. Một hôm, vì muốn tìm địa điểm để sinh con, nàng tiên cá đã bơi qua vùng biển lạnh lẽo và tối tăm đó để tiếp cận với đất liền.

Hai

Bên bờ biển có một thành phố nhỏ. Thành phố đó vốn nhiều hàng quán nhưng bên dưới hòn tiểu sơn nơi dựng đền thần thì chỉ có một cái quán nghèo nàn chuyên bán nến.

Gia đình trông coi quán ấy là một cặp vợ chồng già. Ông chồng là người làm nến để bà vợ đứng bán. Dân trong phố cũng như những người dân chài quanh vùng, mỗi khi đi viếng đền thần, đều ghé quán này mua nến rồi mới leo lên núi.

Trên ngọn núi, tùng mọc dày. Đền thần nằm giữa những khóm tùng. Ngày cũng như đêm, gió từ ngoài khơi thổi về, lướt qua những ngọn tùng nghe như là những tiếng gào. Thế rồi cứ vào buổi chiều, ánh lửa của những ngọn nến được thắp lên trong đền lại lay động thành những cái bóng lung linh mà người ta vẫn nhìn thấy được từ ngoài khơi xa.

Câu chuyện sau đây đã xảy ra vào một đêm nọ. Bà lão nhìn chồng và nói:

-Vợ chồng mình sinh sống được cho đến ngày hôm nay cũng là nhờ thần linh. Nếu như không có ngôi đền trên núi thì ai đi mua nến của mình. Chúng mình phải xem đó như là ơn phước các ngài ban cho. Do đó, tôi nghĩ rằng mình phải lên đền đi lễ một lần mới được.

Ông lão mới trả lời:

-Bà mầy nói đúng. Phần tôi, không ngày nào mà tôi không nghĩ về điều đó và vẫn cảm tạ thần linh. Chỉ vì bận bịu công này việc nọ mà chưa có dịp lên núi lễ đền. Vậy thì thật vừa vặn. Nếu bà có lên núi đi lễ thì xin khấn hộ phần tôi nữa nhé.

Bà lão hăng hái ra khỏi nhà. Buổi tối đó trăng thập đẹp, bên ngoài sáng rõ như ban ngày. Khi đi lễ đền đã xong, bà lão bèn xuống núi thì thấy dưới tảng đá, có một đứa trẻ sơ sinh đang khóc.

-Tội nghiệp chưa! Con nhà ai bị đem vứt bỏ mà sao ai lại đi vứt ở đây. Lạ hơn nữa là nằm trên con đường ta đi thăm đền về nên mới lọt vào mắt ta. Hẳn là ta với cháu có duyên nợ chi đây. Nếu làm ngơ không cứu thì sẽ mang tội với thánh thần. Chắc là các ngài thấy vợ chồng ta hiếm muộn nên gửi gắm cho chúng ta đó chăng? Thôi để ta về bàn với ông nhà mà tìm cách nuôi nấng vậy.

Trong lòng bà lão nghĩ như thế nên bế lấy đứa trẻ mang về.

Ông lão lúc ấy đang đợi vợ. Bà lão trở về với đứa trẻ trên tay. Bà nhất nhất trình bày cho ông cớ sự xảy ra. Ông mới bảo:

-Đúng là thánh thần gửi gắm đứa bé này cho chúng ta. Nếu mình không nuôi nó kỹ lưỡng sẽ bị các ngài giáng tai họa đấy.

Thế rồi hai ông bà lão mới nuôi dưỡng đứa bé ấy. Đó là một đứa bé gái, thế nhưng thân hình nó thì phía bên dưới không phải là người mà là cá nên cả ông lẫn bà đều nghĩ rằng bé gái này đích thị là giống nhân ngư mà họ thường nghe nói đến. Ông lão thường cúi xuống nhìn đứa bé ấy và bảo:

-Con bé này không phải là con cái của loài người ...

Bà lão tiếp lời:

-Tôi cũng nghĩ như ông đấy chứ. Thế nhưng dù không thuộc giống người nhưng đứa bé gái này dễ thương và kháu khỉnh quá đi thôi, ông nhỉ?

Ông lão bèn đáp:

-Bà nói chí phải. Đâu có gì mà mình phải phân biệt. Thánh thần các ngài đã gửi gắm con bé thì chúng mình phải nuôi nấng cho thật chu đáo. Chắc chắn khi lớn lên, nó sẽ là một cô gái ngoan và thông minh cho coi.

Kể từ ngày đó, hai vợ chồng ông lão dồn hết tâm lực để nuôi dạy đứa bé. Cùng với thời gian, đứa bé ngày xưa đã trở thành một cô gái có cặp mắt đen lánh, mái tóc và làn da xinh xắn một màu hồng nhạt lại hết sức ngoan hiền.

Ba

Nay đã lớn khôn nhưng biết thân thể mình không giống người bình thường nên cô gái hay mắc cỡ, thường tránh đưa mặt ra ngoài. Tuy thế, dù chỉ mới nhìn thấy một lần, ai nấy đều ngạc nhiên về sắc đẹp và tính nết của cô. Trong số đó, có những người vì muốn xem mặt nên thường lấy cớ mua nến để tìm gặp.

Ông lão và bà lão mới nói:

-Con bé nhà chúng tôi nhút nhát nên không muốn đưa mặt ra trước mọi người.

Sâu trong căn nhà, ông lão ra sức làm nến không ngơi nghỉ. Còn cô con gái thì nghĩ rằng nếu mình vẻ lên đó những mẩu hình mà mình tưởng tượng ra thì thiên hạ sẽ thích lắm và nến bán chạy nên đem chuyện đó đề nghị với ông lão. Ông đáp nếu thế thì tốt lắm,con cứ thử vẽ những bức tranh mình thích lên đó xem sao.

Cô gái mới lấy đồ vẽ tô màu đỏ lên những ngọn nến trắng các mẩu hình nào lá cá, sò ốc, nào là những loại rong biển.Tuy không học từ ai nhưng cô có khiếu bẩm sinh nên vẽ rất đẹp. Khi nhìn thấy những bức ảnh trang trí đó, ông lão không khỏi ngạc nhiên. Bất cứ ai khác nhìn thấy các mẩu vẽ như thế đều mong có được những ngọn nến kia bởi vì chúng vừa chứa một sức mạnh lạ lùng và một vẻ đẹp hiếm có.

Ông lão cảm kích, bảo bà lão:

-Nhất định là đẹp. Phải là nhân ngư chứ con người làm sao vẽ được khéo như thế.

Từ sáng đến chiều trước cửa nhà, khách hàng từ người lớn đến con nít đến hỏi mua: "Bán cho tôi loại nến có vẽ tranh ấy nhá!". Rốt cuộc, loại nến có vẽ tranh được bán hết nhẳn.

Giờ đây lại có thêm một chuyện lạ lùng nữa. Không biết tự lúc nào, có tiếng đồn truyền từ miệng này qua miệng khác là nếu lấy những ngọn nến có hình vẽ đó lên cúng cho đền thần, đem thắp lên rồi dùng chỗ sáp cháy dở xoa lên người thì khi ra biển, dù có gặp ngày sóng to gió lớn đến thế nào đi nữa, thuyền bè vẫn không bị lật úp và thân mình sẽ không phải chịu những tai nạn như chết đuối.

Dân trong vùng kháo với nhau:

-Đền trên núi là đền thờ Thần Biển cơ mà! Nếu mình đem cúng cho những ngọn nến đẹp thì tất nhiên Ngài phải hài lòng chứ.

Ở cửa hàng nến, vì nến bán chạy cho nên ông lão cố gắng chế nến từ sáng đến chiều. Bên cạnh ông, cô con gái dù có đau tay cũng phải ráng nhịn để vẽ những mẩu hình trang trí màu đỏ lên trên các ngọn nến.

-Hai ông bà biết mình là giống khác loài mà vẫn đùm bọc, nuôi dưỡng. Thật không thể nào quên được công ơn ấy.

Lắm lúc cô gái cảm động trước lòng tốt của ông lão bà lão. Điều đó làm cho đôi mắt to đen láy của không khỏi ươn ướt.

Câu chuyện về họ được truyền đến tận những thôn xa. Những người làng chài hay thủy thủ thuyền viễn dương vì muốn có trong tay một ít sáp cháy dở của loại nến đó đem xoa lên người, đã cất công tìm đến. Thế rồi, sau khi mua nến xong, họ leo lên đền thần tham bái, châm những ngọn nến ấy lên để cúng. Họ đợi cho đến khi ngọn nến ngắn dần rồi đem phần còn lại mang về. Do đó, ngày cũng như đêm, trong ngôi đền thần trên núi, không lúc nào mà không thấy có lửa nến. Đặc biệt là trong đêm, từ ngoài biển, có thể nhìn thấy ánh nến chiếu như một dãy đèn rất đẹp.

-Vị thần này thật quí hóa!

Đâu đâu cũng nghe tiếng thiên hạ ca ngợi ông thần. Thế rồi, chẳng mấy chốc, danh tiếng của hòn núi đã nổi lên như sóng cồn.

Chỉ có thần thánh được tán tụng như thế chứ không một ai có lòng nghĩ đến người con gái đã cặm cụi vẽ những mẩu hình lên những ngọn nến. Tóm lại, không kẻ nào thương xót cho số phận của cô. Người con gái ấy tỏ ra mệt mỏi, vào những đêm trăng, cô thường đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, vọng về phương Bắc, nơi có mặt biển thương yêu với một màu xanh thẩm mà không ngăn được giọt lệ.

Bốn

Một lần kia, có gã thương lái (1) đến từ một xứ sở ở miền Nam. Sở dĩ hắn tìm lên phía Bắc là muốn tìm kiếm những thứ của lạ giá hời để đem về Nam bán lại.

Không hiểu gã thương lái ấy đã nghe từ ai, hoặc giả có lần bóng dáng cô gái ấy đã lọt vào mắt gã hay sao nên biết tỏng ngay rằng nàng không phải loài người mà là một nàng tiên cá rất ít ai có dịp gặp trên thế gian này. Do đó, một ngày hắn mới lén tìm đến gặp hai ông bà lão mà không để cho cô gái hay biết. Hắn chịu bỏ ra một món tiền lớn và đề nghị hai ông bà bán cô con gái ấy cho mình.

Lúc đầu, hai vợ chồng ông lão kia cho rằng cô gái là kẻ được thần thánh phó thác cho, làm sao có thể đem rao bán. Nếu như mình làm chuyện như thế, chắc chắn sẽ bị thần thánh trừng phạt. Gã thương lái bị từ chối một lần rồi hai lần như thế nhưng vẫn không sờn lòng, cứ vác mặt đến gặp họ. Hắn lại nói láo như thật:

-Xưa nay, nhân ngư vẫn là giống vật báo điềm gở. Nếu không nhanh tay vứt bỏ nó, ông bà sẽ gặp hậu hoạn đấy.

Lần này, hai ông bà lão tin theo lời gã thương lái. Hơn nữa, nhân hắn chịu trả cho một món tiền lớn, họ bị hơi đồng làm cho tối mắt nên mới ước hẹn sẽ bán cô gái nuôi cho hắn.

Gã thương lái quay về, lòng xiết bao mừng rỡ. Hắn định bụng sẽ tìm cách đến đem cô gái đi càng chóng càng tốt.

Khi cô gái biết được câu chuyện, phải biết là cô kinh ngạc đến dường nào. Một cô gái hiền lành, nhút nhát mà nay phải lìa bỏ cửa nhà để bị đưa đến một vùng nhiệt đới và xa xôi hàng mấy trăm dặm đường ở miền Nam, nơi cô chưa từng biết. Điều đó làm cho cô kinh hãi nên mới vừa khóc vừa van xin hai ông bà lão:

-Ông bà bắt con làm việc cực đến đâu con cũng xin vâng nhưng đừng bán con đi mãi tận miền Nam xa xôi kia.

Thế nhưng lòng của hai vợ chồng già lúc ấy giống như bị quỷ ám mất rồi, cho dù cô gái có nói gì đi nữa, họ cũng không để lọt vào tai.

Cô gái bèn đóng cửa nằm lỳ trong phòng, ra sức tô vẽ hình ảnh lên trên những ngọn nến. Thế nhưng hai vợ chồng già dù có thấy cảnh tượng đó cũng chẳng thương tình hay tội nghiệp gì cô cả.

Truyện xảy ra vào một đêm trăng sáng. Nàng con gái vừa ngồi nghe tiếng sóng vỗ vừa buồn khổ nghĩ đến nơi mà mình sẽ phải đến. Tiếng sóng ngoài khơi xa vọng về, đối với cô, nó giống như một lời mời gọi. Từ bên song cửa sổ, cô đưa mắt dõi nhìn ra bên ngoài. Thế nhưng không có gì ngoài một vầng trăng treo cao, chiếu trên mặt biển xanh, một màu xanh trải đến ngút ngàn.

Cô gái lại ngồi vẽ tiếp nấy bức tranh lên những ngọn nến. Thì vừa lúc đó, bên ngoài cửa bỗng có tiếng xôn xao. Đêm nay, gã thương lái kia đang sửa soạn đến đem cô đi. Hắn chở theo xe một cái chuổng thật lớn hình hộp với chấn song bằng sắt. Cái chuồng này xưa nay hắn vẫn thường dùng để giam các loại hổ, báo, sư tử.

Như thế, nàng tiên cá hiền lành này cũng bị hắn coi là một con quái vật đến từ biển cả và sẽ được xử trí cùng một kiểu với hổ, báo, sư tử. Chốc nữa đây, khi nhìn cái chuồng này, chắc hẳn cô sẽ hồn xiêu phách tán.

Nàng tiên cá không hề hay biết, đầu vẫn cắm cúi để vẽ những bức tranh lên ngọn nến. Vừa lúc đó, hai ông bà lão bước vào và ra lệnh:

-Thôi, đã đến giờ mi phải lên đường!

Thế rồi họ kéo cô ra ngoài.

Vì bị ông bà lão thôi thúc nên cô gái không vẽ được những mẫu hình mong muốn lên mấy ngọn nến còn đang cầm trên tay, thành ra cô đã phải tô tất cả đỏ choét.

Như để kỷ niệm nỗi đau thương của mình, cô đã bỏ lại nơi đó hai, ba ngọn nến hoàn toàn tô đỏ như vậy.

Năm

Buổi tối hôm đó thật êm ả. Lúc đó, ông lão bà lão đã đóng cửa đi ngủ.

Đến giữa khuya, bỗng dưng có tiếng ai gõ cửa nghe cộc cộc.Vì đã già nên họ phải lắng tai mới nghe được và tự hỏi người nào đây. Bà lão lên tiếng:

-Ai đó ạ?

Thế nhưng không một câu trả lời và vẫn có tiếng cộc cộc của ai kia tiếp tục gõ vào cánh cửa.

Bà lão bèn ngồi dậy rồi đi qua nhìn qua khe cửa. Bà thấy một người đàn bà trắng trẻo đang đứng đằng trước khung cửa.

Người đàn bà ấy đến đây là để mua nến. Bà lão vì muốn kiếm được tiền càng nhiều chút nào hay chút ấy nên không hề làm mặt khó khăn.

Bà mới lấy mấy hộp đựng nến và cho người đàn bà ấy xem. Lúc đó bà lão hết sức ngạc nhiên khi thấy mái tóc đen dài của người đàn bà kia ướt sủng nước, lóng lánh dưới ánh trăng. Người đàn bà lựa lấy những ngọn nến đỏ choét ra khỏi hộp và đôi mắt cứ nhìn vào chúng không rời. Cuối cùng, sau khi trả tiền xong xuôi, nàng ta bèn mang theo những ngọn nến đỏ ấy ra về.

Bà lão bèn ra chỗ có sáng để nhìn thì thấy số tiền kia không phải là tiền thật mà chỉ là vỏ sò vỏ ốc. Thấy mình bị lừa nên bà lão đùng đùng nổi giận, chạy ra trước nhà để tìm cho được người đàn bà kia nhưng không còn thấy bóng dáng của nàng đâu nữa.

Chuyện xảy ra đúng vào đêm hôm ấy. Bầu trời đột ngột biến dạng rồi giông bão nổi lên, một trận bão gần đây chưa từng thấy. Nó đã xảy ra chính vào lúc gã thương lái đem nhốt cô gái vào trong chuồng, chở trên thuyền để đem về cái nước ở vùng biển Nam. Con thuyền ấy vừa ra đến ngoài khơi.

Hai ông bà lão run lập cà lập cập, nói với nhau:

-Kiểu giông to gió lớn như thế này chắc không tài nào cứu được chiếc thuyền kia đâu.

Cho dù đêm đã tàn, ngoài khơi vẫn đen kịt một màu, cảnh tượng trông thật kinh hoàng. Tối qua, có không biết bao nhiêu con thuyền đã bị sóng gió đánh tan.

Điều đáng ngạc nhiên là từ đó về sau, cứ khi nào những ngọn nến đỏ được thắp lên ở ngôi đền trên núi thì cho dù mấy ngày trước đó trời có tốt bao nhiêu, giông bão sẽ tức thời nổi dậy.Thế rồi, những ngọn nến đỏ đã trở thành một thứ điềm gỡ. Hai vợ chồng ông lão bán nến cho rằng họ đã bị thần thánh trừng phạt nên từ đó bỏ nghề, không còn bán nến nữa.

Tuy vậy, không ai biết người nào đã đem những ngọn nến đỏ ấy để tiến cúng cho đền mà lâu lâu lại thấy chúng được thắp lên trên đó. Ngày xưa, người ta nghĩ rằng cứ đem những mẩu sáp cháy dở dang của những ngọn nến có tranh vẽ mà xoa lên thân mình thì khi đi biển sẽ được bình an vô sự nhưng kể từ đây, chỉ cần ai đó nhìn thấy ngọn nến đỏ thôi, nhất định kẻ ấy sẽ rước lấy tai họa và phải mất mạng trên biển.

Tin đồn như thế lập tức lan ra khắp nơi.Chẳng bao lâu sau, không còn thấy bóng ai đi lễ ngôi đền trên núi nữa. Nơi tự ngày xưa từng có thần thánh cư ngụ nay chỉ còn là cái động quỷ. Nếu thành phố không có một ngôi đền linh thiêng như thế nữa thì nó chẳng còn gì hấp dẫn hay khiến cho thiên hạ phải tiếc nuối.

Những người đi biển từ ngoài khơi nhìn lên ngọn núi nơi có ngôi đền, lòng sợ hãi. Đêm đến, trên mặt biển, dù không duyên cớ gì họ cũng bồn chồn lo lắng. Nhìn chung quanh chẳng thấy đâu là bến bờ, chỉ có những ngọn sóng cao như núi. Thế rồi những đợt sóng ấy xô vào ghềnh đá và vỡ tan thành bọt trắng. Nhất là lúc ánh trăng len qua khe hở của làn mây để chiếu lên mặt sóng, họ lại càng cảm thấy trong người khó ở.

Vào những đêm trời đất tối mịt, không một ánh sao mà lại có mưa rơi, có kẻ lại thấy những ánh nến đỏ bồng bềnh trên ngọn sóng, mỗi lúc mỗi dâng cao và lập lòe chỉa về hướng ngôi đền trên núi.

Chỉ vài năm sau, thành phố nằm dưới chân ngôi đền đã sụp đổ rồi biến mất, không để lại dấu vết.

  1. Nguyên văn là Yashi tức những kẻ diễn trò rong và bán hàng cho khách trong những ngày lễ hội.

1 nhận xét:

ThaiLy: PHƯỢNG XƯA (T.Vấn và Bạn Hửu )

                        Cung Đàn Mùa Hạ – Tranh: CAO HOÀI TRÍ (Nguồn: www.ninh-hoa.com)   Râm ran đâu đó không phải tiếng ve mà lại là nhữ...