Bùi Văn Phú
Thời Việt Nam Cộng Hòa, Thủ đô Sài Gòn có 9 quận, sau thêm quận 10, rồi 11. Như tôi còn nhớ.
Các khu vực được nhiều người biết, hay nghe nói đến là Bàn Cờ, Xóm Chiếu, Thị Nghè, Tân Định, Vườn Chuối, Ngã ba Ông Tạ.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một xứ đạo ở khu vực Ngã ba Ông Tạ, mà sau này những lúc khai hồ sơ, đơn từ về nơi sinh tôi vẫn không biết là ghi thế nào cho đúng vì ấp, xã nhà tôi lúc thì thuộc về Gia Định, lúc thuộc về Sài Gòn, bây giờ là một phường của TP Hồ Chí Minh.
Mới đây có sách “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” [Nxb. Trẻ, 2021] của nhà báo Cù Mai Công ghi lại khá rõ lịch sử và con người của khu vực này. Sách đã được đón nhận nồng nhiệt, được tái bản ngay và là “Best Seller” trong nhiều tuần qua.
Nhà báo họ Cù, hiện đang công tác tại báo Tuổi Trẻ, nổi tiếng từ những ngày còn là “Cỏ Cú”, “Lí Lắc” bên “Mực Tím” với sinh viên học sinh và sau đó có nhiều tác phẩm phóng sự xã hội qua 6 tập “Saigon by Night”.
Là dân gốc Ông Tạ nên tôi cũng tìm đọc sách của Cù Mai Công để xem nơi thân thương cũ đã có thay đổi trong địa chí, trong nếp sống, trong tâm tình con người ở làng xưa xóm cũ ra sao. Nhất là khi tác phẩm do chính người con của Ông Tạ viết ra, vì tác giả được sinh ra ở xứ đạo Tân Chí Linh và sống ở đó cho đến nay.
Anh Cù Mai Công đã trân quý gửi tặng tôi một bản. Cám ơn tác giả và chị Thanh Thu, chủ quán Bánh cuốn Ông Tạ trong khu Vietnam Town ở San Jose, đã tạo cơ hội cho tôi nhận được sách sớm nhất trong hoàn cảnh Covid-19 với nhiều khó khăn.
Tập sách mở đầu với bài viết về địa chí khu vực, có bản đồ phác hoạ ranh giới từ hơn 150 năm trước.
Trải qua lịch sử, với trận đánh chiếm đại đồn Chí Hoà năm 1861, xem như thủ phủ của khu vực Ông Tạ ngày nay, là trận đánh với quân Pháp và Tây Ban Nha lớn nhất trước năm 1945 của dân quân triều Nguyễn, tuy thất bại, với hàng nghìn người hy sinh và tướng chỉ huy Nguyễn Tri Phương bị thương nặng.
“Địa linh nhân kiệt” ngày xưa có ảnh hưởng đến người dân đến sống trên vùng đất này, đó là bản tính: “chấp nhận, kiên cường đối đầu gian khó với máu liều lĩnh trên vùng đất mới vốn toàn đầm lầy, mồ mả…” Theo nhận định của tác giả.
Dân Ông Tạ đã thể hiện những cá tính từ đó, qua bao thăng trầm lịch sử, dù là dân gốc Nam sống lâu đời ở đó, hay người Bắc 1954 di cư và cả những người đến đó sau năm 1975.
Về địa dư, Ngã ba Ông Tạ là ngã ba đường Phạm Hồng Thái, nối dài Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng 8) và đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), với tiệm chụp ảnh Á Đông cao sừng sững, một thời là dấu mốc để nhận ra từ xa.
Khu vực này trước khi tràn ngập người di cư là những đầm lầy, là vườn cao su, vườn nhài, vườn lay-ơn mà tôi thường nghe thày u, cô chú bác nhắc đến. Hoa nhài tôi không còn nhìn thấy, nhưng vườn cao su thì ngày còn bé hay ra đó bắt dế, nhặt trái quay tung lên trời, xem cải mộ tây.
Qua tác phẩm, tác giả dựng lại hành trình hội nhập của hàng vạn dân Bắc di cư vào Nam, lập nên những xứ đạo Nghĩa Hoà, Nam Thái, Nam Hoà, An Lạc, Sao Mai, Tân Chí Linh, Thái Hoà, Lộc Hưng mang theo nhiều gắn bó trong tình đồng hương và nề nếp sinh hoạt từ quê Bắc.
Chẳng hạn như Nghĩa Hoà là tên ghép của xứ Nghĩa Chính ngoài Bắc và vùng đất mới Chí Hoà. Giáo xứ do cha Đinh Huy Năng trông coi hàng nghìn con chiên, được thành lập ngày 1/11/1954 trên đầm lầy và sau đó trở thành một xứ đạo rộng lớn nhất và đông giáo dân nhất vùng.
Xứ Nam Thái, nằm ngay trung tâm Ông Tạ, là tên ghép của hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Qua tác phẩm, hình ảnh những con người tiêu biểu của khu vực Ông Tạ hiện lên, từ một phụ nữ buôn gánh bán bún nuôi con rồi trở thành ông bà chủ quán bún chả Ngọc Hà thơm lừng. Từ những xe phở Mần, xe phở Phú Vinh đến các tiệm phở Bình, Hồng Châu, Cường mà khẩu vị chuyển dần từ Bắc sang Nam. Từ nhiều nhà làm giò bán trong vùng và phân phối đến nhiều nơi trong thủ đô. Từ xôi Nam Thái đến phở tái An Lạc. Các tiệm vàng, tiệm bánh các loại phù hợp và cần thiết cho việc cưới hỏi.
Khu vực Ngã ba Ông Tạ ngày trước nằm lọt trong xã Tân Sơn Hoà, tuy không phải là tên một đơn vị hành chánh hay tên đường, nhưng có thể nói đó là trung tâm thương mại của quận Tân Bình từ thập niên 1950 tới nay.
Nhưng dân Ông Tạ cũng không phải toàn những câu chuyện gầy dựng cơ sở thương mại thành công trong tinh thần “phi thương bất phú”, hay toàn những người hiền lành tử tế.
Kỹ sư Đặng Đình Đáng trong thương vụ nhập cảng và lắp ráp xe máy Puch từ châu Âu, với cơ sở lớn nhất vùng Đông Nam Á vào những năm giữa thập niên 1960, đã gặp thất bại kéo dài.
“Trùm Sơn Đảo” gốc Ông Tạ, khét tiếng du côn đã bị một trùm băng đảng khác thanh toán.
“Trai Nam Thái” hăng say xuống đường biểu tình chống chính phủ, “gái An Lạc” mang dao răng cưa chặt đá sẵn sàng chém đám thanh niên từ khu khác qua cướp tiền bầu cua vào một dịp Tết.
“Dân Ông Tạ ra ngõ không đụng giang hồ thì gặp… văn nghệ sĩ” là tựa một bài viết về giới văn nghệ sĩ có gốc từ đây.
Các nhạc sĩ Văn Giảng với “Ai về sông Tương”, “Hoa cài mái tóc”; Hoài An với “Tâm sự ngày xuân”, “Ngày xuân thăm nhau” là những ca khúc đã đi vào lòng người.
Ca sĩ có Giang Tử, Duy Khánh, Đàm Vĩnh Hưng, Minh Thuận, Tóc Tiên. MC Nguyễn Ngọc Ngạn, MC Đại Nghĩa. Nhạc sĩ có Hùng Lân, Ngọc Chánh, Ngọc Trọng, Vũ Xuân Hùng.
Các nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn Đình Toàn, Võ Hà Anh – Dung Saigon, Nguyễn Ngọc Thuần; thi sĩ Đỗ Trung Quân, hoạ sĩ Bùi Đức Lâm, nhà báo Nguyễn Hồng Lam, Trương Bảo Châu; hoạ sĩ và nhà điêu khắc Lữ Thê (Đinh Văn Rật) cũng là người Ông Tạ. Còn nhiều nữa.
Trong bài viết, tác giả ghi nhầm về giải thưởng hội hoạ Việt-Mỹ của Lữ Thê. Nhà ông ngay sau nhà tôi và tôi có học vẽ và làm trong tiệm vẽ quảng cáo của ông vài năm, Lữ Thê được giải khuyến khích điêu khắc Giải Văn học Nghệ thuật Việt Nam Cộng hoà 1971 với bức tượng “Một hướng”, cùng năm với ca sĩ Thanh Lan được giải nữ tài tử điện ảnh có nhiều triển vọng nhất.
Dân gốc Ông Tạ cũng một thời nổi tiếng là những tay vô địch đấm bốc trên võ đài với nhiều giải thưởng.
Đọc “Dân Ông Tạ đó!” sẽ thấy lịch sử thành hình của những ngôi trường Nghĩa Hoà, Thánh Tâm, Ngô Sĩ Liên. Hay trường Mai Khôi, Nguyễn Thượng Hiền là nơi tác giả đã mài đũng quần nhiều năm.
Nghe kể chuyện ma cũng rờn rợn tóc gáy. Khu vực là mồ chôn của hàng vạn người trong chục nghĩa địa, nhưng vẫn có những bộ xương rải rác dưới nền nhà vì thế mới có chuyện ma ám tác giả khi còn bé. Ma trong ao cá trước nhà thờ An Lạc.
Lịch sử xa xưa của khu vực gắn liền với tên tuổi của Giám mục Bá Đa Lộc, được chôn trong “Lăng Cha Cả”, gần cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, mà sau 1975 đã được cải táng mang về Pháp.
Gần hơn là ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt, ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương, đã cống hiến khu đất xây nhà thờ Chí Hoà hơn trăm năm trước.
Sau đến Ông Tạ là thầy thuốc nam Thủ Tạ, tên thật là Trần Văn Bỉ (1918-1983) hay giúp đỡ người nghèo, làm việc nghĩa nên đã lưu danh trong lòng người.
Khởi đi từ vùng đất bùn lầy nước đọng, Ngã ba Ông Tạ sau bao thăng trầm của lịch sử vẫn hừng hực sức sống. Người Ông Tạ cũng đã trải qua bao nhiêu khốn khó thời bao cấp, thời vượt biên, vượt biển mà tác giả chưa nhắc đến trong tập sách này.
Ngày nay người Ông Tạ có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, tiếp tục vươn lên. Trang “Hội đồng hương vùng Ông Tạ” trên Facebook, do anh Bùi Xuân Thái, gốc giáo xứ Nghĩa Hoà, điều hành là một trang mang tên một khu vực của Sài Gòn có đông thành viên, trên 9 nghìn và có những trao đổi trong tinh thần tương kính nhau. Đó cũng là đặc tính của dân Ông Tạ.
Nhiều người đang mong đọc tập sách kế tiếp của Cù Mai Công, vì với 172 trang của “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!”, đọc xong chỉ như mới cảm nhận là phần giới thiệu về địa phương chí Ông Tạ.
Bùi văn Phú
Sài gòn rất mộng mơ
Trả lờiXóa