"Cô có đeo cái khăn đó khi tắm không?"
"Cô có bao giờ cởi nó ra không?"
"Cô có tóc không?"
Đây là một vài trong số hàng loạt câu hỏi dành cho những phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu hoặc mặc quần áo che kín. Ustazah Liyana Musfirah, một giáo viên về tôn giáo tại Singapore, cho biết có nhiều cách quấn khăn, phụ thuộc vào quốc gia, nền văn hóa, cộng đồng, trong đó có thể kể đến kiểu hijab (trùm kín đầu, chừa khuôn mặt), kiểu niqab (trùm kín từ đầu đến chân, chỉ chừa đôi mắt), hay kiểu burqa (trùm kín toàn thân không lộ bất kì phần nào).
Đối với nhiều người không theo Hồi giáo, cụm từ hijab thường chỉ dùng để chỉ cách trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo. Tuy nhiên, nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế, không chỉ ám chỉ sự khiêm tốn mà còn là bộ quy tắc về đạo đức ứng xử và ăn mặc, áp dụng cho cả nam và nữ. Nó là sự kết hợp giữa cách nói, cư xử và đối xử với người khác. Ngoài ra, nó còn là cách một người thể hiện mình với thế giới thông qua những gì họ mặc.
Phụ nữ Hồi giáo bắt đầu đội khăn thường vào khoảng độ tuổi dậy thì (tùy thuộc vào nền văn hóa). Nó không liên quan gì đến tình trạng hôn nhân. Giải thích về việc đội khăn, một tác giả tên H F Sylaj trên tờ Medium giải thích rằng cơ thể của con người là quý giá và được Thánh Allah ban cho. Phụ nữ là con người, không phải là đồ vật, ngay cả những thứ có giá trị nhất cũng không thể sánh bằng. Do đó, việc ăn mặc giản dị là để thể hiện rằng phụ nữ được đánh giá một cách tách biệt khỏi giới tính.
"Tôn giáo của chúng tôi là một tôn giáo đẹp. Nó dạy chúng tôi cách sống một cuộc sống tốt nhất có thể. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đức tin của chúng tôi là cộng đồng. Mọi người sống cùng nhau và Hồi giáo là một tôn giáo có nghĩa là để chia sẻ. Cách đầu tiên để có một cộng đồng mạnh mẽ, sôi động là xác định rõ ràng lẫn nhau. Tôi nghe và đọc mỗi ngày những câu chuyện về những người cải đạo cô đơn và không có cộng đồng. Có thể nhận ra nhau là bước đầu tiên trong việc tạo ra một cộng đồng Hồi giáo lớn mạnh ở Mỹ," Sylaj viết.
Những người có thể nhìn thấy tóc
Việc trùm khăn là bắt buộc đối với phụ nữ. Ý nghĩa của nó là thể hiện sự chung thủy, dành trọn vẹn vẻ đẹp của người phụ nữ cho chồng. Người Hồi giáo gọi khái niệm này là "Um Shaila". Theo đó, Thượng đế sắp đặt họ trở thành vợ chồng với ước nguyện họ sống bên nhau trọn đời, do đó người phụ nữ "không cần phải phô bày vẻ đẹp cho người đàn ông khác ngắm".
Trên thực tế, không chỉ người chồng có thể nhìn thấy tóc của người phụ nữ. Những người có thể ngắm tóc, đầu, cổ của họ được gọi là "mahram", tức là người có quan hệ huyết thống, hoặc qua hôn nhân. Tức là bao gồm người cha, anh em trai, chú bác và người chồng. Tất nhiên những người phụ nữ cũng có thể nhìn tóc nhau.
Ngoài tóc, nhiều phụ nữ Hồi giáo cũng đeo mạng che mặt, chỉ để lộ ra đôi mắt, thậm chí cả khi ăn uống cũng không để cho người khác thấy mặt. Để làm được việc này, họ có thể luồn thức ăn, nước uống dưới mạng che mặt. Một số người có thể kéo mạng che mặt sang một bên hoặc tới nơi kín đáo hơn để ăn uống.
"Đeo hijab cả ngày có nóng không?"
Giải thích về vấn đề này, Ustazah Liyana Musfirah cho biết phụ nữ Hồi giáo bình thường dùng một lớp hijab lót trong trước khi choàng lớp hijab bên ngoài. Vào những ngày nóng, họ có thể bỏ lớp lót trong hoặc dùng loại hijab với chất liệu thoáng mát hơn và ngăn mồ hôi.
Bên cạnh đó, phụ nữ Hồi giáo vẫn có thể cắt tóc như bình thường tại các cửa hiệu đặc biệt dành cho người Hồi giáo. Tại Singapore, có một số cửa hiệu cắt tóc phổ thông nhưng có khu đặc biệt để đảm bảo sự riêng tư cho phụ nữ Hồi giáo. Giảng viên Ustazah Liyana Musfirah cho biết các loại hình chăm sóc tóc cho họ "dài như thực đơn nhà hàng" và phụ nữ Hồi giáo còn có thể nhuộm tóc trong một số dịp.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa