Bánh Hàn thực
Trần Quang Đức
Ngày 3.3 âm là tết Hàn thực. Tuy biết tục này "phỏng theo người phương Bắc, kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi chết cháy" (1) song ở ta "chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi" (2). Vào ngày này, người Việt thường "làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên" (3), cho nên bánh trôi còn được gọi là bánh Hàn thực (4).
Tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam nhiều khả năng được du nhập vào thời Lê, thịnh hành vào giai đoạn Lê Trung Hưng - Nguyễn. Năm 1773, Lê Quý Đôn cho biết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn" (5) Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (được viết vào khoảng thế kỷ 16 thời Lê) giải thích: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh".(6)
Trước đó, theo ghi chép của Lê Tắc (sang Trung Quốc năm 1287), người thời Trần, vào "tiết Hàn Thực, đem bánh cuốn tặng nhau" (7). Qua bài thơ Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiển Khanh, làm năm 1291, Trần Nhân Tông viết: "Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay." (8) Theo Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bánh Xuân thái cũng chính là tên gọi khác của bánh cuốn. Sách này đồng thời cho biết: Quyển bính nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay (9).
Như vậy, vào thời Trần, thậm chí có thể truy lên thời Lý, nhằm tiết Hàn thực, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau. Bánh cuốn còn được gọi là bánh Xuân thái (thái: rau), trong có nhân (có thể gồm cả rau lẫn thịt), được cuốn tròn lại, hình dạng khá gần với bánh cuốn ngày nay.
PS: Tôi đã nhiều lần đề cập, có nhiều phong tục, truyền thống cũ được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định rồi mất đi, nhường chỗ cho phong tục mới, ''truyền thống mới''. Từ đầu tóc, áo quần, cho chí đồ ăn, nước uống đều như vậy. Cho nên thiết kị thấy tục nào đó, hình ảnh nào đó khác với cái ta quen thuộc, cái định kiến của ta thì bảo rằng nó không thuần Việt. Và cũng chớ nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng phong tục nào cũng là phong tục truyền thống, có tự ngàn đời (ngàn năm).
Chú thích:
1, 3. Tiểu học Bản quốc phong tục sách (còn gọi An Nam phong tục sách).
2. Việt Nam phong tục.
4. Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, trong Tạp thảo tập và Xuân Hương thi sao được chép với tên Vịnh Hàn thực bính (Vịnh bánh Hàn thực).
5. Vân đài loại ngữ.
6, 9. Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa.
7, 8. An Nam chí lược.
______________
(Lê, thế kỷ 16, 17) Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh."
(Nguyễn) Kỹ thuật của người An Nam: "Bánh trôi nước".
(Lê 1773) Vân đài loại ngữ: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn."
(Nguyễn) Tiểu học Bản quốc phong tục sách: "Mùng 3 tháng 3 là tết Hàn Thực, cũng gọi là tết Thanh minh. Người ta làm bánh trôi, bày cỗ bàn cúng tế gia tiên. Phỏng theo người phương Bắc kỷ niệm ngày Giới tử thôi chết cháy, cũng có người nhân ngày ấy đi tảo mộ. Dân gian phần nhiều không theo (tức theo tục kỷ niệm Giới Tử Thôi).
Trần) An Nam chí lược: "Hàn Thực, đem bánh cuốn tặng nhau"; "Đời thứ tư, Trần Nhân vương Trúc Lâm đạo sĩ, tặng Thiên sứ Trương Hiển Khanh bánh xuân. Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay."
(Nguyễn) Kỹ thuật của người An Nam: "Bán bánh quấn".
(Lê, thế kỷ 16, 17) Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: "Quyển bính nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay"; "Xuân thái: Bánh cuốn."
Nguồn: FB Trần Quang Đức
Đọc thêm trên Nguyễn Trung Thuần FB:
Nhân có những ý kiến bàn về nguồn gốc Bánh trôi bánh chay, mình thử tìm hiểu bên TQ thì tạm thấy chẳng liên quan đến Tết Hàn thực gì sất.
Bánh trôi tiếng Hán gọi là Thang viên (汤圆) , một trong những món ăn nhẹ truyền thống , là món ăn vào Tiết Đông chí, phần nhiều làm từ gạo nếp. Ngô ngữ (吴语) gọi là Thang đoàn (汤团); tiếng Hưng Hóa gọi là Hoàn nám (丸囝); tiếng Đài gọi là Viên tử (圆仔); tiếng Khách gia gọi là Bán viên (粄圆), thường làm hai màu đỏ trắng.
Thang viên có nguồn gốc từ đời Tống. Khi ấy các nơi thịnh hành một món ăn mới lạ, dùng các loại mứt quả làm nhân, bên ngoài bọc bột gạo nếp nặn thành hình tròn. Khi cho vào nồi lúc nổi lúc chìm, nên ban đầu nó được gọi là Phù nguyên tử (“浮元子”), các vùng sau này đổi tên Phù nguyên tử thành Nguyên tiêu (元宵). Phần đông người miền Nam TQ có tập tục truyền thống vào sáng sớm Tết cả nhà ngồi xum vầy cùng thưởng thứcThang viên.
Loại bánh này có các dạng khác nhau ở Tứ Xuyên, Phúc Châu, Đài Loan.
http://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%B9%AF%E5%9C%93
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)
Tạp Ghi và Phiếm Luận : Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ Ăn x ổi ở th ì,...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa