Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Nghĩ về tuổi già- Đỗ Duy Ngọc

 Nghĩ về tuổi già

Đã đến tuổi về hưu, sao không mở cửa ra đường đến với bốn phương để có những nụ cười, những câu chuyện tâm tình, những kỷ niệm nhắc nhở.

Đỗ Duy Ngọc

 

Rồi ai cũng phải về với cát bụi, có ai sống mãi trên nhân thế này đâu. Và thời gian càng ngày càng ngắn lại, sức khoẻ càng ngày càng yếu đi.

Sao không bắt tay làm ngay những điều mình mong ước, sao không đi đến ngay những nơi mà ta thích thú, sao không sắm ngay những vật mà ta từng mơ tưởng khi trong túi vẫn đủ tiền.

Sao không trồng một cây hoa để sớm mai nhìn hoa nở, sao không nuôi một bầy cá để chiều chiều nhìn chúng lội tung tăng, sao không sắm một chú chó để nghe tiếng sủa mừng vui, cái vẫy đuôi mừng rỡ khi ta trở về nhà, sao không nuôi chú mèo nhỏ để buổi tối nó cọ vào đôi chân trần của ta bằng bộ lông mềm mại, và nếu có thể sao không chăm sóc một chú chim để ngày ngày đong cho chúng chút thức ăn, chế cho chúng một cóng nước, để buổi sớm mai thức dậy với tiếng hót líu lo của chúng để mở đầu một ngày ta được tiếp tục sống.

Đã đến tuổi về hưu, sao không mở cửa ra đường đến với bốn phương để có những nụ cười, những câu chuyện tâm tình, những kỷ niệm nhắc nhở. Sao không mở lòng ra với những người ta gặp trên đường, mỗi người một hoàn cảnh, thông cảm với họ và nếu giúp được họ, ta không nên có thái độ ban ơn mà ta đang chia sẻ. Được sẻ chia cũng là một niềm vui.

Sao không nói hết với ai đó những điều mà suốt đoạn đường tuổi trẻ ta không nói được, hãy trút hết ra ta sẽ nhẹ lòng.

 

image.png

 

Sao không chào mọi người bằng cái vẫy tay, bằng một nụ cười bởi nhiều khi đó là lần đầu tiên ta gặp họ nhưng có thể cũng là lần cuối cùng bởi không còn duyên gặp lại, cũng có thể họ sẽ lìa cõi trần gian bởi lẽ sinh tử mong manh đến vô cùng. Sao không đến thăm bè bạn, đồng nghiệp, bạn học cũ, ngồi uống với họ chén nước, hỏi thăm sức khoẻ của nhau, nhắc lại kỷ niệm của một thời.

 

Tuổi già nên tạo cho mình một đam mê sáng tạo: chụp hình, vẽ tranh, nặn tượng, làm gốm, làm vườn, trồng cây, viết nhạc, làm thơ, đi đây đi đó... tất cả trở thành gia vị cho cuộc sống mà thời trẻ bận rộn với manh áo, miếng cơm, lo âu cuộc sống ta không thực hiện được. Gắng đọc sách, đọc báo, vào mạng, viết mail để rèn luyện trí nhớ. Sống lâu mà chẳng nhớ gì, chẳng biết gì đang xảy ra cũng phí một quãng đời.

Đoạn đường trước mặt của mọi người ngày càng ngắn lại, sao không thể tha thứ, bao dung cho nhau những tỵ hiềm, những đụng chạm của một thuở. Sao không siết tay nhau khi còn sống, chờ chi khi mất mới thắp cây nhang vái lạy. Sao không kiếm miếng ngon để thưởng thức hương vị của cuộc đời khi túi còn đủ tiền để trả cho món ăn ngon, đã đến lúc không nên hà tiện, keo kiệt để làm khổ thân mình, bởi khi ta mất đi mà vẫn còn tiền cũng là điều bất hạnh.

Nếu con cháu ngoan hiền thành đạt, có tình cảm với ta, có chăm sóc, thăm hỏi ta cũng là điều hạnh phúc. Bằng không, nếu chúng quên tình cảm gia đình, thì cũng đừng lấy điều đó làm buồn mà thất vọng. Ta sinh chúng ra, nuôi dạy chúng là trách nhiệm, đừng nên ôm mãi hi vọng là chúng sẽ nuôi ta, chăm sóc ta để trả ơn sinh thành dưỡng dục, được thế thì tốt, mà không được vậy thì cũng đừng nên thất vọng, tủi phận, khổ đau. Bởi phải nghĩ rằng chúng cũng đang có gia đình, con cái phải lo, chúng cũng đang có những khó khăn phải giải quyết. Ta bệnh chúng hỏi thăm, chăm lo cũng tốt mà chúng hời hợt không lưu tâm thì cũng chẳng sao, cứ an nhiên mà sống, cứ bình tĩnh mà sống, chẳng nên trách cứ, nặng lời làm gì.

Con cái muốn đi theo con đường nào, chọn ngành nghề gì, yêu ai và muốn lập gia đình với ai, ta chỉ nên khuyên nhủ, định hướng, không nên bắt chúng phải theo ý ta, sống vì ta. Bởi chúng có cuộc đời riêng của chúng và chúng ta chắc chắn sẽ không sống mãi với chúng nên phải để chúng quyết định đời mình.

Cũng không nên quá tin tưởng vào con cái mà giao hết số tiền dành dụm suốt cuộc đời cho chúng. Vì đó là mở đầu cho những bất hạnh mà ta phải chịu đựng sau này. Nuôi dạy con cái của chúng là nhiệm vụ của chúng, ta chỉ giúp đỡ khi cần thiết chứ không nên dành suốt thời gian còn lại của cuộc đời để bảo bọc và chăm lo cho các cháu. Nếu khi đến tuổi mà cứ ôm khư khư các cháu, ta đã phí phạm thời gian còn lại ngắn ngủi của mình.

Người biết lo xa là khi tuổi trung niên đã chuẩn bị cho tuổi già, chuẩn bị để khỏi lệ thuộc vào con cái về vật chất, được như thế những ngày của tuổi già không phải trông mong vào những đồng tiền chu cấp của các con, được thoải mái và tự do trong sinh hoạt. Nếu được con cái tặng quà, chu cấp thêm thì lấy đó làm vui, mà không có thì cũng chẳng lấy gì làm thất vọng và tủi thân. Ta cũng sẽ không là gánh nặng của con cái. Thiếu một chút cũng đừng nhăn nhó, thừa thật nhiều cũng đừng quá mừng vui, đừng buồn vui thái quá.

Người ta bảo nhà của cha mẹ là của con, nhà của con không phải là nhà của cha mẹ. Do vậy, khi đến nhà con cái, không nên xem như nhà của mình mà nên đặt mình là khách để khiến cho căn nhà của con cái khỏi xáo trộn, sinh hoạt của con cái khỏi đổi thay.


Người ta bảo tuổi già buồn, nhưng thật ra nếu biết cách sống và có sức khoẻ, tuổi già là tuổi vui. Đó là tuổi đã làm xong những phận sự, chẳng còn nhiều trách nhiệm với cuộc đời, mọi lo toan cũng chẳng còn mấy chút. Giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, chẳng còn sức lực và thời gian để thay đổi số mệnh. Thế tại sao không bằng lòng những cái hiện có mà còn nuôi tham vọng, loay hoay kiếm tìm làm chi nữa.

Đau khổ, lo âu hay hạnh phúc, hoan hỉ đều do tâm ta mà ra. Cuối con đường của cuộc sống, an lạc, an nhiên mà đi, chăm sóc bản thân, chấp nhận cái đích cuối cùng của loài người, không âu lo, chẳng sợ hãi cái chết, hãy xem cuộc đời chẳng có gì là quan trọng nữa và tận hưởng nó đến giây phút cuối cùng, âu đó chính là con đường hạnh phúc.


Nguồn: http://giaoxuhanoi.com/muc-vu-gia-dinh-cac-lop-giao-ly-/nghi-ve-tuoi-gia-4165.html


Dam Ho chuyển

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...