Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

VẪN LÀ CHUYỆN CỦA NGƯỜI - (3 + 4 ) - Thuyên Huy

 

Chuyện Ba

 

    Nhà hắn bên này chợ, mỗi sáng cứ thức sớm, ra cầu đò chờ mấy thằng bạn cùng lớp theo chuyến đò ngang từ cù lao bên kia nhánh sông, không rộng lắm, chưa có cầu qua đi học, hắn không hẳn là khoái mấy thằng bạn này nhưng thật ra là hắn thầm để ý nhỏ con gái, áo dài trắng bông bưởi, tóc dài đen mướt, học chung trường, dưới lớp, thường ngày đi đò sang, đón cùng chuyến xe đò nhỏ “Traction 403”, chiếc xe đò của của ông bác tư già, đậu ngay đầu chợ, đi xuống trường trung học quận.

    Chuyến đi chuyến về, chuyến sáng chuyến chiều, xe cũng ít khi có khách lạ, cũng chừng đó người trong xã, đám học trò như hắn thì vẫn như vậy dù cho xuân có đi hay thu có về, ngay cả chỗ ngồi cũng cứ thế. Mỗi môt ngày đi học với hắn là môt ngày vui, ngồi cuối cái băng ghế bên này lén trộm nhìn chỗ đầu cái băng ghế bên kia, gần cửa ngăn nơi chú tài xế, nơi cô con gái bên cù lao ngồi, vài phút cũng đủ cho hắn có một giấc mơ đẹp, êm ái suốt đêm.

    Vậy rồi hắn cũng quen được và đã đưa nhau về đón nhau đi, mấy thằng bạn ngày nào lúc này đã trở thành chuyện của người dưng nước lã, nhưng vẫn còn là cái thuở ban đầu thôi chứ chưa có thề nguyền hẹn ước, nói nôm na là chút tình bạn thân, mặc dù hắn đã thương mất rồi nhưng chưa dám nói ra.

    Giữa mùa hè vài năm sau, năm cuối của trung học, sau ngày theo ba mẹ hắn về dưới quê nội, chừng hơn mười mấy ngày, trở lại nhà, buổi sáng, hắn theo đò ngang qua cù lao, cũng cái nắng của những ngày mới quen, trời âm ấm và lòng hắn cũng ấm, vội vã theo con đường đất quen, hai bên vẫn còn những cụm hoa dại vàng nở rộ, thong thả, ngay ngã ba, căn nhà của cô con gái đóng kín cửa, hoa cỏ trước sân vườn héo hắt úa rũ, hắn đứng tần ngần trước cái cổng rào cây lỡ, chờ một hồi đủ lâu, nhà vắng không người. Mưa từ cuối sông lớn ngoài kia bổng chợt lất phất về ngang, ướt sương sương trên đầu, hắn thẩn thờ nhìn ra nhánh sông nhỏ quen, con đò ngang đã qua bên kia bến chợ, mắt cay xé mắt. Cô con gái mà hắn thương thầm chưa kịp ngỏ đã theo gia đình rời cù lao, dọn đi xa, xa đâu đó tận ngoài miền biển mặn, một lần đi không một lời chia tay, một lời hẹn hờ.

   Mấy năm sau, một hôm buổi sáng trời sáng rực, trải dài một màu vàng ấm trên sân trường tiểu học xã, một cái xã hiền như cục bột, không xa không gần tỉnh thành lắm, học trò đã vào lớp từ lâu, một mình hắn đi qua đi lại trước cửa văn phòng, vui ra mặt, nhìn ra cổng chờ, chờ đón một cô giáo mới ra trường về nhận lớp ba, mà hắn phải dạy tạm hơn cả tháng rồi ngoài bổn phận của “ông hiệu trưởng”, tiếng dễ gọi của cha mẹ học trò nhà quê, đồng chua nước mặn, cua ruộng cá rạch. Hắn đứng khựng, chết trân, trước bực thềm, cô giáo mới, cô con gái của cái cù lao bên kia sông quê nhà ngày cũ, cũng không khác gì hắn, cô giáo mới cũng chết trân, bỡ ngỡ cả hai nhìn nhau không nói được gì hơn là hai tiếng gọi tên.

    Nắng lên cao thêm, cái nắng lấp xấp trưa, đong đưa len vào song cửa sổ, chen màu  áo cô giáo mới làm căn phòng ngập một trời tình hồng, không biết họ đã nói với nhau những gì nhưng, khi tiếng chuông reo báo giờ ra chơi, người ta thấy “ông hiệu trưởng” đứng bên cạnh cô giáo mới, có mấy cô khác vây quanh, cười khúc kha khúc khích ở một góc sân trường, dưới bóng mát tàn cây Phượng già vừa thay màu lá muộn, đám học trò chạy qua chạy lại, cũng cười rộn rã gọi cô gọi thầy, từ đó mấy cô dạy chung không gọi tên cô giáo mới nữa mà gọi cái gì đó khác, ai cũng biết tại sao.

 

Chuyện Bốn




 

    Bà ngồi bên này băng ghế, nhìn qua phía đối diện, chuyến xe đò nhỏ từ Sài Gòn về quê chiều nay vắng, không đông khách, hai đứa nhỏ, chắc là hai chị em, vì mặt trông giống nhau, đứa lớn độ chín hay mười, thằng nhỏ cũng không hơn bốn, ngồi hai bên người ni cô mặc áo nâu sồng bạc màu, cả ba lặng thinh nhìn ra xa, mấy cánh đồng ngoài đó, mùa này sau mùa gặt, khô cằn, trơ trơ gốc ra, chưa hẳn chiều nhưng mặt trời dường như ngấp nghé bỏ đi sau một ngày như mọi ngày. Bà về quê thăm mộ người thân, chứ không phải là người ở dưới đó, thấy hai đứa nhỏ dễ thương quá, nhất là nụ cười vô tư của thằng con trai, thắc mắc chợt lóe lên trong đầu, bất chợt khơi chút tò mò, bà khẻ xách túi vải mang theo, xề qua phía đó, làm dấu xin làm quen, bà ngồi xuống kế bên thằng nhỏ, người ni cô gật đầu cười đáp lễ, đứa con gái vẫn im lặng, hai người lớn nói qua nói lại, tiếng mất tiếng còn vì tiếng máy xe ầm ầm lùa vào bởi những luồng gió, những luồng gió ngược.

    Bà tới chùa thật sớm như đã hứa với người ni cô trên chuyến xe về quê chiều hôm qua, chùa nhỏ nghèo nàn, phong rêu xưa cũ, nằm chơ vơ, lẻ loi núp mình sau hai cây đa lớn, hàng cây Gòn rào xung quanh, ngó ra nhánh sông, bề ngang đủ rộng cho con đò ngang mõi tay chèo. Bà đến, hai đứa nhỏ nhớ mặt, đã có dạ thưa rồi, chạy ra vòng tay chào, người ni cô đứng ngay đầu lối đi nhỏ tới hậu liêu, hai người đi trước, hai đứa nhỏ quay lại chạy ra sân, tiếp tục việc quét lá chưa xong.

    Ngồi bên trong hậu liệu, cả hai, người kể chuyện và người nghe chuyện đều khóc, hai đứa nhỏ nhà ở cuối dòng của nhánh sông, phía cái ấp nhỏ, nghèo như người trong ấp, cha mẹ chết đuối khi chiếc xuồng ba lá đi quăng câu, bị dòng nước xoáy mạnh trong một buổi chiều giông bão lớn, ngay khúc sông trước sân chùa, ụp xuống thình lình giữa mùa mưa tháng Sáu, mưa gió ngập trời nước cuồn cuộn như lụt lũ, dân trong làng hai bên sông, tay hò miệng hét, người ghe người lội, túa ra, cuối cùng mấy giờ sau, và cho tới mấy ngày sau không tìm được xác, chắc có lẽ đã trôi ra ngoài biển, người ni cô làm lễ cầu siêu mấy ngày, viết tên họ trên tấm bài vị bằng cây, để trên cái bàn nhỏ, gần chánh điện. Hai đứa nhỏ mồ côi, người ni cô đem về chùa nuôi hơn hai năm qua.

    Hai đứa nhỏ theo bà về Sài Gòn, gọi bà ngoại, bà không giàu có gì, nhưng cái gánh chè bà bán mỗi chiều chạng vạng, từ đầu hẽm tới cuối hẽm, con hẽm dài quanh co như rắn, nối hai con đường lớn, nhộn nhịp người xe, xuôi ngược, đi về cũng làm bà đủ ăn ngày hai bữa. Căn nhà cây nhỏ, e dè nép mình giữa hai căn tường lầu khuất nắng, bà mua được từ lâu lắm rồi, trước thì vắng tanh, ra vào một mình thui thủi giờ tiếng nói tiếng cười vang rân, bà vui như chưa được vui từ ngày người con gái duy nhất của bà, mất vì một tai nạn lật xe đò, trên đèo gì đó từ ngoài miền Trung, trong chuyến mang trà thuốc về Sài Gòn bán như thường lệ, cô mất lúc vừa tròn hai mươi, trên bàn thờ cô vẫn cười, cái cười ngày cô còn sống.

     Bà cho hai đứa đi học ở trường tiểu học khu ngã ba ngoài đường lớn, đi bộ không xa, ê a cũng vui nhà vui cửa, chiều nào cũng vậy, cơm nước xong, bà quảy gánh chè đi bán, đi cho quen, biết đường biết ngõ, đứa chị theo nói cười luôn miệng, thằng em ở nhà, đóng cửa, chờ họ về, thường là về sớm. Những lúc nấu chè, chờ chín, hai chị em loanh quanh, bà dạy cách làm cách nấu, sắp xếp chén muỗng, nước nôi cho hai cái thùng đầu gánh, mười một tuổi rồi, bà tin rằng, là con gái nữa, chắc nó biết và nhớ.

    Bà ngoại mất mấy năm sau, đứa chị lên trung học, thằng em lớp nhì tiểu học, ngoại nghèo,sau ngày bà mất mấy hôm, trong hộc tủ, chỗ hai chị em chưa dám tới gần, đứa chị tìm thấy một cái bao vải đen bạc màu nhỏ có dây cột kín, không biết ở trong hộc tủ bao lâu rồi, trong đó có chừng mấy ngàn đồng tiền giấy và miếng giấy có chữ viết tay của bà ngoại “để dành cho hai con”, đứa chị cầm bao vải, hai chị em ngồi bệt xuống nền nhà, ôm nhau gọi “ngoại hởi ngoại ơi”, khóc sướt mướt. Những ngày sau đó, cũng gánh chè cũ, cũng buổi chiều khi phố sắp lên đèn, đi bán trong hẽm như ngày nào, nhưng người gánh chè không phải là bà ngoại nữa, mà là đứa chị, đứa con gái mồ côi vừa lên mười lăm.

    Một ngày trước Ba Mươi Tết, đứa chị dắt đứa em đón xe đò về quê, mang theo tấm hình ngoại và người chị gái con bà để trên bàn thờ, về tìm lại người ni cô và ngôi chùa năm xưa. Hai chị em ở lại chùa tới qua ngày mùng Hai Tết, trước khi về lại Sài Gòn, hai chị em đứng trước sân chùa, ngay bờ sông, chấp tay xá một hơi, lạy không biết bao nhiêu lần, mỗi lần là một lần khóc, người ni cô đứng phía sau cũng khóc. Người ni cô xưa giờ cũng già yếu, trong chùa từ hôm đó có thêm hai bài vị, tiếng mõ cầu kinh buổi chiều thường ngày, kéo dài thật dài và buồn nảo lòng hơn trước.

   

Thuyên Huy

Viết bằng tưởng tượng, cho những người ở quê nhà xưa, có thể mình là người trong chuyện, xứ người 2020.


Mời Xem :Vẫn Là Chuyện Của Người - Thuyên Huy (Chuyện 1 và 2


1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...