Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

VNE: Cuộc chiến không cân sức

 

Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ
Tôi viết nh​ững dòng này tại New Delhi ngày 25/5/2021, tâm trạng như đang trong một bộ phim viễn tưởng.
Đợt tấn công thứ hai của đại dịch vào Ấn Độ lần này, 12 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại đây bị dương tính. Hai trường hợp rất nặng, phải nhập viện và chữa trị nhiều ngày.
Em là cô gái xinh xắn, lạc quan và đầy nghị lực. Nhưng đặt chân đến Ấn Độ chưa đầy ba tuần, Covid đã quật ngã em.
Ngày chính thức nhận kết quả dương tính là ngày sinh nhật em, cũng là ngày đất nước thống nhất, 30/4.
Trong buổi sinh nhật online đặc biệt đó, mọi người chúc em chóng lành bệnh và ngủ ngon. Nhưng không may, đêm đó lại là một đêm kinh hoàng. Em sốt cao, rất nhiều mồ hôi. Em không dám ngủ vì thấy chỉ số bão hòa oxy trong máu tầm 95%. Em sợ "ngủ rồi sẽ không bao giờ tỉnh lại".
Vì thế, thỉnh thoảng em lại ngồi dậy tự uống thuốc hạ sốt, ngậm ít mật ong, giũ quần áo đẫm mồ hôi cho khô và sấy họng. Quà sinh nhật tôi dành riêng cho em là một bát súp yến và một bát mỳ vằn thắn. Em ăn ngay bát súp, để dành bát mỳ ăn lúc uống thuốc.
Em đã tiêm một mũi vaccine mà còn bị quật "lên bờ xuống ruộng". Nếu không có mũi tiêm đó, chắc chắn em phải nhập viện. Mà nhập viện làm sao có được giường?
Sau 17 ngày ốm, em hạ sốt. Tôi tưởng em đã hồi phục, nhưng bác sĩ Việt Nam quyết định phải uống tiếp kháng sinh trong 7 ngày đề phòng bội nhiễm vì em bị viêm phổi thuỷ. Một tuần sau, em âm tính lần một. Và hôm nay, em có kết quả âm tính lần hai.
Ở đợt dịch tháng 10/2020, cả 38 cán bộ và gia đình trong Đại sứ quán chúng tôi bị nhiễm Covid-19. Nhưng điểm khác biệt giữa đợt dịch này với lần trước là nỗi sợ hãi bao trùm.
Ấn Độ trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới với số ca nhiễm và tử vong luôn phá các kỷ lục buồn. Một đợt dịch lấy đi hàng trăm ngàn sinh mạng, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh bần cùng và đập tan tất cả thành quả trước đó. Hình ảnh thương tâm, những tin buồn về bạn bè lần lượt qua đời dồn dập ập đến với chúng tôi hàng ngày.
Điều đáng sợ hơn là virus chủng mới B.1.617 làm cho bệnh diễn biến rất khó lường. Bệnh nhân đang tốt lên có thể xấu hay tử vong ngay. Mỗi ngày trôi qua của chúng tôi tràn ngập lo lắng, bất định trước số phận.
Vừa được nhập viện, Nhân mê mẩn không tỉnh. Sau hai ngày li bì, em dậy nhưng không ăn được đồ ăn của bệnh viện, người mệt lả. Bác sĩ Ấn liên tục truyền Remdisivir và nhiều loại thuốc khác. Em chỉ thèm đồ nước và cháo, nhưng bệnh viện Apollo của nước bạn không có những thứ "xa xỉ" đó.
Trước khi em vào viện, tôi đã nấu một nồi súp yến để Nhân có chút năng lượng, sau đó em phải tự lo. "Em phải chịu khó nuốt thức ăn mới có sức vì bệnh viện không cho mang thức ăn vào", tôi nhắn, "sẽ chóng khỏi thôi".
Nói vậy mà trong lòng tôi như lửa đốt. Tôi không ngờ bức thư "Nhân ơi, xin em đừng chết" tôi viết có tác dụng. Nó tạo cơn "địa chấn" cảnh báo cho Việt Nam về mức độ nguy hiểm của đợt dịch này. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã hủy bắn pháo hoa và ngừng tổ chức các lễ hội chào mừng 30/4.
Đối với Nhân, bức thư có tác dụng cả về vật chất, tinh thần. Nhóm các bác sĩ tại Việt Nam gồm Nguyễn Lân Hiếu, Hoàng Bùi Hải, Tạ Diệu Ngân, Vũ Quốc Đại, Nguyễn Thanh Hồi, bác sỹ Linh, bác sĩ Hà... của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện quốc tế Hải Phòng đã lập ra cầu truyền hình trực tuyến để chữa bệnh hàng ngày cho Nhân và tất cả nhân viên sứ quán.
Tuần sau đó, Nhân giảm sốt, đỡ tiêu chảy và giảm ho nhưng vẫn phải thở oxy, rời bình oxy là mệt. Ngày thứ 8, bệnh viện "mượn tạm" bình oxy của Nhân để cứu một bệnh nhân khác. Em sợ quá, nhắn tin cho tôi nhờ tác động với bệnh viện để xin được dùng oxy thêm.
Tôi gọi lãnh đạo bệnh viện, họ cho Nhân một bình nhỏ. Đêm đó, em ôm chặt bình oxy ngủ ngon lành. Hôm sau, dù đo lại chỉ số bão hòa oxy trong máu vẫn lúc lên lúc xuống, Nhân nhắn cho tôi: "Đại sứ ơi đêm nay em cai oxy, Đại sứ nhờ bác sĩ canh chừng giúp". Nhân cũng sợ nếu ngủ luôn sẽ không dậy nữa. Chưa bao giờ tôi thấy từ "oxy" có ý nghĩa sống còn đến thế.
Nhân vẫn dương tính với Covid, nhưng bệnh viện cần giường cho bệnh nhân mới nên để em xuất viện. Sau hai tuần tiếp tục tự chữa tại nhà, Nhân âm tính lần một ngày 13/5 và hôm kia âm tính lần hai. Nhân đã phục hồi kỳ diệu và không làm tôi thất vọng mặc dù thể lực vẫn còn yếu và ho.
Bệnh nhân nặng thứ hai của sứ quán là cháu gái 17 tuổi - cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu". Cháu đã bị dương tính cùng gia đình và 37 cán bộ nhân viên sứ quán đợt trước. Lần này, cháu không ra ngoài, không tiếp xúc với ai, chỉ ở nhà ôn thi tốt nghiệp trung học, vậy mà bị nhiễm rất nặng. Cháu bị sốt cao trên 40 độ C hàng chục ngày. Với nhiều nỗ lực, chúng tôi đưa được cháu nhập viện. Sốt cao, hạ sốt rồi lại sốt cao, cảm thấy đỡ rồi lại mệt, bình thường rồi lại sốt cao...
Tôi luôn bị ám ảnh bởi các vận động viên thể thao phục hồi sau Covid. Âm tính đấy rồi một hai ngày sau đột nhiên qua đời. Vì thế, tôi nhất định giữ cháu ở bệnh viện bằng được để chữa dứt điểm. Tôi lập luận với giám đốc bệnh viện "đã chữa thì chữa cho khỏi hẳn, đừng làm dang dở rồi quay sang bệnh nhân khác, khéo lại sôi hỏng bỏng không".
Một lần, khi đang trên điện thoại với bố cháu, tiếng khóc thất thanh làm tôi rụng rời chân tay, tưởng điều xấu nhất đã xảy ra. May thay, bố cháu đang ở phòng chữa răng và tiếng khóc của đứa trẻ bị nhổ răng.
Nhiều đêm mẹ cháu gọi điện thông báo, tự nhiên cháu lạnh tím người, chỉ số chẩn đoán huyết khối trong máu D-Dimer lên đến hơn 8.000 trong khi mức cho phép dưới 300. Rồi có lúc cháu bị nhiễm trùng máu, lúc nhiễm trùng đường tiêu hoá, lúc nhiễm trùng ở chỗ kim tiêm nơi truyền nước.
Chưa bao giờ sự trồi sụt sức khỏe của một người làm tôi muốn "vỡ tim" như thế. Nếu không có sự tận tình của các bác sĩ Việt Nam và Ấn Độ, chắc chắn cháu sẽ rất khó khăn. Nỗi lo về tính mạng của cháu làm tôi không thể dịch được yêu cầu của các bác sĩ Việt cho các bác sĩ Ấn mặc dù tôi làm nghề phiên dịch nhiều năm.
Chúng tôi thống nhất rằng các bác sĩ Việt sẽ trực tiếp trao đổi tiếng Anh với bác sĩ Ấn. Và cũng chưa bao giờ tôi cảm thấy tự hào về bác sĩ Việt Nam như thế. Họ rất giỏi cả về chuyên môn và ngôn ngữ. Thế rồi, tuần này, cháu đã ra viện và lần đầu có kết quả âm tính.
Đó chỉ là ba trong những ca Covid-19 chúng tôi trực tiếp đối mặt những ngày qua. Lần đầu tiên trong đời, tôi trải nghiệm những thời điểm nguy kịch tưởng chừng không qua nổi trong một cuộc chiến không tiếng súng, không người thân, không gia đình, bạn bè bên cạnh.
Một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù vô hình, đầy sức hủy diệt. Chúng tôi chỉ còn biết kiên cường bám trụ. Đến hôm nay, tạm thời chúng tôi đã vượt qua đợt thứ hai của đại dịch trên đất khách.
Không bao giờ tôi có thể ngờ được rằng, thước đo thành công nhiệm kỳ của một đại sứ không phải số lượng trao đổi các đoàn cấp cao và kim ngạch thương mại giữa hai nước hay dòng đầu tư vào Việt Nam. Sự thành công ở việc không mạng sống nào bị tước đoạt.
Ở đợt dịch năm 2020, tôi âm thầm hỏi sẵn thông tin để đặt một quan tài kẽm và thuê máy bay vì chúng tôi có một ca rất nặng. Ai từng làm việc đó mới biết cảm giác khủng khiếp thế nào. Nắm tay nhau cùng bước qua lưỡi hái tử thần, chúng tôi hiểu hơn giá trị của cuộc sống và tình người.

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...