Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Con rồng giấy Trung Quốc vung tay quá trán

 Jackhammer Nguyễn

10-5-2021 

Tàu Trường Chinh

Ngày 9/5/2021, nhà nước Trung Quốc cho biết, các mảnh vỡ của hỏa tiễn Trường Chinh 5B đã rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương, gần quần đảo Maldives. Tin này làm hàng tỷ người thở phào nhẹ nhõm sau vài ngày lo âu là mảnh hỏa tiễn sẽ rơi trên đầu mình.

Ngay sau khi Trường Chinh 5B được phóng, cơ quan NASA của Mỹ, cùng các cơ quan không gian của châu Âu lên tiếng cảnh báo rằng, Trung Quốc không kiểm soát được bộ phận nặng tới 22 tấn của hỏa tiễn này sẽ rơi trở lại trái đất. Nhà nước Trung Quốc im lặng, chỉ để cho tờ báo dân tộc chủ nghĩa cực đoan là Hoàn Cầu Thời báo lên tiếng, chỉ trích là phương Tây làm quá.

Vấn đề các mảnh vỡ hỏa tiễn rơi trở lại trái đất cũng xảy ra với các cường quốc vũ trụ khác, nhưng lâu rồi, và bây giờ các quốc gia này đa phần kiểm soát được các bộ phận không cần đưa lên không gian, điều khiển được chúng quay trở về, hoặc tính trước được vùng hoang vắng nào đó để chúng rơi xuống. Một mảnh vỡ nhỏ của hỏa tiễn đẩy SpaceX của ông Elon Musk bị mất động cơ, rơi xuống một trang trại vùng Seattle tháng 3/2021 ngay sau khi phóng. Tuy nhiên trong trường hợp Trung Quốc là một khối nặng đến 22 tấn, mất tích trong vài ngày.

Việc này đặt cho chúng ta câu hỏi về khả năng kỹ thuật của Trung Quốc trong tham vọng của họ khi cạnh tranh với phương Tây.

Những phát triển quân sự của quân đội Trung Quốc được truyền thông nước này tung hô nhiều nhất là hai con ngáo ộp hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và Sơn Đông. Tuy nhiên cả hai đều bắt chước mô hình hàng không mẫu hạm thập niên 1980 thời Liên Xô, tức là bốn mươi năm trước. Hai con ngáo ộp này chỉ hoạt động được liên tục 6 ngày không tiếp nhiên liệu, trong khi các hàng không mẫu hạm tối tân của Mỹ và phương Tây có thể hoạt động liên tục cả năm trời.

Cuộc chạy đua vũ trang của Bắc Kinh gợi nhớ đến sự sụp đổ của Liên Xô, vì một trong những nguyên nhân làm đế quốc này sụp đổ cũng chính là chạy đua vũ trang làm tiêu tốn rất nhiều tiền của. Dĩ nhiên việc tiêu tiền vào quốc phòng của phương Tây cũng rất lớn, nhưng các nền dân chủ này không tốn tiền vào bộ máy thư lại và đàn áp khổng lồ của các chế độ toàn trị như Liên Xô ngày trước và Trung Quốc ngày nay.

Trung Quốc có khá hơn Liên Xô vì áp dụng kinh tế thị trường, bỏ được chi phí cồng kềnh của nền kinh tế quốc doanh thời Liên Xô, nhưng các công ty nhà nước Trung Quốc hiện nay cũng chiếm phần rất quan trọng trong nền kinh tế nước này.

Mặt khác, sự tiêu tốn của Bắc Kinh vào hệ thống đàn áp đang không ngừng tăng lên, ngân sách dành cho Bộ Công an để kiểm soát dân chúng cao hơn cả Bộ Quốc phòng. Trong một phóng sự với những nhân chứng sống người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của báo The New Yorker, cho thấy rất nhiều tiền của đổ vào những trại tập trung làm nơi giam giữ người Tân Cương.

Bài báo không đưa ra con số chi phí của Hoa Lục trong đại kế hoạch đàn áp ở Tân Cương, nhưng nếu kể đến các phương tiện theo dõi công dân liên tục trong 24 giờ trong ngày, các nhà tù khổng lồ, số nhân viên công an, dân phòng dùng theo dõi những người bị vào danh sách đen của Trung Cộng,… thì chi phí này ắt hẳn vô cùng lớn để có thể giam giữ và theo dõi hàng triệu người Tân Cương.

Đây cũng là điều mà nhà bình luận người Mỹ David Frum, trong một bài báo trên tờ Atlantic, nhan đề Trung Quốc là một con rồng giấy, nói rằng một số lớn trong chi phí liên quan đến quân sự của Trung Quốc là dùng để chống lại chính người Trung Quốc, chứ không phải như Hoa Kỳ là chống những đe dọa từ bên ngoài.

Bài báo này cũng đưa ra các con số so sánh một số lĩnh vực kỹ thuật quan trọng giữa Mỹ và Hoa Lục như sau:

Phi công Trung Quốc có số giờ bay trung bình ít hơn phi công Mỹ khoảng 100 đến 150 giờ, thay vào đó binh sĩ Trung Quốc dùng từ 20% đến 30% thời gian của mình để học chủ nghĩa Mao.

Tại Mỹ, cứ trung bình 10 ngàn nhân viên có 176 robot, tại Trung Quốc con số đó là 19. Các công ty Trung Quốc vẫn đang rất lệ thuộc kỹ thuật từ nước ngoài. Việc Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ của nước khác, một mặt giúp họ thu ngắn khoảng cách, nhưng mặt khác, điều này làm cho họ mất khả năng sáng tạo, mà chỉ đi đánh cắp.

Việc chạy đua vũ trang của Bắc Kinh chưa có dấu hiệu dừng lại khi họ đang có kế hoạch đóng thêm một hàng không mẫu hạm thứ ba. Về phía phương Tây lại đang có việc hình thành một liên minh khi các quốc gia như Anh, Pháp, Đức bắt đầu gửi tàu chiến tới biển Đông, Nhật Bản đang trở thành căn cứ cung cấp thiết bị quân sự cho các nước nhỏ như Philippines và có thể cả Việt Nam.

Chạy đua vũ trang với một liên minh như vậy là một điều vô cùng không hay cho Bắc Kinh, trên cái nhãn tiền mồ ma Liên Xô 30 năm trước. Không những chạy đua vũ trang mà Bắc Kinh còn chạy đua vũ trụ nữa, cũng không khác Liên Xô trước đây.

Vào năm 2019, khi bắt đầu vận động tranh cử, được hỏi về mối đe dọa từ Trung Quốc, tổng thống Joseph Biden, lúc đó là ứng cử viên, nói một cách tự tin: Bạn bảo “Trung Quốc giật đồ ăn trưa của chúng ta à? Thôi mà!

Xem Thêm :🌼🌼🌼🌼🌼🌼🌼

Trung Quốc: Các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...