Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Vẫn Là Chuyện Của Người - Thuyên Huy (Chuyện 1 và 2 )

 1/


Vẫn Là Chuyện Của Người

Chuyện Một


    

    Trong chợ làng, có thể nói không sai, chị là người xấu nhất, có lẽ do “trời bắt xấu”. Người chị béo mập, thấp lùn, mặt tròn to, mũi tẹt, nước da đen hơn bánh ít nhưng được một cái chị rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ, thưa gởi dạ thưa, chăm chỉ làm lụng, ít khi ra ngoài, đánh đôi đánh đọ nên chẳng làm phiền ai. Người ta không biết chị sinh đẻ ở đâu, chỉ biết chị là con nuôi của hai bác Tư, căn nhà mái tôn, vách thiếc, cách nhà lồng chợ một con đường đất mòn, có sân trước rộng, chạy dọc theo bờ mương, ngó xéo qua dãy tiệm quán bên kia phố.

   Nhà cũng đủ ăn, hai bác có chừng chục mẫu ruộng, cho người ta mướn đâu đó bên miệt dưới. Hai bác có mỗi một người con trai duy nhất nhưng không may, anh mất khi vừa lên ba tuổi vì bệnh sốt xuất huyết, chết trên đường xe lam chở tới bệnh viện quận lúc chưa kịp nửa đêm, chừng hơn một năm sau, thì chị từ đâu đó chừng sáu bảy tuổi, về ở với ông bà, láng giềng xung quanh từ đó có thêm một con nhỏ họ luôn miệng gọi “con nhỏ con bác tư ruộng” mà không gọi tên.

    Hai bác cho chị đi học trường làng, học ráng lên tới lớp ba, chậm hiểu, chữ vào chữ ra, học hơi dỡ, dù hai bác khuyến khích đủ thứ, cũng không khá hơn, thôi thì chị biết đọc biết viết chút đỉnh, dăm ba chữ thì tốt rồi, đành để chị bỏ học, ở nhà phụ giúp lặt vặt, cũng ngộ, xem ra chị không có gì nhớ gì buồn, dù trống trường mỗi ngày sát cạnh nhà, nghe vẳng vẳng bên tai, với chị không có mùa hè không có hoa phượng nở.

    Rồi chị lớn lên, vốn đã xấu giờ lại xấu thêm, mấy người, trai gái cùng tuổi chị trong những ngày tiểu học, giờ người đã làm cô giáo, y tá, hay đã có chồng, có vợ, chị vẫn quạnh quẽ một mình, người trong chợ ngồi lê mách lẽo, họ thì thầm rù rì rủ rỉ chê chị “xấu quá chắc không ai thèm ngó” hay “chắc đành phải ế thôi” nhưng không dám to tiếng ra mặt vì vẫn còn kính nể hai bác Tư, vì họ, đã từng nhờ hai bác giúp, nhất là đám nhà nghèo ấp dưới, tuy không nhiều nhưng cũng qua được những cơn túng thiếu.

    Chị biết chứ, nhưng chị làm ngơ, chị vẫn cười tươi như đã từng cười khi mới về chợ làng, mỗi khi gặp mặt nhưng nếu nhìn cho kỹ, nhất là những buổi chiều tàn, lùa đàn gà vào chuồng, đếm cho đủ số xong, nghỉ tay, thấy chị đứng bên góc cây chùm ruột góc sân sau nhìn mông lung xa xa, một nơi nào đó không ai biết, lưa thưa gió chiều thổi qua đầu, lùa mớ tóc dài rối, ít khi chảy gọn, lòa xòa che không trọn hết đôi mắt, đôi mắt chị buồn dịu vợi, buồn se thắt, buồn nảo nuột.

    Cũng may, không lâu sau đó, chị có người thương, anh là con trai một của hai vợ chồng nhà trồng xà lách trên miếng đất nhỏ, ở cuối ấp, bên ngoài bờ rào ấp chiến lược bị tháo bỏ từng mãnh từ mấy năm trước, không mấy xa, bán ở chợ làng, như chị, không may anh cũng xấu, một chân một tay có tật, đi cà nhắc, miệng hơi méo, nói tiếng mất tiếng còn, nhưng hai người lại phải lòng nhau, vì lẽ nào không biết rõ, chỉ biết là lúc này, bác tư gái hơi yếu, chị đi chợ sáng thường hơn trước và người ta thấy chị thường đứng hơi lâu nơi chỗ bán xà lách. Vậy là dân chợ làng có thêm chuyện để xầm xì, nói gần nói xa “nồi nào úp vun nấy”, anh chị không màn, nghe đó, nhưng cứ tản lờ không nghe, cười vui với số phận trời định, bên nhau cuốc đất, nhổ cỏ ở miếng đất trồng xà lách.

    Cũng như các nơi khác, chiến tranh bắt đầu lớn dần sau vài năm chỉ có tiếng súng lẻ tẻ xa xa, quân du kích gì đó từ cái gọi là “mật khu”, nhiều lần về đêm tràn vào chợ làng, súng đạn đầy người, đánh nhau với lính nghĩa quân VNCH, đèn tắt, cửa đóng sớm hơn trước. Một ngày, buổi sáng, sương mù mờ, mặt trời chưa lên hẳn, mới hé chút xíu hừng đỏ bên kia sông, có tiếng nổ lớn vang trời ngoài phía hàng rào bờ ấp chiến lược, gần chỗ trồng xà lách, người trong chợ làng, ùa chạy ra đó, xác anh chị nằm chéo nhau, đầy máu, trên luống đất còn dấu mới xới lên, ướt đẩm sương đêm, vì trái mìn nổ không biết do bên phía nào, du kích hay lính nghĩa quân gài còn xót lại, tung lên sáng hơn cả sấm chớp.

    Anh chị chết bên nhau, trước ngày hai bên gia đình định làm cái lễ nhỏ, cho hai người nên vợ nên chồng, một hai bữa.

   

Chuyện Hai

 

    Trong đám cùng quê cùng làng lên trung học trường tỉnh, bốn năm đứa, Triệu là thằng ít nói nhất, cười mĩm nhiều và đặc biệt là cái gì cũng từ từ, từ đi đứng tới hành động, không có gì đối với nó là vội vàng, hối hả cả. Lên tỉnh, cả bọn đều ở trong ký túc xá của trường, không cần lo chuyện chỗ ăn chỗ ở, trong cả đám chỉ có một đứa học giỏi là con của nhà khá giả ở chợ xã, mấy đứa còn lại trong đó có Triệu, học hành cở trung bình, khi vầy khi khác, nhưng năm nào cũng lên lớp, vẫn chơi thân, giúp nhau chuyện này chuyện kia, kể cả chia nhau mấy cái thứ quà ăn lặt vặt mỗi khi sáng lên những khi chiều xuống.

    Ở mấy năm lớp dưới, không nghe nó có nói câu gì đáng để người ta nhớ lắm nhưng tới cuối năm đệ tứ, không biết nó có ý gì hay đã thấm nhuần lý lẽ đất trời, chắc không phải vậy vì ít khi thấy nó đọc sách, ngoại trừ ba bốn cuốn truyện trinh thám này nọ, mỗi khi thấy ai đó lăng xăng, hối hả, lo chuyện này trễ nãi, chưa xong chẳng hạn, ngay cả giờ cơm ở ký túc xá, nó cũng từ tốn, cười cười lập tới lui cái câu “đời phù du mà”, do câu nói đó  mà bạn bè, gắn cho nó cái biệt danh “Triệu phù du” cho tới cuối mùa thi Tú Tài Một.

    Đầu năm Đệ Nhị, sau buổi lửa trại của trường, coi vậy dù đời phù du, nó để ý tới một cô học lớp Đệ Tam, dễ thương lắm, cô này hát bài tình ca gì đó trong buổi văn nghệ, vậy là biết thương, biết yêu, không lâu nó lại làm quen được và xem ra cô này cũng có vẻ thích nó, những chiều chờ giờ cơm, bạn bè giờ thấy nó đôi khi ngồi nhìn xa xa “sầu tư biếng lự”, nhưng nó cũng cứ từ từ như thường, bạn bè nói ra nói vô, thúc nó tiến tới nhanh tay kẻo vụt mất “theo gió ngàn bay”, nó cứ cười “đời phù du, có gì đâu mà hối hả”. Đôi khi thấy nó đi bên cô gái đó, chiều trên đường tan trường về, thấy nói qua nói lại, nó có nói nhưng không ai biết nó nói gì.

     Rồi theo chu kỳ năm tháng, cuối năm Đệ Nhị, mùa hè đến, phượng nở ve kêu, học trò sân trường, bảng đen phấn trắng, buồn buồn hát bài “Nổi buồn hoa Phượng”, lớp nhỏ, ngây thơ, nắn nót, lựa màu chuyền nhau viết lưu bút, lớp lớn cũng viết nhưng lời lẽ của tuổi biết buồn, tuổi ngấp nghé sắp làm người lớn. Nó cũng vậy, cũng viết gì đó trong cuốn lưu bút mà cô con gái Đệ Tam trên trang giấy màu xanh hy vọng, viết xong xem ra nó hài lòng, chắc là làm thơ nhưng không chịu đưa cho đám bạn cùng quê xem, hỏi tới hỏi lui thì vẫn cứ như cũ, cười mĩm với ba chữ “đời phù du”.

    Tựu trường trở lại, mùa thi xong, không may đám bạn nó, ba thằng rớt Tú Tài Một, trong đó có nó, nó không buồn không trách trời cao đất rộng, hai người đậu, trở lại trường năm Đệ Nhất, ba người kia cũng trở lại trường nhưng đứng ngoài cổng rào, chào giã biệt ngôi trường, lớp học trước ngày vào lính, cũng hôm đó, nó biết tin cô con gái lớp Đệ Tam đã lấy chồng về xứ khác.

    Ra trường Hạ sĩ quan, nó về một tiểu đoàn Địa phương quân, ở một quận nhỏ, nghèo nàn miền Tây. Một buổi sáng trời nắng sớm, nó cùng vài người lính khác, ngồi uống cà phê, ở cái bàn đặt bên hông nhà lồng chợ của cái tiệm bán cơm duy nhất trong quận, bị hai tên du kích chạy xe gắn máy Honda ngang, quăng mấy trái lựu đạn nổ tung rồi biến mất cuối chợ, không may, mấy người lính khác bị thương nhẹ, và có lẽ số mệnh đã dành hai chữ “phù du” cho nó từ ngày còn nhỏ, nó gục chết dưới đất. , “Triệu phù du” không còn nữa trên cõi đời khi tuổi vừa qua mười chin.

Thuyên Huy

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...