Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Giai Thoại Văn Chương : HOÀNG HẠC LÂU từ nhà Đường đến nhà Nguyễn VIỆT NAM ( P.2 )


 Người đất Kim Lăng là Lư Dĩnh 盧郢, sống ở cuối đời Đường và đầu đời Tống, ông giỏi văn chương thanh nhạc, lại thổi được một ống sáo bằng sắt rất giỏi. Trong thời Ngũ Đại, có một lần ông làm văn thế cho Từ Huyền trình lên Nam Đường Lý Hậu Chúa. Chúa bảo :"Cái thế của lời văn không phải là của khanh viết" Huyền tỏ thật là do Dĩnh viết, nên Dĩnh nổi tiếng từ đó. Sau đây là bài thơ tả Hoàng Hạc Lâu của Lư Dĩnh : 

                  黄鶴樓                HOÀNG HẠC LÂU          
               黃鶴何年去杳冥,    Hoàng Hạc hà niên khứ yểu minh,
               高樓千載倚江城。    Cao lâu thiên tải ỷ giang thành.
               碧雲朝卷四山景,    Bích vân triêu quyển tứ sơn cảnh,
               流水夜傳三峽聲。    Lưu thủy dạ truyền tam hiệp thinh.
               柳暗西州供騁望,    Liễu ám tây châu cung sính vọng,   
               草芳南浦遍離情。    Thảo phương nam phố biến ly tình.
               登臨一晌須回首,     Đăng lâm nhất hưởng tu hồi thủ,
               看卻鄉心萬感生.     Khán khước hương tâm vạn cảm sinh !
                              盧郢                                               Lư Dĩnh
Nghĩa bài thơ :
        Hạc vàng không biết từ năm nào đã bay về nơi xa xăm huyền ảo, bỏ lại lầu cao ngàn năm nay vẫn đứng tựa vào Hán Dương thành và dòng nước Trường Giang. Mây biếc buổi sáng như quyện lấy cảnh của bốn ngọn núi chung quanh, và dòng nước chảy ban đêm nghe như vẳng lại tiếng nước reo của Trường Giang Tam Hiệp. Hàng liễu mơ màng trên Anh Vũ Châu (Tây Châu) nhìn ngắm từ phía xa xa, bãi cỏ non xanh mượt ở bờ nam như cũng nắm níu cho tình cảnh biệt ly. Lên lầu cao nầy quay đầu nhìn ngắm trong chốc lát, ai là người chẳng cảm thấy lòng quê dào dạt muôn vàn !

* Diễn Nôm :
                        HOÀNG HẠC LÂU

                  Hạc đã năm nào bay mất tăm,
                  Ngàn năm lầu vẫn đứng ven sông.
                  Tứ sơn mây phủ ngày thay cảnh,
                  Tam Hiệp nước reo đêm vọng âm.
                  Bóng liễu chập chờn cồn tây ngắm,
                  Cỏ non mơn mởn bãi nam thành.
                  Lên cao một thoáng quay đầu ngắm,
                  Chan chứa lòng quê thắm thiết tình !
                                           Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

     Bài thơ khởi đầu bằng lời nghi vấn rồi trực tả cảnh trí xung quanh lầu Hoàng Hạc, cũng thành Hán Dương và Bãi Anh Vũ xa xa thấp thoáng cỏ non liễu rũ... rồi cũng kết bằng nỗi niềm cản xúc nhớ về quê hương như trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu :" 日暮鄉關何處是?Nhật mộ hương quan hà xứ thị? 煙波江上使人愁! Yên ba giang thượng sử nhân sầu! Còn ở đây là :

               登臨一晌須回首,     Đăng lâm nhất hưởng tu hồi thủ,
               看卻鄉心萬感生.     Khán khước hương tâm vạn cảm sinh! 

     Lời lẽ tuy có khác nhưng tình quê thì vẫn là một mà thôi ! 

     Năm Thuần Hi thứ 5 đời Nam Tống (1178) Lục Du 陸游, nhà chính trị và văn học gia rất giỏi về thi từ, từ Thành Đô trở về đông, khi đi ngang qua Vũ Xương đã cảm xúc mà làm bài thơ nầy. Khi vào đất Thục để kháng Kim, ông đã 46 tuổi, lúc nầy đã 54 tuổi rồi, hồi tưởng lại gần mười năm vạn lý trường chinh để mong khôi phục lại Trung Nguyên, nhưng mắt thấy triều đình ngày càng hủ bại, khó mong thực hiện hoài bão của mình mà đâm ra ưu thời mẫn thế cảm khái cho thời cuộc đão điên. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của ông sau đây cũng phản ánh một phần tâm tư của ông lúc đó : 
                       
                         黄鶴樓                 HOÀNG HẠC LÂU
                 手把仙人綠玉杖,   Thủ bả tiên nhân lục ngọc trượng,
                 吾行忽及早秋期。   Ngô hành hốt cập tảo thu kỳ.
                 蒼龍闕角歸何晚,   Thương long khuyết giác qui hà vãn,   
                 黄鶴樓中醉不知。   Hoàng Hạc lâu trung túy bất tri.
                 江漢交流波渺渺,   Giang Hán giao lưu ba miễu miễu,
                 晋唐遺迹草离离。   Tấn Đường di tích thảo li li.
                 平生最喜聽長笛,   Bình sinh tối hỉ thính trường địch,
                 裂石穿雲何處吹?   Liệt thạch xuyên vân hà xứ xuy ? 
                           陸游                               Lục Du
* Nghĩa bài thơ :
        Câu đầu lấy ý từ 2 câu thơ của Lý Bạch "Thủ trì lục ngọc trượng, Triêu biệt Hoàng Hạc Lâu 手持绿玉杖,朝别黄鹤楼": Tay chống cây gậy ngọc màu lục, trong buổi sáng rời khỏi Hoàng hạc Lâu...
        Tay cầm cây lục ngọc trượng của người tiên, Ta đi để cho kịp lúc mùa thu sắp sang. Bây giờ là lúc ta quay trở về bên góc của thương long,(nhà ta ở sát cạnh đế đô nơi vua ngự) nhưng ta lại say khước trong Hoàng Hạc Lâu nầy. Mắt nhìn Trường Giang và Hán Thủy cùng giao nhau và cùng chảy gợn sóng mênh mông. Hoàmh Hạc Lâu nầy vốn là di tích qua các đời Tấn đời Đường đến nay, nên cỏ đã mọc xanh xanh cả rồi. Bình sinh ta rất thích nghe tiếng sáo trúc, bây giờ thì tiếng sáo vút cao như đang xé mây xuyên đá văng vẳng ở đâu đây?  
        Hai câu cuối Lục Du đã phỏng ý 2 câu thơ của Lý Bạch là "Hoàng Hạc Lâu trung xuy ngọc địch, Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa 黄鹤楼中吹玉笛,江城五月落梅花"(Sáo ngọc thổi trong lầu Hoàng Hạc, Tháng năm mai trụng xứ Giang Thành).

* Diễn Nôm :
                       HOÀNG HẠC LÂU
   
                Gậy ngọc người tiên chống ở tay,
                Khởi hành để kịp gió thu lay.
                Kinh thành góc nhỏ quay về muộn,
                Hoàng Hạc trong lầu lướt khướt say. 
                Giang Hán giao lưu làn sóng gợn,
                Tấn Đường di tích cỏ xanh bày.
                Bình sinh vốn thích nghe trường sáo,
                Xuyên đá rẻ mây thổi đến ai ?!
                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm  
 
     Đến đời Minh thì người đứng đầu "Hậu Thất Tử 后七子" là Vương Thế Trinh 王世貞(1526-1590)Ông vừa là nhà chính trị, nhà văn học và cả nhà thơ nữa. Thơ của ông có phong cách của thơ đời Đường Tống. Sau đây ta hãy đọc bài "Đăng Hoàng Hạc Lâu 登黃鶴樓" của người lãnh tụ văn đàn đời Minh xem sao :
                 縹緲高憑崔氏樓,     Phiêu diểu cao bằng Thôi thị lâu,
                依微西眺禰生洲。     Y vi tây thiếu nễ sanh châu.
                天容孤鹤排空上,     Thiên dung cô hạc bài không thượng,
                水合雙龍抱郡流。     Thủy hợp song long bão quận lưu.
                一代真成春雪倡,     Nhất đại chơn thành xuân tuyết xướng,
                千年誰識歲星愁。     Thiên niên thùy thức tuế tinh sầu.
                老夫聊玩人間世,     Lão phu liêu ngoạn nhân gian thế,
                任遣浮雲黯不收。     Nhậm khiển phù vân ám bất thâu.
                         王世貞                           Vương Thế Trinh
* Nghĩa bài thơ :
                           Lên Lầu Hoàng Hạc
       Đứng trên lầu Thôi Thị Nầy (chỉ Hoàng Hạc lâu) từ trên cao nhìn ra xa xa, mơ hồ thấy được phía tây có cồn bãi xanh tươi (chỉ Anh Vũ Châu). Trời còn để cho một con hạc lẻ bay vút lên trên từng không, Hai dòng nước (chỉ Trường Giang và Hán Thủy) như hai con rồng ôm lấy châu quận mà chảy. Một đời chân thành khởi xướng trong trắng như tuyết mỏng của mùa xuân, trong ngàn năm ai biết được nỗi sầu tinh tuế (chu kỳ của tinh tuế là 12 năm, mỗi năm ứng với một sao Thái Tuế). Lão già ta đây đến thế gian nầy để vui chơi một chuyến, nên mặc cho những đám mây nổi trên bầu trời có u ám cũng chả ra làm sao cả !

* Diễn Nôm :
                       Đăng Hoàng Hạc Lâu

                  Trên lầu Thôi Thị ngắm chân mây,
                  Mờ tỏ xa trông bãi mé tây.
                  Trời cho cô hạc mây ngàn khuất,
                  Nước hợp hai nguồn châu quận đây.
                  Một kiếp chân thành xuân tuyết mỏng,
                  Ngàn năm ai biết mối sầu dầy.
                  Lão phu đến thế gian du ngoạn,
                  Nên mặc nổi chìm những sắc mây !
                                                   Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
      
       Hoàng Tôn Hiến 黄遵憲 (1848 -1905 ) là thi nhân cận đại của triều đại cuối cùng của Trung Hoa : Thanh Triều. Ông là người sống trong nửa bán thế kỷ mà Trung Hoa chịu nhiều nhục nhã nhất trong lịch sử : Nha phiến chiến tranh, Giáp Ngọ chiến tranh, Mậu Tuất chính biến... Sau đây là bài "Thướng Hoàng Hạc Lâu 上黃鶴樓" của ông với đầy vẻ ưu thời mẫn thế...

                  上黃鶴樓             THƯỚNG HOÀNG HẠC LÂU


                   磯頭黃鵠日東流,   Cơ đầu hoàng hộc nhựt đông lưu,
                又此闌干又此秋。   Hựu thử lan can hựu thử thu.
                鼾睡他人同臥榻,   Hãn thụy tha nhân đồng ngọa tháp,
                婆娑老子自登樓。   Bà sa lão tử tự đăng lâu.
                能言鸚鵡悲名士,   Năng ngôn anh vũ bi danh sĩ,
                折翼天鵬概督州。   Chiếy dực thiên bằng khái đốc châu.
                灑盡新亭楚囚淚,   Sái tận tân đình Sở tù lệ,
                煙波風景總生愁。   Yên ba phong cảnh tổng sanh sầu !
                        黄遵憲                            Hoàng Tôn Hiến

* Nghĩa bài thơ :
                         LÊN LẦU HOÀNG HẠC
       Trên mõm đá cao, con ngổng trời màu vàng ngày nào cũng nhìn nước chảy về đông, và cũng ở dãy lan can nầy và cũng mùa thu nầy. Mặc cho tiếng ngáy của những người khác cùng nằm chung sạp, cái ông già là ta đây một mình đang lắt lư đi lên lầu. Những con chim anh vũ biết nói buồn cho các danh sĩ, và con đại bàng gãy cánh cảm khái trước Anh Vũ Châu. Khóc hết nước mắt như người tù nước Sở, vô kế khả thi. Trước cái cảnh khói sương mù mịt thế nào cũng cảm thấy ưu sầu !

* Diễn Nôm :
                      THƯỚNG HOÀNG HẠC LÂU
        
                 Hoàng hộc cao nhìn nước chảy dài...
                 Cũng lan can ấy cũng thu nay...
                 Những người cùng sạp đều say ngủ,
                 Riêng chỉ mình ta đến chốn nầy.
                 Anh vũ tiếng người thương kẻ sĩ,
                 Đại bàng gãy cánh cũng bi ai,
                 Lệ buồn rơi tựa tù nhân Sở...
                 Khói sóng thêm sầu tấc dạ ai !...
                                        Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm  
         
      Về phần các thi sĩ Việt Nam ta đối với Hoàng Hạc lâu thì...

 

  Năm Quý Dậu (1813) Khi NGUYỄN DU được thăng Cần Chánh điện Đại Học Sĩ và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu Tham Tri bộ Lễ (hàm Tam phẩm). Chính thời gian đi sứ sang nhà Thanh nầy, khi đi ngang qua lầu Hoàng Hạc Nguyễn Du cũng không bỏ lở cơ hội ghé qua ngôi lầu nổi tiếng cổ kim nầy, và cũng chính vì thế mà ta lại được đọc thêm một bài thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu bất hũ sau đây :

           黃鶴樓                       Hoàng Hạc lâu
                    阮攸                                 Nguyễn Du
      何處神仙經紀時 ?        Hà xứ thần tiên kinh kỉ thì ?
      猶留仙跡此江楣 .        Do lưu tiên tích thử giang mi.
      今來古往盧生夢,         Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng,
      鶴去樓空崔顥詩 .        Hạc khứ lầu không Thôi Hiệu thi.
      軒外煙波空渺渺,         Hiên ngoại yên ba không miểu miểu,
      眼中草樹尚依依 .        Nhãn trung thảo thụ thượng  y  y.
      衷情無限凴誰訴 ?        Trung tình vô hạn bằng thùy tố ?
      明月清風也不知 !        Minh nguyệt thanh phong dã bất tri !
           

CHÚ THÍCH :
    1. KINH KỶ 經紀 : là Kinh Doanh, tính toán làm ăn, buôn bán. Ví dụ : KINH KỶ NHÂN 經紀人 : Người Kinh Doanh. KINH KỶ GIA 經紀家 : là Nhà Kinh Doanh. Từ KINH KỶ trong câu thơ chỉ Hoàng Hạc Lâu từng là nơi kinh doanh buôn bán rượu được tiên giúp đở theo các truyền thuyết sau đây :

    Có ba truyền thuyết về Hoàng Hạc Lâu như sau :

    A. Theo " Nam Tề thư Châu Quận Chí " : Thời cổ đại, có tiên ông Hoàng Tử An thường cởi hạc vàng bay ngang qua lầu nầy, nên mới lấy tên là HOÀNG HẠC LÂU.

    B. Theo sách " Đồ Kinh " : Xưa Phí Vĩ lên tiên, thường cởi hạc vàng nghỉ ngơi ở lầu nầy, nên có tên là HOÀNG HẠC LÂU. Nhưng...
       Theo sách " Thái Bình Hoàn Vũ Ký " thì ghi rằng : Người nước Thục là Phí Văn Vĩ tu thành tiên, thường cởi hạc vàng và nghỉ ngơi ở lầu nầy, nên mới đặt tên lầu là " HOÀNG HẠC LÂU ".

     C. Theo " Báo Ứng Lục " : Dòng họ Tân Thị mở quán bán rượu. Một hôm, có một đạo sĩ tướng mạo khôi ngô, nhưng áo quần lam lũ, đến hỏi một cách thẳng thắng rằng : " Có thể cho bần đạo uống chịu được không ?", Tân Thị ưng thuận. Đạo sĩ uống bằng ly lớn và uống rất nhiều. Cứ thế, kéo dài nửa năm, Tân Thị vẫn thản nhiên không lộ vẻ khó chịu. Một hôm, đạo sĩ nói với Tân Thị rằng : " Thiếu nhiều tiền rượu quá, không gì đền đáp ! ", bèn lấy miếng vỏ quit trên bàn vẽ hình một con hạc lên vách, vì vẽ bằng vỏ quít nên con hạc có màu vàng. Điều thần kì là hễ Tân Thị vổ tay thì hạc từ trên vách bay xuống múa may chào khách theo đúng âm luật nhịp nhàng, nên khách đến uống rượu rất đông. Ròng rã suốt mười năm trường, Tân Thị đã giàu có ức vạn. Một hôm, đạo sĩ trở lại,Tân Thị tiếp đón vô cùng niềm nở, tỏ ý sẽ thỏa mãn mọi yêu cầu của đạo sĩ. Đạo sĩ chỉ cười, lấy trong tay áo ra một ống sáo, thổi lên mấy hồi réo rắc. Bỗng thấy mây trắng từ trên cao bay xuống và hạc vàng cũng từ trong vách bay ra. Đạo sĩ cưởi hạc cưởi mây mà bay đi mất dạng. Vì vậy  mà Tân Thị mới dùng tiền kiếm được xây quán thành lầu và đặt tên là " HOÀNG HẠC LÂU " từ đó. Nên...
          Câu thơ số 1 " Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì ?" có nghĩa : Nơi đâu là nơi mà có lúc thần tiên đã (giúp đỡ cho việc) kinh doanh buôn bán ?
          
     2. TIÊN TÍCH 仙跡 : Vết tích của Thần Tiên. GIANG MY 江楣 : là Cửa Sông, Ngã Ba Sông. Nên câu 2 "Do lưu tiên tích thử giang mi." có nghĩa...
    ...Còn lưu lại dấu vết của thần tiên ở cửa sông nầy !

     3. LƯ SINH MỘNG 盧生夢 : Giấc mộng của Lư Sinh, còn gọi là Giấc mộng Hoàng Lương hay là Giấc Kê Vàng. Theo tích : Lư Sinh người đất Hàm Đan, thi rớt, gặp một đạo sĩ họ Lã (Lữ) trong quán rượu, chuyện trò rất tâm đắc. Sinh than thở cho cuộc đời bất đắc chí của mình, đạo sĩ cười ,lấy một chiếc gối bằng sành đưa cho Lư Sinh, bảo chàng gối đầu lên đó mà ngủ một giấc sẽ được toại nguyện. Lư Sinh bèn làm theo lời đạo sĩ, lúc đó, chủ quán vừa bắt nồi hoàng lương ( hạt kê màu vàng như hạt bắp ) lên nấu....
         Lư Sinh mộng thấy mình trở về quê, cưới được con gái nhà giàu là Thôi Thị làm vợ, sống cuộc đời giàu có. Năm sau, đi thi lại đỗ ngay Tiến Sĩ Hoàng Giáp, được phong Hiệu Thư Lang, làm Huyện Úy của Huyện Vị Nam, sau lại được phong làm Giám Sát Ngự Sử. Cách năm lại qua Thiểm Châu phụ trách công trình thủy lợi, giúp dân khai mở trên 80 dặm kinh đào xuyên qua Thiểm Tây, dân chúng lập bia ghi lại công đức. Mấy năm sau, được triệu về kinh làm Kinh Triệu Doãn, vừa gặp lúc Thổ Phồn làm loạn, Thần Võ Hoàng Đế phong cho làm tướng soái đánh tan 7 vạn quân Phiên, mở mang thêm 900 dặm bờ cỏi, được dựng bia đá ghi công. Mấy năm sau được chuyển về kinh, quan phong Ngự Sử Đại Phu, Lại Bộ Thị Lang. Nhưng vì có lời xúc phạm đến Tể Tướng đương triều, nên bị biếm làm Ngự Sử Đoan Châu. Ba năm sau được triệu về kinh làm Trung bộ Thị Lang, bị tước hết binh quyền, lại bị những bạn đồng liêu hãm hại, vu cho cấu kết với các tướng ở biên cương, mưu đồ làm phản, nên cả nhà đều phải lãnh án tru di, Sinh buồn khóc với vợ là Thôi Thị, phải biết trước thì không ra làm quan, định tự vẫn, may nhờ có quới nhân bảo trợ mới khỏi tội chém đầu, cả nhà đều vào đại lao thọ án. Mấy năm sau,Vua biết là bị hàm oan, nên cho phục chức Trung Thư Lệnh, phong Triệu Quốc Công. 5 đứa con trai đều đậu đạt và đăng đàn bái tướng. Con cháu đầy đàn, thông gia đều là những gia đình quyền quí. Ruộng đất vạn khoảnh, gia bộc đầy nhà, vinh hoa phú quí suốt 30 năm trường. Khi già bệnh thì lương Y khắp nơi được mời về điều trị, nhưng sinh lão bệnh tử nào ai tránh khỏi, nên cuối cùng cũng nhắm mắt lìa đời...
       Đây cũng là lúc Lư Sinh vừa tỉnh mộng, đạo sĩ họ Lữ còn ngồi đó, và nồi kê vàng của chủ quán còn nấu chưa chín để bán cho khách !... Nên, câu 3 "Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng," có nghĩa...
      Tất cả những việc từ xưa đến nay cũng giống như là giấc mộng của Lư Sinh mà thôi !
    Câu 4. "Hạc khứ lầu không Thôi Hiệu thi." có nghĩa : Hạc đã bay đi rồi, lầu đã trống không rồi, chỉ còn lại có bài thơ của Thôi Hiệu mà thôi.
    Câu 5. "Hiên ngoại yên ba không miểu miểu," có nghĩa : Ngoài hiên lầu, khói sóng trên sông vẫn mênh mông bát ngát.
    Câu 6. "Nhãn trung thảo thụ thượng  y  y." có nghĩa : Trong mắt ta, cỏ cây hoa lá như vẫn bịn rịn luyến lưu.
    Câu 7. "Trung tình vô hạn bằng thùy tố ?" có nghĩa : Nỗi cảm xúc vô vàn ở trong lòng này biết tỏ cùng ai đây ?.
    Câu 8. "Minh nguyệt thanh phong dã bất tri !" có nghĩa : Trăng trong gió mát cũng không biết được nỗi lòng này của ta !.
 DIỄN NÔM :
             
                    LẦU HOÀNG HẠC

          Nơi nào tiên thánh đã kinh thương,
          Lưu dấu cửa sông mấy dặm đường.
          Tháng lại ngày qua như giấc mộng,
          Hạc bay lầu vắng chỉ thơ vương.
          Ngoài hiên bát ngát sông mây khói,
          Trước mắt mơ hồ hoa cỏ hương.
          Muốn tỏ nỗi lòng ai thấu hiểu ?
          Trăng  thanh gió mát cũng xem thường !

 Lục bát :
          Nơi nào tiên đã từng qua,
          Còn lưu vết tích chưa nhòa cửa sông.
          Lư Sinh giấc mộng như không,
          Lời thơ Thôi Hiệu mây lồng hạc xa.
          Ngoài hiên sóng nước bao la,
          Luyến lưu cây cỏ la đà ven sông.
          Biết ai bày tỏ nỗi long  ?
          Trăng thanh gió mát sầu không ai màng !
                                               Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Bài DIỄN NÔM của thi sĩ Thời Tiền chiến QUÁCH TẤN :

        Lầu Hoàng Hạc
Nào thuở tiên đi mãi đến giờ ,
Dấu tiên bên bến đứng trơ vơ .
Xưa qua nay lại Lư dồn mộng ,
Hạc khuất lầu không Hạo để thơ .
Thăm thẳm nước mây ngoài vạn dặm ,
Dờn dờn cây cỏ vẫn nghìn xưa .
Nỗi lòng ấp ủ cùng ai tỏ ?
Gió mát trăng trong luống hửng hờ .
                        ( Quách Tấn diễn Nôm )

Rồi đến...
                         
            
       Năm 1834, Minh Mạng thứ 15, Cụ PHAN THANH GIẢN được cử đi sứ Trung Quốc. Khi đi ngang qua ngôi lầu nổi tiếng nầy, cũng như tất cả những thi nhân từ ngàn xưa đến nay, ông đã không bỏ lỡ dịp may lên thăm và ngắm ngôi lầu với nhiều huyền thoại nầy, và cũng vì thế mà ta mới có dịp thưởng thức thêm một bài thơ trác tuyệt của ông nữa, bài ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU sau đây : 

      ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU                    登黃鶴樓                           

    

   
Tích thời hạc dĩ hà niên khứ ?                  昔時鶴已何年去?   
Thiên tải nhân tòng Nam cực lâm.            千載人從南極臨。
Anh vũ châu tiền phương thảo lục,           鸚鵡洲前芳草綠,
Tình Xuyên Các thượng bạch vân thâm.    晴川閣上白雲深。
Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,            半簾落日浮江漢,
Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)      一片寒流送古今。
Mãn mục yên ba chuyển trù trướng,         滿目煙波轉惆悵,
Du du trần mộng thập thu tâm.               悠悠塵夢拾秋心!
 
* Dịch Nghĩa :
 
       Câu 1 :  Ngày xưa, Hạc đã bay đi mất tự năm nào ? 
       Câu 2 : Ngàn năm sau, mới có người từ vùng cực Nam đến đây.( Ngàn năm chỉ là cách nói nhấn, để chỉ rất nhiều năm rồi. Đối với Trung Hoa xưa thì nước ta ở về phía cực Nam. Câu nầy Cụ Phan tự chỉ mình là người đến từ Nước cực Nam, là nước xa tít ở cỏi Nam  ).
      Câu 3 : Cỏ non vẫn còn xanh tươi trên cù lao Anh Vũ ở giữa ngã ba sông. Liên hệ câu : Phương thảo thê thê Anh Vũ Châu 芳草萋萋鸚鵡洲, trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đời Đường ).
      Câu 4 : Mây trắng vẫn còn chập chùng trắng xóa khi ta đứng trên Tình Xuyên Các. ( chữ " Thâm " ở đây không có nghĩa là " sâu " , mà là " Đậm ", dùng để chỉ màu sắc, mây trắng mà " đậm ", là mây " trắng xóa chập chùng " . Chữ THÂM ở đây còn dùng để đối với chữ LỤC ở câu trên.
      Câu 5 : ( Vì đứng trong lầu nhìn ra, nên thấy...) Mặt trời lặn như nổi trên sông nước lung linh xuyên qua Nửa Bức Rèm ( bán liêm ) treo trên lầu .
      Câu 6 : Một dãy nước chảy âm thầm, lạnh lùng xuyên suốt từ ngàn xưa đến nay.
      Câu 7 : Mãn mục là " đầy mắt " , ở đây có nghĩa là khoảng không gian mênh mông trước mắt. Câu nầy có nghĩa : Khói sóng mênh mông khiến cho lòng xúc đông bồi hồi ( trù trướng ).
      Câu 8 : ( Nên chi )...Trong ( giấc mộng trần thế ) cuộc đời mộng ảo nầy cũng chỉ nhặt nhạnh ( thập )  được lòng hoài cảm trong mùa thu mà thôi !. Câu cuối nầy, có thể Cụ PHAN đã chơi chữ đây, vì chữ THU 秋 ở trên, chữ TÂM 心 ở dưới, nếu ghép lại thì ta sẽ có chữ SẦU 愁. Cũng vừa hợp với chủ ý của bài thơ gốc của Thôi Hiệu :

             Nhật mộ hương quan hà xứ thị             日暮鄉関何處是
             Yên ba giang thượng sử nhân SẦU        烟波江上使人愁

mà nhà thơ Tản Đà đã dịch rất xuất sắc là :

               Quê hương khuất bóng hoàng hôn
               Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai  !....

        Mặc dù không sử dụng vần " LÂU...SẦU " như Thôi Hiệu, nhưng âm hưởng của bài Đăng Hoàng Hạc Lâu của cụ Phan Thanh Giản vẫn tạo nên một nỗi niềm hoài cổ sâu xa man mác với hạc vàng mây trắng, với Anh Vũ Châu, với Tình Xuyên Các : Một kiến trúc được xây dựng nên và được đặt tên do câu thơ bất hủ của Thôi Hiệu " Tình xuyên lịch lịch Hán dương thọ ". Bài thơ được kết thúc bằng lối chơi chữ chiết tự tài hoa của cụ Phan để hướng bài thơ về với mối sầu thiên cổ " Du du trần mộng thập thu tâm ! " làm ta nhớ đến câu : " Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm !" của Nữ sĩ Tương Phố trong Thi Ca Tiền Chiến...
 
      Bài thơ Đăng Hoàng Hoạc Lâu nầy của cụ PHAN đã được Thầy Trò Cựu học sinh PHAN THANH GIẢN & ĐOÀN THỊ ĐIỂM TP. Cần Thơ của chúng tôi cùng " xúm nhau " diễn nôm, xem đây như là một hoài niệm, một chút lòng thành của đám hậu sinh tưởng nhớ về vị Tiến Sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ sinh sau đẻ muộn. Mời tất cả cùng đọc cho vui...
                                   

                                  Hoàng Hạc lâu xưa và nay

      Trước tiên là bài DIỄN NÔM của Thầy PHAN HUY VIÊN với bút hiệu CHÂN DIỆN MỤC (Tây Đô Cuồng Sĩ) :

     LÊN LẦU HOÀNG HẠC
 Hạc đã bay đi tự thuở nào
 Một người Nam muộn đến lầu cao
 Bãi xa thơm cỏ xanh xanh mắt
 Sông tạnh lầu mây trắng một mầu
 Rèm hắt bóng tà vờn trên sóng
 Nước buồn trôi lạnh một chiều sâu
 Bồi hồi gửi mắt qua sương khói
 Đem mộng ngàn năm ủ nỗi sầu
                                Phan Huy Viên diễn Nôm

                                  LÊN LẦU HOÀNG HẠC
                                                      
                            Chim hạc năm nao đã vút bay
                            Ngàn sau nam cực tới nơi đây
                            Cỏ non Anh Vũ xanh xanh ngắt
                            Lầu vắng lâng lâng trắng những mây
                            Trời lặn nửa rèm sông Hán rợn
                            Lạnh trôi một dải tự xưa nay
                            Bao la khói sóng bồi hồi dạ
                            Đời mộng lòng thu sầu góp đầy
                                                              Phạm Thảo Nguyên diễn Nôm

   ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
                      
Thuở nào xưa hạc đã cao bay ,
Viễn khách trời đưa đẩy đến đây.
Anh Vũ cồn xanh ngàn cỏ biếc ,
Tình Xuyên gác trắng một màu mây.
Nửa rèm kim cổ chiều sông lạnh ,
Một dải giang hà vạt nắng phai.
Khói sóng mênh mang nao tấc dạ ,
Mộng đời lãng đãng nỗi niềm tây.
                                 Phạm Khắc Trí diễn Nôm

                          LÊN LẦU HOÀNG HẠC
                              
                   Hoàng hạc ngày nao đã vút bay
                   Cực Nam người đến ghé lầu này
                   Cỏ non Anh Vũ màu xanh mướt
                   Mây trắng Tình Xuyên gió biếc say
                   Ác lặn nửa rèm sương lãng đãng
                   Sông dài một dải nước khoan thai
                   Ngập trời khói sóng giăng sầu nhớ
                   Dằng dặc lòng thu nỗi cảm hoài
  Lục Bát :
                   Ngày xưa hoàng hạc cao bay
                   Cực Nam  người đến chốn này ngàn sau
                   Cỏ non Anh Vũ biếc màu
                   Tình Xuyên mây trắng bên lầu phiêu du
                   Nửa rèm ác lặn sương mờ
                   Sông dài một dải gió thơ thẩn luồn
                   Mênh mông khói sóng sầu buông
                   Nhớ quê dằng dặc gieo buồn thu tâm
                                                Trầm Vân  Võ Văn Vạn diễn Nôm

    LÊN LẦU  HOÀNG  HẠC
                             
Hoàng Hạc ngày xưa đã vút bay
Người Nam đến viếng  ở nơi nầy
Cỏ non Anh Vũ còn xanh thẩm
Mây trắng Tình Xuyên vẫn chẳng phai
Ác lặn nửa rèm chìm sông vắng
Nước dòng cuộn chảy tự xưa nay
Mênh mông khói sóng hồn giao động
Lối mộng thu tâm cảm kích hoài.
                              Song Quang diễn Nôm 

                            LÊN LẦU HOÀNG HẠC
                                
                   Ngàn xưa hoàng hạc đã cao bay,
                   Người đến ngàn sau, viếng chốn nầy
                   Anh Vũ cỏ non màu vẫn biếc
                   Tình Xuyên mây trắng sắc chưa phai
                   Nửa rèm ác lặn chìm như nổi
                   Một dãi sông dài xưa đến nay
                   Khói sóng ngập trời nghe cảm khái
                   Thu tâm dằng dặc mộng trần ai !

Lục Bát :
                  Ngàn xưa hoàng hạc cao bay
                  Ngàn sau người đến bên trời cực Nam
                  Vũ Châu cỏ vẫn xanh non
                  Trên Tình Xuyên Các mây còn trắng bông
                  Nửa rèm ác lặn bên sông
                  Cổ kim thế sự theo dòng nước trôi
                  Mênh mông khói sóng bời bời
                  Cỏi trần dằng dặc bồi hồi thu tâm !
                                                        Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

* Đính kèm theo bài viết nầy là tài liệu về ...

                              晴川阁     TÌNH XUYÊN CÁC
                         Inline image
      
    晴川阁是湖北省重点文物保护单位。位于武汉城内汉阳龟山东麓长江边的禹功矶上。晴川阁始建于明代嘉靖年间,其名取自唐代诗人崔颢诗句"晴川历历汉阳树"。有"楚四名楼"誉。因与对岸黄鹤楼隔江对峙,相映生辉,被称为"三楚胜境"

      TÌNH XUYÊN CÁC 晴川阁 là đơn vị trọng điểm bảo vệ những vật phẩm văn hóa. Vị trí nằm ở trên bờ đá Vũ Công Cơ của sông Trường Giang, phía đông của Quy Sơn thuộc địa phận Hán Dương ở trong thành Vũ Hán. Tình Xuyên Các được bắt đầu xây dựng từ năm Gia Tĩnh triều Minh. Tên lầu được đặt theo câu thơ "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ 晴川历历汉阳树" của Thôi Hiệu đời Đường. Tình Xuyên Các thuộc một trong bốn lầu các nổi tiếng của đất Sở (Sở tứ danh lâu 楚四名楼), vì nằm đối diện với Hoàng Hạc Lâu ở bên kia sông, nên cùng soi rọi làm đẹp cho nhau, được xưng tụng là "tam Sở thắng cảnh 三楚胜境" (một trong ba thắng cảnh của đất Sở).

                                                                                        杜紹德
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức               
 
 * Hình ảnh của Tình Xuyên 晴川阁 Các hiện nay.
  


                   

       

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...