Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 78: NGẬM - Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi


                                                       Kiều

 Rằng hay thì thật là hay,

Nghe ra NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY thế nào!

 Đó là hai câu lục bát mà cụ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” đã cho Kim Trọng nhận xét sau khi nghe Thúy Kiều gảy đàn.

 NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY” có gốc chữ Nho là “HÀM TÂN CÔ KHỔ” (含辛菇苦):

 – HÀM (含) là NGẬM, là giữ ở trong miệng không nhả ra cũng không nuốt vào.

 – TÂN (辛) là Cay;  (菇) (động từ) là Ăn; KHỔ (苦) là Đắng.

 Nên “HÀM TÂN CÔ KHỔ” (含辛菇苦) nghĩa đen thui là “Ngậm cay ăn đắng,” nói theo tập quán ngôn ngữ của tiếng Nôm ta là “NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY” để chỉ vất vả, cực khổ hay đau khổ đến cùng cực, vì CAY và ĐẮNG là hai chất làm cho vị giác khó chịu, không ngon lành như là NGỌT với BÙI! Nhưng, lắm lúc con người cũng thích cay thích đắng, thích ăn ớt, ăn khổ qua… thích cả nghĩa  đen lẫn nghĩa bóng, vì lắm lúc CAY ĐẮNG cũng làm cho người ta thắm thía hơn với cái “thú đau thương“;  như ta đã nghe lời nhận xét về tiếng đàn của Thúy Kiều được Kim Trọng diễn đạt ở hai câu thơ trong phần mở đầu:  

 Rằng HAY thì THẬT LÀ HAY,

Nghe ra NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY thế nào!

NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY” mà “HAY” thì “THẬT LÀ HAY!” Ngoài “Ngậm Đắng Nuốt Cay” ra, ta còn thường gặp “NGẬM THỞ NUỐT THAN” để chỉ sầu buồn than thở không thôi, nhưng lại không có người để tâm sự thổ lộ, như khi Thúy Kiều bị Hoạn Thư đưa vào Quan Âm Các xuất gia để tách nàng ra khỏi vòng tay của Thúc Sinh:

 Gác kinh viện sách đôi nơi,

Trong gang tấc lại gấp mười quan san.

Những là NGẬM THỞ NUỐT THAN,

Tiểu thư phải buổi vấn an lại nhà…

 Song song với “Ngậm Thở Nuốt Than,” ta còn có  Ngậm Hờn, Ngậm Tủi, Ngậm Sầu, Ngậm Oán… và ngoài những cái “Ngậm không được vui” kia, ta còn có những cái NGẬM trừu tượng hơn, nhưng vui vẻ hơn như NGẬM CƯỜI là trên gương mặt luôn giữ vẻ tươi cười chớ không có “Ngậm” gì trong miệng cả, do gốc chữ Nho là “HÀM TIẾU” (含笑) mà ra. Ta thường nghe nói “Hoa Hàm Tiếu” là Hoa ngậm cười, hoa vừa chớm nở, là hoa bắt đầu khoe sắc đẹp, nên nụ cười Hàm Tiếu là nụ cười tươi, nụ cười đẹp của các giai nhân. Vì thế mà NGẬM CƯỜI là chỉ gương mặt tươi cười đẹp đẽ và còn dùng để chỉ cái tâm lý được thỏa mãn, hài lòng, không còn vướng bận gì nữa, như khi Thúy Kiều bán mình chuộc tội cho cha đã trối lại với Thúy Vân rằng:

 Chị dầu thịt nát xương mòn,

NGẬM CƯỜI CHÍN SUỐI hãy còn thơm lây.


 NGẬM CƯỜI CHÍN SUỐI” cũng có gốc chữ Nho là “Hàm Tiếu Cửu Tuyền” (含笑九泉), tương  đương với tiếng Nôm ta là “Có Chết cũng Vui Lòng,” hay “Cũng rất an tâm mà chết.” Theo truyền thuyết cổ xưa thì khi chết linh hồn con người ta sẽ đi qua 9 cái suối ở dưới đất để đến Âm Phủ. Nên CỬU TUYỀN là chín suối, là cỏi âm, là nơi người chết ở. Trái với “Ngậm Cười nơi Chín Suối” là “Ngậm Hờn nơi Chín Suối” chết mà lòng còn hờn oán khi oán hận còn chưa nguôi. Ngoài “Hàm tiếu” (含笑) là Mỉm cười ra, ta còn có “Hàm Tu” (含羞” là Thẹn thùng; “Hàm Tình” (含情) là Gợi tình một cách dễ thương; “Hàm Ý” (含意) là Ý nghĩa còn ẩn dấu bên trong… – Nói thêm: HÀM TU là Thẹn thùa Mắc cở; nên “HÀM TU THẢO” (含羞草) là Cây Mắc cở; “HÀM TU HOA” (含羞花) là Hoa Mắc cở.

     

Còn một cái “ NGẬM ” nữa mà không ai thích cả, đó là “NGẬM BỒ HÒN LÀM NGỌT,” nói gọn lại là NGẬM BỒ HÒN. Thành ngữ này hoàn toàn có xuất xứ trong đời sống của dân ta mà không phải vay mượn gì ở chữ Nho nữa cả! BỒ HÒN có tên khoa học là “Sapindus mukorossi Gaertn.” Dân gian thường gọi với những tên khác nhau như Vô hoạn.  Trái Bòn hòn, quả Xà-phòng… được trồng nhiều ở khu vực miền Bắc của nước ta như Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn… Trái Bồ Hòn có vị đắng, nên ai ngậm được nó là người rất giỏi chịu đựng. Câu nói “NGẬM BỒ HÒN LÀM NGỌT” thường dùng để chỉ sự nhẫn nhịn chịu đựng điều đắng cay mà bề ngoài vẫn phải tỏ ra vui vẻ. Như khi Hoạn Thư, vợ của Thúc Sinh bắt “Hoa Nô” Thúy Kiều phải đứng rót rượu mời cho hai vợ chồng cùng “chén tạc chén thù” lại buộc Thúy Kiều phải “quì tận mặt mời tận tay” và với điều kiện: “Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn” làm cho:

 Sinh càng nát ruột tan hồn,

Chén mời phải NGẬM BỒ HÒN ráo ngay.

 Chàng Thúc đã “nát ruột tan hồn” rồi, lại phải làm ra vẻ vui vẻ uống hết những chén rượu mà Thúy Kiều đang đứt ruột dâng lên!

Còn một cái “NGẬM ” rất đáng chê trách là NGẬM MÁU PHUN NGƯỜI, nói theo chữ Nho là “HÀM HUYẾT PHÚN NHÂN” (血噴人): Ý chỉ ngụy tạo sự kiện để nói xấu, bôi nhọ và hãm hại người khác. Câu nói nầy có xuất xứ từ La Hồ Dã Lục của Hiểu Doanh đời Tống (宋•晓莹《罗湖野录), nguyên văn như sau:

含血噴人, 先汙其口” (Hàm huyết phún nhân, Tiên ô kỳ khẩu).  Có nghĩa là: “Ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước.” Trong Minh Tâm Bửu Giám của ta ngày xưa cũng có câu nầy, nhưng lại nói khác đi một chữ dù ý nghĩa vẫn như nhau là:

 含血噴人,先汙自口” (Hàm huyết phún nhân, Tiên ô TỰ khẩu). Ý là: “Nói xấu hay đổ tội đổ lỗi cho người khác thì người ta cũng đánh giá mình không phải là người tốt.”

   Có một chữ “NGẬM” rất nghệ thuật trong phối trí cảnh vật êm ắng khi đêm xuống cô quạnh lặng lẽ qua ngòi bút tả cảnh mang sắc thái điện ảnh rất tài tình của Nguyễn Du khi Thúy Kiều đang ở lầu Ngưng Bích:

 Chim hôm thoi thót về rừng,

Đóa trà mi đã NGẬM TRĂNG nửa vành.

Qua góc độ ngắm của nhà hội họa cho đóa trà mi lắp lửng che đi nửa vầng trăng như đang “NGẬM TRĂNG nửa vành“! Ta thấy Nguyễn Du không những là thi sĩ mà còn là nhà hội họa, nhà điện ảnh đi trước thời đại nữa!

 Chữ NGẬM đi với chữ NGÙI còn là một kết hợp Từ Láy phụ âm đầu tuyệt vời để diễn tả tâm trạng vừa buồn thương vừa luyến nhớ lại mang một chút sầu thảm bồi hồi; có thể là Hình dung từ mà cũng có thể làm Trạng từ để diễn tả tâm trạng sầu thương một cách tuyệt vời như khi Thúy Kiều đang ở lầu Ngưng Bích:

 NGẬM NGÙI rủ bước rèm châu,

(Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần…)

 … hay như khi mới bắt đầu với cuộc sống ở lầu xanh:

 Buồng riêng, riêng những sụt sùi,

Nghĩ thân mà lại NGẬM NGÙI cho thân! 

 … nhưng đôi lúc NGẬM NGÙI cũng là một niềm hạnh phúc có được sau những sầu thương chìm nổi của cuộc đời, như khi Kim Kiều tái hợp sau mười lăm năm lưu lạc:

Động phòng dìu dặt chén mồi,

Bâng khuâng duyên mới NGẬM NGÙI tình xưa.

 Cuối cùng, ta có thành ngữ điển tích KẾT CỎ NGẬM VÀNH mà chữ Nho gọi là “KẾT THẢO HÀM HOÀN” (結草銜環), theo tích sau đây:

KẾT CỎ: Có xuất xứ từ Tả TruyệnTuyên Công Thập Ngũ Niên (左傳.宣公十五年) Năm 594 trước Công Nguyên, Tần Hoàn Công (秦桓公) xuất binh phạt Tấn (晉). Tướng Tấn là Ngụy Khoả (魏顆) đem binh chống lại tướng Tần là Đỗ Hồi (杜回) ở đất Phụ Thị. Khi hai tướng đang đánh nhau quyết liệt chưa phân thắng bại thì Ngụy Khoả nhìn thấy một ông già dùng cỏ kết thành một sợi dây máng vào chân ngựa của Đỗ Hồi. Hồi ngã ngựa bị bắt sống. Ngụy Khoả đại thắng trong trận nầy.

 Đêm đó, Ngụy Khoả mơ thấy ông già đã kết cỏ lúc ban ngày để giúp cho mình chiến thắng. Chưa kịp tạ ơn thì ông già đã quỳ xuống nói rằng:

 Ta là cha của hầu thiếp của cha ngài, đến để cám ơn đại ân đại đức của ngài đã không chôn sống con ta theo cha ngài khi ông ấy lâm chung.

 Thì ra trước đây, cha của Ngụy Khoả là Ngụy Võ Tử (魏武子) có một người hầu thiếp trẻ đẹp không có con, từng nói với Ngụy Khoả rằng:

 Khi ta chết thì nhớ cho cô ấy đi tái giá.

 Nhưng khi Ngụy Võ Tử lâm bệnh, lúc gần chết lại nói là:

 Ta chết rồi thì nhớ chôn sống cô ấy theo để hầu hạ ta.”

 Đến lúc Ngụy Võ Tử chết, Ngụy Khoả bèn cho người hầu thiếp trẻ đó về nhà để lấy chồng khác. Mọi người nêu thắc mắc sao không làm theo lời cha, thì Ngụy Khoả đáp rằng:

 Ta đã làm theo lời cha ta lúc người còn tỉnh táo minh mẫn, chớ không làm theo lúc ông đã bị bệnh mặng thần trí đã u mê rồi!

 NGẬM VÀNH: Đúng ra phải nói là NGẬM VÒNG, theo tích Dương Trấn Truyện trong Hậu Hán Thư (後漢書·楊震傳) như sau đây:

 Cha của Dương Chấn là Dương Bảo (楊寶), lúc 9 tuổi thấy một con chim Hoàng tước bị chim Cắt mổ có thương tích nằm dưới gốc cây ở phía bắc của núi Hoa âm, kiến lại bu chung quanh trông rất tội nghiệp. Ông bèn mang con Hoàng tước về để trong rương chăm sóc và cho ăn hằng ngày bằng hoa vàng. Sau một trăm ngày, chim đã bình phục và mọc lại đủ lông đủ cánh bèn theo hướng tây mà bay đi. Đêm hôm đó Dương Bảo mơ thấy một đồng tử mặc áo màu vàng miệng ngậm bốn cái vòng ngọc trắng đến bái tạ và tặng vòng, còn nói rằng:

 Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu bị nạn giữa đường, cám ơn ông đã có lòng nhân từ cứu giúp. Nay xin gởi tặng ông bốn chiếc vòng ngọc nầy để giúp ông có được bốn đời vinh hiển phú qúy và trong sạch như vòng ngọc nầy vậy.”

 Và… đúng như lời đồng tử áo vàng đã nói, trong sách Hậu Hán Thư đã ghi chép:

 Dương Bảo (楊寶) con là Dương Chấn (楊震), cháu là Dương Bỉnh (楊秉), chắt là Dương Tứ (楊賜), chít là Dương Bưu (楊彪) 4 đời đều làm quan đến chức Thái Úy và đều rất cương trực thanh liêm, được người đời truyền tụng cho đến hiện nay. Nên “KẾT CỎ” và “NGẬM VÀNH” hợp chung lại thành thành ngữ… ‘KẾT CỎ NGẬM VÀNH.’ ”

 KẾT CỎ NGẬM VÀNH để chỉ không quên được ân đức của người nào đó đã làm cho mình và nguyện báo đền cho đến chết cũng còn tìm phương báo đáp. Như lời của Thúy Kiều đã nói với Sở Khanh, khi Sở Khanh ngõ ý muốn cứu Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh:

 Dám nhờ cốt nhục tử sinh,

Còn nhiều KẾT CỎ NGẬM VÀNH về sau!

 Xin được kết thúc Thành ngữ Điển tích có liên quan đến từ NGẬM ở đây. 

 Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...