Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Chuyện Của Người Không Mộ - Thuyên Huy

 

Chuyện thật, viết hôm ngày giỗ thứ ba của anh chỉ có nó

  Anh chết, nó bàng hoàng đau nhói, biết anh bị đủ thứ bệnh, từ phổi tới tim thêm tiểu đường, ra vô nhà thương không biết bao nhiêu lần, sau lần nằm nhà thương vì đột quỵ hơn một tuần lễ, anh bỏ hút thuốc từ đó, giờ cũng gần sáu bảy năm, nhưng không ngờ và cũng không nghĩ là anh ra đi sớm như vậy. Không là thân thích họ hàng, người dưng quen rồi thân nhau, lớn hơn nó sắp sỉ hai con giáp nhưng cứ như anh em ruột thịt, tội nghiệp anh tốt nghiệp sĩ quan từ thời Tây, tiếng Tây không cần bàn nhưng khổ nổi, với số tuổi gần quá nửa đời người, tới xứ người, anh không nói tiếng Anh được nhiều, ngoại trừ vài câu chào hỏi thông thường.

Anh ở một mình tại căn đầu dãy nhà của chinh phủ tiểu bang dành cho người cao niên, dọc một con đường nhỏ, dẫn ra khu phố có tiệm quán người Việt, ngó ra con sông đục màu quanh co trước mặt. Kế bên, Bill, ông già người Úc, sáng nào nó đến, ông cũng chờ trước sân, sát cái hàng rào sắt thưa, cao chừng đầu gối, chia phân có có vẻ vậy thôi, mừng ra mặt, ông nói một tràng, đại khái nói với anh mày, cái này cái kia, dặn dò việc này việc nọ, vì ông cũng biết là anh không hiểu ông nói gì, mà quả thật, anh đứng kế bên nó bên này cái rào, hai ông ngó nhau cười gật gật đầu, nhưng anh phải chờ nó nói lại và trả lời giùm, anh cười vui không thấy gì mắc cở cả, thấy mà thương, anh em là vậy đó.

Nó quen anh, một buổi trưa, trời xứ này trở mùa Hạ, khi theo một người quen tới quán cơm người mình, ở ngã ba đầu đường xe điện, hai người này quen nhau, và ngồi chung bàn, rồi nó cũng từ đó quen anh, anh hiền và ăn nói nhỏ nhẹ lắm. Ngày mới qua đây, anh có theo vài người Việt đi làm công nhân ca đêm cho hảng vỏ xe Dunlop hơn hai năm nhưng vì sức khỏe không khá nên nghỉ làm. Anh nghèo, nhưng suốt những năm quen nhau, chưa hề nghe hay thấy anh có gì than thân, tiếc nuối hay trách móc, nói vậy chứ nhưng khi cô đơn, không người, không biết anh có chạnh lòng chút nào không, nhà ở không có gì ngoài cái ghế xa lông cũ, bạc màu, rách vài chỗ, cái bàn viết gỗ cứng ai đó cho, vừa là bàn viết vừa là bàn ăn, cái tivi nhỏ, cái giường ngủ, cái tủ đựng áo quần cũng chẳng khá hơn mấy thứ kia, hai ba cái ghế ngồi mua từ chợ đồ cũ, có chén bát nồi niêu, mỗi thứ năm ba cái, đựng các thứ này thì đã có kệ của nhà bếp có sẳn, thêm vài thứ lặt vặt, thế thôi, hết rồi, anh sống bằng số tiền trợ cấp người già của chính phủ, không thấy anh có gì mới khác.

Anh không nói gì nhiều về gia đình, vợ con nhưng sau này, gần gũi hơn, sớt chia nhau, bữa ăn trưa mì gói thay cơm tiệm, trái cam trái táo, gói trà gói cà phê, miếng chao miếng đậu, mới biết vợ anh, chị ở với người con trai tại một tiểu bang xa, cách nơi này cả hai ngàn cây số, không gặp nhau từ ngày anh qua đây và cậu con trai cũng ít khi xuống thăm, trừ vài cú điện thoại hỏi han vài câu một đôi lần ngày Tết, cậu này ngày trước thuộc loại “cậu ấm”, anh không nói tại sao, nó cũng không màn hỏi.

Trước năm bảy lăm, cũng như đời lính của những người lính khác, anh đi từ cấp nhỏ tới cấp cao hơn, cuối cùng tuy là sĩ quan trung cấp nhưng vì có khả năng chuyên môn, anh đảm nhận một chức vụ khá lớn lo về tài chánh của quân đội và anh không phủ nhận là đã có tiền, giàu hơn những người bạn sĩ quan khác, do ở hai chữ tài chánh, anh khẳng định, anh chưa hề và chưa bao giờ ăn hối lộ, luât lệ cuộc chơi thương trường bất thành văn là như vậy, như vậy là ngày đó anh rất giàu. Dưới quyền làm việc của anh, lúc bấy giờ, toàn là những anh chị có cấp bằng cử nhân hay những anh đàn anh cùng trường với nó, cho nên anh rất mến, rất trọng vì lẽ đó, khi gặp nó, anh cũng mến nó như vậy.

Tuy vậy, nhưng anh có nhiều bạn, từ những người cựu sĩ quan, cấp cao hơn nhiều bậc đủ binh chủng, bác sĩ, nha sĩ, giáo sư giáo viên, hiệu trưởng trường trung học, công chức chức chính phủ cao cấp cũ thời trước, trong nhóm nó là thằng nhỏ tuổi nhất, nhưng đời anh vẫn có chỉ riêng mình nó với anh hiểu.

*
Bệnh viện gọi điện thoại cho nó biết tin, sáng thứ hai, một buổi sáng trời đầu Thu, không khóc nhưng nước mắt ứa ra tràn xuống mặt, bỏ điện thoại xuống, khoát áo lạnh, đóng cửa rồi chạy vụt ra xe, trên đường nó bật khóc. Ra vô bệnh viện như đi chợ, nhất là từ ngày giải phẩu tim, trên hồ sơ bệnh nhân, nó là người có tên kèm theo, thông dịch cũng như nhận lo mọi việc nếu lỡ may có gì xãy ra. Anh nằm đơn lẻ, lạnh lùng trong nhà xác bệnh viện, nó ngồi rấm rức mắt cay xé nhìn bên giường, ánh đèn đủ sáng trắng một màu như tang trắng.

Đám tang đưa anh ra nhà hỏa thiêu, những người đã đến nhà, nhiều lần, một hai lần, đều theo đưa. Không thầy không cha, không điếu văn, không kèn trống, chiếc hòm giá rẽ, vài vòng hoa tang, căn phòng vắng lặng, lần lượt, từng người họ đi qua, đặt một cánh hoa Huệ trắng, nói gì đó, không ai nghe rồi thôi, trở lại đứng dọc theo cuối hàng ghế, để khách ngồi, không ai ngồi, người nhân viên hỏa thiêu lặng lẻ sửa lại cái hộp giấy cứng, trên đầu quan tài, nó xin được đốt theo, trong đó có đôi giày da đen nó hứa mua cho anh ngày Giáng Sinh, tấm hình chụp anh với nó hôm chợ Tết năm ngoái và xấp hồ sơ, xin bảo lảnh người quen bên Việt Nam qua, để lo việc săn sóc anh, theo luật lệ di trú cho phép mà nó đã dịch và viết tờ giải thích xong, để anh ký tên, anh chưa kịp ký, người nhân viên đẩy quan tài tới trước cửa phòng thiêu, cúi xuống thì thầm đọc gì đó, chắc là câu kinh tiễn người như anh đã làm, quay lại nhìn đám người, nó đứng đó, cánh cửa mở rồi đóng lại, anh nhìn ra căn phòng, nói vừa đủ nghe “cám ơn”.

Ở một phía xa ngoài nghĩa trang, trời giữa trưa đứng bóng, mây che khuất lưng chừng, một nửa nắng, xám xịch, ở một phía không mấy xa, cuối hàng mộ, ba bốn người lom khom, không ngồi không đứng, gió từ hướng xa lộ lùa về, có tiếng khóc.

Thuyên Huy
Cuối Đông 2020


MỜI Xem :Cuối Cùng - Chuyện Ngắn của Thuyên Huy

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...