Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 71 : MỘNG

 

                                                Dẫu mà tay có nghìn vàng,
                                    Đố ai mua được một tràng MỘNG XUÂN !

        Đó là hai câu thơ trong "Cung Oán Ngâm Khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, đoạn tả về nàng cung nữ được hưởng ân sủng của vua, nên mới ví von là "Giấc Mộng Xuân" quí giá vô cùng, dẫu cho có được nghìn vàng trong tay cũng khó mà mua cho được !

       MỘNG XUÂN chữ Nho là XUÂN MỘNG 春夢, là giấc mộng đêm xuân, là giấc mộng đẹp, ngắn ngủi và rất dễ mất đi của tuổi trẻ, có xuất xứ từ hai câu thơ của Bạch Cư Dị đời Đường :

                        來如春夢幾多時?   Lai như XUÂN MỘNG kỷ đa thì?
                        去似朝雲無覓處。   Khứ tự triêu vân vô mịch xứ.
        Có nghĩa :
                        MỘNG XUÂN ngắn ngủi bao lăm,
                        Đến đi như thể triêu vân mịt mù !

      Triêu Vân 朝雲 là Mây buổi sáng, muôn hình vạn trạng rất đẹp và cũng rất dễ mất đi trong thoáng chốc. MỘNG XUÂN dùng rộng ra còn có ý chỉ "Giấc mộng yêu đương ân ái say đắm của lứa đôi" như nàng cung nữ đã rất tự hào và hãnh diện ở trên "Dẫu mà tay có nghìn vàng, Đố ai mua được một tràng MỘNG XUÂN ?"

      Trong "Chinh Phụ Ngâm Khúc" nàng chinh phụ của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm cũng mơ phút tương phùng cùng chàng chinh phu trong giấc MỘNG XUÂN tình cờ ngắn ngủi :

                                Sum vầy mấy lúc tình cờ,
                        Chẳng qua bên gối một giờ MỘNG XUÂN !

                              

      Mộng Xuân là mơ mộng xuân tình, nhưng Giấc Xuân thì lại là giấc ngủ thơ ngây vô tư của các cô gái như Thúy Vân, nhà gặp nạn, chị phải bán mình, nhưng Thúy vân vẫn ngủ ngon lành như không có việc gì xảy ra, kịp đến khi nghe tiếng nức nở của Thúy Kiều trong đêm mới ...

                                Thúy Vân chợt tỉnh GIẤC XUÂN,
                              Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han ...

        Thường thì các giấc mộng trong văn học cổ hay dùng để chỉ sinh qúy tử, như MỘNG LÂN, MỘNG HÙNG, MỘNG XÀ, MỘNG NGUYỆT, MỘNG LAN ... đều chỉ điềm có thai và sinh con. 
 
       MỘNG LÂN 夢麟, là Nằm mơ thấy Kỳ Lân. Tương truyền, bà mẹ của Đức Khổng Phu Tử là Nhan Trưng mơ thấy kỳ lân sa vào bụng mà sinh ra Khổng Tử, nên gọi Khổng Tử là Mộng Lân Sinh 夢麟生, ý nói là Kỳ lân chuyển thế. Khi Khổng Tử 72 tuổi, lúc đang viết kinh Xuân Thu thì nghe có người đi săn bắn chết một con kỳ lân, bèn ngưng không viết nữa, nên Kinh Xuân Thu còn được gọi là Lân Kinh, và Khổng Tử cũng tạ thế vào năm sau khi 73 tuổi, sau khi đã viết bài thơ sau đây :
 
                      唐虞世兮麟鳳游,    Đường Ngu thế hề lân phụng du,
                      今非其時來何求,    Kim phi kỳ thời lai hà cầu ?
                      麟兮麟兮我心憂.     Lân hề lân hề, ngã tâm ưu !

                      Đời Đường Ngu dạo chơi lân phụng,
                     Nay đời cùng đã hết còn đâu ?
                     Lân ơi lân hỡi hà cầu,
                     Lòng ta đau xót ai nào có hay !

      Vì tích trên mà sau nầy trong văn học cổ dùng MỘNG LÂN, hay Mơ Thấy Kỳ Lân để chỉ sinh con qúy, cho đến hiện nay, trước phòng hoa chúc của cô dâu và chú rể mới, người ta còn có lệ dán bốn chữ "Kỳ Lân Đáo Thử 麒麟到此" để mong ước được sớm sinh ra qúy tử, gọi là LÂN NHI 麟兒. Như trong truyện Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
 
                                  Họ Diêu sáng vẻ môn mi,
                         Điềm lành sớm ứng LÂN NHI một chàng.

       Song song với MỘNG LÂN, ta còn có MỘNG HÙNG 夢熊 là nằm chiêm bao thấy gấu. Theo chương Tiểu Nhã ,Tư Can của Kinh Thi 詩經.小雅·斯干. Có thơ như sau :

                   維熊維羆,男子之祥;  Duy hùng duy bi, Nam tử chi tường;
                   維虺維蛇,女子之祥。  Duy hủy duy xà, Nữ tử chi tường.
  Có nghĩa :
                       

                   Như gấu đen gấu vàng, là điềm sinh nam;
                   Như xà như rắn, là điềm sinh gái.

       HÙNG 熊 là từ chỉ chung các loài gấu. BI 羆 là loài gấu lông vàng cao lớn có thể đứng thẳng như người. Nên HÙNG BI là chỉ điềm sinh con trai, như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải đời Hậu Lê- Mạc- Trịnh :

                        Điềm lành sớm ứng HÙNH BI,
                   Trăm trai đầy rẫy khác gì Lạc Long.

       Hay như trong truyện nôm khuyết danh Phương Hoa- Lưu Nữ Tướng :

                        Rằng ta hai độ MỘNG HÙNG,
                   Cũng trông khôn lớn tơ hồng xe duyên.

       Còn chữ HỦY 虺 trong bài Kinh Thi trên là rắn hổ mang. Còn chữ XÀ 蛇 là từ chỉ chung các loại rắn. Nên theo câu thơ trên thì MỘNG HỦY XÀ là nằm chiêm bao thấy các loài rắn, là điềm sinh con gái. Như trong thơ của Chiêu Lỳ Phạm Thái :

                        Phạm đường cũng MỘNG HỦY XÀ,
                       Năm ba thơ ngợi đào hoa nghi kỳ.
                         

       Còn trong Thiên Nam Ngữ Lục, một tác phẩm dưới dạng sử ký bằng văn vần, soạn vào đời Hậu Lê, dưới thời Chúa Trịnh Căn có câu :

                         Điềm lành HÙNG HỦY hiện thân,
                        Kể đã ba đời sinh được phu nhân.

       Còn MỘNG NGUYỆT 夢月 là Mơ thấy mặt trăng rơi vào bụng. Theo sách "Sưu Thần Ký" thì...
       
       Ngô thị, vợ của tương Tôn Kiên, khi có mang nằm mơ thấy mặt trăng rơi vào bụng mà sinh ra Tôn Sách. Sau có mang Tôn Quyền, lại thấy mặt trời rơi vào bụng. Tỉnh ra nói với Tôn Kiên rằng :"Xưa thiếp thấy mặt trăng mà sanh ra Sách, nay lại thấy mặt trời, là nghĩa làm sao ?". Tôn Kiên bảo rằng :"Nhật Nguyệt là tinh hoa đứng đầu của Âm Dương, là hiện tượng cực quý, con cháu nhà họ Tôn ta tất sẽ làm nên nghiệp lớn sau này". Sau nầy, Tôn Quyền là Chúa của Đông Ngô. Nên MỘNG NHỰT, MỘNG NGUYỆT gì đều chỉ có thai sinh qúy tử cả. Trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính có câu :

                                      Vết kim tiện kể thiêng thay,
                           Báo điềm MỘNG NGUYỆT mãn ngày treo khăn.
 MỘNG LAN 夢蘭 là nằm mơ thấy hoa lan, cũng là điềm báo có thai... 
      Theo sách Tả Truyện 左傳 : Trịnh Văn Công đời Xuân Thu, có người thiếp có mang nằm mơ thấy thiên sứ tặng cho hoa lan, sau sinh con trai, đặt tên Lan, chính là Trịnh Mục Công sau nầy. Nên MỘNG LAN cũng là điềm chỉ có thai và sanh con qúy. Như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Bần Nữ Thán" có câu :

                                        Kìa như đông bích lân gia,
                              Kẻ đà bốc phượng, người đà MỘNG LAN.     

       Cuối cùng, ta có từ MỘNG ĐIỆP 夢蝶, là nằm mơ thấy bướm. Mộng Điệp còn gọi là GIẤC ĐIỆP để chỉ giấc ngủ ngon, ngủ say, và vì Bươm Bướm là HỒ ĐIỆP 蝴蝶, nên còn được gọi là GIẤC HỒ, theo tích sau đây :

 Tề Vật Luận trong sách Trang Tử 莊子•齊物論 có ghi lại câu chuyện như sau : Trang Chu hay nằm mơ thấy mình hóa ra bươm bướm, tiêu dao tự tại bay múa dạo chơi khắp nơi. Khi tỉnh lại rồi thì còn ngờ ngợ tự hỏi rằng:" Không biết là Trang Chu ta hóa ra bươm bướm, hay là bướm bướm đã hóa ra Trang Chu ta đây ?!" Có nghĩa là mộng cũng như thực mà thực cũng như mộng.  Nhưng sau dùng rộng ra đều có nghĩa là giấc ngủ mơ màng mà ta hay nghe nói là "Mơ Màng Giấc Điệp", hay như lời hiểu lầm của Thiện Sĩ trong Quan Âm Thị Kính :

                         Chàng rằng : GIẤC BƯỚM vừa say,
                        Dao con nàng bỗng cầm tay gần kề.

   hay như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

                              GIẤC HỒ nửa gối mơ màng,
                      Chiền đầu đã lọt tiếng chuông mái trường.

       Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đã thoát dịch hai câu đầu trong bài thơ "Phong Kiều Dạ bạc" của Trương Kế là :" Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên " bằng giấc ngủ chập chờn với :

                                 Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
                           Lửa chài cây bến sầu vương GIẤC HỒ.
                              

         Khi Kim Kiều tái hợp, Kim Trọng đã "Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa". Thúy Kiều cũng đã "Nể lòng người cũ vâng lời một phen" mà đàn cho Kim Trọng nghe. Cụ Nguyễn Du cũng đã mượn tiếng đàn của Thúy Kiều mà nhắc đến điển tích nầy như sau :

                                Phím đàn dìu dặt tay tiên,
                        Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
                               Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
                            Ấy là HỒ ĐIỆP hay là TRANG SINH...

          Tiếng đàn mơ màng như mơ như thật, chập chờn không biết là Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu ...

          Hẹn bài viết tới. 

                                                                                          杜紹德
                                                                                      Đỗ Chiêu Đức

🌸🌸🌸🌸🌸🌸

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...