Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Thi Cuồng HẠ TRI CHƯƠNG

HẠ TRI CHƯƠNG ( 659-744 )

        HẠ TRI CHƯƠNG 賀知章 tự là Quí Chân 季真, về già tự xưng hiệu là "Tứ Minh Cuồng Khách 四明狂客", là thi nhân lại vừa là nhà Thư Pháp nổi tiếng đời Thịnh Đường. Ông người đất Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu (Huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang hiện nay), đậu Trạng Nguyên khoa Ất Mùi (695), được phong là Quốc Tử Tứ Môn Bác Sĩ, Thiên Thái Thường Bác Sĩ. Ông tuần tự giữ các chức vụ Lễ Bộ Thị Lang, Bí Thư Giám, Thái Tử Tân Khách... Ông tính tình khoáng đạt, phóng túng, không thích gò bó, vì xưng hiệu là Tứ Minh Cuồng Khách, nên người đời gọi ông là THI CUỒNG 詩狂, cùng với Lý Bạch 李白, Trương Húc 张旭, Lý Thích Chi 李适之, Tiêu Toại 焦遂, Lý Tấn 李琎, Thôi Tông Chi 崔宗之 và Tô Tấn 苏晋, xưng là "ẨM TRUNG BÁT TIÊN 飲中八仙" (Tám ông tiên trong rượu). Đến 86 tuổi HẠ TRI CHƯƠNG mới cáo lão về quê, rồi mất ở quê cùng năm. Tác phẩm phần nhiều thất tán, chỉ còn lưu lại khoảng 20 bài thơ mà thôi.

        Trong "Ẩm Trung Bát Tiên Ca 飲中八仙歌" Đỗ Phủ đã viết về ông như sau :

                  知章騎馬似乘船,  Tri Chương kỵ mã tự thừa thuyền,
                  眼花落井水底眠.    Nhãn hoa lạc tỉnh thủy để miên.
    Có nghĩa :
                        Tri Chương cưởi ngựa tựa đi thuyền,
                        Lắc lư té giếng vẫn ngủ yên.
                         Ẩm trung bát tiên : Tám ông tiên trong rượu

   ... cho thấy tính tình phóng túng không thích gò bó của ông, mặc dù là quan lớn, ông vẫn thích kết giao với bạn thơ rượu và uống rượu với những người tao nhã phong lưu. Ông nổi tiếng với giai thoại "Kim Quy Hoán Tửu 金龜換酒" sau đây :

       Năm Thiên Bảo nguyên niên đời Đường (742), Lý Bạch cô thân chiếc bóng đến đất Tràng An, không một ai quen biết. Một hôm, ông đến Tử Khách Đạo Quan ( chùa dành cho đạo sĩ tu tiên) để tham quan, tình cờ gặp được Ha Tri Chương cũng đến nơi đó. Đọc thơ và nghe tiếng Bạch đã lâu, Hạ rất ngưỡng mộ tài hoa của Lý, bây giờ gặp mặt, thấy Lý là người tao nhã, dáng vẻ thanh cao như tiên thượng giới, nên mặc dù lớn hơn Lý Bạch đến hơn 40 tuổi vẫn kết bạn vong niên, và cùng đàm đạo với nhau vô cùng tương đắc. Đến khi đọc bài thơ Thục Đạo Nan 蜀道難 của Lý Bạch vừa làm xong đến các câu như : 
 
                  但見悲鳥號古木,  Đản kiến bi điểu hiệu cổ mộc,
                  雄飛雌從繞林間。  Hùng phi thử tòng nhiểu lâm gian.
                  又聞子規啼夜月,  Hựu văn tử quy đề dạ nguyệt,
                  愁空山...             Sầu không san...
      Có nghĩa :
                     Chim sầu nhớn nhác cành khô,
                     Trống mái lượn lờ đường núi thâm u.
                     Tử quy trăng lạnh kêu thu,
                     Rừng núi vắng mịt mù !...

  ... Hạ Tri Chương đã kinh ngạc nói với Lý Bạch rằng : "Bạn quả là thi tiên từ thượng giới !" Do đó mà mọi người đều gọi Lý bạch là Lý Trích Tiên 李謫仙. Chiều hôm đó, Hạ bèn mời Lý vào quán rượu định uống một bửa cho thỏa thích. Không ngờ khi vừa ngồi xuống ghế, Hạ mới nhớ ra rằng trên mình đã gần hết tiền, không do dự gì cả, Hạ bèn cởi ngay giải túi Kim Quy Đới có thêu hình kim quy của vua ban cho các quan ở hàng tứ phẩm trở lên đeo mỗi khi vào chầu, để trừ tiền rượu. Lý trông thấy cả kinh bảo : "Đây là vật báu của vua ban sao có thể đem đổi rượu mà uống được chứ ?" Hạ cả cười đáp :"Có gì đâu, hôm nay gặp được bạn tiên, không uống với nhau cho say còn đợi đến chừng nào ?". Sau bửa rượu đêm đó, sáng hôm sau vào chầu, Hạ Tri Chương còn tiến cử Lý Bạch với nhà vua, vua cũng đã nghe tiếng Lý từ lâu, bèn triệu kiến và phong cho chức Hàn Lâm Học Sĩ.
                           Hạ Tri Chương lấy giải Kim Quy đổi rượu

        Hạ Tri Chương về già tự xưng là Tứ Minh Cuồng Khách 四明狂客, vì mỗi lần uống rượu say thì ông sẽ phóng bút làm thơ mà không cần phải cân nhắc chọn từ gì cả, nên mới được hiệu là THI CUỒNG 詩狂, và cũng vì thế mà lời thơ của ông rất dung dị bình dân dễ đi vào lòng người. Ta hãy đọc bài "Vịnh Liễu 詠柳" của ông sau đây sẽ rõ :

                       碧玉妝成一樹高,  Bích ngọc trang thành nhất thọ cao,
                       萬條垂下綠絲絛。  Vạn điều thùy hạ lục ty thao.
                       不知細葉誰裁出,  Bất tri tế diệp thùy tài xuất,
                       二月春風似剪刀。  Nhị nguyệt xuân phong tự tiễn đao !
     Có nghĩa :
                          Tạo thành ngọc bích một cây cành,
                          Trông tựa muôn ngàn sợi lụa xanh.
                          Lá nhỏ vươn dài ai khéo cắt,
                          Tháng hai gió tựa kéo qua nhanh !
Thật nghệ thuật, thật bình dân mà gợi hình một cách tự nhiên : Cây liễu xanh biếc trong mùa xuân như được làm bằng ngọc bích. Ai đã khéo cắt nên những lá nhỏ vươn dài như những dãy lụa xanh rũ xuống một cách thật đều đặn đẹp đẽ kia. Không ai cả, chính do làn gió xuân ấm áp của tháng hai như những nhát kéo của thiên nhiên tạo nên nét đẹp của những lá liễu xanh biếc vươn dài kia ! Cả bài thơ cũng không có nhắc đến một chữ liễu nào cả; bình dân, gợi hình và nghệ thuật biết bao nhiêu !         
       Đọc 2 câu cuối của bài thơ trên lại làm cho ta nhớ đến 2 câu thơ trong bài "Xuân Về" của thi sĩ Nguyễn Bính thời Tiền Chiến :

                         Lá nõn nhành non ai tráng bạc,
                         Gió về từng trận gió bay đi !

      Ai đã "tráng bạc" lá nõn nhành non ? Không ai cả, chính là "Gió xuân" đó ! Chính là thiên nhiên khi mùa xuân về đã đem lại sức sống cho cây lá đâm chồi nẩy lộc !
       
       Năm Đường Thiên Bảo thứ ba (744), Hạ tri Chương mới cáo lão từ quan về quê khi đã 86 tuổi đời, là Thái Tử Tân Khách, là Thẩy dạy học cho đương kim Hoàng thượng khi còn là Thái tử, ông được nhà vua và bá quan văn võ đưa tiễn rất linh đình trọng hậu, nhưng khi về đến Vĩnh Hưng Việt Châu (thuộc Tiêu Sơn Chiết Giang hiện nay) ông lại cảm thấy như bị trêu chọc ngỡ ngàng với lũ trẻ, vì chúng ngỡ ông là khách từ phương xa đến. Sau hơn 50 năm xa quê, người đã già, tóc đã bạc, đã trải qua biết bao là tang thương biến đổi, may mà giọng nói của quê hương vẫn còn nguyên đó, ông rất cảm khái mà làm nên hai bài "Hồi Hương Ngẫu Thư 回鄉偶書" sau đây :

                            其一                                       Kỳ Nhất

                       少小離家老大回,   Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
                       鄉音無改鬢毛衰。   Hương âm vô cải mấn mao suy.
                       兒童相見不相識,   Nhi đồng tương kiến bất tương thức
                       笑問客從何處來?    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai ?  
     Có nghĩa :
                       Trẻ nhỏ xa nhà, già trở lại,
                       Giọng quê còn đó, tóc như mây.
                       Nhi đồng gặp gỡ không quen biết,
                       Cười hỏi nơi nào khách đến đây ?
 Thật mĩa mai và cảm khái biết bao ! Qủa là lở khóc lở cười khi chợt nghĩ rằng, ta là người về thăm lại quê hương hay ta là Khách của quê hương đây ?! Mời đọc tiếp bài 2 mà rất ít người biết đến :

                            其二                                           Kỳ Nhị

                      離別家鄉歲月多,   Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
                      近來人事半消磨。   Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
                      唯有門前鏡湖水,   Duy hữu môn tiền kính hồ thủy ,
                      春風不改就時波。   Xuân phong bất cải cựu thời ba !
      Có nghĩa :
                      Cách biệt quê nhà mấy nắng mưa,
                      Đổi thay thế thái nói sao vừa !
                      Duy chỉ như gương hồ trước ngõ,
                      Gió xuân vẫn gợn sóng ngày xưa !


  Nhân sự thì đã tiêu ma thay đổi cả rồi, cũng may là những gợn sóng lăn tăn trước hồ vẫn còn "lăn tăn như cũ", "Xuân phong bất cải cựu thời ba" mà !. Nhân sự đổi thay nhưng thiên nhiên thì vẫn còn đó, làm ta nhớ lại đoản văn của Thanh Tịnh :"... Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm trước ..." Và cũng chính vì thế mà dù cho có cách trở muôn dặm quan san, dù cho quê hương có thay đổi muôn hình dạng trạng thì người lữ khách, lữ thứ tha hương vẫn muốn tìm về với quê hương cố thổ , vẫn muốn tìm về với nơi chôn nhau cắt rún của ngày xưa !
Cũng trong năm cáo lão về quê  với sự ngỡ ngàng của kẻ tha hương lâu năm tìm về quê cũ, Hạ Tri Chương đã nằm xuống mảnh đất Việt Châu quê nhà với tuổi 86... là tuổi Thượng Thượng Thọ lúc bấy giờ ! 

           Hẹn bài viết tới !
                                    Thi Nô GIẢ ĐẢO
                                                                                                   杜紹德
                                                                                                Đỗ Chiêu Đức
MỜI XEM :Danh Hiệu Thi Nhân        

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...