Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

MỒ CƯỜM MẮT - Lê Học Lãnh Vân

Lê Học Lãnh Vân

Tới bệnh viện mắt Điện Biên Phủ, thấy rõ không khí ráo riết phòng dịch Covid-19.

Bước vô cổng được nhắc nhở lúc nào cũng đeo khẩu trang. Được đo nhiệt độ màng tang bằng máy đo điện tử. Làm giấy khai báo tình trạng vệ sinh phòng dịch cá nhân. Rồi rửa tay bằng dịch sát khuẩn trước khi theo lối riêng vào Khoa để mổ.

Tới sớm nên các ghế chờ còn trống. Bên hàng ghế chờ là tấm bảng ghi rõ: Giữ gìn giãn cách. Hàng ghế có nhiều ghế sát nhau, cứ một ghế bình thường thì hai ghế đánh dấu chéo to, ý nói hai ghế này không ngồi. Như vậy một người ngồi cách người khác ít nhất hai ghế trống. Lẩm nhẩm đếm gạch đo khoảng cách, thấy khoảng cách cũng khoảng thước rưỡi hai thước.

Nhìn không khí phòng dịch như vậy hiểu hơn tại sao Việt Nam tới giờ còn đứng vững trước cơn dịch càn quét thế giới. Không dễ tạo và giữ được không khí này, cần quyết tâm chính trị, cần kế hoạch chi tiết, cần sự điều phối nhịp nhàng, cần theo dõi sát sao… Cần sự đồng lòng xuyên suốt xã hội. Và, cho tương lai, cần không tự mãn, không chủ quan, tự tín nhưng lúc nào cũng lo sợ sơ suất xảy ra. Ban lãnh đạo phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam thực đã có thành quả rất tốt, rất đáng hoan nghênh.

Hiện nay xã hội đang lo lắng vì những tin báo về số người nhiễm của các tỉnh ngày càng tăng, thậm chí có vài địa phương bị phong tỏa. Mong sao tinh thần này, biện pháp này, tổ chức lãnh đạo kiểm soát này được giữ gìn cho tới lúc dịch chỉ còn là một cơn cúm thông thường.

Chợt nghĩ, nếu lúc này xảy ra sự thay thế lãnh đạo phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, để rồi mất kiểm soát dịch bệnh thì thực là thảm họa! Và nếu việc thay đổi đó do một một sự kèn cựa, ganh tức, hay thậm chí muốn hất đổ để xông vào hưởng thành quả kiểm soát dịch thì thảm họa có thể kia là mối hận “miên miên vô tuyệt kỳ” (dằng dặc không bao giờ dứt)…

Khi biết có cườm mắt, ông Vương tới bệnh viện mắt Điện Biên Phủ, khoa Khúc xạ. Sau khi được đo, khám mắt, bệnh viện cùng bệnh nhân đồng ý ngày mổ.

Tới ngày, ông bà Vương nhịn ăn, nhịn uống, sáng sớm bắt xe Grab, dắt tay nhau vào bệnh viện làm xét nghiệm chuẩn bị mổ trong ngày.

Theo thang máy lên lầu ba, khoa Tổng Hợp.

- Chào hai ngoại. Ngoại nào mổ? Ngoại nào thân nhân chăm bệnh? Hai ngoại ngồi chờ con chút!

Cô y tá chào hỏi niềm nở. Ông bà Vương bấm nhau cười, tóc cô vài sợi bạc thì chắc cũng ngoài ba mươi, vậy mà gọi tụi mình là ngoại! Thôi, gọi gì cũng được, thái độ kia khiến ông bà ấm áp.

Cô ý tá coi hồ sơ, xác định con mắt phải mổ rồi lấy viết vạch một mũi tên rõ to và đậm trên trán chỉ vào con mắt đó.

Trước khi vào phòng mổ, phải qua ba phòng: phòng khám nội (tim, mạch, huyết áp), phòng xét nghiệm máu, phòng siêu âm mắt rồi quay lại phòng đầu tiên.

Tại phòng đầu tiên, cô ý tá biểu ngoại ngồi đây con khám mắt. Ông ngoại vâng lời rất ngoan.

- Ngoại để cằm vô đây, mắt ngó ngay điểm sáng màu đỏ.

- Ngoại đừng khòm, cứ ngồi thẳng lưng cho khỏe, để con nâng chỗ đặt cằm lên cho ngoại ngồi thẳng lưng!

- Ngoại mở mắt to, ngó thẳng vô điểm sáng!

- Ngoại mở mắt to, đừng sụp mí xuống!

- “Để tui ráng, chói quá cháu ơi!”, ông Vương than thở.

- Ngoại sụp mí nữa rồi. Thôi, để con tiếp ngoại!

Cô y tá đứng lên, choàng một tay qua máy khám mắt, lấy ngón tay để trên mắt ông Vương giúp kéo mi mắt lên. Trong khi cô vẫn điều khiển máy bằng tay kia và tiếp tục quan sát.

Bỗng cô kêu:

- Oái, oái, ngoại đừng đảo mắt!

Thì ra, lúc cô đứng lên, cái hông áo blouse thoáng qua, và bởi phản xạ, con mắt ông Vương rời điểm sáng ngó theo chiếc áo blouse. Các sinh vật lớp Hữu Nhũ có một phản xạ căn bản tên là Phản Xạ “Cái Gì Đó”, phản xạ này khiến sinh vật quay đầu về phía phát ra một âm thanh, một hình ảnh hay một tiếng động lạ. Dù chỉ là một phản xạ nhanh tích tắc và đang chịu khám mắt căng thẳng, ông Vương cũng nhận ra áo blouse may khéo ôm vừa vặn chiếc eo thon. Niềm vui đằm thắm thấy dòng sông đời tươi trẻ vẫn đang tiếp tục trôi về trước như tự ngàn năm vẫn róc rách trôi…

Tiếng kêu của cô y tá khiến ông Vương giật mình vội trả lời:

Không sao, không sao, tui đang tập trung đây!

Sau khi qua các bước kiểm tra sức khỏe căn bản và tình trạng mắt, ông Vương được phát một phần ăn sáng gồm miếng bánh ngọt và hộp sữa đậu nành. Phần ăn sáng chỉ được phát cho bệnh nhân thôi. Thấy bà Vương, thân nhân chăm sóc bệnh nhân, chuẩn bị xuống căng-tin mua phần ăn sáng cho mình, cô điều dưỡng chặn lại, phát cho một phần và nói bà dùng đỡ, đừng đi xuống căng-tin mệt, ăn còn đói thì nói con cho một phần nữa!

Ăn sáng xong, ông Vương được phát một bộ đồ tươm tất, sạch sẽ, dặn thay đồ rồi vô phòng nghỉ nằm chờ kêu tên đi mổ.

Một lúc sau, tên ông Vương được xướng lên. Các người có tên xướng lên tập trung tại một phòng rộng, khoảng ba chục người. Liếc một vòng ông Vương thấy đa số bệnh nhân trạc tuổi mình. Nhiệt độ phòng khá lạnh, một số người co ro, cô y tá chạy vô nói các cô chú đừng lo, con tăng nhiệt độ lên 24 độ nha. Mỗi bệnh nhân được gọi tên, dặn dò vài điều thiết yếu và đeo vào cổ tay một cái vòng giấy nhựa ghi rõ tên mình.

Sau khi nghe dặn dò, các bệnh nhân được hai cô y tá hướng dẫn bắt thang máy vào phòng chờ mổ. Tại đây các bệnh nhân được cô y tá bàn giao danh sách, hồ sơ bệnh cho người đại diện phòng. Mỗi bệnh nhân đội mũ và mang vớ bệnh viện, loại mũ, vớ dùng một lần! Mỗi người được đo máu một lần nữa.

Phút hồi hộp cũng trôi nhanh, ông Vương được kêu tên vào phòng mổ. Phòng rộng đặt nhiều giường mổ, mỗi giường cách nhau khoảng ba thước, phía trên treo máy mổ, hình như máy Phaco thì phải. Cô y tá dẫn Vương vào, hỏi bác tên gì, sinh năm nào, mổ mắt nào, bác gái tên gì, nhà bác ở đâu… Những câu hỏi tương tự khiến một nữ bệnh nhân giường kế bên gắt gỏng, hỏi gì mà lắm thế, làm như tôi lú lẫn không bằng. Ông Vương thì trả lời rất ngoan vì biết những câu hỏi đó để kiểm tra lần chót rằng không lầm bệnh nhân, không lầm mắt phải mắt trái.

Mổ gây tê tại chỗ. Đau thì chịu được, nhưng vì tri giác còn đủ nên cứ thấy luồng ánh sáng đỏ như một cái gì đó đang tấn công vào mắt mình. Việc phải kìm giữ các phản xạ chống lại sự tấn công đó, không cho những phản xạ bùng phát ra, khiến người rất mệt nhọc.

Sau mổ bệnh nhân được y tá hộ tống đi ra băng chờ bên ngoài ngồi nghỉ độ hai mươi phút, rồi xuống phòng nằm nghỉ nửa tiếng nữa.

Có nhiều phòng nghỉ, mỗi phòng có năm hay sáu giường. Ba bốn giường kia đã có người, ai cũng bịt băng trắng một con mắt. Ông Vương nằm nép vào trong, biểu bà Vương nằm kế. Bà không chịu, nói em không mệt đâu, em ngồi dựa tường được rồi. Bà giơ chiếc iPhone lên cười nói em ngồi đọc, anh ngủ chút đi, một lát kêu tên em ra lấy thuốc rồi mình bắt Grab về nhà. Rồi, đẩy cho ông nằm ngay ngắn, bà dựa lưng vào tường, đặt hai chân lên chân ông, cười cười và bắt đầu đọc iPhone trong khi ông lim dim chìm vào giấc ngủ với hình ảnh nụ cười của bà.

Ngày 08 tháng 02 năm 2021

L.H.L.V.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...