Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

THƠ THIỀN TỔNG HỢP: VIÊN CHIẾU + KHUÔNG VIỆT + KHÔNG LỘ

 VIÊN CHIẾU THIỀN SƯ

Viên Chiếu thiền sư (999-1091) tên thật là Mai Trực 梅直, người đất Phúc Ðường, huyện Long Ðàm, là cháu của Hoàng Hậu Linh Cảm (mẹ vua Lý Thánh Tông). Từ nhỏ, ông được tiên đoán là có căn duyên với Phật, do đó đã theo học sư Định Hương ở núi Ba Tiêu, thuộc dòng thiền Quan Bích. Ông rất có tài thuyết pháp và đặc biệt yêu thích thơ ca.
Thiền Sư Viên Chiếu chuyên hành trì tu tập Kinh Viên Giác và ba phép quán (Xa Ma Tha, Tam Ma Bạt Để và Thiền Na), bộ kinh nền tảng của phái Vô Ngôn Thông. “Thiền Uyển Tập Anh” đã nhận xét ông là bậc “sâu rõ ngôn ngữ tam muội, thuyết giảng lưu loát.” Cùng với những vần thơ Thiền, Viên Chiếu thiền sư còn để lại “Tán Viên giác kinh”, “Thập nhị bồ tát hành tu chứng đạo trường” và “Tham đồ hiển quyết”.
Những vần thơ Thiền hay nhất của Viên Chiếu thiền sư:
Tâm không
Thân như tường bích bĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi ?
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
“Sắc”, “không” ẩn hiện nhậm suy di.
Dịch nghĩa
Thân người như vách tường sẽ đến lúc đổ nát
Người đời ai cũng vội vã, lo buồn
Nếu biết cái tâm là không, sắc tướng cũng là không
Thì dù sắc với không có ẩn hiện đổi thay bao nhiêu cũng cũng mặc nó vần chuyển.
Trích một phần từ “Thiền Uyển Tập Anh”
Có vị tăng hỏi: “Phật với Thánh nghĩa ấy thế nào?”
Sư đáp:
Ly hạ trùng dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh.
Dịch thơ:
Trùng dương cúc nở dưới rào
Trên cành oanh hót thanh tao dịu dàng.
Tăng thưa: “Cảm tạ Thầy chỉ dạy, học nhân chẳng hội, xin lại nêu bày ra?”
Sư đáp:
Trú tắc kim ô chiếu
Dạ lai ngọc thố minh.
Dịch thơ:
Ngày thì vầng nhật chiếu
Đêm đến ánh trăng soi.
Tăng hỏi: “Đã được chân chỉ của Thầy, còn huyền cơ thì dạy thế nào?”
Sư đáp:
Bất thận thủy bàn kình mãn khứ
Nhất tao tha điệt hối hà chi.
Dịch thơ:
Bưng thau nước đầy không chú ý
Một lúc sẩy chân hối ích gì.
Tăng hỏi: “Tất cả chúng sanh từ đâu mà đến? Sau khi chết đi về đâu?”
Sư đáp:
Manh qui xuyên thạch bích
Ba miết thướng cao sơn.
Dịch thơ:
Rùa mù dùi vách đá
Trạnh què trèo núi cao
Tăng hỏi: “Tâm và pháp cả hai đều quên, tánh tức chân; thế nào là chân?”
Sư đáp:
Vũ trích nham hoa thần nữ lệ
Phong xao đình trúc Bá Nha cầm.
Dịch thơ:
Hoa núi mưa sa, thần nữ khóc
Tre sân gió thổi, Bá Nha đờn.
*****************************************
KHUÔNG VIỆT THIỀN SƯ
Khuông Việt thiền sư (933-1011) tên thật là Ngô Chân Lưu, vốn được đào tạo bởi hệ thống Nho học nhưng lớn lên lại tu theo dòng Thiền Quan Bích. Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông là con trai của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập. Năm 40 tuổi, nổi danh tinh thông Phật học, ông được Đinh Tiên Hoàng Đế phong tước hiệu Khuông Việt Đại Sư và giữ chức Tăng Thống.

Các bài thơ thiền của Khuông Việt thiền sư
NGUYÊN HỎA
Mộc trung nguyên hữu hoả,
Nguyên hoả phục hoàn sinh.
Nhược vị mộc vô hoả,
Toàn toại hà do manh?
Dịch nghĩa
Trong cây vốn có lửa,
Sẵn lửa, lửa mới sinh ra.
Nếu cây không có lửa,
Khi cọ xát sao lại thành?

THỦY CHUNG
Thuỷ chung vô vật diệu hư không,
Hội đắc chân như thể tự đồng.

Dịch nghĩa
Không có cái gì là “thuỷ” và “chung” chỉ, “hư không” mới là thần diệu,
Nếu hiểu được chân như thì [vạn vật] sẽ tự đồng nhất với tâm thể [của mình].
Theo Thiền uyển tập anh, một hôm có một học trò là Đa Bảo hỏi về sự khởi đầu và kết thúc của việc học Đạo, sư đã trả lời bằng hai câu thơ này. Ông cho rằng vạn vật đều đồng nhất với cái chân như (bản thể), trường tồn, không có bắt đầu và kết thúc. Đa Bảo không rõ họ tên thật, quê quán, là học trò xuất sắc của Khuông Việt, đứng đầu thế hệ thứ năm, dòng thiền Quang Bích, là người góp phần hoạt động giúp Lý Công Uẩn lên ngôi.
***********************
KHÔNG LỘ THIỀN SƯ
Không Lộ Thiền Sư (? – 1129) là người họ Dương, không rõ tên thật. Ông thường bị nhầm lẫn với Minh Không Nguyễn Chí Thành vì cùng giỏi chữa bệnh và cùng được phong là Quốc Sư. Ông vừa tu theo phái Vô Ngôn Thông lại vừa tu theo phái Thảo Đường. Thiền Uyển Tập Anh có ghi chép về ông với tên Không Lộ chứ không thấy nhắc đến ông với danh phận Nguyễn Minh Không. “Đại Việt Sử Ký toàn thư” chỉ chép chuyện về Nguyễn Minh Không (liên quan đến tích Lý Thần Tông hóa hổ) chứ không thấy chép về Không Lộ thiền sư. Như vậy, không có cơ sở cho việc Không Lộ Thiền Sư và Nguyễn Minh Không là một như nhiều giả thuyết đã đưa ra.

Các bài thơ Thiền của Không Lộ thiền sư
NGÔN HOÀI
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì trực thướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch nghĩa
Chọn được kiểu đất long xà rất hợp, có thể ở được,
Tình quê suốt ngày vui không chán.
Có lúc lên thẳng đỉnh núi bơ vơ,
Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời.

NGƯ NHÀN
Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên,
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.
Ngư ông thuỵ trước, vô nhân hoán,
Quá ngọ tỉnh lai, tuyết mãn thuyền.
Dịch nghĩa
Sông xanh muôn dặm, trời muôn dặm,
Một xóm dâu gai, xóm khói mây.
Ông chài ngủ say tít không ai gọi,
Quá trưa tỉnh dậy, tuyết xuống đầy thuyền.

Một bài thơ Thiền của đệ tử (không rõ tên) trình lên Không Lộ thiền sư (Theo “Thiền Uyển tập anh”)

Đoạn luyện thân tâm thủy đắc thanh
Sum sum trực cán đối hư đình
Hữu nhân lai vấn không vuông pháp
Thân toạ bình biên ảnh tập hình.
Dịch nghĩa:
Thân tâm rèn luyện tựa nước xanh
Sấn rộng, cây cao toả bóng lành
Có người đến hỏi đường tu Phật
Ngồi dựa bình phong bóng tựa hình

FB Vui Phan Le ST



1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...