Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

CÕI NGƯỜI- TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ ĐẢM ( Hội Nhà Văn VN )

Tuân giật mình thức tỉnh, anh vừa mơ, một giấc mơ chết chóc, anh thấy vợ mình, người đầy máu me nói với anh rằng cô phải giã từ cõi dương để về cõi âm đây. Cũng là giấc mơ nhưng giấc mơ này khác lạ so với tất cả những giấc mơ mà Tuân đã từng mơ, nó như thật mà anh có thể sờ mó, cảm nhận được.


Trái tim Tuân đập mạnh, hơi thở của anh cũng gấp gáp như thể đang chạy đua giành lấy cái sống.

Tuân nhẹ nhàng ngồi dậy, nhìn sang bên thấy vợ vẫn đang ôm con gái ngon lành trong giấc ngủ, thậm chí đôi môi hình như còn hé cười, chắc là nàng đang mơ, giấc mơ hạnh phúc nên mới có nụ cười tươi tắn như thế.

Cảnh vật, con người đều bình yên trong đêm yên tĩnh nhưng không hiểu sao tâm can Tuân thì lại rất bồn chồn. Tuân mở cửa đi ra ngoài,  nghiêng ngó xem có điều gì đang xảy ra ở bên ngoài không, anh vừa đi ra khỏi nhà được vài bước thì nghe tiếng ầm ngay sau lưng. Tuân quay lại, một cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt Tuân, căn nhà cấp bốn của anh bị ngôi nhà bốn tầng đang xây dựng trái phép bên cạnh đổ sập xuống. Tuân lao vào đống bê tông, gạch vỡ , miệng gào lên gọi vợ gọi con.

Có tiếng kêu khóc của con gái phát ra từ chỗ tấm bê tông, Tuân nhảy hai bước một. Dưới ánh trăng, thân hình mảnh mai của vợ anh đang gồng lên chống lại tấm bê tông để che chở cho đứa con gái ba tuổi. Tấm bêtông nặng hàng tấn, sức người không thể chống đỡ được, chỉ có tình mẫu tử mới giúp vợ anh tạo ra sức mạnh phi thường để đỡ tấm bêtông bằng chính thân thể mình. Thấy Tuân, vợ anh thều thào bảo anh lôi con ra đi. Tuân vội vã cầm tay con gái kéo ra rồi quay ngoắt lại định nâng tấm bêtông lên để cho vợ bò ra nhưng không kịp nữa rồi, tấm bêtông nặng hàng tấn đã đổ sập đè lên người vợ anh, chỉ còn cái đầu của vợ còn thò ra ngoài. Tuân lấy hết sức dùng hai tay nâng tấm bêtông nhưng nó không hề dịch chuyển. Vợ anh lại cố thều thào như một lời trăng trối:

- Đất cho người chết đắt lắm, anh hãy hoả táng em, lấy lại một ít tro cho vào lọ thuỷ tinh gửi vào chùa, còn lại bao nhiêu đem rắc xuống sông Hồng.

- Không, em phải sống!

Tuân gào lên, gọi mọi người đến cứu. Khi mấy chục con người chạy đến nâng được tấm bêtông lên thì vợ anh đã ngừng thở. Tuân ôm xác vợ lên khóc thảm thiết.

Làm đám ma cho vợ xong, Tuân được uỷ ban phường mời lên để giải quyết về vụ tai nạn đổ nhà gây ra cái chết của vợ anh. Chủ tịch phường đã nhận tiền của gã chủ nhà, nói với Tuân tai nạn đáng tiếc ngoài ý muốn, chuyện đã rồi, hai bên nên giải quyết tình cảm với nhau. Gã chủ nhà mở cặp lấy hai mươi lăm triệu ra bồi thường. Hai mươi lăm triệu đem đổi lấy người vợ thảo hiền? Tuân giận dữ ném cọc tiền tung toé ra bàn, bảo sẽ kiện lên quận. Tuân vừa bước ra khỏi phòng, chủ tịch phường nói với gã chủ nhà, vợ nó chết càng tốt, vứt ra một cục tiền trọn gói là xong chứ còn sống, bị tàn phế, nuôi cả đời còn khốn nạn. Nó kiện lên quận, cứ đấm mõm mấy ông kha khá vào xong. Chả biết gã chủ nhà đấm mõm bao nhiêu mà quả nhiên quận chỉ bắt gã chủ nhà bồi thường ba mươi triệu kể cả tiền làm đám ma!

Nhà sập, không có tiền để xây, Tuân và con gái phải đi thuê nhà để ở. Bây giờ thì Tuân đã thấm thía cái nhục của người nghèo. Nếu anh không nghèo thì đã xây được nhà, thì vợ anh đã không phải chết thảm thương. Nếu anh không nghèo thì đã không thua kiện. Tuân mơ ước bán được đất, mua chỗ khác xây nhà để cho con anh có chỗ ăn học tử tế, để linh hồn vợ anh có chỗ đi về. Nhưng dù có bán được đất, muốn xây được nhà, phải có ngót nghét một tỷ đồng, một công chức nghèo như anh lấy đâu số tiền khổng lồ này? Ông Tần, bố của Tuân nói với anh đã có cách lo cho anh một tỷ để lấy tiền xây nhà. Ông gọi điện bảo Tuân, đúng thứ bảy, ngày mồng hai đầu tháng về quê lấy tiền. Tuân hỏi bố bán nhà ở quê à? Ông Tần bảo cũng là bán đất nhưng không phải đất thổ cư vì đất ở có bán toàn bộ nhà cửa, vườn tược đi cũng chỉ được hai trăm triệu. Tuân nghi hoặc, không bán đất đang ở, chả nhẽ ông đã dấm dúi mua được mấy trăm mét vuông đất mặt tiền ở thị xã hay thị trấn huyện?

Ngày mồng hai, Tuân và con gái về quê. Trên bàn thờ mẹ anh đã thấy hương khói, bố anh rì rầm khấn vái. Tuân cũng đưa con đến trước bàn thờ, bảo con gái lạy bà nội ba lạy. Ông Tần xách chiếc làn đựng hoa quả, rượu, thẻ hương, giục bố con đi ra mộ. Tuân ngạc nhiên, hôm nay không phải ngày giỗ mẹ anh, sao bố lại ra mộ? Ông Tần bảo cứ ra rồi sẽ biết.

Từ nhà ra nghĩa địa làng chưa đến cây số nên ba người đi bộ. Mỗi khi về quê giỗ mẹ hay ngày thanh minh, ngày tết, Tuân đều đi bộ ra mộ thắp hương để thư giãn, ngắm cảnh đồng lúa.

Ra tới mộ, ông Tần bày biện hoa quả lên đĩa, đặt trên mộ, bật lửa thắp hương. Ông lại khấn, tiếng rất nhỏ, Tuân nghe lõm bõm được vài câu tha lỗi, phù hộ. Tuân dắt con gái lại, đứa bé chỉ  chắp tay còn Tuân vừa khấn vừa vái. Chưa hết tuần nhang thì có hai người đi xe máy đến, họ chào hỏi, bắt tay ông Tần và Tuân. Ông Tần chỉ vào từng người, giới thiệu với Tuân, người đàn ông cao, gày tên là Cao quê ở làng bên,  hiện là giám đốc, còn người bên cạnh là thầy địa lý tên Huấn. Ông Cao hỏi ông Tần:

- Hai bố con bác đã bàn bạc thống nhất chưa?

Ông Tần bảo:

- Anh yên tâm, chắc con trai tôi cũng sẽ đồng ý thôi.

- Việc gì vậy bố?

Tuân hỏi với cái giọng ngờ vực. Ông Tần nhìn con, đáp:

- Thế này con ạ, anh Cao đây muốn mua chỗ đất mà mẹ con đang an nghỉ, cả thảy bốn mét vuông, mỗi mét anh ấy trả bốn trăm triệu, bằng đất mặt phố ở Hà Nội đấy.

Tuân bàng hoàng:

- Sao bố lại bán đất mộ mẹ?

Thầy địa lý lên tiếng:

- Tôi xem kỹ rồi, mộ mẹ anh đặt chỗ này phong thuỷ không tốt lắm nhưng lại rất tốt cho nơi an nghỉ của thân mẫu anh Cao; nếu cụ mà được đặt ở đấy thì ông Cao sẽ phát về đường công danh.

Như để chứng minh cho cái tài xem địa lý của mình, thầy địa lý bảo lần trước, mẹ ông Cao chết, ông coi đất đặt mộ mẹ ông Cao, nhờ có thế đất ấy mà ông Cao từ một gã đồ tể chợ làng nợ như chúa chổm đã trở thành giám đốc công ty giết mổ gia súc gia cầm, cung cấp thịt cho hàng trăm nhà hàng trong và ngoại tỉnh. Khi nghèo hèn, ông mơ ước được giàu có, bây giờ thì ông đã là người giàu có, ông lại mơ ước trở thành người nổi tiếng, là chính khách, là nhà văn, là nhà triết học hay là nhà khoa học. Nếu chuyển được mộ mẹ ông Cao về đây, ông sẽ có cơ may trở thành người nổi tiếng. Chính vì thế, ông Cao mới sẵn lòng mua chỗ đất mộ mẹ Tuân với cái giá mặt phố Hà Nội chứ không có bán bốn mươi ngàn mét vuông, thừa tiền ông cũng chả mua.

 

Thầy địa lý nói thế nhưng không phải thế, trong giới buôn bán bất động sản có luật ngầm, kẻ môi giới không chỉ ăn hoa hồng của cả hai bên mua và bán mà còn kê giá. Ông Tần đòi đúng một tỷ, thầy địa lý thỏa thuận trả đúng một tỷ còn phần hơn là của ông. Ông Tần đã đồng ý nhưng khi thấy ông thầy làm giá thêm những sáu trăm triệu thì ông tiếc ngẩn ngơ. Thầy địa lý bảo đã thỏa thuận rồi, không bán thì thôi, ông sẽ tìm chỗ đất khác. Ông còn giải thích, chỉ có ông mới nâng được cái giá ấy vì ông nói với ông Cao con số một tỷ sáu là con số đẹp của ông sẽ giúp ông nổi tiếng. Tiếc lắm nhưng ông Tần vẫn chấp nhận.

Tuân bảo không, mẹ anh đang mồ yên mả đẹp nay đào lên chôn chỗ khác, nghe bất nhân quá. Ông Tần bảo chỉ là sự di dời từ nơi ở cũ đến nơi ở mới, ông chỉ tay về phía bờ sông bảo sẽ đưa mẹ Tuân ra chỗ ấy. Tuân xua tay lia lịa, chỗ ấy trũng lúc nào cũng đầy nước, mẹ nằm đấy lạnh lẽo lắm. Ông Tần nói không sợ, mẹ anh mệnh mộc, khi còn sống rất thích nước, mỗi khi tắm chỉ thích tắm nước nước lạnh, ngay cả mùa đông cũng vậy. Tuân vẫn không đồng ý bán đất mộ mẹ còn ông Tần thì như van xin con. Ông bảo đây là thời cơ cả đời may ra mới có, bán đi được một tỷ sáu, ông ghé sát tai Tuân, thu về một tỷ, rồi bán chỗ đất nhà sập đi, mua căn hộ chung cư mà ở cho khỏi cảnh hàng ngày nhìn thấy mặt gã chủ nhà bất nhân. Mẹ anh linh thiêng, thấy con dâu bị tai nạn nên đã phù hộ cho giá đất nơi mình đang an nghỉ thành đất vàng đất bạc. Hơn nữa chuyển chỗ khô qua nằm chỗ nước, mẹ anh được mát mẻ, cuộc sống ở cõi âm khéo sung sướng hơn cõi dương cũng nên. Nghe những lời rút ruột rút gan của bố, Tuân hiểu bố anh cũng đau đớn lắm khi nghĩ đến việc bán đất mộ của người vợ mà ông vô cùng thương yêu. Mẹ anh, cô thôn nữ đẹp người đẹp nết đã ra đi ở cái tuổi ba mươi vì bệnh tim. Bố anh đi bước nữa, sinh thêm được hai người con gái nhưng vẫn bươn trải để nuôi anh ăn học thành người. Bây giờ thì anh đã thành người, học đến thạc sĩ, lại được công tác ở thủ đô, anh là niềm tự hào của bố, của dòng họ nhưng anh vẫn chỉ là công chức mẫn cán, sống tằn tiện với đồng lương. Thi thoảng anh cũng có vài bài báo được đăng song nhuận bút may ra đủ chiêu đãi vợ con ba lần ăn phở sáng.

Một tỷ, đúng là cả đời công chức của Tuân dù nhịn ăn nhịn mặc thì cũng chẳng tiết kiệm được số tiền này. Tuân cũng đang căm thù gã chủ nhà bên cạnh, chỉ cần nhìn thấy mặt gã là Tuân đã muốn nôn mửa; ấy là Tuân hiền lành chứ phải người khác đã đâm cho gã một nhát rồi muốn ra sao thì ra. Bán được đất của người sống và người chết cộng lại, Tuân sẽ mua chung cư ở cho nó văn minh.

Tuân bần thần trước mộ mẹ. Có lẽ mẹ thương anh sớm góa vợ, thương cháu nội sớm mồ côi nên đã cho anh một tỷ?  Mẹ ơi, con lạy mẹ, con sẽ thắp cho mẹ một tuần hương nữa, nếu cả ba nén đều cong có nghĩa mà mẹ vui lòng cho bố con bán đất của mẹ. Tuân lấy ba nén hương ra châm lửa thắp lên mộ mẹ. Lần này thì anh không khấn nữa mà lùi ra xa quan sát khu nghĩa địa, nó giống như một thành phố của người chết. Dòng dòng họ họ đua nhau xây mộ tổ tông, nhà nhà đua nhau xây mộ ông bà, cha mẹ. Ngôi nào cũng to cũng đẹp, hơn chán vạn những ngôi nhà nghèo mà người sống đang sống ở làng. Tuân chỉ vào ngôi mộ to nhất, đẹp nhất trông giống như lăng vua chúa ngày xưa, hai bên có hai con sư tử đang nhe răng canh giữ, hỏi bố:

- Có phải mộ của họ Vũ không bố?

- Phải, ông Vũ Phát, chủ tịch huyện đứng ra xây, làm cả sổ đỏ rồi!

- Mộ cũng có sổ đỏ?

- Nhà của người sống có sổ đỏ thì nhà của người chết cũng thế, trần sao âm vậy .

- Thế còn ngôi “Kim tự tháp”kia?

- Ngôi của cụ tổ họ Phạm.

- Họ ấy toàn người nghèo, lấy đâu tiền mà xây ngôi mộ nguy nga, tráng lệ này?

- Con gà tức nhau tiếng gáy mà, thấy thiên hạ xây mộ to đẹp thì mình cũng phải xây to đẹp hơn. Họ bổ đầu mỗi xuất đinh đóng năm triệu, nhiều nhà gạo ăn còn chả có nhưng vẫn phải đi vay nặng lãi để đóng góp đấy con ạ!

- Còn cái ngôi mộ như ngôi chùa tám mái kia của ai?

- Của ông Quỳnh, bố thằng Quý, mộ xây như ngôi chùa, biểu tượng của cái thiện chỉ mỗi tội xây bằng tiền buôn bán ma tuý.

- Sao? Xây bằng tiền ma tuý?

- Năm ngoái nó bị bắt vì tội buôn bán ma tuý, tám ngôi nhà mặt phố ở Hà Nội, Sài Gòn đều bị tịch thu, may đây là mộ chứ không cũng bị tịch thu nốt.

Tuân lia mắt nhìn cả khu nghĩa địa, ngôi mộ của mẹ Tuân mới chỉ xây bằng gạch bao quanh lọt thỏm giữa bao ngôi mộ cao vút. Nếu bán đất mộ mẹ, Tuân sẽ bàn với bố xây cho mẹ một ngôi mộ mới tươm tất để dưới kia mẹ đỡ chạnh lòng với những người hàng xóm. Cái ý nghĩ xây cho mẹ ngôi mộ mới đã phần nào trấn an được tâm can Tuân; một ngôi mộ như thế cũng tốn hai, ba trăm triệu. Nếu không bán đất mộ mẹ, bố và Tuân làm gì có tiền để xây mộ mẹ. Cõi âm cũng giống như cõi dương, vô khối người ở cõi dương sống trong ngôi nhà chật chội nhưng không có tiền xây nên đã phải bán nhà ở trung tâm thành phố, thị xã ra xa xa để mua đất rẻ hơn, chỗ dư ra chả dùng vào việc xây nhà là gì? Mà mẹ ra chỗ bờ sông kia, rất gần, cũng thuộc trung tâm thành phố của cõi âm chứ đâu phải ngoại thành!

Tuân chầm chậm đi lại mộ mẹ. Ồ cả ba nén hương đều cong? Phải chăng mẹ anh đã vui lòng cho bố con anh bán đất của mẹ? Tuân đi lại bên bố và ông Cao:

- Con đồng ý bán!

-  Anh là người có học nên thức thời đấy!

Ông Cao nói với Tuân, chả biết ông khen Tuân thức thời thật hay chỉ lấy lòng khi anh đã làm hài lòng ông. Mãi đến lúc Tuân đồng ý bán đất, ông Cao mới đi đến bên mộ mẹ Tuân khấn vái, ông cầu xin mẹ Tuân hãy phù hộ cho mẹ ông chuyển về đây được thượng lộ bình an và phát tài phát lộc cho con cháu, riêng ông làm đến chức Bộ trưởng!

Ông Cao mở cặp da lấy ra bốn cọc tiền mệnh giá năm trăm ngàn, cả thảy đủ một tỷ sáu  đưa cho Tuân bảo đếm đi. Tuân đếm từng cọc, đủ bốn trăm triệu mỗi cọc. Ông Tần lấy từ túi áo ra tờ giấy bán đất đã viết sẵn, ký vào bên người bán rồi bảo Tuân ký luôn vào. Tuân kê tờ giấy lên mộ mẹ, ký rồi trao tờ giấy cho ông Cao. Ông Cao xem qua, bỏ tờ giấy vào cặp nói rằng ông sẽ điện cho chủ tịch xã mang con dấu đến nhà ông để xác nhận việc chuyển nhượng đất là hợp pháp theo đúng Luật Đất đai. Bắt tay ông Tần, ông Cao dặn dò:

- Việc mua bán đã xong. Ngày mồng chín tháng mười, tôi sẽ xây mộ độ một tháng thì xong. Ngày mười hai tháng mười một, tôi sẽ sang cát cho mẹ tôi  rồi chuyển cụ về đây. Bác và anh phải dời mộ trong tháng này.

- Vâng, anh yên tâm!

Ông Tần đáp, giọng có phần vui hơn khi cuộc giao dịch bất động sản đã thành công. Lúc chia tay, thầy địa lý nháy mắt với ông Tần ngầm bảo tối nay tôi đến lấy sáu trăm triệu; ông Tần đánh mắt, gật đầu.

Về đến nhà, ông Tần lấy ra sáu trăm triệu, còn một tỷ đưa hết cho Tuân. Tuân kêu lên, ông thầy địa lý ăn những sáu trăm triệu cơ à? Ông Tần vỗ về con, không có ông ấy thì không bán được đất với giá này đâu, thôi lộc trời mỗi người hưởng một tý! Tuân để lại ba trăm triệu để xây mộ cho mẹ. Ông Tần bảo khi sống mẹ anh là người giản dị, chỉ cần xây cái mộ bằng gạch cao ráo một tí khoảng ba mươi triệu là được rồi. Tuân không nói gì, chỉ ngước mắt nhìn lên tấm ảnh mẹ anh trên bàn thờ.

Tuân về Hà Nội được hai ngày thì nhận được tin sét đánh. Bố anh bị điên! Tuân vội vã xin cơ quan nghỉ việc, gửi con cho ông bà ngoại rồi đáp chuyến xe khách về ngay quê.

- Ha ha! Tao là người! Tao là người!

Nhìn thấy cảnh tượng ông Tuân, quần áo xé rách, tóc tai rũ rượi đang đi nghêu ngao trên đường làng: “Tao là người! Tao là người!”, lòng Tuân đau nhói. Tuân nhảy xuống xe ôm, vội vã trả tiền, lao đến bên bố:

- Bố ơi, sao ra nông nỗi này bố ơi!

- Ha, ha! Tao là người!

Tuân cầm tay bố dắt về nhà, nước mắt anh đầm đìa trên mặt. Về đến nhà, nguời Tuân nổi gai ốc khi nhìn lên ảnh mẹ trên bàn thờ. Chết cha rồi, mẹ anh không phù hộ mà trừng phạt bố con anh đã dám bán đất của mẹ rồi. Tuân vội vã thắp hương khấn mẹ hãy tha tội cho bố cho anh, anh sẽ trả lại tiền và không bán đất mộ mẹ nữa. Ông Tần lăn đùng ra nhà, cười lên ha hả:” Tao là người! Tao là người!”.

Buối tối, người làng thấy Tuân về nên kéo đến hỏi thăm, động viên rất đông. Người bảo chắc ông Tần lo nghĩ nhiều quá nên thần kinh căng lên như sợi dây diều no gió nên mới xảy ra cơ sự này. Người nói đi xem thầy xem mồ mả thế nào. Nghe nói đến mồ mả, ông Tần vả đôm đốp vào mồm mình:

- Động mồ động mả. Ha ha, tao là người!

Mọi người ồ lên, thôi đúng rồi, mồ mả nhà ông Tần bị động nên con dâu ông mới bị chết, nay lại làm cho ông điên. Họ nói với bà vợ hai của ông Tần và Tuân thử đến nhà thầy Bôi nhờ ông ấy xem cho một quẻ. Chả cần đợi đến sáng mai, tức tốc bà vợ hai của ông Tần đi đến nhà thầy Bôi. Thầy Bôi hỏi tuổi của ông Tần, bấm đốt tay tính toán rồi gieo quẻ bằng đồng xu, đoạn bảo với vợ ông Tần, mộ vợ cả của ông Tần đang bị động, phải cúng lễ, chuyển mộ đi chỗ khác thì chồng mới khỏi. Bà vợ ông Tần sụt sịt, thôi thì trăm sự lạy thầy, nhờ thầy cúng lễ, hết bao nhiêu gia đình xin lo liệu.

Thầy Bôi đến nhà ông Tần, lập đàn tế lễ hai ngày hai đêm. Ngày thứ ba, ông ra tận mộ vợ ông Tần cúng bái, nói gia đình cần nhanh nhanh di dời mộ ra chỗ bờ sông, nếu không cả nhà, thậm chí đàn ông cả dòng họ  sẽ bị điên. Ngay đêm ấy cả họ họp khẩn cấp, ra quyết định phải di dời mộ vợ ông Tần ra gần bờ sông nếu không để lâu khéo mà đàn ông cả dòng họ điên hết. Sáng hôm sau, dưới sự chỉ đạo của ông Mạc trưởng họ, đám thanh niên trong họ dời mộ và xây ngôi mộ mới cho vợ ông Tần. Theo lời của ông thầy Bôi, Tuân hợp với tuổi mẹ, sợ mẹ bắt đi nên không được có mặt lúc bốc mộ, chỉ được ra thắp hương cho mẹ ở nơi mộ mới thế nên mãi đến cuối buổi chiều, khi mọi việc đã xong xuôi thì Tuân mới được phép ra mộ để thắp hương cho mẹ.

 Đồng làng vắng vẻ, chỉ lác đác vài người làm đồng muộn đang vội vã ra về. Tuân bước đi những bước chân nặng trĩu, trái tim anh cũng nặng trĩu sự đau đớn, anh tin tưởng một cách tuyệt đối rằng bố anh điên là do bố đã bán đất mộ mẹ nên bị mẹ giận dữ trừng phạt bố, điều này chỉ anh và bố biết được, giờ bố đã bị điên nên chỉ một mình anh biết. Khi ông trưởng họ ra quyết định phải di dời mộ mẹ anh khẩn cấp để tránh cho đàn ông cả dòng họ khỏi bị điên như bố anh, Tuân đã định nói cho ông trưởng họ nghe sự thật nhưng sợ ông nổi giận nên anh chỉ nói bóng gió xa xôi, ông trưởng họ đã gạt phắt đi. Ông bảo một mình bố anh điên, thiên hạ đã lời ong tiếng ve rồi, nay đàn ông cả họ bị điên thì kinh khủng quá. Thôi thôi, anh học hành đến thạc sĩ, có tí chữ nghĩa nhưng anh không hiểu được tâm linh đâu, việc này cứ để cả họ quyết định. Ở quê, kẻ trên, người dưới phân quyền rõ ràng, ông cụ tám mươi, râu tóc bạc phơ phải chào đứa trẻ lên ba bằng ông, bằng bác thì Tuân gọi ông trưởng họ bằng cụ, sao anh dám cãi lại lời ông!

Tuân ra đến nghĩa địa làng thì từ xa đã nhìn thấy có người đang phủ phục bên một ngôi mộ. Tuân đến nơi, sửng sốt thấy bố anh ngồi câm lặng trước ngôi mộ mẹ anh mới xây còn nồng nặc mùi vôi vữa. Tuân ôm lấy bố:

- Bố, bố đang bệnh ra đây làm gì cho gió máy?

Ông Tần quay lại, đặt tay lên vai Tuân:

- Con có lớn mà chưa có khôn, có học mà chưa có hành, bố không điên thì làm sao mà bán được đất mộ mẹ anh.

Tuân lặng đi vì xúc động, anh quỳ gối trước mộ, vái lạy:

- Mẹ ơi con xin lỗi mẹ vì đã  hiểu sai lòng mẹ!

Quay sang phía ông Tần, Tuân vái lạy:

- Bố ơi con xin lỗi bố vì đã không hiểu được lòng bố!

Bỗng những nén hương trên mộ bùng cháy. Tuân sợ hãi co rúm người lại nhưng ông Tần thì phấn chấn hẳn lên, ông bảo hương bùng cháy là được người cõi âm phù hộ cho người cõi dương. Hai bố con ra về, trên đường gặp một người đi ra nghĩa địa, đầu tóc bù xù, mặc áo com-le, đeo cà vạt, quần xắn móng heo, tay xách chiếc cặp da bóng lộn, vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Ta là Bộ trưởng, ta là người nổi tiếng!

Thì ra là ông Cao

 Vũ Đảm

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...