Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

KIM DUNG GIẢ Phạm Anh Dũng


Hồng Hoa Kiếm là một bộ truyện kiếm hiệp. Tên tác giả ở ngoài bìa sách là Kim Dung và do Ðiền Trung Tử dịch thuật.

Những trang đầu tiên của bộ chuyện kể chuyện cô nàng Lý Mộng Ngọc, tình cờ nhìn thấy thầy giáo Lục Phỉ Thanh dùng phương pháp Phù Dung Kim Châm phóng kim giết ruồi, mà sau đó được Lục Phỉ Thanh nhận làm học trò dạy công phu võ nghệ.

Ngoài chuyện đuợc hiệp sĩ Lục Phỉ Thanh phóng kim giết, để cho những “người thường” lấy quạt hay giấy báo gấp lại đập chết và để cho những nhà khoa học nghiên cứu, có lẽ không thấy ai dùng ruồi nhặng vào việc gì khác hữu ích cả. Ai cũng nghĩ ruồi nhặng là những côn trùng rất bẩn, gây bệnh và chẳng ai muốn “dây vào” ruồi nhặng làm gì cho “mang họa.”

Nhưng ruồi nhặng đẻ ra dòi (fly larva hay maggots) và những con dòi đã được dùng bỏ vào các vết thương nhiễm trùng, để làm lành vết thương thay cho thuốc trụ sinh (antibiotic). Có những thành công hiệu quả không ngờ của phương pháp trị bệnh bằng dòi (maggot therapy).

Thật ra chuyện chữa vết thương bằng Dòi không phải là vấn đề chỉ mới được thực hiện gần đây. Hàng bao nhiêu thế kỷ ngày xưa, trước khi khám phá ra trụ sinh, các thầy thuốc đã dùng dòi đặt vào vết thương để làm mất đi những mô, tế bào đã chết thối hay để cho vết thương chóng lành. Phương pháp này sau đó bị bãi bỏ hoàn toàn, vì sự phát minh ra thuốc trụ sinh, hay còn gọi là thuốc kháng sinh, để chống lại những bệnh nhiễm vi trùng.

Tuy vậy, sau một thời gian xử dụng, trụ sinh có thể mất hiệu quả vì sự kháng thuốc của vi trùng. Càng về sau này, vi trùng càng kháng thuốc trụ sinh nhiều hơn. Trụ sinh không còn hiệu nghiệm nữa vì vi trùng đã “quen thuốc.” Lý do chính là thuốc được dùng nhiều quá và nhiều khi quá cẩu thả.

Ngày nay, tại một số quốc gia tân tiến kể cả Anh Quốc và Hoa Kỳ, có những y sĩ lại quay trở lại cách chữa những vết thương nhiễm trùng bằng phương pháp ban sơ: họ lại dùng dòi!

Ở Hoa Kỳ, ở Ðại Học Ðường California tại Irvine (UCI), có một trung tâm chuyên môn dùng dòi để chữa vết thương nhiễm chùng đã thối rã. Họ cũng sản xuất một số dòi để bán nhưng chỉ gửi đến vài nhà thương ở Hoa Kỳ để dùng chữa bệnh.

Việc dùng dòi để chữa trị ở Hoa Kỳ tương đối không đuợc phổ biến nhiều như bên Anh Quốc và một số quốc gia Âu Châu khác.

Trong một lá thư được đăng ở British Medical Journal, số ngày 20 tháng Ba, năm 1999, Bác sĩ John Church, thuộc International Biotherapy Society ở Bourne End cùng những y sĩ khác ở bệnh viện Princess of Wales ở Bridgend, Anh Quốc, cho biết đã đặt những con dòi vô trùng (sterile larva) vào vết thương và đã làm sạch, làm lành vết thương bị nhiễm trùng.

Theo những chuyên viên y khoa này, chữa vết thương bằng dòi cũng gần như là làm một cuộc giải phẫu sinh học (biosurgery). Và cũng theo họ, phương pháp dùng dòi đã thấy có hiệu nghiệm trong nhiều loại vết thương nhiễm trùng khác nhau, có những vi trùng kháng đủ mọi thứ thuốc trụ sinh. Ðặc biệt, họ cho biết có những kết quả rất khả quan trong việc chữa những vết loét nhiễm trùng ở bàn chân của những bệnh nhân bị đái đường (ulceration of diabetic foot). Thường những vết thương này rất khó chữa và có khi không chữa được, phải cưa chân.

Cơ chế của phương pháp dùng dòi chữa vết thương nhiễm trùng chưa được rõ ràng. Các tác giả của lá thư từ Anh Quốc nghĩ có thể vì dòi đã sinh sản ra một chất tương tự như là trụ sinh, hoặc là dòi đã làm thay đổi nồng độ acid (pH) của vết thương, hoặc dòi đã tiêu hóa và giết vi trùng. Trong một cuộc khảo cứu, người ta đã còn tìm thấy trong phân tiết (secretion) của dòi có những chất làm kích thích được sự sinh sản những tế bào, mô lành mạnh.

Những viên chức y tế trong chính phủ Anh có vẻ đồng ý như vậy. Theo các tác giả của lá thư, đã có hơn 3500 lọ đựng dòi vô trùng (sterile larvae) loại Lucilia sericata, là dòi của loài ruồi nhặng xanh (the common greenbottle), loại nhặng thường bay ở trong nhà, được gửi cung cấp đến 400 trung tâm y khoa ở bên Anh.

Tổng quát, hiện nay phương pháp chữa trị bằng dòi vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và chỉ để dành cho những trường hợp các vết thương lở loét ở giai đoạn cuối, đã thối dù đã chữa bằng nhiều trụ sinh khác nhau hay giải phẫu.

Bác sĩ John Church và các đồng môn của ông ở Anh Quốc đề nghị nên dùng dòi để chữa các vết thương nhiễm trùng sớm hơn, thay vì đợi đến lúc cuối khi thấy “hết thuốc chữa”. Họ cho là dùng dòi chữa vết thương an toàn và hiệu nghiệm như trụ sinh.

Trở lại chuyện kiếm hiệp Trung Hoa của Kim Dung. Tác giả Kim Dung có rất nhiều bộ kiếm hiệp có thể nói là tuyệt tác như Lục Mạch Thần Kiếm, Cô Gái Ðồ Long, Anh Hùng Xạ Ðiêu, Thần Ðiêu Ðại Hiệp, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Ðỉnh Ký… Những bộ truyện khác cũng hay là Thần Ðao Hồ Ðại Ðởm, Huyết Hoa Lục… Ðộc giả chuyện Kim Dung bị lôi cuốn, say mê và có thể nhận ngay ra bút pháp thần kỳ, có một không hai trên đời, của ông.

Nhưng, có nhiều chuyện kiếm hiệp đề tên tác giả là Kim Dung nhưng có thể đoán được không phải do chính Kim Dung viết.

Hồng Hoa Kiếm là một thí dụ điển hình, rõ ràng do một người… Việt Nam viết!

Vào chuyện, bắt đầu của trang thứ nhất là những câu thơ:

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung…”

Chả lẽ Kim Dung lại lấy thơ Chinh Phụ Ngâm Khúc của Nữ Sĩ Việt Nam Ðoàn Thị Ðiểm ra để làm thơ mở đầu cho quyển truyện. Chuyện tuy có thể xẩy ra nhưng không lẽ lại xẩy ra!

Trang thứ hai, người viết muốn giả làm Kim Dung, nhưng đã lại… “lòi đuôi” ra ngay:

“…Thời ấy nước ta nhằm thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, bên Tàu vào đời vua Càn-Long nhà Thanh năm thứ mười ba, vào giữa tiết thu lạnh lẽo…”

Không thể nào Kim Dung lại có thể viết: “…Thời ấy nước ta nhằm thời Tây Sơn Nguyễn Huệ…” Ông Kim Dung đâu có phải là người Việt Nam!

Nhưng căn bản quan trọng nhất là Hồng Hoa Kiếm là một trong những quyển tiểu thuyết kiếm hiệp thật nhàm chán. Càng đọc về sau càng thấy không hay và khó có thể đọc hết được cả bốn quyển. Không thể nào Kim Dung có thể viết chuyện không có gì hay như vậy!

Tương tự như Hồng Hoa Kiếm, những bộ chuyện như Hậu Cô Gái Ðồ Long, Hậu Thần Ðiêu Ðại Hiệp… in ra đề tên tác giả Kim Dung nhưng đọc thấy rõ ngay không phải của ông. Những quyển truyện này đề có những cốt chuyện, tình tiết… thật là tầm thường, không mạch lạc và làm độc giả thấy chán ngán, mất thì giờ khi đọc.

Ðó là những chuyện kiếm hiệp hầu như chắc chắn đã viết ra bởi những Kim Dung… giả!

Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...