Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Tuổi già - Andrew Lâm

 

Tám năm trước, mẹ tôi bị chẩn đoán mắc chứng Alzheimer, những ký ức ngắn hạn của bà gần như không tồn tại.

"Sao lâu quá con không gọi cho mẹ?" - mẹ hỏi qua điện thoại. Giọng bà ai oán và chỉ trên mức thì thầm, "không ai nhớ tôi, không ai quan tâm nếu tôi chết".

"Mẹ ơi, con gọi mẹ cách đây ba ngày mà", tôi thấy đau lòng, "Nói dối. Con đâu có gọi mẹ, làm gì có".

Tôi không nói dối. Tôi thường xuyên gọi cho mẹ, chỉ là bà không thể nhớ.

Mẹ tôi năm nay 88 tuổi. Alzheimer làm bà không thể nhớ những gì mới xảy ra hoặc trong hiện tại. Bà đã bắt đầu bị hoang tưởng.

Tôi về Việt Nam làm việc và chưa thể trở lại Mỹ trong vòng hai năm qua, nhưng vẫn gọi cho bà mỗi tuần. Hai anh chị của tôi vẫn đến thăm bà ở viện dưỡng lão tại thành phố Fremont, Mỹ, nhưng bà vẫn cảm thấy bị bỏ rơi và không nhận biết sự thăm hỏi của chúng tôi do chứng mất trí ngày càng tăng.

Cô gái Hà Nội xinh đẹp, đảm đang, hoạt bát một thời nay trở nên yếu đuối và trầm cảm. Cứ như thể các ký ức trong suốt cuộc đời bà mỗi năm lại bị người thợ may lấy kéo vạt bớt một mảnh. Chỉ còn những miếng rất xa xưa.

Tôi giở nhật ký viết tay của mẹ và gõ lại vào máy tính. Khi đã vào sống trong viện dưỡng lão năm 80 tuổi và biết trí nhớ của mình cạn dần, bà đã cố gắng lưu lại ký ức của một người tha hương trước khi chìm vào quên lãng. Một nửa cuộc đời tại Việt Nam và nửa còn lại trên đất Mỹ.

"Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại lại reo nữa. Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống khoảng vài tháng. Ở Việt Nam, chúng tôi là bạn thân. Nhưng với tuổi đời chồng chất như tôi, làm sao đến thăm họ được khi hàng ngàn cây số cách xa? Làm sao ta tưởng tượng được việc gọi điện cho bạn thân khi họ nằm chờ chết trong bệnh viện để nói lời xin lỗi rằng không thể đích thân đến thăm lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng".

Mỹ là thiên đường của giới trẻ. Mỹ có tất cả những gì dành cho thanh thiếu niên: đồ chơi, phim ảnh, công viên giải trí. Còn đối với người già, chỉ có sự cô độc và nỗi cô đơn.

Khi còn sống ở Việt Nam, mẹ bảo không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết. Ta có gia đình, thân nhân, dòng họ, những miếu đền.

Một khi đã quen miền đất với mồ mả tổ tiên, bà bảo không còn sợ cái chết. Nhưng khi sang Mỹ, lối sống cũ của chúng tôi không còn nữa. Càng già càng mất mát nhiều - bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý nghĩ của chính mình.

Bà ngoại tôi mất năm 97 tuổi, bà nội tôi qua đời lúc 95 tuổi. Cả hai từng sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Mẹ tôi thường đi xe bus đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với mẹ tôi, hai bà có phước lắm, thường được con cháu đến thăm. "Đó là lối sống của người Việt", mẹ tôi trả lời.

Còn con cháu những người già khác rất ít đến. Tôi nhớ một số bà lão ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng ra cổng trông người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Một bà cụ khác bảo, ngày nào cũng mong hình ảnh người con trai bước qua khung cửa.

Mẹ bảo, từ lúc còn trẻ trung mạnh khỏe, bà đã biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ.

"Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn hàng cây trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Sài Gòn, những đám cưới, đám hỏi, những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình. Ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời... Và tôi khao khát những ngày quá khứ xa xưa".

Tôi đọc những dòng mẹ viết khi đang chờ đến ngày được bay về Mỹ đầu tháng 5 này. Cha tôi mới mất vài tháng trước, đám tang ông, tôi chỉ có thể dự online. Tôi biết mình phải đến bên mẹ càng sớm càng tốt. Nhà tôi hôm nay là nơi mẹ đang ở.

Tôi sẽ không kể với bà rằng, ở Việt Nam cố hương của bà, dân số đang già hóa nhanh chóng. Có những người già cũng bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà mình bởi ngày càng nhiều người trẻ di chuyển vào đô thị kiếm sống. Sợi dây liên kết chặt chẽ trong gia đình cũng đang chùng xuống.

Tôi nghĩ về mẹ và những người bạn trong viện dưỡng lão của bà, như thấy chính tương lai của tôi - tương lai mà tôi vẫn chưa thể trả lời câu hỏi tôi muốn ở đâu khi về già, Việt Nam hay Mỹ.

Với nhiều người Việt, gia đình và cộng đồng là một phần của cái tôi. Tôi không mong mọi người già ở Việt Nam sẽ đi con đường giống Mỹ, sống trong viện dưỡng lão.

Nhưng tôi biết chắc rằng nhu cầu chăm sóc người già ở Việt Nam sẽ chỉ càng tăng lên. Và vấn đề lớn là Việt Nam chưa có nhiều nhà dưỡng lão tốt vào thời điểm 5, 10 năm tới, dù rất nhiều người sẽ cần đến.

Tuổi già không chỉ là trạng từ chỉ thời gian, mà còn là tên của một bộ chính sách.


Mời Xem :ANDREW LAM : CÕI GIÀ TRÊN ĐẤT LẠ

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...