Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

9 thói quen xấu khiến người khác ‘xa lánh’ bạn

 Trong cuộc sống, ai cũng muốn hòa đồng và giữ mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Nhưng có lúc bạn nhận ra người đối diện không thích mình, hoặc bạn bè của bạn bỗng dưng xa lánh bạn. Vậy thì bạn hãy xem mình có 9 thói quen dưới đây không nhé.

1_ Hay đổ lỗi


image


“Đổ lỗi cho người khác là một hình thức tự phản bội và tự từ bỏ”, Nancy Colier viết trong Psychology Today. Nó rõ ràng giúp bạn tránh khỏi việc phải sửa chữa bản thân và đối mặt với thực tế rằng có một vấn đề trong bạn cần được giải quyết, từ đó, cản trở sự phát triển của bạn.

 

Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Đôi khi những khó khăn đến với bạn là để giúp bạn trưởng thành hơn, trải nghiệm và tích lũy những kinh nghiệm phong phú trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu bạn không suy nghĩ tích cực và lạc quan, mà hay tỏ ra là người rất đáng thương, hoặc “đóng vai người bị hại”. Bạn sẽ làm người khác thấy mệt mỏi khi ở cạnh mình.


image


Nếu bạn luôn than vãn về những khó khăn hoặc bất công mà bạn đang phải “chịu đựng”, mà không có những giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề. Thậm chí, bạn còn đòi hỏi người khác phải giải quyết dùm bạn, hoặc “lợi dụng cơ hội” để xin, nhờ người khác phải giúp đỡ bạn. Như vậy là bạn đang lạm dụng lòng tốt của người khác. Và đây chắc chắn không phải là cách ứng xử tốt để duy trì một mối quan hệ lâu dài. 

 

2_ Thích kiểm soát người khác


image


Bạn thích mọi thứ trong cuộc sống đều phải có kế hoạch và diễn ra thật “chuẩn chỉnh”; điều đó không có gì để phàn nàn. Tuy nhiên, nếu bạn luôn muốn người khác phải làm theo ý bạn, mà không cho họ quyền tự quyết định hoặc bày tỏ ý kiến và cảm xúc thì bạn đang làm người khác cảm thấy “nghẹt thở”. Lâu dần, họ sẽ có xu hướng lảng tránh bạn.

 

3_ Hay ghen tỵ


image


Khi bạn bè hoặc người thân chia sẻ với bạn niềm vui hoặc thành tựu trong công việc của họ, bạn có thật lòng chúc mừng họ? Nếu người bạn của bạn học giỏi hơn bạn hoặc thành công hơn bạn, liệu bạn có cảm thấy ghen tức với họ?

 

Nếu bạn trong lòng bạn dâng lên cảm giác không thoải mái, căm ghét, bực bội, có thể bạn sẽ tỏ thái độ tiêu cực hoặc có những lời nói khiến họ bị tổn thương. Chỉ vài lần như thế, mọi người sẽ nhận ra bạn có tính hay ghen tỵ và họ chẳng còn muốn chia sẻ bất cứ điều gì với bạn.

 

4_ Hay nói dối


image


Nếu người khác biết rằng bạn thường hay nói dối, họ sẽ chẳng thể đặt niềm tin nơi bạn. Tin tưởng lẫn nhau là một trong những yếu tố cần thiết để xây dựng một mối quan hệ bền chặt. Do đó, khi không có niềm tin và sự chân thành, ai sẽ muốn ở gần bạn?

 

5_ Tính nhiều chuyện


image


Bạn hay “thêm mắm, dặm muối” vào các câu chuyện phiếm với bạn bè, đồng nghiệp, và bạn cho rằng nó vô hại. Hãy cẩn thận! Thói quen này sẽ đưa bạn đi xa tới mức bạn có thể kiểm soát và khiến bạn bị cô lập. Vì sao ư? Ai có thể chấp nhận trở thành “nhân vật chính” trong những câu chuyện mua vui của bạn? Điều đó thể hiện rằng bạn không tôn trọng họ, và khi không cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ đưa bạn ra khỏi các cuộc trò chuyện.

 

6_ Tham lam và ích kỷ


image


Trong các mối quan hệ, bạn luôn đặt nặng quyền lợi của bản thân lên hàng đầu. Bạn luôn muốn được lợi cho mình, mà không hề quan tâm đến lợi ích và cảm thụ của người khác. Bạn cũng luôn cho rằng bạn là quan trọng nhất, ai cũng có nhiệm vụ phải đáp ứng mọi yêu cầu của bạn. Như thế có công bằng không? Người khác sẽ nhận ra ngay rằng bạn đang lợi dụng họ. Khi bạn cho đi nghĩa là bạn đang nhận lại nhiều hơn thế, vì vậy hãy cho nhiều để có nhiều bạn nhé!

 

7_ Suy nghĩ tiêu cực


image


Bạn luôn nghĩ về mọi việc theo chiều hướng xấu và bi quan. Bạn có xu hướng hay chỉ trích và phàn nàn bất cứ khi nào gặp chuyện không vừa ý. Thậm chí, bạn còn hay đổ lỗi cho người khác và cằn nhằn mãi không thôi chỉ vì một chuyện bé tí. Người nào sẽ có đủ kiên nhẫn để chịu đựng bạn trong một thời gian dài nếu bạn không nhận ra và thay đổi tính xấu này?

 

Theo tờ Psychology Today, khi chúng ta quét não của một người nói “không” trên màn hình trong chưa đầy một giây, hàng chục hormone và chất dẫn truyền thần kinh gây căng thẳng sẽ được giải phóng. Nếu việc tiếp xúc với các kích thích tiêu cực ít hơn một giây có thể tác động đến bạn như vậy, hãy tưởng tượng hệ quả của việc lặp đi lặp lại những suy nghĩ và lời nói tiêu cực dành cho bản thân mỗi ngày.


image


Chúng có thể phá hoại tâm trí và cơ thể của bạn, giết chết sự tự tin, niềm vui, cản trở bạn tiến đến phiên bản tốt nhất của mình, thậm chí gây ra các bệnh tâm lý như trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Hãy tránh những từ như “không thể”, “không bao giờ”, “không” và các cụm từ tiêu cực khác, đồng thời thay chế chúng bằng các cụm từ tích cực như “tôi có thể”, “tôi có khả năng”, bạn sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc sống và dần hướng đến những thứ tốt đẹp hơn.


8_ Luôn cho là mình đúng


image


Bạn cho rằng mình thông minh nhất, có năng lực nhất và luôn nổi bật nhất. Bạn tự tin rằng mình biết hết mọi thứ trên đời, và xem thường những người xung quanh bạn. Không có bạn thì chẳng ai có thể làm việc tốt chăng?… Bạn đã quá chủ quan rồi đấy! Khi bạn quá kiêu ngạo, bạn sẽ tự đánh mất đi sự phối hợp của tập thể. Điều này sẽ trở thành một mất mát lớn cho sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

 

Bạn luôn khăng khăng cho mình là đúng trong mọi trường hợp và phớt lờ tất cả ý kiến của những người khác. Trong bất cứ cuộc trò chuyện hoặc tranh luận nào, bạn cũng muốn giành phần thắng về mình. Như vậy, mọi người sẽ nhường cho bạn tự độc thoại và rút lui. Bạn sẽ cô độc một mình trong thế giới do chính mình tạo nên.


image


Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong công việc và cuộc sống của mỗi người. Giao tiếp tốt giúp bạn gắn kết với mọi người. Ngược lại, giao tiếp kém sẽ khiến bạn không thể hòa đồng trong xã hội. Đôi khi, nguyên nhân không phải do chính ai khác mà do chính bản thân mình.

 

9_ Không giữ chữ tín


image


Người xưa có câu: “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Nếu bạn có thói quen nói lời mà không giữ lấy lời, thì bạn đang gặp rắc rối trong việc xây dựng những mối quan hệ bền chặt rồi đó. Tin tưởng là một trong những yếu tố nền tảng để bạn giao tiếp và kết thân với người khác. Đây là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác và chính là hình ảnh đại diện của bạn. Vì vậy, bạn đừng thất hứa và nên thực hiện những gì mình đã nói và đề ra.


image


Với dân tộc người Do Thái ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, các em đã được các bậc cha mẹ dạy biết tầm quan trọng của việc giữ chữ tín, đồng thời hình thành cho trẻ những thói quen trung thực từ việc nhỏ nhất. Người Do Thái cho rằng: Thành tín, trung thực là điều căn bản của con người trong cuộc sống cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Một người có tài giỏi đến đâu, giàu có đến thế nào, nếu không có sự thành tín thì anh ta sẽ dần dần mất đi tất cả. Việc coi trọng chữ Tín là tiêu chuẩn đạo đức mà ai cũng cần tuân thủ, đây cũng là một nhân tố quan trọng dẫn tới thành công.


Vậy nên, hãy tránh xa 9 thói quen xấu này nếu bạn muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người xung quanh và tiến tới thành công.

 

 

Thảo Vy


(Dam Ho chuyển)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...